Đầu tư ra nước ngoài: Không dễ quản

LAODONG:

Thứ Hai, 3.1.2011 | 08:23 (GMT + 7)

(LĐ) - Hơn 500 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 8 tỉ USD, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam đang hứa hẹn nhiều khởi sắc.

Song trong bức tranh chung đó, vẫn còn nhiều mảng tối. Đã có ý kiến cho rằng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) chỉ thích hợp khi nền kinh tế thừa vốn, trong khi nguồn lực trong nước còn chưa mạnh, hoạt động đầu tư của các DNVN ra nước ngoài ít nhiều dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ, khả năng thu hút đầu tư trong nước bị giảm sút.

Chưa có nhiều lợi nhuận về nước

Hiện các DNVN đã đầu tư tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc hầu hết các châu lục. Riêng giai đoạn 2006-2010 đã có trên 410 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 7,05 tỉ USD. Điểm đến cho ĐTRNN không chỉ là các thị trường quen thuộc mà đã mở sang cả những quốc gia vốn là nhà đầu tư lớn tại VN như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore... Lĩnh vực có thế mạnh của các DNVN khi đầu tư ra nước ngoài là khai khoáng, trong đó riêng dầu khí đã góp vốn vào 25 dự án, ở 17 nước trên thế giới; hiện 18 dự án đã triển khai với tổng vốn đăng ký đạt 2,23 tỉ USD. Tiếp theo là nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 58 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỉ USD; lĩnh vực nghệ thuật, giải trí tuy không phải là lĩnh vực chủ trương đầu tư, song các DNVN đã đầu tư ra nước ngoài tới 1,12 tỉ USD, chiếm xấp xỉ 13% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Unitel - mạng viễn thông của liên doanh giữa Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Lao Asia Telecom (Lào) tại Lào.
Unitel - mạng viễn thông của liên doanh giữa Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Lao Asia Telecom (Lào) tại Lào.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay mới có khoảng 300 trên tổng số 558 dự án ĐTRNN có báo cáo về nước cho thấy, doanh thu luỹ kế của các dự án đầu tư đã đi vào hoạt động đạt 981 triệu USD, nhưng lợi nhuận đã chuyển về nước chỉ 39 triệu USD. Nếu tính tỉ suất lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn đầu tư thì các dự án đầu tư ra nước ngoài do đang trong quá trình thực hiện, một số dự án mới đi vào hoạt động nên hiệu quả không cao.

Mặc dù, tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước, song tỉ suất lợi nhuận giữa vốn chuyển về nước và vốn chuyển ra nước ngoài đạt tỉ lệ thấp, nếu không nói là rất thấp 0,46% cho cả giai đoạn hơn 10 trở lại đây. Hiện tượng này cho thấy, về ngắn hạn, ĐTRNN của các DNVN đang tạo nên sự mất cân đối lớn giữa dòng tiền đầu tư ra và dòng tiền chuyển về nước của các dự án, nhất là tới đây các dự án đầu tư quy mô lớn sẽ dẫn tới dịch chuyển lượng vốn lớn từ VN ra nước ngoài, tạo thêm gánh nặng cán cân thanh toán trong bối cảnh cán cân thanh toán của VN đang bị thâm hụt lớn.

Quản đầu tư ra sao?

Trên thực tế, nếu nhìn vào các dự án đầu tư của VN ra nước ngoài đều là các dự án mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả đầu tư chưa lượng hoá rõ. Chẳng hạn, hiện Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã chuyển ra nước ngoài khoảng 900 triệu USD, khoảng 49% tổng lượng số vốn của các DNVN đầu tư ra nước ngoài, song do dàn trải về địa bàn đầu tư, tiềm ẩn rủi ro do tình hình chính trị, kinh tế tại các nước tiếp nhận đầu tư nên PVN thực tế đã dừng hoặc kết thúc 6/25 dự án mà không thu được lợi nhuận. Trong khi đó, số tiền đã chi cho 6 dự án này là 10,6 triệu USD. Hoặc như Tập đoàn CN Than- Khoáng sản VN (TKV) đã đầu tư 5 dự án khoáng sản tại Lào và Campuchia, nhưng 1 dự án đã chấm dứt thực hiện với số tiền đã rót khoảng 1,56 triệu USD, các dự án còn lại cũng chưa thấy hiệu quả kinh tế.

Đa phần các dự án ĐTRNN được thực hiện chủ yếu bằng vốn chủ sở hữu nhà nước (ước lên tới 1,24 tỉ USD, chiếm 69% tổng nguồn vốn ra nước ngoài), song đến nay, hành lang pháp lý vẫn còn lỏng lẻo. Chưa có cơ chế giám sát riêng về đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí quản lý đối với DN ĐTRNN, trong khi việc chấp hành chế độ báo cáo của hầu hết các DN theo Nghị định 78 hiện hành chưa tốt. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, dễ thất thoát vốn”, Bộ KHĐT nhận định.

Trong khi đó, lại có một thực tế khác là nhiều dự án sau khi có doanh thu, lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn, nhưng chủ đầu tư không báo cáo, chưa chuyển tiền về nước hoặc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư, có dự án thậm chí đã chấm dứt hoạt động, nhưng các cơ quan chức năng VN cũng không biết đâu mà quản. Thực tế này cũng dẫn đến tình trạng không ít cơ quan chức năng VN e ngại khâu thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ra nước ngoài. Bộ KHĐT cho biết, tới đây hoạt động ĐTRNN cần phải được chấn chỉnh theo hướng xác định rõ vai trò quản lý nhà nước.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét