Ai Cập thời hậu Mubarak

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Hai, 14/02/2011, 07:17 (GMT+7)

TT - Quân đội Ai Cập ngày 13-2 đã giải tán quốc hội, đình chỉ hiến pháp hiện hành và thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp mới. Trong quốc hội lưỡng viện vừa bị giải tán, các thành viên Đảng Dân chủ quốc gia (NDP) cầm quyền chiếm đa số. Quốc hội này bị những người biểu tình chỉ trích là lên nắm quyền thông qua cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu.

Binh lính Ai Cập giúp người biểu tình dỡ lều ở quảng trường Tahrir ngày 13-2 để họ trở về nhà - Ảnh: AFP

Quân đội Ai Cập cũng thông báo thời gian biểu khoảng sáu tháng để nước này tiến hành các cuộc bầu cử dân chủ để trao quyền điều hành đất nước cho một chính phủ dân sự mới, và cam kết một tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho chính phủ dân sự mới này.

Cảnh sát Ai Cập đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Cairo vì danh dự của mình và đã xô xát với quân đội. Khoảng 400 cảnh sát đã biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ yêu cầu tăng lương và hành hình cựu bộ trưởng nội vụ Habib el-Adli.

Giao thông đã trở lại bình thường vào sáng 13-2 trên quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo và hàng trăm người biểu tình vẫn còn tụ tập khi quân đội, hiện nắm quyền sau khi tổng thống Mubarak từ chức, hứa hẹn một “cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình” cho “một chính phủ dân sự được dân bầu lên”.

Ở quảng trường Tahrir - điểm tập kết và là trung tâm của cuộc biểu tình lật đổ chế độ độc tài Hosni Mubarak vẫn còn hàng trăm người biểu tình tiếp tục tụ tập. Họ tuyên bố sẽ không rời quảng trường cho tới khi chính quyền thực hiện những lời hứa cải cách dân chủ.

Tương lai nào cho Ai Cập khi quân đội nắm quyền?

Cho tới nay, theo nhận định của các nhà quan sát, mặc dù quân đội xác nhận sẽ chỉ kiểm soát đất nước trong giai đoạn quá độ, song nhiều người lo ngại quân đội sẽ không dễ từ bỏ quyền lực. Theo báo Le Monde, từ sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1952, quân đội đã “dựng” lên mọi tổng thống cho đất nước Ai Cập. Brian Katulis, chuyên gia về Trung Đông thuộc Trung tâm về sự tiến bộ của Mỹ ở Washington, vốn thân cận với Nhà Trắng, lưu ý: “Chính thức mà nói, hiện vẫn là những người đã nắm quyền ở Ai Cập từ năm 1952. Họ xuất thân từ một tầng lớp trên trong quân đội”.

Viết trên tờ The New York Times, thủ lĩnh đối lập, cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Mohamed ElBaradei cho rằng trong vòng một năm nữa, Ai Cập sẽ tiến hành bầu cử. Nhưng để cuộc bầu cử sắp tới thật sự dân chủ cần hàng loạt bước chuẩn bị lớn như sửa đổi hiến pháp, dỡ bỏ các lệnh khẩn cấp, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, giới hạn thời gian cầm quyền của các lãnh đạo, hỗ trợ các gương mặt đối lập ra tranh cử. Đây là những vấn đề lớn mà chính trường Ai Cập đang đối mặt.

Phóng viên TTXVN từ Cairo Bùi Quang Hoàn cho rằng tương lai của Ai Cập có thể đi theo nhiều hướng khác nhau. Những người biểu tình đoàn kết trong mục tiêu lật đổ ông Mubarak, song chưa rõ họ có tiếp tục thống nhất như vậy trong tương lai hay không. Quá trình xây dựng lại đất nước từ chế độ độc tài kéo dài 30 năm qua sẽ là thách thức lớn nhất trước mắt.

Phong tỏa các tài khoản của gia đình Mubarak và nhiều nhân vật

Người dân Ai Cập cũng đang rất quan tâm tới khả năng lấy lại những khoản tiền khổng lồ mà ông Mubarak và gia tộc của ông bị cáo buộc biển thủ. Có những thông tin cho thấy giá trị gia sản của ông Mubarak hiện khoảng 40-70 tỉ USD bao gồm sở hữu các bất động sản trải dài ở bờ biển Đỏ của Ai Cập tới London, Los Angeles, New York và Thụy Sĩ, và vô số tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Chính phủ Thụy Sĩ đã phong tỏa các tài khoản của gia tộc Mubarak và một số nhân vật cao cấp của Ai Cập. Các nguồn tin tình báo phương Tây cho biết ông Hosni Mubarak đã sử dụng 18 ngày cuối cùng để chuyển số tài sản khổng lồ vào những tài khoản bí mật ở nước ngoài.

Chính quyền Ai Cập cũng đang điều tra, thu thập các chứng cứ cáo buộc chống lại cựu thủ tướng Ahmed Nazif, cựu bộ trưởng nội vụ Habib el-Adli và bộ trưởng thông tin Anas El Fekky - người hiện đang bị quản thúc tại gia. Cơ quan công tố đã ra lệnh cấm cựu thủ tướng và đương kim bộ trưởng thông tin rời khỏi đất nước, quyết định phong tỏa tài khoản của ông Habib cũng như của gia đình ông vì những khiếu kiện liên quan đến nhận hối lộ. Ngoài ra, cơ quan công tố cũng đã đề nghị bộ trưởng ngoại giao Ai Cập yêu cầu các nước châu Âu phong tỏa tài khoản và tài sản của các cựu bộ trưởng nhà ở, công thương, du lịch, nội vụ và tỉ phú Ahmed Ezz. Trong khi đó, theo kênh truyền hình Al Arabia TV, quân đội Ai Cập đã ra thông báo cấm 43 thành viên và cựu thành viên chính phủ đi lại hoặc rời khỏi đất nước khi chưa được phép.

HẠNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét