44 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói

LAODONG:

Thứ Năm, 17.2.2011 | 07:46 (GMT + 7)

(LĐ) - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick hôm 15.2 cảnh báo, giá lương thực thế giới đã tăng cao lên mức “nguy hiểm”. Điều này làm phức tạp hóa tình hình chính trị và xã hội vốn đã bất ổn ở Trung Đông và gây tác động lớn ở khu vực Trung Á.

Người Sri Lanka biểu tình phản đối giá lương thực tăng cao.
Người Sri Lanka biểu tình phản đối giá lương thực tăng cao.

Ông Robert Zoellick nhấn mạnh, giá lương thực thế giới đã tăng 29% trong năm qua. Từ giữa tháng 10.2010 đến tháng 1.2011, chỉ số giá lương thực đã tăng 15%. Hiện tốc độ tăng giá chỉ còn 3% nữa là đạt đỉnh cao của thời khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008.

Theo Chủ tịch WB, nhân tố chủ yếu tác động tới sự tăng giá đột biến này là thời tiết bất thường và việc một số nước cấm xuất khẩu, khiến giá lúa mì tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 6.2010 đến tháng 1.2011, giá ngô tăng 73%, giá đường tăng 20% và giá dầu ăn tăng 22%.

WB cho rằng, giá lương thực tăng cao đã đẩy thêm 44 triệu người vào mức đói nghèo nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, kể từ tháng 6.2010 đến nay (bên cạnh gần 1 tỉ người đã phải sống trong cảnh nghèo khổ trước đó).

Theo ông Zoellick, mặc dù giá lương thực tăng cao không phải nguyên nhân chính dẫn tới tình hình biểu tình bạo lực ở Ai Cập và Tunisia, nhưng đó là yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình.

Tại Ấn Độ, giá lương thực tăng cao đã khiến nhiều gia đình phải cắt giảm lượng thịt và cả rau trong khẩu phần. “Tôi đã dừng mua thịt cho nhà và thành phần chính trong bữa ăn là hành tây” - ông Rajesh Kumar, công chức chính phủ ở Ấn Độ, có vợ và 3 con trai - nói.

Tại Trung Quốc, các chủ khách sạn cũng méo mặt vì giá cao. Chị Liu Shaozhen - chủ một cửa hàng ăn nhanh ở Bắc Kinh - cho biết, chị phải trả 34USD cho bình dầu trộn salad 20kg - gấp đôi giá của tháng 9.2010. Giá gạo cũng tăng thêm 40%. Do cạnh tranh khốc liệt, chị không dám tăng giá bán hay giảm khẩu phần. “Tôi chả còn tí lợi nhuận nào, thậm chí còn lỗ” - chị nói.

Do lo ngại bất ổn tiềm tàng, chính phủ nhiều nước đang cố gắng kiềm chế tốc độ tăng giá lương thực. Nhưng họ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà quá nhanh sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu tăng chậm thì sợ vấn đề vượt quá tầm kiểm soát. Lạm phát giá lương thực ở Indonesia trong tháng 1 là 7%, Ấn Độ 8,2% và Trung Quốc là 10%.

“Chỉ 3 năm sau khủng hoảng giá lương thực, giá hầu hết các mặt hàng quan trọng đều tăng chóng mặt” - báo cáo của Ngân hàng Credit Suisse nói.

Người đứng đầu WB kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải lưu ý đến nguy cơ tăng giá lương thực và không nên làm trầm trọng hơn vấn đề bằng cách ban hành ra những chính sách như cấm xuất khẩu, mà có thể đẩy giá lương thực lên cao hơn.

M.Đ (Theo AP, Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét