'Không luật nào nói sở hữu nhà có thời hạn'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :8:39 AM, 14/02/2011

Ý kiến của TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khi trao đổi với Đất Việt xung quanh ý tưởng của Bộ Xây dựng về việc hạn chế thời hạn sở hữu chung cư

Không hiểu tại sao vào thời điểm này Bộ Xây dựng lại nêu vấn đề hạn chế thời gian sở hữu chung cư, trong khi chúng ta phải lo bao nhiêu chuyện trước mắt. Phải giải thích cho có sức thuyết phục, nếu không đừng “bôi mỡ cho kiến nó đốt”, TS Liêm nói.

Ông đánh giá thế nào về ý tưởng của Bộ Xây dựng về việc người dân chỉ được sở hữu nhà chung cư có thời hạn, hết thời hạn đã định sẵn, người dân phải trả lại nhà?

TS Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: M.Đồng
Tôi cũng nghe nói ở một số nước có định niên hạn sở hữu chung cư, nhưng mỗi nước định thời hạn theo đặc điểm riêng. Ở Việt Nam, tôi mới chỉ thấy Bộ Xây dựng lấy lý do sở hữu chung cư có thời hạn để sau này nếu cần cải tạo sẽ không bị vướng mắc. Nhưng tại sao tuổi thọ công trình chỉ có 50 năm? Chung cư cũng có thể là nhà cấp 4, nhưng nhà cấp I cũng là chung cư. Tuổi thọ 50 năm thực ra chỉ là nhà cấp 3, cấp 2. Còn nhà cấp I, chung cư cao tầng, người ta tính tuổi thọ hàng 80, 90 hoặc 100 năm. Tính tuổi thọ công trình 50 năm là lãng phí.

Nhưng cái đó chưa quan trọng, quan trọng là nếu không phải chung cư, mà là những công trình khác khi cần phải xây lại, cần di chuyển thì có phải quy định năm tháng hay không? Thứ 3 là nhà gắn với đất đai, khi cấp quyền sử dụng có nói cấp trong bao nhiêu năm đâu, tại sao khi xây chung cư lại chỉ có 50 năm…? Tôi làm biệt thự, khách sạn không bị quy định có thời hạn thì tại sao khi tôi làm chung cư bị quy định 50 năm?

Cuối cùng, tôi không hiểu tại sao vào thời điểm này lại nêu vấn đề hạn chế thời gian sở hữu chung cư, trong khi chúng ta phải lo bao nhiêu chuyện trước mắt, có ai lo chuyện 50 năm sau thế nọ thế kia. Mọi người lo nhà ở xã hội còn chưa xong, tự dưng lôi chuyện 50 năm sau ra để lo. Ai làm chuyện đó phải giải thích cho có sức thuyết phục, nếu không đừng “bôi mỡ cho kiến nó đốt”.

Nhiều ý kiến cho rằng khi chung cư có thời hạn, giá chung cư sẽ được bóc tách ra thành giá đất và giá xây dựng. Giá chung cư theo đó sẽ giảm và người lao động nghèo sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở?

Chung cư có 2 phần: đất đai là quyền sử dụng còn sở hữu là chỉ có phần nhà thôi. Nhưng cái nhà, thì tất cả các luật từ Luật Nhà ở cho đến bất động sản không luật nào nói đến chuyện sở hữu có thời hạn cả. Lấy ví dụ: tôi có một căn hộ đem đi thế chấp, nếu còn thời hạn 40 năm thì còn được ngân hàng cấp một số tiền tương đối, thời hạn càng giảm thì giá trị thế chấp càng thấp. Và lúc căn hộ còn thời hạn 10 hay 5 năm thì chủ nhà có chịu sửa không? Khi đó nhà chỉ xuống cấp chứ ích lợi gì. Người ta chỉ đề phòng nếu cần đến thì có thể dễ thu hồi chứ có nhất thiết các nhà ấy đều phá đi xây lại cả đâu. Vì vậy theo tôi, chính sách nhà ở của mỗi nước phụ thuộc tình hình xã hội của từng nước chứ không hoàn toàn giống nhau. Còn nếu nhà anh dù mới mua nhưng vì lợi ích quốc gia hay công trình công cộng thì cứ thu hồi và đến bù theo chính sách của nhà nước.

Nhưng điều này còn xuất phát từ thực tế lâu nay việc cải tạo chung cư rất khó khăn?

Tôi xin nói rằng cách cải tạo theo các phương án hiện nay là không đúng. Cái đó phải để tự những người dân ở đó tổ chức cải tạo với sự giúp đỡ chính quyền chứ không phải chính quyền thu hồi đất để một anh nào đó vào phá nhà người ta để kinh doanh, kiếm lời. Tại sao tôi đang ở trong này lại không cho tôi ở và cho người khác đến kinh doanh? Theo tôi, nếu cải tạo thì những hộ dân ở đó phải là chủ thể, chứ không phải là nạn nhân. Hiện, họ là nạn nhân nên họ phản đối. Không nên vì những vướng mắc hiện nay mà cho đó là chủ trương đúng.

Vậy theo ông, làm thế nào để việc cải tạo những chung cư cũ, xuống cấp được khả thi?

Tôi lấy ví dụ, khu Giảng Võ, Q.Đống Đa phải quy hoạch lại. Đáng lẽ Nhà nước phải bỏ tiền chứ không phải chủ đầu tư nào hay người dân phải bỏ tiền. Thứ hai, dân ở còn muốn có phố phường chứ không chỉ là nhà ở đơn thuần. Việc xóa sổ nhà xuống cấp đâu chỉ là xóa sổ một cái nhà mà còn xóa cả nguồn thu nhập của rất nhiều người. Tôi mà quy hoạch Giảng Võ, tôi sẽ phải làm 1 hoặc 2 con đường nối phố Kim Mã với phố Giảng Võ, nếu cần làm cả đường qua hồ để giải tỏa giao thông đô thị, còn hơn làm ngầm dưới đất, tốn kém hơn nhiều. Tôi sẽ tập hợp 3 - 4 hộ thành những nhà lớn lập ra những hợp tác xã nhà ở và bầu ra ban quản trị hợp tác xã. Ban quản trị sẽ thuê tư vấn thiết kế, tổ chức đầu thầu, anh nào làm giá thấp, chất lượng tốt thì họ thuê, xong họ vào ở, nhà còn thừa thì bán, cửa hàng, cửa hiệu sẽ bán với giá khác để thu hồi vốn, tăng thêm diện tích nhà ở cho chính họ. Nghĩa là cái lợi ở đó vào chính người dân chứ không phải cho ai hết. Nhà nước chỉ cần làm quy hoạch, cho họ vay vốn lãi suất rất thấp. Như vậy dân thì vui vẻ, có lợi. Chính phủ cũng có khu đô thị văn minh, sạch sẽ, không còn nhà nguy hiểm, không có phố xá nhếch nhác, buôn bán tự phát...

Mạnh Đồng (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét