Giáo viên không phải máy đa năng

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Hai, 03/01/2011, 14:25 (GMT+7)

TTO - Với mục đích giáo dục - vừa giảng dạy tri thức vừa giáo dục học sinh, lâu nay Bộ Giáo dục & đào tạo đã kết hợp vai trò của giáo viên trong hai công việc, đó là công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm.

Cô Trần Thị Hằng, một trong những giáo viên phải đảm nhiệm công tác chủ nhiệm cùng lúc hai lớp tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - Ảnh tư liệu

>> Chủ nhiệm như “hiệu trưởng con”

Với vai trò vừa dạy học vừa chủ nhiệm, người giáo viên có thể gần gũi và quán xuyến học trò tốt hơn, từ đó giúp việc truyền đạt kiến thức có nhiều thuận lợi. Đặc biệt với những giáo viên có tâm huyết và năng lực chủ nhiệm tốt sẽ giúp học trò có nhiều cảm hứng với môn học, từ đó học tập tốt hơn. Vì thề trong công tác giáo dục, vai trò của giáo viên chủ nhiệm xưa nay đã được đề cao.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại thực trạng công việc mà mỗi giáo viên phải đảm trách trong vai trò chủ nhiệm quả không nhỏ chút nào. Trong khi công việc chính của họ vẫn là giảng dạy môn mình phụ trách, họ cần phải đầu tư vào môn dạy của mình sao cho ngoài việc đảm bảo nội dung lên lớp còn phải tạo sự hấp dẫn, sáng tạo, mới mẻ… nhằm thu hút học sinh và sự vươn lên không ngừng của chính mình trong nghề nghiệp.

Vì vậy để đầu tư thêm vào công tác chủ nhiệm, họ buộc phải sử dụng quỹ thời gian đáng lý dành cho gia đình, cho sự nghỉ ngơi. 4 tiết/ tuần là hoàn toàn không đủ khi phải thực hiện những buổi ngoại khóa với học sinh, những buổi sinh hoạt ngoài giờ, dã ngoại hoặc đơn giản những buổi trò chuyện để tìm hiểu được tâm tư tình cảm của tất cả học sinh mà họ chủ nhiệm.

Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm từ bậc THCS trở lên không phải lúc nào cũng thường xuyên có mặt ở lớp mình được. Họ chỉ dạy theo thời khóa biểu ở một số buổi nhất định. Thời gian còn lại dành cho việc soạn bài, chấm bài và họ thường thực hiện những việc đó ở nhà vì hầu như chưa trường nào có đầy đủ điều kiện phòng ốc dành cho giáo viên thực hiện những công việc đó ở trường cả.

Một số trường buộc giáo viên chủ nhiệm phải có mặt ở lớp của mình 15 phút đầu buổi học để kiểm tra học sinh. Riêng công việc này với 15 phút/ buổi thực hiện trong 6 buổi/ tuần đã lấy mất cả họ 2 tiết/ tuần. Họ chỉ còn 2 tiết để làm tất cả các việc, chưa kể để đến trường 15 phút đầu giờ ngắn ngủi đó, họ cần phải có sự chuẩn bị trang phục và thời gian đi về là bao lâu.

Trong khi đó, nhìn sang một số chương trình bậc phổ thông ở các nước, tôi nhận thấy họ phân chia công việc giảng dạy và giáo dục rất rõ. Vai trò của giáo viên bộ môn được đề cao. Mỗi người dạy làm sao đảm bảo chất lượng giảng dạy của mình và được học sinh yêu mến. Chính sự cảm phục về tri thức cũng như nhân cách người thầy đã là tấm gương cho học trò noi theo dù bản thân người đó không hề làm công tác chủ nhiệm.

Công tác giáo dục chuyển sang vai trò của bộ phận quản lý học sinh. Trong cơ cấu bộ máy nhà trường có một bộ phận giám thị sẽ theo dõi sát sao mọi hành vi của học sinh. Những vị giám thị được phân công theo dõi học sinh ở các lớp cụ thể. Những mặt tích cực cũng như những biểu hiện xấu sẽ được giám thị theo dõi kịp thời để báo cáo với ban cố vấn. Ban cố vấn sẽ trực tiếp trao đổi hỏi han cũng như giải quyết những trường hợp cụ thể trước khi làm việc với gia đình.

Tất nhiên, khi thực hiện mô hình như thế, mỗi trường sẽ phải tăng cả số lượng lẫn chất lượng của bộ phận giám thị và ban cố vấn. Nhưng thử làm một phép tính nếu ở trường học có 1.000 học sinh với sĩ số mối lớp 45 em như hiện nay, chúng ta có 22 GVCN với 88 tiết/ tuần. Áp dụng theo tiêu chuẩn của bộ mỗi giáo viên phải thực hiện 17 tiết dạy thì sẽ có hơn năm người phải đứng lớp.

Như vậy, nếu chỉ làm việc quan sát theo dõi và nhắc nhở cho 200 học sinh, mỗi giám thị sẽ có điều kiện hơn rất nhiều người giáo viên vừa lo việc dạy vừa lo theo dõi nhắc nhở 50 học sinh, có khi phải đến 100 học sinh như tình hình chung hiện nay.

Vai trò của người giáo viên trong giáo dục truyền thống luôn được nhìn nhận như người cha/người mẹ bởi sự gần gũi trong công tác chủ nhiệm. Nhưng với xu hướng phát triển trong thời đại ngày nay, sự kiêm nhiệm đó vô hình trung lại đặt nặng lên vai người dạy một khối lượng công việc quá sức. Điều đó nếu không ảnh hưởng đến việc nghiên cứu giảng dạy thì cũng là sự tận kiệt sức lao động của người giáo viên.

Đã đến lúc các nhà nghiên cứu giáo dục cần phải xem lại cơ cấu sự phân công vai trò trách nhiệm trong công tác giáo dục. Bởi giáo viên bộ môn không phải là cỗ máy đa năng để hoàn thành tất cả mọi phương diện mà gia đình, nhà trường và xã hội giao phó.

HỐ THỊ TÂM
(Giáo viên trường Quốc học - Huế)

Ý kiến bạn đọc (14):

Lo cho trò nhiều hơn lo cho gia đình
Rất cảm ơn cô Tâm! Cô đã nói lên điều này quả là rất đúng. Tôi thấy một GVCN không khác gì một người có con mọn, một chuyên gia tâm lý, một luật sư, một thẩm phán, một hiệu trưởng nhỏ, ....
Hoàng Mai
Chúng ta cùng lên tiếng nhé

Tôi cũng đã làm GV 5 năm, năm nay tôi sinh con nên được nghỉ chủ nhiệm nhưng sang năm thể nào tôi cũng phải về "chiến trường xưa." hic hic.

Các bạn biết không, trường tôi là trường chuẩn nên tất tần tật cái gì cũng phải chuẩn.

Và mọi thứ đều gắn với điểm. một tí sai sót là bị trừ điểm ngay.

Tôi vốn hay suy nghĩ mà học trò tôi lại thuộc diện rất cần được giúp đỡ. Tôi mất ngủ rất nhiều.

Tôi dạy văn nên nói rất nhiều. Tôi gầy nheo à. Chúng ta cùng lên tiếng đi.


Giáo viên
Hãy để giáo viên làm đúng việc
tnthai
Tôi rất đồng ý với ý kiến của cô Tâm
Một tháng vì liên lạc với phụ huynh về việc HS nghỉ học, trốn giờ, học sút, đánh nhau và "N" chuyện mà tôi mất teo vài trăm ngàn tiền a lô đấy. Hãy bớt gánh nặng cho GVCN chúng tôi với!
Nguyễn Ngọc Khánh Hà
Lấy giờ sinh hoạt chủ nhiệm làm bài kiểm tra đồng loạt đề phòng
Huyện H. còn có sáng kiến là lấy giờ sinh hoạt chủ nhiệm để làm kiểm tra đồng loạt và rất là thường xuyên. Tôi không hiểu họ suy nghĩ thế nào mà làm thế trong khi giáo viên rất cần những giờ này để uốn nắn và giáo dục các em.
Giáo viên
Đến bao giờ GV mới đỡ vất vả?

Các thầy cô giáo ở vùng đồng bằng còn khó khăn như vậy thì huống chi vị trí một giáo viên ở vùng sâu vùng xa như chúng tôi. Nếu làm chủ nhiệm được hưởng 4 tiết nhưng chúng tôi còn phải dạy 19-20 tiết hoặc nhiều hơn nữa, chưa kể có tuần phải cho HS lao động 2 buổi/tuần.

Một ngày phải lên quản học sinh 30 phút đầu giờ và giữa giờ, ốm không dám nghỉ. Ngoài ra học sinh ốm đau phải chăm sóc như con, nấu cơm cho HS nội trú, HS trốn học phải đi tìm, HS bỏ học phải đến nhà huy động ra lớp, đến hai ba lần không được thì phải đến nhà đến khi nào HS ra thì mới thôi.

Không biết đến bao giờ GV chúng tối mới hết vất vả.


Phạm Hồng Anh
Phải có sự chuyên biệt

Tôi rất đồng tình với bài viết này và xin nói thêm một vài ý. Rõ ràng việc tách công tác chủ nhiệm riêng và người dạy chỉ tập trung vào chuyên môn sẽ không làm ảnh hưởng đến vai trò như người cha người mẹ của giáo viên mà còn giúp cho việc theo dõi điều chỉnh từng học sinh đạt hiệu quả cao. Thậm chí cần phải có chương trình đào tạo ra những người chuyên làm công tác chủ nhiệm giám thị để họ có đủ hiểu biết về tâm lý của từng lứa tuổi học sinh.

Những người này theo dõi trực tiếp quá trình hoạt động ở trường của học sinh, nhận những ý kiến đóng góp từ giáo viên bộ môn, liên lạc thường xuyên với gia đình và ban giám hiệu. Tôi tin rằng mọi biến chuyển của học sinh đều nằm trong vùng phủ sóng của giáo viên chủ nhiệm thì sự điều chỉnh sẽ đạt kết quả cao. Như thế thì mục đích giáo dục tri thức và đạo đức con người sẽ nhanh chóng cải thiện.


Nguyễn Đức Anh
Sợ làm chủ nhiệm

Quả thật đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải xem xét lại một cách nghiêm túc công tác chủ nhiệm ở các trường phổ thông hiện nay.

Với tiêu chuẩn 4 tiết/ tuần/lớp dành cho người làm chủ nhiệm đã được áp dụng vài chục năm qua đến nay đã tỏ ra quá lạc hậu. Khối lượng công việc tăng lên đáng kể, tác động của môi trường bên ngoài đối với giáo dục trở nên cực kỳ phứt tạp, đòi hỏi người làm công tác chủ nhiệm phải có nhiều thời gian hơn. Chính vì thế hầu hết giáo viên phổ thông hiện nay đều rất sợ phải làm chủ nhiệm dù biết công tác chủ nhiệm cũng là một thiên chức cao quí của nhà giáo, mang lại cho người thầy niềm vui được cống hiến, chăm sóc, được học sinh yêu quí...


Nguyễn Khánh Hoè
Việc quy định 4 tiết cho công tác chủ nhiệm lớp không khoa học
Tôi không hiểu người ta quy định công tác chủ nhiệm lớp là 4 tiết trên tuần dựa vào nghiên cứu khoa học nào. tôi thấy với thời gian ít ỏi như vậy, giáo viên chủ nhiệm không thể hoàn thành nhiệm vụ: quản lý học sinh, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng học sinh, liên hệ với gia đình học sinh, làm các buổi ngoại khóa, công tác đội, ... .Do đó tôi kết luận, đây không phải là một quy định khoa học.

Nguyễn Trung Kiên



Thật ý nghĩa.
Tôi là một GV THCS, tôi cũng là một GVCN, tôi rất cảm ơn cô vì cô đã nói lên được những bức xúc lâu nay của chúng tôi. Hy vọng rằng những nhà quản lý sẽ đọc được bài viết này và có cách/ hướng giải quyết, vì GV chúng tôi không phải là một cỗ máy để có thể cùng lúc đảm nhiệm được nhiều "thiên chức" đến như thế.
LÊ THỊ THANH THỦY
Kêu nhiều nhưng ai thương?

Trước tiên xin chân thành cô Hồ Thị Tâm đã nói lên bao bức xúc và nhức nhối không chỉ bản thân tôi mà còn nhiều giáo viên khác.

Tôi dạy ở một trường THCS thuộc vùng trung du miền núi, học sinh đa phần con nhà nông. Mỗi năm học có buổi họp phân công chuyên môn và chủ nhiệm. Nghĩ đến nhiều lúc toát cả mồ hôi, ngồi nghe hiệu phó phân công cầu mong đừng phải làm chủ nhiệm hoặc nếu làm cũng được phân vào lớp kha khá.

Lý do đầu tiên là chuyện hồ sơ sổ sách, nếu ai không trong ngành ít khi thấu: hết sổ dự giờ, giáo án, sổ sử dụng thiết bị dạy học, sổ hội họp, sổ báo giảng, sổ lao động, sổ đóng học phí, sổ chủ nhiệm lớp, sổ liên lạc của học sinh và nhà trường, sổ tự bồi dưỡng chuyên môn...

Ngoài ra, còn phải tính toán các khoản học sinh đóng cho nhà trường, đôn đốc học sinh nộp cho đúng tiến độ, nếu chậm chúng tôi sẽ bị hạ thi đua cuối năm. Nhiều học sinh nhà không có điều kiện, không có tiền, đến lớp hôm nào thầy cô cũng đòi tiền mà ngại ngùng vì làm mất đi hình ảnh của người thầy.

Thực tế, với đồng lương nghèo khó hiện nay, liệu xã hội và các ban ngành có thấu hiểu cho tình trạng kiêm nhiệm thái quá làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hiện nay hay không. Thiết nghĩ, có ai sống thử với nghề nghiệp hiện tại của chúng tôi để thấu hiểu và cùng đưa ra phương án chia sẻ để giáo dục nước nhà xứng tầm với sự mong mỏi của xã hội.


Ngô Quý Dương
Tôi thật may mắn
Tự nhiên mấy năm nay tôi thấy mình nhẹ nhàng, thoải mái trong công việc. Tự học tập và đầu tư thêm nhiều cho bài dạy. Học thêm tin học và có thể sử dụng nhiều thời gian soạn giảng giáo án điện tử. Lo cho gia đình và con cái, cuộc sống đỡ vất vả hơn .. v.. v.. Thì ra bởi vì tôi không "được" phân công chủ nhiệm. Ôi biết thế nhưng tôi đừng mừng vội, biết đâu ngày mai lãnh đạo lại gọi đến và nói ... tôi sợ không dám nhắc đến.
Lê Hoàng Thy
Đổ bệnh vì việc nhiều

Tôi xin chân thành cảm ơn cô Tâm, đúng là cô đã nói giúp những bức xúc lâu nay. Tôi cũng là một giáo viên THPT nhưng không “ may mắn” được làm công tác chủ nhiệm. Quả thật công việc đó rất vất vả, nó ngốn hết phần thời gian nghỉ ngơi của GV với đủ các loại hồ sơ, sổ sách: Sổ chủ nhiệm cá nhân, giáo án chủ nhiệm, hồ sơ giáo dục học sinh, Sổ dự chào cờ, sổ thu học phí…

Nếu là chủ nhiệm lớp 12 thì còn vất vả hơn nhiều. Nhưng dẫu sao thế còn may mắn, Bản thân tôi làm công tác kiêm nhiệm Đoàn trường. Một tuần tôi dạy 15 tiết, trực 6 buổi: sáng từ 6g30p đến 11g30, buổi chiều trực từ 12g30 đến 5g30.

Lo hàng ngàn công việc, tôi không còn chút hơi sức để đầu tư vào chuyên môn. Tôi thiết nghĩ đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải có giải pháp khắc phục. Chúng ta kêu gọi nâng cao chất lượng giáo dục thì trước tiên phải nâng cao chất lượng làm việc của giáo viên. Tôi không biết sẽ cầm cự được bao lâu trong vị trí Đoàn trường trước khi đổ bệnh


Duong Viet Cuong
Hệ quả của một thế hệ
Bài viết thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Những bất cập đã tồn tại từ nhiều năm nay, vì thế hệ quả đã thể hiện rõ: một thế hệ được đào tạo sống sượng.
nam


Chủ Nhật, 02/01/2011, 07:26 (GMT+7)

Chủ nhiệm như “hiệu trưởng con”

TT - Việc quản lý mọi mặt của một tập thể học sinh từ việc học đến nề nếp, tâm tư tình cảm, giải quyết những tình huống phát sinh khiến giáo viên chủ nhiệm phải làm hàng trăm đầu việc không tên dù theo quy định, công tác chủ nhiệm chỉ được gói gọn trong bốn tiết học/tuần.@

Cô P.L., một giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, kể có lần sau buổi dạy đã phải một mình lần mò đến từng quán Internet trước cổng trường tìm học sinh chơi game. Tìm được các em mà không hiểu việc các em đang lăn xả vào thì cũng bó tay. Thành ra cô phải đi học... cách chơi game để biết các em dùng thủ thuật gì dối thầy cô, cha mẹ.

Nhà quản lý không dấu

"Vai trò của giáo viên chủ nhiệm phải được xem như “hiệu trưởng con” chịu trách nhiệm về một nhà trường thu nhỏ"

Ông NGUYỄN TÙNG LÂM
(hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội)

Cô P.L. cho biết có lần học sinh trong lớp bị mất tiền. Cô biết được thông tin một học sinh khác vừa dùng đúng số tiền tương tự để nạp thẻ chơi game. Cô phải mất cả tuần sau các buổi dạy để tìm hiểu cách thức tiêu tiền, cách kiểm tra tài khoản của những học sinh chơi game khiến học sinh lỡ lấy tiền của bạn tâm phục khẩu phục.

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm phải gánh một trọng trách lớn gấp ba lần việc giảng dạy chuyên môn. Giáo viên phải có mặt ở trường từ khi học sinh bước vào cổng trường đến khi kết thúc tiết học cuối cùng. Đó chỉ là thời gian cứng. Còn nếu có sự vụ, bất cứ lúc nào giáo viên chủ nhiệm cũng phải có mặt.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 24 lớp, nhưng hiện chỉ 19 giáo viên có khả năng đảm nhiệm công việc nặng nề này. Trong đó, một số thầy cô phải cùng lúc chủ nhiệm hai lớp. Giáo viên chủ nhiệm ở trường này không chỉ làm một việc đơn giản là học sinh hư thì gọi cha mẹ đến “bàn giao”. Thầy cô đôi lúc phải thâm nhập cuộc chơi của các em, đi theo học sinh, đi thu thập thông tin về gia cảnh học sinh.

Cô giáo T.H., một giáo viên chủ nhiệm giỏi của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, tâm sự: “Với một học sinh cá biệt, có không biết bao nhiêu rào cản giáo viên chủ nhiệm phải tìm cách vượt qua để tiếp cận thế giới tinh thần của các em. Nếu không khiến được bọn trẻ thấy mình cũng yêu thương và thấu hiểu, các em có cá tính sẽ cho thầy cô “ngã ngựa” bất cứ lúc nào. Đó là những việc không có trong giáo án”.

Chính vì thế, những người trong nghề thường dành cách gọi “nhà quản lý không dấu” hay “hiệu trưởng con” cho công việc của giáo viên chủ nhiệm. Thời nào giáo viên chủ nhiệm cũng là người phải gánh vác công việc nặng nề. Ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Tìm một người có thể làm tốt công tác chủ nhiệm tôi nghĩ không dễ. Vì giáo viên chủ nhiệm không chỉ có trình độ chuyên môn (thường là giáo viên dạy môn chính) mà phải là người có năng lực quản lý, có nghiệp vụ sư phạm tốt, có phương pháp giáo dục hợp lý, linh hoạt, hiểu biết tâm lý học sinh. Ngoài ra, điều không thể thiếu là tâm huyết và tình yêu thương đối với học sinh”.

“Hiệu trưởng con” phải làm những gì? Từ chuyện rèn nền nếp học tập, khích lệ học sinh giỏi, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, kém, giải quyết mâu thuẫn giữa học sinh, giữa học sinh và giáo viên bộ môn, xử lý những tiêu cực phát sinh trong học sinh như đánh nhau, trốn học, nghiện game, triển khai các hoạt động cho học sinh, các hoạt động bắt buộc theo chỉ đạo...

Áp lực ngoài chuyên môn

Ông Nguyễn Thành Kỳ, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: “Trong những chuyên đề về giáo viên chủ nhiệm, nhiều thầy cô đã nói đến những áp lực mới. Cuộc sống, suy nghĩ của học sinh thời nay phức tạp hơn trước. Quan hệ giữa giáo viên - học sinh và phụ huynh cũng nhạy cảm hơn khiến nhiều giáo viên chủ nhiệm ngần ngại”.

Cô giáo P.L. cho biết: “Một lần do có vài học sinh chểnh mảng học hành, tôi đã nhắn tin cho phụ huynh đề nghị nhắc nhở các cháu vì sắp đến kỳ kiểm tra. Lập tức có phụ huynh nhắn lại: “Xin lỗi cô vì ngày 20-11 vừa qua tôi bận quá không đến thăm cô được. Cô thông cảm giúp đỡ cháu...”. Với suy nghĩ quá thực tế theo kiểu “tiền trao, cháo múc” như thế khiến người thầy bị tổn thương”.

Và nhiều thầy cô đã tự đặt cho mình một “nguyên tắc” hạn chế tối đa tiếp cận phụ huynh học sinh. Trong việc dạy dỗ con trẻ, quan hệ đứt đoạn này là một bất lợi. Một giáo viên tại Trường THPT Trần Phú, Hà Nội kể: “Có lần vì nghiêm khắc với một học sinh mắc nhiều sai phạm, tôi đã bị phụ huynh phản ứng, dọa đưa lên công luận. Buồn và khủng hoảng là tâm trạng lúc đó. Nếu vô trách nhiệm với bọn trẻ có lẽ công việc của tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều”.

Khó khăn, áp lực càng nhiều với giáo viên chủ nhiệm trong khi thù lao cho người làm công việc nặng nề này không tương xứng đã khiến một bộ phận thầy cô giáo bằng lòng với công việc chủ nhiệm theo kiểu đối phó. Thầy Nguyễn Tùng Lâm đề nghị: “Với thực trạng học sinh hiện nay có nhiều vấn đề bất ổn, ngành GD-ĐT nên nghĩ đến một chế độ phụ cấp riêng cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm nên được xem là một chức danh mà để đảm nhiệm, giáo viên cần hội đủ nhiều điều kiện và cần được đãi ngộ xứng đáng”.

TRỊNH VĨNH HÀ

Ý kiến bạn đọc (3):
Chủ nhiệm như" hiệu trưởng con"

Đọc bài báo này mà lòng tôi cũng vui vui vì công tác giáo dục học sinh trong thời buổi này được quan tâm hàng đầu, nhất là những trách nhiệm của một GVCN. Bản thân cũng là một GVCN nhưng kinh nghiệm chưa nhiều, tôi thấy chủ nhiệm cũng vui lắm. Tuy áp lực khá lớn khi gặp một số học sinh "quá" cá tính. Chúng ta nên đặt mình vào hoàn cảnh các em, hãy là người chị, người anh, thậm chí người bạn của các em.

Đôi khi chúng ta phải nhún nhường, chịu thiệt một chút, "cho đi không mất gì cả mà ngược lại ta còn nhận lại nhiều hơn kia". Có lẽ khi nói lên câu này ai cũng nghĩ: tôi xạo, mới ra trường có bốn năm mà bày đặt! Chưa nếm trải nên nhìn đời màu hồng. Xin thưa rằng tôi cũng như quí thầy cô cũng có trái tim, khối óc, cũng có tham vọng, cũng muốn sung sướng vậy. Nhưng tôi cho rằng mình cứ cố gắng sẽ thành công thôi: vô trường mình hãy là một người khác.

Tại sao các ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ...khi được công chúng biết đến, ái mộ một khi họ xuất hiện trước đám đông thì họ luôn luôn đẹp, cố gắng "đẹp", chúng ta cũng thế trước mặt các em hãy luôn vui vẻ, yêu đời, ngoài việc truyền đạt kiến thức ra chúng ta hãy thổi vào các em những lí tưởng, vốn sống. Ngày một ít thông qua những bài dạy thì được thôi. Chúc quí thầy cô luôn vui với công tác chủ nhiệm.


Hồ Hiểu Đơn
Việc không tên
Tôi cũng là GVCN nhiều năm, toàn với những lớp cá biệt nên đọc mấy lời tâm sự trên đây mà thầy nghẹn ngào. Trường tôi ai mà "bị" phân chủ nhiệm là y như gặp vận xui. GV nào được cắt chủ nhiệm vì dư tiết thì mừng hơn bắt được vàng. Không một GV nào muốn làm chủ nhiệm, khổ quá. Vì là những việc không tên nên không ai biết, lãnh đạo không thông cảm .... Hở một tí là chủ nhiệm, học sinh mâu thuẫn đánh nhau là cắt thi đua vì không bám lớp, không giáo dục được HS. Sếp tôi có một câu nói để đời "thầy nào, trò ấy". Vậy là trò ăn cắp vặt thì thầy cũng ăn cắp vặt ?! Khổ nhất là thầy cô chủ nhiệm lớp có con của các vị có chức quyền thì lại càng khổ. HS ỷ lại nên dễ trở thành cá biệt, GVCN không dám làm gì cả vì ngại. Chế độ cho GVCN cần phải được xem lại!
TPY
Không thể là "hiệu trưởng con".
Tôi không đồng ý với ý: GV chủ nhiệm như "Hiệu trưởng con" - nếu có quyền như một hiệu trưởng trong phạm vi lớp mình làm chủ nhiệm thì đã không phải khổ - GV chủ nhiệm, theo tôi thì chỉ có thể nói: giống như một "bảo mẫu" (còn nếu nói bằng từ khác thì là "Ô sin") thì mới đúng - vì : GV chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của học sinh nhưng không hề có một chút quyền hạn nào, thậm chí khi giận cũng không được phép nói lớn tiếng. Tôi mong rằng khi đã giao trách nhiệm cho GV chủ nhiệm thì cần phải giao thêm quyền hạn và quyền lợi cho họ.
L.T.S

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét