Đưa tin một cách nhân bản

LAODONG:

Thứ Năm, 17.2.2011 | 09:28 (GMT + 7)

(LĐ) - Vụ án nhà báo Hoàng Hùng – phóng viên của Báo Người Lao Động - bị chết vì lửa đốt tại nhà riêng đang trở thành một trong những tâm điểm của dư luận trong nhiều tuần qua.

Vấn đề nạn nhân bị huỷ hoại vì lửa đốt trong khi đang ngủ gây nên một sự kinh hoàng, hoảng sợ cho nhiều người có vẻ như đang nhường chỗ cho “cuộc chiến” tin tức xung quanh vụ án mạng này. Mỗi ngày mới đang bắt đầu với câu hỏi “Vụ án nhà báo bị đốt sao rồi?”. Cùng với đó là cả một “trận địa” thông tin, dư luận có thể “gây chết người” và quan trọng sẽ vô tình tiếp tay cho kẻ thủ ác (nếu có).

Lao Động số ra ngày 15.2, nhà báo Kỳ Quan đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả khôn lường có thể xảy ra đối với những người thân của nhà báo quá cố Hoàng Hùng do cách thông tin, phát ngôn không chuẩn xác, thiếu cân nhắc thận trọng hoặc là thiếu nhân bản của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm. Trong khi đã trải qua nhiều tuần lễ cơ quan điều tra cấp tỉnh ở Long An vẫn chưa tìm ra ai là tác giả của ngọn lửa thiêu đốt nhà báo Hoàng Hùng thì trên nhiều trang báo đã khẳng định nạn nhân bị đốt. Khả năng nhà báo tự đốt mình thì sao?

Cách đây đã nhiều ngày, người đứng đầu cơ quan cảnh sát điều tra Long An phát ngôn trên một số trang báo điện tử rằng đã xác định được nghi can đốt nhà báo Hoàng Hùng, việc bắt giữ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế nhưng, cũng đã rất nhiều ngày trôi qua, trên các trang mạng điện tử vẫn tiếp tục có nhiều thông tin về vụ án mạng này theo hướng nghi can là vợ đốt chồng, nhưng cũng khẳng định chưa xác định được ai đốt. Trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, vợ nhà báo Hoàng Hùng nói rằng trong những ngày bị triệu tập để thẩm vấn, câu lưu, cán bộ điều tra đều đặn photocopy báo in và báo điện tử đưa cho bà Liễu đọc.

Nếu điều này (tiết lộ thông tin đã xác định được nghi can cho báo chí đăng tải) nằm trong chủ định, “giáo trình” của các nhân viên điều tra thì tới thời điểm này có thể thấy có quá nhiều “vấn đề phát sinh” mà hậu quả của nó có thể sẽ rất nghiêm trọng, chẳng hạn như sự hướng dư luận chĩa mũi dùi và áp lực không cần thiết lên vợ và các con của nhà báo Hoàng Hùng, hoặc là sự “bỏ sót” những hướng phạm tội khác, hoặc là uy tín của cơ quan điều tra sẽ ra sao nếu trong nhiều ngày tới vẫn chưa hoặc không tìm ra nghi can... Hãy giả định rằng, với cách hành xử như trong những ngày qua, “nghi can số 1” không đủ sức mà tự tử thì coi như vụ án rơi vào ngõ cụt.

Một người bình thường bị chết vì lửa đốt trong khi đang ngủ tại nhà riêng đã là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng về an ninh tính mạng; một nhà báo có nhiều bài viết chống tiêu cực, tham nhũng nổi tiếng bị chết vì lửa đốt khi đang ngủ lại càng là một “vấn đề của công chúng” thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều cá nhân, tổ chức không chỉ ở trong nước. Cách đưa tin về vụ án mạng này thời gian qua vô hình trung đã tạo ra hướng suy luận có vẻ như cơ quan điều tra và báo chí không muốn truy tìm thủ ác ở các hướng điều tra khác mà chỉ nhăm nhăm rằng vợ đốt chồng. Nếu cứ đưa tin “kiểu nghiệp vụ”, hoặc chạy đua thoả mãn thị hiếu tin tức của một bộ phận công chúng theo cách... bất chấp tính nhân bản trong đưa tin thì đó chính là chỉ dấu văn minh chưa phát triển của một xã hội.

Lâm Chí Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét