Công nghệ trên được phát triển và thử nghiệm tại nhà máy số 404 của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc ở sa mạc Gobi, thuộc tỉnh Cam Túc xa xôi. Công nghệ có thể cho phép tái sử dụng nhiên liệu đã dùng và có thể thúc đẩy tỷ lệ sử dụng nhiên liệu urani ở các nhà máy hạt nhân lên gấp 60 lần.
“Với công nghệ mới, các nguồn urani hiện tại của Trung Quốc có thể được dùng cho 3.000 năm”, đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc, cũng như Pháp, Anh và Nga, là những nước ủng hộ tích cực việc tái xử lý như một cách thức để quản lý nhiên liệu phóng xạ cao đã qua sử dụng và như một nguồn nhằm cung cấp nhiên liệu hạt nhân trong tương lai.
Nhưng các nhà khoa học độc lập cho rằng việc ứng dụng thương mại đối với quá trình tái xử lý nhiên liệu hạt nhân luôn vấp phải các vấn đề như chi phí, công nghệ, nguy cơ làm giàu và những thách thức về an toàn khác.
Trung Quốc hiện có 171.400 tấn urani từ các nguồn đã được chứng thực, chủ yếu tập trung ở 8 tỉnh gồm Giang Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, Tân Cương, Nội Mông, Thiểm Tây, Liêu Ninh, Vân Nam.
Trung Quốc dự kiến thúc đẩy mạnh mẽ phát triển năng nượng hạt nhân nhằm giảm và cuối cùng đi đến bỏ hẳn phụ thuộc vào than, nguồn nhiên liệu được cho là ô nhiễm nhất. Hiện Trung Quốc có 12 lò phản ứng đang hoạt động, với khả năng sản xuất điện là 10,15 gigawatt.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu chính thức vào năm 2020 sẽ nâng khả năng sản xuất điện hạt nhân lên con số 40 gigawatts (GW). Song chính phủ cho biết họ có thể tăng gấp đôi mục tiêu, lên khoảng 80 GW, bởi việc mở rộng nguồn điện này là một trong những giải pháp khả thi nhất để đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải.
Phan Anh
Theo China Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét