Hàng Việt được tiêu thụ mạnh trên thị trường nội địa

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 3:59 PM, 18/02/2011

(VOV) - Tại TP HCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại các siêu thị chiếm 95%

Sáng 18/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các Sở, Ban, ngành.

Đến tháng 12/2010, qua báo cáo của các địa phương đã có 29/63 tỉnh, thành ban hành văn bản chỉ đạo Cuộc vận động; 46/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động cấp tỉnh; 47/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc vận động…

Sau 1 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Người Việt ngày càng tin dùng vào hàng Việt Nam

Số người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt tăng mạnh, chỉ tính riêng tại TP HCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại các siêu thị chiếm 95% (trong 6 tháng đầu năm 2010); Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co-op hàng Việt tiêu thụ tăng 55% so với cùng kỳ năm 2009; 68 đợt bán hàng về nông thông của các tỉnh, thành phố doanh thu bán hàng Việt Nam đạt 1.467 tỷ đồng.

Kết quả do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương điều tra tháng 9/2010, có 59% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Cùng với đó, sản phẩm dệt may giày dép… sản xuất trong nước có tới 80% người tiêu dùng ưa chuộng; rau củ quả 58%; đồ gia dùng 49%; ôtô xe máy 18%.

Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động khẳng định, sau hơn 1 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, đơn vị có cách làm sáng tạo, đạt kết quả thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất và ưu tiên dùng hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, thương hiệu Việt Nam, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tại buổi tổng kết, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng, một số cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, Mặt trận và doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc vận động ở địa phương, có nơi, có lúc còn buông lỏng. Tình trạng hàng gian, giả… chưa được ngăn chặn có hiệu quả, gián tiếp gây khó khăn cho đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước.

Trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc vận động thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tập trung vào 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung tuyên truyền các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng tích cực tham gia cuộc vận động: Kiểm tra cuộc vận động ở các cấp, nhất là các địa phương, cơ quan đơn vị; Vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam
và các Sở, Ban, ngành đến thăm gian hàng trưng bày Vinacafe tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các cơ quan, ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực góp phần vào sự thành công của cuộc vận động.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện cuộc vận động một số ngành chưa quan tâm đúng mức, một số doanh nghiệp nhận thức hạn chế về cuộc vận động…. Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động, làm cho cuộc vận động sát thực tế.

Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành coi cuộc vận động không chỉ trước mắt mà là lâu dài quyết định sự phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước; Tuyên truyền để người dân hiểu về cuộc vận động; Các Bộ, ngành rà soát và ban hành bổ sung các văn bản pháp luật để kích thích sự phát triển của cuộc vận động và đưa cuộc vận động đạt kết quả cao./.

Huy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét