Iran lên án phương Tây kích động biểu tình

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 3:49 PM, 16/02/2011

Tổng thống Ahmadinejad: "những kẻ đứng đằng sau các cuộc biểu tình sẽ thất bại". (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 15/2 cho rằng những diễn biến đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy "Iran có kẻ thù".

Chính phủ Iran ngày 15/2 đã lên án phương Tây kích động các cuộc biểu tình chống đối tại nước này.

Ông Ahmadinejad, Tổng thống Iran, khẳng định "những kẻ đứng đằng sau các cuộc biểu tình sẽ thất bại".

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani còn đích danh tố cáo Mỹ, Anh và Israel đã dàn xếp các cuộc biểu tình chống Chính phủ tại Iran và cho rằng thủ lĩnh phe đối lập đã bị những thế lực này thao túng.

Phó Chỉ huy Cảnh sát Iran Ahmad Reza Radan cũng đổ lỗi cho Mỹ, Israel và Anh về những bất ổn tại Iran trong những ngày qua.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ phe đối lập, coi đây là hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iran.

Trưởng công tố kiêm người phát ngôn tư pháp Iran Gholam-Hossein Mohseni-Ejei cáo buộc Mỹ đã tài trợ cho lực lượng đối lập tại Iran thực hiện các hành động "phản cách mạng".

Hãng tin chính thức IRNA đưa tin các nghị sĩ Iran ngày 15/2 đã đề nghị Quốc hội trừng phạt nghiêm khắc những thủ lĩnh đối lập đã phát động biểu tình. Tuyên bố chung của 223 nghị sĩ nói rằng, hai thủ lĩnh phe đối lập Mir Hossein Mousavi, Mehdi Karroubi và cựu Tổng thống Mohamad Khatami phải chịu trách nhiệm về những bất ổn trong những ngày qua tại Tehran. Quốc hội Iran đã thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét và trong vài ngày tới sẽ đưa ra quyết định về việc chính phủ cần xử lý như thế nào đối với các đối tượng này.

Hai thủ lĩnh đối lập Mousavi và Karroubi đã phát động cuộc biểu tình ngày 14/2, với lý do ban đầu là ủng hộ các cuộc biểu tình tại Ai Cập và Tunisia. Tuy nhiên, sau đó biểu tình đã chuyển sang chống chính phủ và xung đột đã nổ ra giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh làm hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương./.

Theo TTXVN


Tuoitre.vn: Thứ Năm, 17/02/2011, 07:30 (GMT+7)

Thư Iran

Tehran sợ “hoa lài”

TT - Từ thủ đô Tehran, chị bạn Nasiri (không phải tên thật) gửi cho tôi một email ngắn gọn: “Những ngày này chúng tôi rất quan tâm tới những diễn biến ở Cairo”.

Cuộc biểu tình ở Iran ngày 16-2 nhân đám tang của Sanee Zhaleh, người bị bắn chết trong cuộc tuần hành hai ngày trước đó - Ảnh: Reuters

Có lẽ ít có quốc gia nào lâm vào tình cảnh trớ trêu như Iran khi sự ủng hộ họ dành cho những cuộc biểu tình tại Ai Cập có nguy cơ trở thành một cái boomerang dội ngược trở lại người ném!

Chính phủ Iran, mà quyền hành thực chất nằm trong tay hội đồng giáo sĩ, đứng đầu là Ayatollah Khamenei, đã ủng hộ công khai và mạnh mẽ các cuộc biểu tình tại Tunisia và nhất là Ai Cập. Lý do trước hết là mối quan hệ giữa Iran và tổ chức Những người anh em Hồi giáo (MB), sau là ông Mubarak luôn là cái gai trong mắt Iran suốt 30 năm qua.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Iran với MB, vốn có ảnh hưởng rất lớn trong dân chúng tại Ai Cập, Tunisia, Algeria, Yemen, Jordan..., đã có từ thời giáo chủ Ayatollah Khomeni - người khởi xướng cuộc cách mạng Hồi giáo Iran. Tuy MB theo phái Sunni, Iran theo phái Shiite, nhưng khẩu hiệu ”Đạo Hồi là giải pháp” của họ rất phù hợp với chủ trương Hồi giáo hóa xã hội của Ayatollah Khomeni.

Trong khi đó quan hệ giữa Iran - Ai Cập từ lâu đã xấu. Dưới thời Tổng thống Mubarak, quan hệ này càng tệ hơn do ông Mubarak là đồng minh thân thiết của Mỹ và có thái độ hòa hoãn với Do Thái, hai nước mà Iran coi như tử thù.

Lẽ ra chính quyền Tehran phải vui mừng khi Tổng thống Mubarak từ chức, khiến Mỹ và Do Thái mất đi một trợ thủ đắc lực tại khu vực này. Đằng này lại không. Thực tế lại không đơn giản như vậy.

Phong trào đấu tranh đòi dân chủ, bắt đầu bằng những cuộc biểu tình tại Tunisia vào tháng 12-2010, được báo chí phương Tây gọi là cuộc ”cách mạng hoa lài” đang lan nhanh trong khu vực. Mặt khác, tuy MB đóng một vai trò rất quan trọng trong phong trào lật đổ ông Mubarak và chắc chắn sẽ có tiếng nói trong chính phủ mới (trong kỳ bầu cử Quốc hội Ai Cập 2005, MB đã giành được 88 ghế, tức 20% tổng số, trở thành đảng đối lập lớn nhất tại đây) nhưng khả năng thành lập một nhà nước Hồi giáo kiểu Iran tại Ai Cập là rất thấp. Lý do trước tiên là nếu Ai Cập đi theo đường lối Hồi giáo bảo thủ thì công nghiệp du lịch nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2010, ngành du lịch đã đem lại cho Ai Cập 11,6 tỉ USD, chiếm 11% GNP.

Những nguyên nhân dẫn đến biểu tình tại Tunisia và Ai Cập như nạn thất nghiệp, tham nhũng, nghèo đói, kinh tế lạm phát cũng là những vấn đề chung của nhiều nước trong khu vực này, kể cả Iran.

Các lãnh đạo ”phong trào xanh” tại thủ đô Tehran - tập hợp những người đã xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống Iran năm 2009 và đòi thực thi cải cách - đã xin phép được tổ chức biểu tình tại Tehran ngày 14-2 để bày tỏ sự ủng hộ phong trào dân chủ Ai Cập. Cuộc biểu tình này là sáng kiến của hai cựu ứng cử viên tổng thống Mir Hussein Moussavi và Mehdi Karroubi, các đối thủ chính trị chính của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Thế nhưng, Tehran đã không chấp nhận cho dù Chính phủ Iran nồng nhiệt ca ngợi ”thắng lợi của nhân dân Ai Cập”.

Dù bị cấm, biểu tình vẫn nổ ra tại trung tâm thủ đô Tehran. Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán và bắt giữ nhiều người. Theo BBC, trong những người bị bắt giữ có ông Moussavi - hiện cũng đang trong diện bị quản thúc như ông Karroubi.

Đối với những người dân thủ đô Tehran như chị Nasiri thì chuyện cấm biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ ở Ai Cập chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

QUẾ VIÊN

Biểu tình căng thẳng tại nhiều nước ở Trung Đông

Làn sóng biểu tình ở khu vực Trung Đông ngày 16-2 chuyển trọng tâm qua các quốc gia Bahrain, Yemen với việc hàng ngàn người tiếp tục đổ xuống đường biểu tình.

Tại Bahrain, hàng ngàn người tiếp tục biểu tình sau một đêm cắm trại trên quảng trường Pearl, thủ đô Manama, theo AFP. Làn sóng chống đối yêu cầu Thủ tướng Khalifa bin Salman al-Khalifa, chú của nhà vua, từ chức sau gần 40 năm cầm quyền.

Tại Yemen, làn sóng biểu tình chống chính phủ bước sang ngày thứ năm đầy căng thẳng. Yemen Post cho hay khoảng 2.500 người đã xuống đường ở Taiz đòi lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người đã nắm giữ chiếc ghế quyền lực này hơn 32 năm qua. Còn ở nhiều nơi như thủ đô Sanaa, thành phố Aiden xô xát đã xảy ra làm ít nhất hai người thiệt mạng.

Tại Libya, cảnh sát đã đàn áp cuộc biểu tình chống chính phủ trong đêm 15 và sáng 16-2 tại Benghazi làm hàng chục người bị thương, trong đó có 10 cảnh sát.

Trong khi đó, Reuters ngày 16-2 đưa tin ít nhất ba người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong làn sóng biểu tình tại thành phố miền nam Kut của Iraq có sự tham gia của hơn 2.000 người. Những người chống đối chiếm giữ và đốt phá các tòa nhà chính phủ.

Tại Iran, Reuters cho biết đụng độ lại xảy ra ngày 16-2 giữa phe ủng hộ và chống đối chính phủ tại lễ tang của một sinh viên thiệt mạng hôm 14-2 ở Tehran.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 15-2 đã lên án làn sóng biểu tình đòi lật đổ chính phủ. Đến nay, Iran vẫn đổ lỗi cho Mỹ và phương Tây đứng đằng sau làn sóng biểu tình.

TRẦN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét