Có lẽ cũng đã đến lúc dừng lại đôi chút, thử đóng vai một "phán quan lịch sử" để nhìn lại tương đối toàn diện sự nghiệp của vị Pharaon Ai Cập cuối cùng này.
Trong bài phát biểu vào ngày 1/2/2011, Hosni Mubarak nói: "Lịch sử sẽ phán xét tôi như nó đã làm với những người khác..." Vào giờ phút khi hàng triệu con tim đang ăn mừng một chiến thắng chưa từng thấy của nhân dân Ai Cập, hẳn tất cả đều hình dung về vị tổng thống "trị vì" suốt 30 năm này như một hôn quân khét tiếng: tham quyền cố vị, vơ vét tất cả cho mình...
Thắng tiếp tục làm Pharaon, còn thua không là gì cả! Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc dừng lại đôi chút, thử đóng vai một "phán quan lịch sử" để nhìn lại tương đối toàn diện sự nghiệp của vị Pharaon Ai Cập cuối cùng này.
Bàn tay thép đích thực và dân chủ giả hiệu
Ngay sau khi tổng thống tiền nhiệm Anwar Sadat bị ám sát, Hosni Mubarak trở thành tổng thống. Việc đầu tiên khi Mubarak lên cầm quyền là tuyên bố luật tình trạng khẩn cấp. Luật này cho phép Mubarak nắm giữ hoặc kiểm duyệt tất cả các ấn phẩm và các phương tiện truyền thông khác, bao gồm quảng cáo, tìm kiếm trên mạng và thu giữ thư, khóa điện thoại và các kết nối Internet, yêu cầu phê duyệt việc đưa tin tất cả các cuộc họp chính trị, bắt giữ và giam cầm các cá nhân mà không cần xét xử, hoặc kết án bất đồng chính kiến chính trị trong những phiên tòa bí mật...
Mubarak liên tục gia hạn luật tình trạng khẩn cấp này, cũng như tận dụng tối đa quyền lực của nó trong suốt thời gian cầm quyền. Quân đội Ai Cập từng trấn áp những cuộc nổi loạn của các cảnh sát bất mãn vào năm 1986. Mubarak đã tung ra những chiến dịch đàn áp đẫm máu đối với người Hồi giáo, đặc biệt là trong những năm 1990, khi hàng ngàn người chết và bị cầm tù sau chuỗi các vụ tấn công khủng bố và ám sát, bao gồm cả những cuộc nhắm vào Mubarak.
Năm 2005, Mubarak đã dẹp tan một phong trào chống đối tương tự phong trào tháng 1 vừa qua. Khi đó, Mubarak đe dọa các lãnh đạo của tổ chức đối lập Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood), trấn áp những người biểu tình tầng lớp trung lưu và bắt hết những người tổ chức biểu tình.
Hosni Mubarak - người "trị vì" đất nước Ai Cập trong suốt 30 năm |
Là một trong những tổng thống tại vị lâu nhất, "bàn tay thép" của Hosni Mubarak đã thiết gọng kìm lên mọi cấp độ của xã hội Ai Cập. Việc làm đó phần nào giữ cho quốc gia đông dân nhất thế giới A-rập này được ổn định, nhưng với một cái giá quá đắt. Nó đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng kinh tế, làm cho phần lớn người dân Ai Cập sống trong nghèo đói, tiếp tay cho sự tàn bạo và tra tấn của cảnh sát và trong các nhà tù của quốc gia, và làm dấy lên sự bất bình và nhiệt tình chống chế độ của người Hồi giáo.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mubarak liên tục phải đối mặt với áp lực phải khuyến khích dân chủ, cả từ bên trong Ai Cập, cũng như từ đồng minh mạnh nhất của nước này là Hoa Kỳ.
Sau khi chính quyền Bush gây áp lực mang lại dân chủ cho Trung Đông trong giai đoạn 2004 - 2005, Mubarak hứa hẹn một vài cải cách và các cuộc bầu cử mở hơn. Thế nhưng, khi các ứng viên do tổ chức Anh em Hồi giáo "chống lưng" giành được 20% số ghế quốc hội trong năm 2005, Mubarak lại đàn áp thẳng tay tổ chức này. Còn khi ứng cử viên đối lập Ayman Nour của Đảng Ngày mai (Hizb al-Ghad) giành được hơn 7% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống 2005, Mubarak liền giam giữ Nour về tội thiếu trung thực trong... ba năm.
Trước đó, Mubarak liên tục chiến thắng trong bốn cuộc bầu cử mà ông là ứng cử viên duy nhất. Lần đắc cử thứ năm năm 2005 của Mubarak là cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên nhưng bị chỉ trích khắp nơi là trò mị dân. Những người chỉ trích nói rằng cuộc bầu cử chỉ phục vụ lợi ích của Mubarak và Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP). Họ cáo buộc các nhà lãnh đạo Ai Cập chủ trì một chiến dịch đàn áp liên tục các nhóm đối lập, đặc biệt là nhóm Anh em Hồi giáo.
Nhà điều hành và "nhà" hưởng thụ... tài ba
Một mặt "nổi danh" về sự chuyên quyền độc tài, nhưng một mặt khác, Mubarak cũng được quốc tế biết đến về cách thức điều hành kinh tế của ông.
Trong 20 năm đầu tại vị của Mubarak cải cách kinh tế là một quá trình dài, chậm chạp.
Từ năm 1991, các chính sách của Mubarak đã giảm quy mô chính phủ và tăng quy mô của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cải cách "mòn mỏi" trong suốt phần còn lại của thập niên 1990. Năm 1997 nền kinh tế Ai Cập chịu một cú sốc lớn khi những kẻ khủng bố tàn sát 58 khách du lịch nước ngoài tại Luxor, đẩy ngành công nghiệp du lịch mang lại 11 tỷ đô cho nước này - chiếm tới 11% sản phẩm quốc nội GDP của Ai Cập - vào tình trạng suy sụp. Tuy nhiên, du khách tiếp tục quay trở lại trong những năm tiếp theo.
Mubarak đã bắt đầu thực hiện cải cách một cách nghiêm túc trong năm 2004. Như Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận: Chính quyền Mubarak đã "đơn giản hóa và tinh gọn hệ thống các loại thuế và giảm thuế, cải thiện tính minh bạch của ngân sách quốc gia, khôi phục việc tư hữu hóa (vốn bị đình trệ) các doanh nghiệp nhà nước và thực thi luật kinh tế giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khu vực tư nhân và cải thiện khả năng cạnh tranh của Ai Cập".
Các chính sách trên đã đem lại một số hiệu quả nhất định. GDP tăng khoảng 7% trong giai đoạn 2005 - 2008, mặc dù nó sau đó giảm xuống dưới 5% khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra. Các quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB đã rất ấn tượng với thành tích đó.
"Các cải cách liên tục và tiến hành trên diện rộng từ năm 2004 đã giảm bớt lỗ hổng tài chính, tiền tệ, và ngoại thương cũng như cải thiện môi trường đầu tư", một báo cáo 2010 của IMF đánh giá. "Lòng tin vào Ai Cập và tinh thần dám chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư đã được cải thiện từ tháng 3/2009, dòng vốn đầu tư trở lại, và dự trữ ngoại hối chính thức đã tăng lên."
Ngân hàng Thế giới đã nói về "con đường cải cách" mà chính phủ Ai Cập bắt đầu vào năm 2004, cho rằng nó "thiết lập một thành tích bền vững cho "ngôi vị" quán quân trong cải cách kinh tế ở Trung Đông và khu vực Bắc Phi." Giới quan chức ca ngợi các chính sách kinh doanh thân thiện của nước này dưới thời Mubarak, như tinh gọn hệ thống các loại thuế và giảm thuế.
Tuy nhiên, "quả ngọt" do những thành tựu kinh tế đem lại chỉ tập trung vào tay thiểu số, trong khi phần đa người dân không được hưởng lợi từ chúng.
Gia đình Hosni Mubarak |
"Tấm gương điển hình" của sự hưởng thụ xa hoa, vơ vét của chung làm của riêng này chính là Mubarak và gia đình ông. Theo ước tính của các chuyên gia Ai Cập, tài sản của gia đình Mubarak có thể lên tới 70 tỉ USD - vượt xa tài sản của tỷ phú giàu nhất thế giới người Mexico Carlos Slim Helu.
Vợ và các con của Mubarak cũng được "xếp hạng" tỷ phú tiền đô. Gia đình ông sở hữu những biệt thự, cung điện xa hoa, một phi đội máy bay riêng...
Mỉa mai là người đàn ông giàu nhất thế giới này lại điều hành một đất nước mà có tới 40% dân sống dưới mức... 2 USD/ngày. Nhiều người Ai Cập đang sống trong nghèo đói thê thảm, với 44% hoặc là mù chữ hoặc bán mù chữ. Khoảng 20% người Ai Cập sống dưới mức nghèo khổ.
Tham nhũng tràn lan, và nạn "đi cửa sau" là phổ biến. "Có quá nhiều tham nhũng, lấy của công làm của riêng trong chế độ này." , bà Amaney Jamal, giảng viên khoa học chính trị, nhận xét.
Chế độ cai trị độc tài, những bất công xã hội đã trở thành nguồn cơn chính cho vô số bức xúc, phẫn nộ dồn nén trở thành cuộc biểu tình chấn động toàn thế giới vừa qua.
Khôn ngoan một đời, lỡ lầm phút cuối
Mục tiêu đầu tiên của Mubarak khi tiếp nhận quyền lực là khôi phục lại vị thế của Ai Cập trong thế giới Ả-rập. Liên đoàn A-rập từng trục xuất Ai Cập và chuyển địa điểm trụ sở chính từ Cairo về Tunis sau khi tổng thống Sadat tiền nhiệm ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979.
Khi lên nắm quyền, thầm lặng, tuần tự, Mubarak đã tái lập quan hệ với các nước A-rập, bắt đầu từ các cường quốc dầu mỏ vùng Vịnh, và năm 1989 Mubarak đã đưa Ai Cập về lại Liên đoàn A-rập. Cairo một lần nữa lại trở thành trụ sở chính của Liên đoàn, uy tín đã mất trước đây của Ai Cập trong nội bộ cộng đồng các nước A-rập được phục hồi.
Trầm tĩnh, ít nói, sức mạnh của Mubarak nằm trong khả năng khôn ngoan của ông để đưa Ai Cập đi qua những cơn cuồng nộ của khu vực bất ổn nhất thế giới, tránh cho nó khỏi các cuộc chiến tranh và giảm thiểu sự kình địch.
Hosni Mubarak, trong suốt 30 năm cầm quyền của mình đã thể hiện được vai trò của một nhà lãnh đạo tài năng và khôn khéo. Không chỉ tiếp tục đi theo đường lối tránh đối đầu với Israel và Mỹ của người tiền nhiệm Anwar Sadat (qua đó đóng vai trò lớn trong việc chấm dứt hàng loạt những cuộc chiến tưởng chừng không có hồi kết giữa Israel và các nước A-rập), Mubarak còn rất tích cực phát triển quan hệ với những quốc gia này, thể hiện rõ ràng nhất là sự hợp tác chặt chẽ để chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Chính sách đối ngoại kiểu "giữa hai làn nước" này một mặt đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của Ai Cập tại Trung Đông nói chung, mặt khác là minh chứng rõ ràng nhất về sự khôn khéo của Mubarak. Từng có thời gian, các nước A-rập gần như đã hợp sức cách ly Ai Cập. Nhưng dần dần, tất cả buộc phải chấp nhận với thực tế: Ai Cập chính là đối tác không thể thiếu để đứng ra dàn xếp những cuộc đối thoại hòa bình với Israel. Không hề nói quá khi cho rằng, chính sách đối ngoại của Ai Cập có một tác động rất lớn tới tình hình cán cân lực lượng tại Trung Đông, cũng như những biến động tình hình tại các quốc gia láng giềng.
Với phương Tây, Ai Cập là đồng minh chủ chốt - tiếng nói ôn hòa về cuộc xung đột Israel-Palestine.
Với Mỹ, Mubarak cũng đã thiết lập được mối quan hệ vững chắc. Nước đồng minh hàng đầu này cung cấp cho Ai Cập hàng tỷ USD viện trợ quân sự. Ai Cập là nước nhận viện trợ của Mỹ nhiều thứ hai ở Trung Đông, sau Israel. Mỗi năm Mỹ viện trợ quân sự cho Ai Cập 1,3 tỷ USD và từ 1975 đến nay, Mỹ đã viện trợ kinh tế cho Ai Cập tổng cộng gần 30 tỷ USD.
Trong gần suốt thời gian cầm quyền, ông Mubarak nhận được sự ủng hộ của Mỹ và đã hỗ trợ các chính sách của Mỹ ở Trung Đông, là một trong những nhân vật được Mỹ tin tưởng để trao nhiệm vụ làm cầu nối giữa Palestine và Israel. Đó là lý do tại sao đa phần các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine đều diễn ra ở xứ sở Kim tự tháp và đều có các quan chức nước này làm trung gian.
Ông Hosni Mubarak (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009 - Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, chính Mubarak đã phá vỡ mối liên minh khăng khít này vào những giờ phút cuối trong cuộc đời chính trị của mình. Sự thách thức của Mubarak trong những giờ phút cuối cùng ở Cairo làm bất ngờ nước Mỹ và đẩy Ai Cập đến bên bờ vực hỗn loạn.
Vào tối ngày 10/2, tại Cairo, Mubarak có bài phát biểu trên truyền hình trong khi Tổng thống Obama đang trên đường trở về Washington. Trên chiếc Không lực Một, Obama và tùy tùng từ thất vọng chuyển sang nổi giận khi Mubarak chỉ trích sự can thiệp của phương Tây. Mặc dù có đề cập đến việc chuyển giao "một vài quyền lực" cho Phó tổng thống Omar Suleiman, giọng của ông Mubarak có vẻ thách thức và không nói gì đến việc từ chức.
Các quan chức Mỹ và chuyên gia về Trung Đông đánh giá bài diễn văn của Mubarak là một sai lầm to lớn. "Đó là một thảm họa về quan hệ công chúng", cựu Đại sứ Mỹ tại Ai Cập Daniel Kurtzer nói với tờ Washington Post.
Sau khi hạ cánh xuống Washington, Tổng thống Obama tập hợp đội ngũ an ninh quốc gia trong Phòng Bầu dục để thảo luận phản ứng. Ông ngồi xuống và bắt đầu chọn lọc ngôn từ thể hiện rõ ràng rằng Nhà Trắng đứng về phía những người biểu tình. Bản thảo cuối cùng bắt đầu với câu: "Nhân dân Ai Cập được nghe rằng sẽ có chuyển giao quyền lực song không rõ việc chuyển giao có diễn ra tức khắc, có ý nghĩa và đầy đủ hay không".
Đó là thay đổi quan trọng về thái độ của Mỹ.
Cùng lúc ấy, thay đổi cũng diễn ra tại Cairo. Vài giờ sau bài phát biểu của ông Mubarak, "sự ủng hộ ông Mubarak từ quân đội rớt xuống thẳng đứng", theo một quan chức Chính phủ Mỹ vốn theo sát sự kiện.
Đánh mất mọi nguồn ủng hộ trọng yếu, Hosni Mubarak, vị tổng thống "tung hoành trời đất" suốt 3 thập kỷ trên đất nước của các Pharaon, đã "vùng vẫy" một cách tuyệt vọng để giữ lại chiếc ghế tổng thống. Song rốt cuộc những nỗ lực của nhà lãnh đạo 82 tuổi chỉ bảo đảm một điều rằng ông phải ra đi một cách gấp rút và trong hổ thẹn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét