Khi thông tin cá nhân bị đem bán - Kỳ cuối:: “Loạn” mua bán thông tin

Nhịp Sống Số - Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 04/01/2011, 07:41

Khi thông tin cá nhân bị đem bán - Kỳ cuối:

“Loạn” mua bán thông tin

TT - Thông tin cá nhân của hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, giám đốc... hay của những cá nhân bình thường được phân chia thành từng danh sách khác nhau để rao bán công khai với giá từ vài chục đến vài trăm đồng/thông tin cá nhân.

D.N.L. (bìa trái) nhận tiền bán thông tin từ một khách hàng - Ảnh: NHƯ HÙNG

>> Kỳ 1: Những cuộc gọi phiền toái

Nếu như trước đây “hàng hóa” được rao bán trên mạng Internet chủ yếu chỉ là các địa chỉ email không mấy rõ ràng, giá bán hàng triệu địa chỉ email chỉ khoảng hai, ba trăm nghìn đồng, giờ đây mức độ chi tiết của thông tin đã thay đổi rõ rệt. Trong đó, thông tin quan trọng nhất trong các danh sách khách hàng là số điện thoại di động cá nhân. Kèm theo đó là những thông tin mang tính định hướng đối tượng như: khách hàng mua chung cư cao cấp, khách hàng sở hữu xe hơi, khách hàng chơi chứng khoán, là doanh nhân, kiến trúc sư, thuê bao di động trả sau...

Công khai

Một mẩu rao vặt trên website 365quangcao.com có nội dung: “Hiện chúng tôi đang có danh sách khách hàng đã được chọn lọc theo họ tên, địa chỉ, phone, email...; mức thu nhập; vị trí công việc; giới tính, tuổi; sở thích; nhu cầu cá nhân và nhiều tiêu chí khác”. Người đăng mẩu quảng cáo xưng tên Khoa giới thiệu số lượng khách hàng lên đến 5 triệu trên toàn quốc và được cập nhật, bổ sung liên tục. “Danh sách rất hữu ích đối với quý công ty, cá nhân kinh doanh về bảo hiểm, các ngân hàng, các công ty cần nguồn nhân lực lớn, các công ty kinh doanh đa cấp, các mạng viễn thông...”.

Một mẩu khác trên website raovat.com viết: “Mình là Long, làm bên công ty truyền thông, sau một thời gian công tác mình đã có được danh sách khách hàng, đầy đủ các lĩnh vực ngành nghề, bạn đụng đâu cũng có thể kinh doanh được hết. Đầu tháng 10-2009 mình update (cập nhật) được hơn 10.000 doanh nghiệp, mình đã ghi ra đĩa CD, chỉ bán giá 300.000 đồng thôi. Khách hàng bao gồm ở các địa phương sau: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng và một số ở các địa phương khác. Mình ở TP.HCM, mình giao hàng tận nơi rồi lấy tiền, nếu bạn ở xa thì chuyển qua ATM cho mình. Phương châm của mình là làm ăn uy tín, nếu sau khi nhận đĩa CD bạn không hài lòng về những thông tin đó thì trả lại cho mình và mình sẽ trả tiền lại đúng bằng số tiền mà bạn đã trả cho mình”...

Những mẩu quảng cáo tương tự xuất hiện rất nhiều trên các trang rao vặt, diễn đàn mạng. Những người rao bán các thông tin trên không ngần ngại công khai số điện thoại, địa chỉ email, nickname chat, địa chỉ website (nếu là trung tâm, công ty) để người mua dễ dàng liên lạc.

Đối tượng nào cũng bị “bán”

Trong rất nhiều lời rao, chúng tôi đặc biệt chú ý đến website http://www.danhsachkhachhang.com có tên Trung tâm thông tin danh sách khách hàng CILC, bởi vẻ “chuyên nghiệp” và công khai đến trắng trợn hoạt động mua bán danh sách thông tin khách hàng. Trái ngược với lẽ thường “ẩn mình” của những người rao bán loại “hàng hóa” này, website này được thiết kế khá chỉn chu với đầy đủ thông tin chi tiết về danh sách khách hàng, có địa chỉ giao dịch tại 283 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM... như một công ty kinh doanh trên mạng đàng hoàng. Đặc biệt website còn có hẳn một mục quy định: “Cam kết sử dụng những thông tin danh sách phù hợp với pháp luật Việt Nam” (!?).

Kho “hàng hóa” trên trang web này rất đồ sộ. Nào là 9.728 giám đốc của các công ty, 1.200 chủ tịch hội đồng quản trị, 850 thành viên câu lạc bộ doanh nhân 2030, 650 thành viên câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, 780 khách hàng đầu tư chứng khoán tại Công ty Viễn Đông, 1.100 khách hàng đầu tư chứng khoán HSC, 1.000 khách hàng đầu tư chứng khoán TVSI, 700 khách hàng sàn vàng VGB, 2.230 khách hàng đã mua bất động sản tại Phú Mỹ Hưng, 800 khách hàng đã mua bất động sản Him Lam, 1.200 khách của dự án Sài Gòn Pearl, 1.300 khách hàng đã sở hữu các xe Mercedes, 750 khách hàng sở hữu xe BMW, 1.300 hội viên của Bệnh viện quốc tế cao cấp FV, 10.000 khách hàng của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, 500 kiến trúc sư của các công ty... tại TP.HCM. Mỗi loại danh sách đều có giới thiệu riêng về mục đích sử dụng, các thông tin chi tiết được phân loại trong danh sách, thời điểm cập nhật danh sách, giá bán gốc và giá khuyến mãi, thậm chí còn có ảnh chụp danh sách cho người mua xem trước.

Bán cả “hàng hiếm”

Sau một thời gian liên lạc, trong vai một nhân viên tiếp thị rượu đang cần mua danh sách khách hàng, chúng tôi gặp được D.N.L. - người tự xưng là trưởng nhóm kinh doanh của trung tâm CILC. Để tạo lòng tin với L., chúng tôi quyết định mua danh sách 10.000 khách hàng của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, 7.000 ứng viên tiềm năng của bảo hiểm AIA và đặc biệt là danh sách 30.000 thuê bao di động trả sau của MobiFone tại TP.HCM.

Nội dung các danh sách gồm họ tên khách hàng, số điện thoại, địa chỉ (ở TP.HCM), thậm chí rõ ràng đến cả giới tính, mặt hàng đã mua sắm... L. quảng cáo “đây là danh sách chính xác và uy tín”, “danh sách này phù hợp là đối tượng khách hàng của rất nhiều lĩnh vực kinh doanh: bảo hiểm, cho vay, tiếp thị bia rượu... đều được”, “mình lấy danh sách này từ ổ nên rất bảo đảm”...

Chúng tôi thử kiểm tra một số thuê bao đều thấy thông tin đúng như trong danh sách. Giá bán cả ba danh sách lúc đầu được L. thách lên đến hơn 2 triệu đồng, nhưng sau nhiều lần kỳ kèo và sợ mất khách hàng, L. chấp nhận bán cho chúng tôi với giá 1,3 triệu đồng. Khi đã tạo lập được niềm tin, L. bắt đầu giới thiệu là một người học kinh tế và đã có năm năm kinh nghiệm làm kinh doanh, một năm kinh doanh danh sách khách hàng.

Khi được hỏi có biết kinh doanh như thế này là vi phạm pháp luật không thì L. trả lời khôn ngoan: “Mình cho rằng công việc mình đang làm giúp ích rất nhiều người do nhu cầu tiếp cận khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn”. L. còn cho biết thêm nếu chúng tôi có nhu cầu, L. có thể kiếm ngay danh sách 2.000 thuê bao trả sau của Vinaphone và 20.000 thuê bao trả sau của Viettel (!?).

Trong cuộc trao đổi, L. đã cho chúng tôi xem hầu hết danh sách lưu trong máy tính của mình. Ngoài danh sách khách hàng đã giới thiệu trên website, trong máy tính còn có những danh sách “hiếm” mà L. đã phải “đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc mới có được”. Đó là danh sách các thuê bao di động trả sau; là số điện thoại di động của hoa hậu, ca sĩ, người mẫu, diễn viên; là thông tin chi tiết về nhân viên hai ngân hàng lớn tại TP.HCM... Khi tôi hỏi tại sao không đưa danh sách này quảng cáo trên website, L. trả lời: “Danh sách này không thể đưa lên quảng cáo được, chỉ có ai hỏi mình mới giới thiệu thôi”. L. luôn từ chối khéo các câu hỏi về nguồn gốc các danh sách được đem bán mà chỉ nói chung chung “nhờ các mối quan hệ rộng của mình”.

Được biết nhóm kinh doanh của L. có sáu người, “doanh thu mỗi người khoảng 6 triệu đồng/tháng” cho thấy hoạt động buôn bán thông tin cá nhân đang diễn ra tràn lan trên mạng.

ĐỨC THIỆN

Phản hồi từ bạn đọc

* Các nhà mạng cam kết bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng nhưng không biết họ sẽ giải thích như thế nào về danh sách thông tin hàng chục nghìn thuê bao di động trả sau, trả trước đang được rao bán trên mạng. Các trung tâm mua sắm, ngân hàng... cũng không thể xây dựng được danh sách thuê bao trả trước, trả sau như thế.

Phương Thảo

* Tôi đi đăng ký kinh doanh, giấy phép còn chưa lấy về thì đã có một số đơn vị gọi đến giới thiệu và chào mời mua sách, đĩa... liên quan đến việc kinh doanh. Họ còn “dọa” trước sau gì cũng phải mua vì đây là quy định bắt buộc. Gọi liên tục thật là phiền phức.

tuvan_dap@...

* Quá bực bội vì bị làm phiền, một lần tôi chặn hỏi một nhân viên của một công ty bảo hiểm. Người này trả lời là công ty mua số liệu từ hệ thống siêu thị C. Tôi rất bất ngờ nhưng tôi tin đây là sự thật vì tôi có thẻ VIP của C. và khai báo thông tin với siêu thị này.

htcvan@...

* Rất mong các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để chúng tôi không bị làm phiền. Đây là vi phạm pháp luật vì tiết lộ thông tin cá nhân cho người khác có tổ chức.

(bangphi1980@...)

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Thông tin cá nhân có thể hiểu bao gồm các thông tin trong lý lịch như tên tuổi, quê quán, số điện thoại, địa chỉ email hoặc thậm chí thông tin về thu nhập, lương bổng của một người nào đó... Những thông tin, tư liệu về đời tư này gắn liền với cá nhân, là bí mật đời tư của cá nhân.

Việc lấy cắp, buôn bán thông tin cá nhân và người mua lại các thông tin này để sử dụng trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, kể cả việc xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân. Lẽ dĩ nhiên việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân cho mục đích như vậy không thể được người đó đồng ý.

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật như vậy thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính (phạt tiền lên đến 30 triệu đồng cho hành vi kinh doanh dịch vụ, hàng hóa cấm kinh doanh, hoặc đến 20 triệu đồng đối với trang web cho đăng ký rao bán hoặc cung cấp dịch vụ như vậy về hành vi môi giới hoặc chứa chấp hoạt động kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo điều 226 - Bộ luật hình sự).

Thêm vào đó, việc các bên trao đổi, mua bán hoặc phát tán các phần mềm/quyền sử dụng phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc sử dụng các phần mềm để thu thập địa chỉ điện tử khi không được phép của người sở hữu địa chỉ điện tử đó, hoặc trao đổi, mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách địa chỉ điện tử nhằm mục đích gửi thư/tin nhắn rác đều bị nghiêm cấm và bị xử phạt hành chính lên đến 80 triệu đồng theo nghị định của Chính phủ số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác.

Ngoài ra, cá nhân bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN VƯƠNG THẢO
(Đoàn luật sư TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét