Trẻ em chất vấn lãnh đạo TP HCM

VnExpress:
Chủ nhật, 2/1/2011, 11:16 GMT+7
"Những công viên vui chơi dành cho trẻ em đầy rẫy các tệ nạn. Nhiều đôi trai gái làm những trò em không dám nhìn. Em muốn kiến nghị với cô chú lãnh đạo thành phố phải có công viên dành riêng cho trẻ em", em Tài phản ánh với lãnh đạo TP HCM chiều 1/1.
Theo Đặng Phú Tài (trường THPT Hùng Vương), hiện nay thành phố có hàng chục công viên lớn nhỏ, tuy nhiên không có một công viên nào dành riêng cho trẻ em. Tất cả công viên đều có các tệ nạn xã hội, như: hút, chích ma túy, cướp giật, móc túi, xin đểu...
Dừng lại một lúc, nam học sinh này kiến nghị: "Hiện nay, pháp luật và cách giải quyết tệ nạn xã hội chưa đến được với trẻ em. Do đó, em mong muốn trong tương lai lãnh đạo thành phố đặt những chiếc vô tuyến lớn tại hội trường, những khu đông dân... để giúp cho các bạn học sinh hiểu biết hơn về pháp luật. Đó là một trong những cách giải quyết tệ nạn xã hội ở công viên".
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân trao đổi thân mật với các em học sinh. Ảnh: Tá Lâm.
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân trao đổi thân mật với các em học sinh. Ảnh: Tá Lâm.
Bạn Nguyễn Phương (học sinh huyện Củ Chi) thì cho rằng cần thiết xây dựng khu vui chơi cho trẻ em ở ngoại thành. Phương lấy ví dụ ở huyện Củ Chi chỉ có nhà thiếu nhi và nhà văn hóa, nhưng đường xá đi lại khó khăn, cần có thêm công viên để giúp các em giải trí sau những giờ học căng thẳng.
Trả lời kiến nghị của các em về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, cho biết đã đi khảo sát các khu vui chơi giải trí cho trẻ em và nhận thấy rằng TP HCM là thành phố tiên phong trong việc quan tâm đến nguyện vọng, tạo sân vui chơi giải trí cho các em.
"Tôi mong lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến của các em hôm nay. Không ai khác, lãnh đạo thành phố phải thiết thực quan tâm đến nguyện vọng của các em như thành phố đã chọn năm nay là năm "Vì trẻ em", bà Minh nhấn mạnh.
Vấn đề bạo lực học đường một lần nữa lại "nóng" lên trên "nghị trường". Nhiều học sinh kiến nghị Sở GD&ĐT TP HCM cần có biện pháp cụ thể ngăn chặn tình trạng này.
Em Bảo Trâm (học sinh trường Phan Châu Trinh, quận Tân Phú) bày tỏ: "Hiện nay, vẫn thường xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Nhiều bạn trước đó chơi thân thiết với nhau, nhưng chỉ vì một cái nhìn thiếu thiện cảm là lao vào uýnh nhau. Họ đối xử với nhau lãnh cảm và thiếu tình học trò quá". Nữ sinh này kiến nghị lãnh đạo và Sở GD&ĐT thành phố cần giáo dục học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Một bạn học sinh
Một bạn học sinh "chất vấn" lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Tá Lâm.
Còn bạn Huỳnh Định Cần (học sinh huyện Bình Chánh) thẳng thắn: "Tình trạng bạo lực học đường đang đến hồi báo động. Nghiêm trọng hơn, những bạn chứng kiến còn đứng nhìn mà không can thiệt, thậm chí còn quay clip tung lên mạng. Con xin hỏi lãnh đạo thành phố cần làm gì để cải thiện tình trạng trên?".
Chia sẻ lo lắng của các em, đại diện Sở GD&ĐT Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng công tác chính trị học sinh - sinh viên, cho biết sẽ báo cáo những kiến nghị này về Giám đốc Sở để chấn chỉnh khắc phục tình trạng trên. Sở và UBND thành phố đã tổ chức hội nghị tìm và phân tích nguyên nhân, từ đó đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất. Thời gian vừa qua, Sở cũng đã mời các chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo chủ nhiệm và các bậc cha mẹ học sinh cùng nhau ngồi lại bàn bạc ngăn chặn tình trạng học đường.
"Đầu năm học vừa rồi Sở đã ký kết với công an thành phố để đảm bảo an ninh trật từ trường học trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở cũng quyết định mỗi trường phải có một phòng tư vấn hoặc phải có cán bộ thực hiện tư vấn trường học để giải tỏa ức chế, mâu thuẫn có thể xảy ra đối với các em trong quá trình học tập", ông nhấn mạnh.
Nôn nao giơ tay từ đầu đến gần cuối buổi đối thoại, em Phan Thị Phương Anh (học sinh trường THCS Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) mới có cơ hội được nói lên nguyện vọng của mình. Em cho biết, lãnh đạo thành phố nói ưu tiên giáo viên giỏi cho các vùng sâu, nhưng thực tế thiếu rất nhiều. Nữ sinh kiến nghị lãnh đạo thành phố nên tăng cường giáo viên giỏi về các vùng này.
"Ít ai biết huyện Cần Giờ là gì và ở đâu? Lãnh đạo thành phố nên tổ chức một chuyến tham quan đến huyện của em để có cái nhìn thực tế hơn. Thông điệp của Cần Giờ luôn luôn chào đón các bạn", Phương Anh tươi cười nói. Cô nữ sinh vừa nói xong, cả hội trường vỗ tay hân hoan.
Đại diễn Sở GD&ĐT TP HCM Trần Khắc Huy (Trưởng Phòng) trả lời kiến nghị trẻ em. Ảnh: Tá Lâm.
Đại diễn Sở GD&ĐT TP HCM Trần Khắc Huy (Trưởng Phòng công tác chính trị Học sinh - sinh viên) trả lời kiến nghị trẻ em. Ảnh: Tá Lâm.
Em Cao Nhã Đình (trường THCS Bình Tây) thì bức xúc vấn đề "lô cốt" gây khó khăn đi lại: "Đường phố hết ngập, lại đến 'lô cốt'. Có con đường có tới 5 cái 'lô cốt' án ngữ. Đường gì mà cứ sửa đi sửa lại hoài vậy? Nhiều lần em dậy đi học từ rất sớm thế mà kẹt xe, đến lớp vẫn chậm học".
Trong hơn 3 tiếng đối thoại với lãnh đạo thành phố của 80 học sinh đại diện cho các quận, huyện ở TP HCM, có 45 ý kiến và 33 thông điệp của các em xoay quanh vấn đề bạo lực học đường, giảm tải chương trình học, tạo sân chơi cho các em, có nhà mở cho trẻ em cơ nhỡ và làm sao cho thành phố văn minh sạch đẹp hơn...
Đánh giá cao những vấn đề các em nêu ra, Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, năm 2011 là năm "Vì trẻ em". Thành phố sẽ làm nhiều việc hơn cho trẻ em như chăm sóc sức khỏe, chăm lo học hành và vui chơi giải trí...
"Tiếng nói của các em hồn nhiên mà sâu sắc, giàu cảm xúc, giàu ý nghĩa. Các em nói lên ước mơ về thành phố như là gắn với ước mơ của mình, hành động của mình vì tình yêu thành phố. Đó là ước mơ có cơ sở thành hiện thực. Thành phố phải có bước đi và lộ trình hợp lý, trong đó nhờ một phần vào việc làm của các em", bà Thảo nói.
Tá Lâm
Tuổi Trẻ Online:
Chủ Nhật, 26/12/2010, 08:49 (GMT+7)

Nữ sinh "nổi loạn"

TT - Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra liên tục thời gian gần đây có thủ phạm và những người liên quan đều là nữ sinh các trường THCS, THPT. PV Tuổi Trẻ đã tiếp cận nhiều ngày cùng thế giới nữ sinh để ghi lại câu chuyện, tâm sự của những người trong cuộc cũng như tìm câu giải đáp cho thực trạng này.
Gặp lại Trần Thị Thu Hiền (nữ sinh lớp 11 Trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai) tại trại giam Thủ Đức (Hàm Tân, Bình Thuận), chúng tôi không khỏi xót xa trước gương mặt héo mòn và những giọt nước mắt hối hận của cô bé.
Thu Hiền bảo rằng cô chỉ mong muốn rèn luyện tốt để được sớm trở về với gia đình - Ảnh: Ngọc Nga
Giết bạn chỉ vì ghen
Hiền và Nhi thân nhau từ nhỏ, nhà lại chung vách nên đi đâu, làm gì cũng dính nhau như đôi sam. Thời thơ ấu của cả hai có lẽ sẽ rất êm đềm nếu như không có ngày kẻ thứ ba xuất hiện.
Đó là Khang, một bạn trai Hiền quen trên mạng. Qua vài lần chat và gặp gỡ ngoài đời, Hiền dần có tình cảm quý mến Khang. Hiền không biết rằng sau những lần cùng đi chơi chung nhóm, Nhi cũng phải lòng Khang và thường xuyên nói dối để lén đi chơi riêng. Hiền rất bực tức và cảm thấy bị phản bội.
Một ngày hè tháng 7-2008, Nhi qua nhà Hiền chơi. Vừa gặp mặt nhau, cô bé đã thao thao bất tuyệt kể về chuyến đi chơi ở Vũng Tàu cùng nhóm bạn của Hiền. Nhi khoe là được tặng nhiều đồ đẹp và liên tục chê bai bạn trai của Hiền là đồ “khó xài”, không chịu galăng. Tức giận, Hiền hét lên bảo bạn “im mồm” nhưng Nhi vẫn tiếp tục chọc vào nỗi tự ái của Hiền. Không kiềm chế được cơn giận, Hiền chạy xuống bếp cầm dao đâm 39 nhát liên tiếp vào người Nhi cho đến khi bạn tắt thở. Trước khi gói thi thể bạn đem vất xuống bờ suối sau nhà, Hiền còn lấy đi chiếc lắc tay và điện thoại di động trên người Nhi. 17 ngày sau, Hiền bị bắt về tội giết người, cướp tài sản.
Chuyên viên tâm lý Minh Thị Lâm (phòng tham vấn học đường Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM):
Trẻ dễ bị kích động tâm lý dẫn đến hành vi sai trái
Trong cả hai trường hợp trên, trẻ đã bị tổn thương và kích động mạnh bởi những lời lẽ không hay của bạn. Khi bị bạn bè phê bình, bôi xấu, chọc giận, các em cảm thấy khổ tâm, buồn phiền. Đó là một đòn tâm lý rất nặng nề đối với các em.
Trong lúc bực bội, không kiềm chế được bản thân, Hiền và Thoại đã giết chết bạn mình. Nhưng rõ ràng hành vi giết chết bạn chỉ là để giải quyết cảm xúc nóng giận, giải tỏa bực bội trong lòng chứ trẻ không ý thức được hành vi của mình đúng hay sai. Hiền lớn lên trong một gia đình thiếu sự quan tâm của cha mẹ, phụ huynh thiếu niềm tin với con cái dẫn tới trẻ thường kết thân với nhóm bạn xấu, dễ bị lôi kéo vào những hành vi xấu. Nếu trẻ được người lớn chia sẻ, giúp đỡ kịp thời sẽ không bị ức chế về mặt tâm lý dẫn đến hành vi, thái độ sai trái.


Hiền có một tuổi thơ ngỗ ngược. Lên lớp 6 Hiền thường xuyên lén đi chơi đàn đúm với đám bạn lêu lổng. Trong mỗi cuộc chơi, Hiền đều bỏ tiền bao để tỏ ra mình là con nhà giàu và có đẳng cấp. Hết tiền xài, Hiền lại ăn cắp tiền của mẹ. Bất lực với đứa con cứng đầu, người mẹ lấy xích sắt trói Hiền lại để cấm con không được đi chơi và từ bỏ tật ăn cắp. Nhưng khi cái xích được tháo ra, Hiền lại như một con ngựa bất kham quen đường cũ.

Lên cấp III, Hiền ăn cắp dữ hơn, bỏ học nhiều hơn. “Sau đó bố mẹ quản em rất chặt, khiến em cảm thấy rất ngột ngạt và muốn bung ra. Có những lúc em phải điều trị ở bệnh viện vì bị rối loạn cảm xúc. Em trở nên lầm lì và xa lạ với chính những người đã sinh ra mình” - Hiền nhớ lại.

“Nhưng hơn hai năm ở đây, ngẫm nghĩ lại em thương bố nhiều hơn và hay viết thư về tâm sự với bố. Nhà em bây giờ khó khăn lắm, làm ăn không được, bố mẹ phải chịu khổ nhục vì em. Em chỉ mong sao gia đình Nhi hãy vị tha với lỗi lầm của em để cha mẹ em được sống một cuộc sống bình thường. 18 năm ở trong tù, đó là cái giá quá đắt cho một phút nông nổi của em. Giờ em chỉ biết rèn luyện tốt để được sớm trở về với gia đình” - giọng Hiền như lạc đi.

Khôn ba năm, dại một giờ

Ở Trường THCS Phước Tiến (Q.9, TP.HCM), ai cũng mến mộ cô bé lớp trưởng Thái Thị Thanh Thoại không chỉ vì thành tích tám năm liền đạt học sinh xuất sắc mà còn là một cô gái hiền lành, xinh đẹp, sống chan hòa với bạn bè. Thoại luôn là niềm kiêu hãnh trong mắt cha mẹ cho đến một ngày cách đây một năm, em bị bắt vì tội “cố tình gây thương tích dẫn đến chết người”.

Chơi với nhau như những người bạn bình thường trong lớp, không hề có mâu thuẫn, thậm chí nhiều lần Thoại còn giúp Oanh làm bài tập. Vậy mà chỉ sau lần Thoại lớn tiếng nhắc tên Oanh trước lớp vì không chịu làm bài tập tiếng Anh, Oanh “quê” mặt. Trong giờ ra chơi, được một số người bạn “châm ngòi”, Oanh ngang nhiên chửi Thoại giữa sân trường với những lời lẽ thô tục. Trong cơn giận, Thoại lao vào đánh bạn tới tấp, Oanh cũng không vừa. Cả hai lao vào “tả xung hữu đột”.

Oanh bị bệnh tim bẩm sinh nên không chịu nổi những cú đấm liên tiếp của võ sĩ đai đen taekwondo như Thoại nên đã ngã gục ngay tại sân trường. Tiếng còi cấp cứu hú vội vã cũng không thể nào đuổi kịp sự ra đi bất ngờ của Oanh. Cả trường thật sự sốc trước tin cô nữ sinh 14 tuổi tên Oanh đã qua đời sau khi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.

Mẹ của Thoại như bị sét đánh bên tai khi nghe tin con mình gây ra cái chết của bạn. Thoại khóc đến ngất. “Em sợ gặp tất cả mọi người, sợ nhìn thấy sự thất vọng của ba mẹ và ánh mắt dị nghị của hàng xóm. Cả tuần liền em không ngủ được, cứ nhắm mắt lại là hình ảnh của Oanh hiện về oán trách...” - Thoại kể về những ngày tháng tuyệt vọng của mình trong đớn đau.

Sau cú sốc, điều duy nhất kéo cô bé trở về với cuộc sống chính là sự động viên của gia đình. “Em không nhớ mình đã lặp lại bao nhiêu lần từ “giá như”. Giá như em bình tĩnh một chút. Giá như em có thể nghĩ cho cha mẹ, người thân, không làm họ thất vọng. Giá như em không nghĩ chuyện đánh nhau là quá đơn giản...” - Thoại nghẹn ngào kể.

Trong khi các bạn cùng trang lứa bước vào lớp 9, Thoại lầm lũi đi cải tạo 24 tháng ở trường giáo dưỡng. “Bây giờ em nhận ra còn nhiều điều phải học. Đó không phải chỉ là học kiến thức ở sách vở, mà còn phải học cách cư xử làm sao để không phải hối hận cả đời” - Thoại tâm sự trong nuối tiếc.

HOÀNG HOA - KIM TUYẾN - NGỌC NGA

Thứ Hai, 27/12/2010, 09:14 (GMT+7)


TT - Cách đây hai tháng, học sinh Trường trung - tiểu học Đức Trí (Thuận An, Bình Dương) bị một phen hoảng hồn khi chứng kiến cô nữ sinh lớp 8 tên H. bị một “chị hai” trong trường cầm dao đuổi chém. H. phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị đâm ba nhát vào lưng và hai nhát vào cánh tay.

Hai nữ sinh này hiện trải qua những ngày tháng lao động và học tập tại Trường Giáo dưỡng số 4 (Long Thành, Đồng Nai) do những hành vi phạm lỗi của mình - Ảnh: Kim Tuyến


1.001 lý do đánh bạn

Trước đó, khi đang học lớp 10 tại một trường ở TP.HCM, T. bị đuổi học do lấy compa đâm vào mắt bạn. Mới chuyển về học tại Trường Đức Trí không lâu nhưng T. đã được biết đến là một đàn chị có “số má”, dữ dằn và sẵn sàng “xử” đẹp nữ sinh nào thấy ngứa mắt. Nhập học chưa đầy một tháng, T. đã đấm một nữ sinh lớp 9 vỡ cả cặp kính cận chỉ vì “nó học giỏi mà chảnh”. Sau lần bị cảnh cáo, T. còn tuyên bố sặc mùi giang hồ: “Thấy nhỏ nào ghét tao sẵn sàng dạy cho nó biết mặt”.


Chỉ vì ghét H. học giỏi, lại “là lớp trưởng mà chảnh” nên T. cầm đầu một nhóm gồm ba nữ sinh rình lúc tan giờ học xông vào túm tóc, đấm đá bạn túi bụi. Trước sự chứng kiến của đám đông, H. co rúm người lại hứng chịu những cái tát tới tấp vào mặt. Sau đó, cả ba nữ sinh này đều bị đuổi học, nguyên nhân đánh bạn được T. giải thích với hội đồng kỷ luật: “Thích thì đánh”!


Cay cú sau khi bị đuổi học, T. nhiều lần tuyên bố với bạn bè là sẽ... đâm chết H. cho bằng được để trả thù. Và đến chiều 16-10 như kế hoạch, T. rình sẵn ở cổng trường đợi H. đi học về rồi đuổi theo đâm năm nhát vào người bạn. Nếu không có người lớn can ngăn và đưa đi cấp cứu kịp thời, H. có thể đã mất mạng.

Trước đó, nữ sinh V.T.T., Trường THCS Lê Lai (Q.8, TP.HCM) cũng bị hai bạn nữ cùng lớp xông vào đấm đá tới tấp đến ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân đánh bạn được hai nữ sinh này cho biết: “Vì thấy nó học giỏi, xinh nhưng quá chảnh nên đánh cho chừa”.

Tình trạng nữ sinh đánh nhau xuất hiện ở nhiều nơi. Tháng 3-2010, một nữ sinh trường THPT TNT (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bạn xé áo, túm tóc, kéo lê, đấm đá túi bụi đến mức sưng húp, thâm tím mặt mũi. Một số nữ sinh khác đứng xem còn reo hò cổ vũ, thậm chí xông vào đánh hội đồng. Đặc biệt, tham gia nhóm nữ sinh đánh bạn có ba cán sự lớp (lớp trưởng, lớp phó lao động, lớp phó văn thể mỹ).

Lý do đánh bạn là để “dằn mặt nó vì có chuyện gì cũng đi mách cô giáo”. Mới đây, tháng 11-2010, nữ sinh H.H.N., lớp 9 Trường THCS Tân Hiệp, Tiền Giang đang trong giờ học thể dục thì bị một nhóm sáu người (ba nam, ba nữ) kéo ra ngoài đánh đập dã man. Rất nhiều người chứng kiến vụ việc nhưng thấy nhóm người này quá côn đồ, hung hãn nên không ai dám can thiệp. Cô bé N. rất đau đớn, sợ hãi vì không hiểu tại sao mình lại bị đánh một cách vô lý như vậy.

Đánh hội đồng, tung clip lên mạng

Ngày 23-11, cư dân mạng lại xôn xao về vụ nữ sinh lớp 8 T.T. - Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (Q.5, TP.HCM) bị một nhóm nữ sinh đánh hội đồng. Đây không phải là lần duy nhất T.T. bị đánh. Trước đó, T.T. bị nhóm bạn này lôi vào nhà vệ sinh của trường đấm đá túi bụi vào bụng, tát liên tiếp vào mặt khiến đầu đập vào tường gây chảy máu tai. Lần thứ hai, trong giờ ra chơi, nhóm nữ sinh này lôi T.T. xuống góc lớp, bắt lột áo, quỳ xuống xin lỗi rồi xông vào đấm, đá, túm tóc, đổ nước lên đầu, vừa đánh vừa lấy điện thoại quay phim lại rồi chuyền tay nhau xem. Lần thứ ba cũng tương tự. T.T. chỉ biết câm nín chịu đựng trong nước mắt.


Theo một thống kê chưa đầy đủ của Bộ Giáo dục - đào tạo, từ đầu năm học 2009 đến cuối 2010 cả nước xảy ra hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Trong đó, hơn 700 học sinh bị đuổi học, gần 1.000 học sinh bị khiển trách, 1.500 học sinh bị cảnh cáo. Riêng năm học 2009-2010, xảy ra bảy vụ học sinh đánh nhau dẫn đến chết người.

“Ở trong lớp, em không có bạn, vì ai chơi với em hay bênh vực em đều bị các bạn ấy hăm “đánh chết mẹ”. Họ còn dọa: “Nếu để thầy cô và bố mẹ biết thì tao sẽ đánh cho mày lết về nhà luôn”. Bây giờ tuy họ đã bị chuyển qua lớp khác nhưng em vẫn sợ bị đánh vì họ chơi chung một nhóm (tên nhóm là F8), rất hung dữ”, T.T. sợ hãi kể lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cầm đầu nhóm F8 này là N., một cô bé quậy phá và học lực trung bình. N. hay chửi tục trong lớp và thường xuyên cúp học. Nhiều bạn trong trường đã bị N. và nhóm F8 đe dọa, chửi bới, đánh đập. Trong nhóm này còn có một bạn lớp trưởng (học lực khá giỏi), hay tự ý đổi sơ đồ lớp, ghét ai thì đẩy lên ngồi bàn đầu. F8 làm “trùm” trong lớp, có “tiếng” trong trường, ai cũng sợ và ngán... dây vào. Bản thân T.T. là một học sinh ngoan hiền, học lực khá giỏi nhưng “muốn chọc ghẹo, đùa giỡn với bạn cũng không dám vì mỗi lần mở miệng ra nói câu nào là các bạn F8 lại cho rằng... láo rồi dọa đánh”, T.T. cho biết.

Chỉ trong năm 2010 đã có hơn mười video clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng xảy ra ở Hà Nội, Hà Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Hầu hết các vụ đánh nhau đều có băng nhóm, ra tay rất dã man như đấm đá, túm tóc, tát, cào cấu, giật tóc, lột áo bạn...

Tháng 3-2010, cư dân mạng xôn xao về đoạn clip dài 1,5 phút ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 11 Trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) bị một nhóm nữ sinh dùng giày cao gót bổ nhiều nhát vào đầu. Vừa đánh nhóm nữ sinh này vừa nắm tóc, đạp nạn nhân xuống đất rồi dùng chân đá liên tiếp vào đầu cô gái. Sau đó, một đoạn clip dài bốn phút khác cũng ghi hình một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Việt Trì bị bạn bắt cởi cúc áo đánh tơi tả, nhưng liên tục phải dùng tay vuốt tóc lên để cho ghi hình. Nhóm nữ sinh này còn bắt nạn nhân quỳ xuống xin lỗi, sau đó cả ba người tiếp tục xông vào lột cả áo đồng phục lẫn áo lót của cô gái này.

Nhiều học sinh ở Phú Thọ còn chuyền tay nhau đoạn clip hơn hai phút ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Tất Thành bị một nữ sinh khác dùng giày cao gót hành hung. Điều đáng nói là rất nhiều người chứng kiến vụ việc với thái độ dửng dưng, không thèm can ngăn.

Chưa hết bàng hoàng, tháng 9-2010 cộng đồng mạng lại choáng váng khi chứng kiến clip quay cảnh nữ sinh Nguyễn Thị Hà Như, Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) bị một nhóm nữ sinh xông vào đấm đá dã man, dùng chân đạp liên tục vào mặt, vào đầu mặc nạn nhân khóc lóc van xin thảm thiết. Một trong những nữ sinh tham gia đánh bạn có võ sĩ karatedo Nguyễn Thị Hương Trà (Trường THPT Hữu Nghị, TP Vinh), người từng đoạt giải cao trong các kỳ thi võ thuật cấp quốc gia.

Đến tháng 10-2010, lại xuất hiện clip dài hơn ba phút ghi lại cảnh nữ sinh Nguyễn Thị Hoàng Nhâm (Trường THPT Lương Thế Vinh, TX Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị một nhóm nữ sinh xông vào đấm đá, túm tóc, tát túi bụi vào mặt. Nạn nhân còn bị bắt quỳ gối xin lỗi trước đám đông, bị cắt tóc, lột áo, sỉ nhục trước sự hả hê của nhiều người.

HOÀNG HOA - KIM TUYẾN - NGỌC NGA

Ý kiến bạn đọc (19):

Nên tuyên truyền về các biện pháp chế tài và tăng số lượng giám thị trong trường học

Phải tuyên truyền cho các em về hậu quả có thể xay ra cho chính các em và "nạn nhân" sau khi xảy ra vụ đánh nhau. Cho các em thấy các biện pháp chế tài nghiêm khắc của nhà trường. Nên tăng số lượng giám thị. Rất nhiều vụ đánh nhau diễn ra ngay trong trường học, mọi học sinh đều biết và kéo qua coi, vậy lúc đó giám thị, giáo viên ở đâu. Tôi nghĩ đây là một phần lỗi rất lớn của giáo viên, nhà trường.
Một bạn đọc


Cần có chế độ quản lý đặc biệt đối với các em.

Đọc những tin như thế này thật sự đau lòng. Đuổi học không là biện pháp tốt đối với các em này. Càng hung hãn, càng cá biệt, càng phải được quản lý kỷ. Trường kỷ luật dành riêng cho các em này với chế độ học tập đặc biệt cho các em này là giải pháp cuối cùng, có lợi cho các em và ngăn ngừa hiểm họa cho xã hội. Đuổi học các em là tối kiến trong mọi tối kiến.
Nguyễn Na Na


bàn tới bàn lui, lẩn quẩn đèn cù, chẳng đi tới đâu cả

Theo tôi nguyên do của vấn đề là thầy không ra thầy, trò không ra trò, xã hội chỉ toàn là những giá trị giả dối. Mà cái nguyên nhân sâu xa hơn nữa là do cái chủ trương "Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" mà ra. Nhìn rộng ra đây không phải chỉ là vấn đề của mấy em nữ sinh đâu, so với mặt bằng của XH thì các em chỉ là thiểu số, rất thiểu số mà thôi. Bây giờ bạo lực nó đã tràn lan ngoài xã hội rồi.
Tam


Nữ sinh nổi loạn

Thật lo lắng khi càng ngày nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng theo tôi nghĩ nhà trường, gia đình và xã hội cần phải chung tay ngăn chặn việc này ví dụ mỗi tháng cần phải họp phụ huynh một lần để gia đình theo sát con em mình sau mỗi vụ việc nhà trường thông báo. Trong những lần họp đó cần phải mời các anh công an đến để giáo dục thêm cho các em vì trong các em các anh công an là rất quan trọng.
Nguyễn Hùng


Nên có thêm giờ Giáo dục công dân

Tôi nghĩ Bộ giáo dục nên nghiên cứu cho thêm 1-2 tiết Giáo dục công dân cho mỗi lớp học. Việc này nên phối hợp với ngành công an thống nhất giáo án, và giáo viên là sĩ quan công an tại địa phương (quận-huyện), kiến thức pháp luật vững chắc nhằm tư vấn pháp luật, tư vấn hành vi cho các cháu học sinh.
Một người công an sẽ là người thầy, đồng thời cũng là người bạn của các cháu, nếu cần thì cũng có thể can thiệp kịp thời trong trường hợp xảy ra bạo hành trong và quanh khu vực trường học.

Trịnh Việt Bình


Cần mạnh tay xử lý triệt để

Tôi thấy đã đến lúc phải mạnh tay với tình trạng này. Không thể chấp nhận những biện pháp giáo dục, phân tích, họp bàn rút kinh nghiệm... Một số bạn đọc có đưa ra ý kiến nên cải cách phương pháp giáo dục, tôi cho rằng như vậy là hoàn toàn vô dụng và không nhận thức được bản chất nghiêm trọng của sự việc này.
Đối với các hiện tượng mang tính xã hội, có dấu hiệu tội phạm, cần thiết phải ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh và xử lý, ngăn ngừa tội phạm tiếp diễn. Học sinh là lứa tuổi trong sáng, tuổi ăn, tuổi học, không thể cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình không quan tâm giáo dục, cha mẹ chia tay hoặc bỏ mặc mà dẫn đến kết quả hành xử côn đồ. Cũng không thể đổ hết trách nhiệm cho phim ảnh, lối sống xã hội. Tất cả những lập luận đó chỉ là nguỵ biện, đến bao giờ chúng ta mới nghiêm túc xử lý triệt để tình trạng này.
Nếu là tội phạm thì bất kể là ai, bất kể lứa tuổi nào đều bị xử lý hình sự, nếu yêu cầu phải tạo cơ hội cho các em tái hòa nhập xã hội thì tôi cho rằng đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp phù hợp.
Hơn lúc nào hết, cần mạnh tay trấn áp và xử lý triệt để tệ nạn này, trả lại môi trường trong sáng, trong lành đúng nghĩa cho học đường. Trẻ em là tương lai đất nước, do vậy, không thể cho phép những thành phần tội phạm đe dọa tương lai thế hệ trẻ.

Từ Vinh Thành


Đây không là chuyện mới xảy ra hiện nay!

Cách đây hơn 10 năm, khi tôi còn học cấp 2, hiện tượng học sinh cá biệt cả nam lẫn nữ đều có, và khi đó hiện tượng các "anh 2", "chị 2" trong trường đánh nhau, trấn lột các học sinh khác cũng không thua khác gì bây giờ, có khác chăng là không có di động và internet để đưa lên mạng như hiện nay. Tôi cho rằng, đây là hiện tượng xã hội, không chỉ đời thường mà phim ảnh, sách truyện đều đề cập đến.
Việc lên án hiện tượng không gì mới lạ này trên báo chí chẳng thể là lời phê phán, cảnh báo xấu cho mọi người, nhất là các bậc phụ huynh, điều đó chỉ có thể làm họ lo lắng hơn về cách giáo dục, quản lý của ngành giáo dục, các cơ quan chức năng của nước ta hiện nay. Thậm chí, nó còn giúp các em học sinh phấn khích, tỏ vẻ, tự hào hơn về những việc mình làm được nêu trên báo chí.
Tôi thiết nghĩ, báo chí nên có bài viết sâu hơn về cách giáo dục, tâm lý của giới trẻ hiện nay, để từ đó giúp các phụ huynh, các cơ quan giáo dục có sự thay đổi để hạn chế những hình ảnh xấu như thế này.

thanh


Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn là "dạy"cho bọn trẻ những trò côn đồ

Dạo gần đây, tôi nghe rất nhiều về việc bạo lực học đường và đa phần trong đó là nữ sinh. Lúc tôi còn nhỏ, tôi cũng trông thấy vài vụ việc như trên, nhưng đó chỉ là vài câu nói sốc, nhưng rồi cũng xin lỗi nhau và chơi lại như bạn bè bình thường. Còn bây giờ, hở 1 chút là đánh, đấm, bạt tai...
Nhưng chúng ta nghĩ xem, những hành động đó trẻ học ở đâu? Chính là từ chúng ta. Khi trẻ làm sai việc gì, phu huynh phần lớn là đánh cho trẻ 1 trận để nhớ và để chừa. Việc dạy dỗ như thế theo một số người thì hoàn toàn bình thường, nhưng thiếu gì cách để giáo dục trẻ, đâu nhất thiết là phải đánh.
Có nhiều trường hợp chúng ta chỉ cần nói chuyện với trẻ, chỉ ra được lỗi sai của trẻ và góp ý về một số cách để giải quyết cái lỗi sai đó thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn với chúng ta.
Và chúng ta không nên chỉ biết nhìn về bọn trẻ mà cũng phải nhìn về phía người lớn, liệu cách giáo dục của chúng ta có đúng chưa, hay chúng ta chỉ làm cho việc giáo dục đó tồi tệ hơn bằng cách gieo rắc vào đầu trẻ những hành vi bạo lực, đánh hội đồng.
Nói về người lớn, tại sao khi chứng kiến những việc đó xảy ra mà chúng ta không can ngăn, mà chỉ đứng đó làm ngơ để việc càng lúc càng tồi tệ hơn.
Khi nói đến bọn trẻ thì chúng ta nên nói đến bản thân mình rồi hãy nói đến bọn trẻ.

Thiên


Xin đừng vô tình "PR" cho những câu chuyện hãi hùng này

Báo đài càng đưa tin về những câu chuyện như thế này thì người ta lại càng thấy nhiều clip tương tự được ồ ạt tung lên. Vì những bạn trẻ hiếu thắng và nhận thức lệch lạc này xem đây là một cách "hay ho" để mình trở nên có tiếng tăm, người khác phải khiếp sợ. Nếu như các bạn trẻ này cứ tiếp tục hành xử như thế này, sao không đem họ tập trung vào 1 nơi trong một khoảng thời gian, mặc họ dùng "bạo lực" để "nói chuyện" với nhau, để họ "nếm mùi" sự dã man của mình đã từng gây ra cho người khác. Xin lỗi, vì đây không phải là 1 giải pháp hay ho gì, nhưng chỉ vì tôi quá bức xúc và lo lắng sự khả thi của việc thay đổi sự nhận thức lệch lạc này!
H.PHI

Coi chừng lại đẩy các em lún sâu vào con đường sai lầm!

Nhìn chung lứa tuổi của các em còn bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường sống, vì vậy ta cần tạo môi trường tốt cho các em noi theo. Người lớn phải làm gương, gương đẹp thì hình ảnh phản xạ cũng đẹp... Cần xem xét lại nền giáo dục. Ngày xưa, tại sao không có những chuyện như thế này mà bây giờ lại có.
trần bình nguyên


CHỈ NGHE LỜI GÓP Ý MANG TÍNH BẠO LỰC

Tôi thấy rất hiếm những lời góp ý không mang tính bạo lực. Nhiều độc giả yêu cầu phải thực thi pháp luật nghiêm minh với trẻ nhưng tôi chưa thấy ai đòi thực thi pháp luật nghiêm minh với người lớn cả ! Quá bất công! Người lớn chúng ta tuổi đời nhiều mà còn bất chấp luật bảo vệ trẻ em là công sức của bao nhà khoa học, nhà lập pháp trên thế giới soạn ra.
Tôi mong người lớn chúng ta hãy đem tình yêu thương với trẻ. Ta bạo lực với trẻ là ta cấy vào trẻ mầm bạo lực cho trẻ, ta vô tình dạy cho trẻ bạo lực. Chúng ta làm cho trẻ rối loạn hành vi ứng xử. Chỉ thị 1408 của chính phủ gởi cho nhiều cơ quan trong đó có ngành luật pháp. Vậy luật pháp hãy xử những người gây mầm bạo lực với trẻ còn không thì hãy tự xử mình không chấp hành chỉ thị 1408!

CÔNG HÙNG


Tại sao bạo lực họ đường đều là nữ sinh?

Thật đáng buồn và cũng đáng báo động; trước kia khi nói đến đánh nhau trong trường học, dù là cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 người ta thường nghĩ đó là những nam học sinh hiếu động; còn bây giờ không chỉ những vụ đánh nhau mà còn vô số những scandan động trời khác cũng đều là nữ sinh. Chúng ta không thể xem nhẹ vấn đề này được, Bộ Giáo Dục, nhà trường cần có những biện pháp cứng rắn, nghiêm trị những học sinh vô đạo đức đó.
Chúng ta đang thiếu những biện pháp cứng rắn? chúng ta sợ đẩy 1 học sinh đó ra ngoài xã hội? Những học sinh như vậy thì trước hết bố mẹ và gia đình phải chiu trách nhiệm, không thể đùn đẩy cho trường học. Để một học sinh vô đạo đức trong lớp, trong trường sẽ làm ảnh hưởng đến rất nhiều học sinh khác, ảnh hưởng đến cả việc giảng dạy của thày cô. Theo tôi, mỗi đầu năm học, cả bố mẹ đều phải ký cam kết với nhà trường, trong đó có những liên quan đến học sinh, gia đình và xã hội.

Quỳnh Hương


PHÁP LUẬT CẦN MẠNH TAY

Tôi cũng rất bức xúc vì những bạo hành trong nhà trường. Nhà nước nên ban hành luật để xử lý những học sinh đã có máu côn đồ từ nhỏ. Bởi vì không thể đỗ hết lỗi hay trách nhiệm cho giáo viên cho gia đình hay hoàn cảnh. Tại sao có những hoàn cảnh khó khăn cha mẹ ly dị...mà các em vẫn cố gắng học và vươn lên. Còn thành phần quậy phá cũng nằm trong diện các em là con nhà giàu đó.
Nhà nước cần có trại cải tạo để cho những học sinh đó, nếu không giáo dục cải tạo ngay từ mới lần vi phạm nhỏ, để hình thành máu giang hồ cho tới tuổi trương thành sẽ nguy hại như thế nào,từ nhỏ bản tính như thế thì lớn lên giết người như chơi thôi. Tôi nghĩ cần phải có biện pháp mạnh hơn, không thể nói dưới vị thành niên là thoải mái phạm tội đâu. Tôi cũng nhức nhối và cũng rất lo cho thế hệ sau này.
Tôi cũng có con đi học, chỉ khi nào con tôii về đến nhà tôi mới thật sự an tâm. Vì chính con tôi cũng có bị bạn học chung lớp hăm đánh khi trong giờ kiểm tra không chỉ bài cho bạn. Có nói giáo viên cũng không ổn, vì nó muốn đánh đâu đánh trong lớp đâu chứ! Ngày xưa, tôi đi học rât1 vất vả khó khăn.
Cả 12 năm học tôi cũng chưa bao giờ được nghe học sinh đánh nhau. Không hiểu tại sao bây giờ điều kiện kinh tế đầy đủ hơn, các em học sung sướng hơn chúng tôi khi xưa rất nhiều, đáng lẻ điều kiện như thế các em phải học giỏi hơn chứ. Không thể đỗ lỗi hoàn cảnh hay nghèo khó mà bạo hành như vậy. Không biết các nước văn minh nhiều tình trạng xảy ra như thế không. Còn ở VN những năm gần đây tôi quá sợ hải vì tình trạng bạo hành học đường!

THANH XUÂN


Cần xem lại chương trình và nội dung GD đạo đức trong nhà trường

Tôi thấy đây là hậu quả của kiểu giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật "chung chung" trong nhà trường hiện nay. Ta chỉ đề cập đến những nội dung quá rộng lớn nhưng không cụ thể, và cũng không xoáy sâu và lặp lại nhiều lần (kiểu chương trình hình xoắn ốc) để khắc sâu những vấn đề cần giáo dục. Lấy thí dụ khi học sinh không nắm rõ luật pháp thì sẽ không biết người công dân có quyền làm gì và không được làm gì trong xã hội.
Một nữ sinh bị hiếp dâm 3 năm trời bởi 3 tên cùng địa phương nhưng không dám tố cáo (vì bị dọa giết). Một học sinh bị bạn bè hành hung thì đương sự và gia đình không tố cáo tội phạm nhưng chính đương sự lại tổ chức đánh trả thù. Giáo dục thì chung chung, người làm công tác giáo dục lại không gương mẫu (Thành viên trong Ban Giám hiệu, giáo viên lại mua dâm hoặc hiếp dâm nữ sinh; thi GV giỏi TP thì thí sinh là giáo viên lại quay cóp còn chuyên nghiệp hơn học sinh!).
Như vậy thì làm sao gây sự tín nhiệm cho học sinh? Tôi đề nghị ngành giáo dục nên xem lại chương trình, nội dung và biện pháp giáo dục đạo đức, giáo dụcpháp luật trong nhà trường. Đối với những học sinh côn đồ như các tin đã nêu cần phải xử lí mạnh tay (thí dụ đuổi học, đưa về địa phương quản lí, truy tố để chính quyền có biện pháp xử lí theo pháp luật..). Không nên để tội ác có cơ hội nẩy mầm từ những đứa trẻ có kiểu hành xử côn đồ, coi thường pháp luật như thế.

Hoang Ti


Làm sao để thành công dân tốt?

Ngay từ nhỏ mà các em đã có những suy nghĩ và hành động lệch lạc như vậy, thiết nghĩ khi lớn lên, các em có thể nào trở thành những công dân tốt cho xã hội không?
m.phuong


xin đừng" Vị thân bất pháp "

Tôi ở bên này đại dương rất đau lòng khi đọc những bài viết về "Bạo lực học đường"! Tôi buồn quá, Luật pháp đi đâu? Những đứa phạm tội là "con ông cháu cha" hay sao? Cay đắng thay, đau lòng thay...
danh bat thanh


Tại sao không để pháp luật can thiệp??

Theo pháp luật hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi loại tội phạm. Như vậy, nếu học sinh từ khoảng lớp 10 trở lên thì đã có thể dùng đến biện pháp cưỡng chế của pháp luật về các hành vi đánh bạn, quay clip tung lên mạng này. Có thể áp dụng điểm c, e khoảng 1 điều 104 (về tội cố ý gây thương tích) hoặc khoản 1 điều 121 (về tội làm nhục). Cứ đánh bạn như thế rồi chỉ bị xử lý kỷ luật ở trường là xong ư?? Pháp luật để đâu, tại sao học sinh lại được "miễn trách nhiệm" trước pháp luật như thế??
Sinh viên Luật


Đề nghị chính quyền can thiệp mạnh

Thật khủng khiếp cho những ai có con gái đi học và bị đánh như thế. Luật pháp của nước ta có điều khoản nào bảo vệ học sinh đi học không bị các bạn của mình đánh đập như vậy không? Đề nghị chính quyền hãy ra tay can thiệp vào nhưng chuyện này. Vấn đề ở đây là do đâu? Do cách giáo dục hay do tâm lý bất ổn của học sinh? Liệu tình trạng này có được dẹp bỏ hay không? Đề nghị các cơ quan ban ngành, nhà trường phải phối hợp với nhau ngăn chặn tình trạng này, các "đàn anh, đàn chị" nào cầm đầu băng nhóm nên được cho vô trại cải tạo và cần phải đưa ra xét xử lưu động công khai cho toàn thể học sinh biết.
Cần thiết nên thành lập một đội " bảo vệ các bạn học sinh bị ức hiếp, đánh đập trong trường". Những người này sẽ chỉ điểm, can thiệp và báo công an những vụ hành xử giang hồ của các "đàn anh, đàn chị". Tại sao nhà trường và công an địa phương không phối hợp để thành lập đội bảo vệ này?
Đã đến lúc chính quyền các cấp phải can thiệp mạnh để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường này. Đừng để xảy ra chết người mới bắt vì có những trường hợp bị đánh nhưng không chết và để lại những vết thương lòng và vết thương tâm lý không tốt cho sự phát triển của những học sịnh bị ức hiếp, đánh đập.

Đặng Quốc Vinh


Pháp luật chưa vào cuộc thì bao giờ mới giải quyết xong những việc thế này?

Tôi thấy thật sự bức xúc khi thấy liên tục xảy ra những vụ đánh bạn chỉ vì "nhìn thấy ghét". Đuổi học hay khiển trách là hình thức xử lý quá nhẹ nhàng. Ngay từ nhỏ mà đã có những hành vi dã man như thế thì khi lớn lên chắc chắc không thể trở thành người tốt.
Không nên đổ tội cho các thầy cô giáo vì ngay từ chính gia đình đã không dạy dỗ con mình được thì hãy để xã hội dạy dỗ. Đối với những học sinh thế này nên đưa ngay vào trừơng giáo dưỡng để rèn luyện lại nhân cách. Chuyển lớp hay đuổi học cũng chỉ làm gây nên sự tức tối trong lòng và chúng sẽ tìm cách khác để trả thù bạn. Những đứa trẻ này sẽ trở thành mầm mống nguy hại cho đất nước.

thuy trang

Thứ Ba, 28/12/2010, 03:30 (GMT+7)

TT - “Không ai ép buộc mình phải theo băng nhóm. Thấy hợp thì chơi, lâu thành thân như chị em, khó khăn là có nhau. Ai bị ăn hiếp thì chị hai sẵn sàng đứng ra bênh vực. Băng nhóm càng mạnh, mọi người càng tự tin và không biết sợ là gì...”.

Bùi Thị Phụng, một “nữ quái” từng lộng hành ở Trường THCS Phú Thọ, Q.11, TP.HCM, cho biết.


Cô Lưu Thị Thám (phải), giáo viên chủ nhiệm lớp nữ sinh đặc biệt tại Trường Giáo dưỡng số 4, Long Thành, Đồng Nai - Ảnh: Kim Tuyến

Cướp

Thi rớt học kỳ II năm lớp 8, sợ những trận đòn roi bầm tím thân thể của bố, Phụng bỏ nhà đi. Trong vòng một tháng, Phụng lân la hết nhà bạn này đến bạn khác trong nhóm để tá túc qua ngày. Khi hết tiền xài Phụng rủ Linh, Trang cùng lớp đi cướp xe đạp các nữ sinh trong trường. Mỗi vụ cướp thành công (bán được gần 1 triệu đồng/xe), Phụng cùng nhóm bạn chia nhau tiêu xài. Đến khi không thể tá túc nhà bạn mãi, Phụng bị bố lôi về đập cho một trận nhừ tử và đưa ra phường nhờ mấy chú công an... dạy dùm. Nhưng chỉ sau một tuần làm kiểm điểm, lại ham vui và bị bạn bè rủ rê, Phụng cùng băng cũ đi cướp xe đạp. Sau khi thực hiện trót lọt ba vụ cướp, Phụng bị bắt và đưa vào Trường Giáo dưỡng số 4 cải tạo 24 tháng.

Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Trâm (nữ sinh lớp 6 một trường cấp II ở Q.5, TP.HCM) có học lực khá trong lớp nhưng cũng vì ham chơi, bị bạn bè lôi kéo nên đã tham gia băng nhóm gồm bốn “nữ quái” đi cướp tài sản. Sau khi tan học, băng của Trâm phục sẵn tại cổng trường, thấy nữ sinh nào đi học về một mình thì chặn đầu xe, dùng số đông áp đảo, thuyết phục đối phương cho “mượn” xe. Nếu nạn nhân không cho “mượn” cả nhóm sẽ... chở cả “khổ chủ” đi theo luôn. Sau khi dàn cảnh thực hiện trót lọt ba vụ cướp xe đạp, Trâm bị bắt.

“Em chỉ nghĩ làm cho vui, bị bạn rủ rê nên thích thì đi chung chứ không xác định đi cướp để kiếm tiền. Em chỉ thử làm 1-2 lần xem thế nào thôi chứ không lường trước được hậu quả” - Trâm cho biết.

Phụng kể hầu hết tại các trường cấp II-III đều có băng nhóm “nữ quái”, riêng trên địa bàn quận 11 có rất nhiều nhóm, đông nhất có lúc lên tới gần 50 người. Chị hai cầm đầu băng nhóm này rất dữ dằn và đánh nhau như cơm bữa. Trong nhóm nếu ai bị ăn hiếp thì chị hai sẽ cầm đầu cả nhóm ra xử. Năm ngoái, chỉ vì ghen ăn tức ở, Mi (Trường Nguyễn Huệ) đã kéo nguyên băng hơn 20 người ra đánh dằn mặt một chị hai khác ngay trước cổng Trường Lữ Gia. Cầm đầu băng nhóm Trường Lữ Gia cũng không vừa, cả hai xông vào cấu xé, đấm đá, giật tung cúc áo trước sự cổ vũ của đàn em vừa hò hét vừa quay clip để tung lên mạng.

Dằn mặt

“Dù không muốn nhưng mình vẫn phải gia nhập băng của chị hai T., nếu không sẽ bị xử lúc nào không biết” - Nguyễn Hồng Linh (tên nhân vật đã thay đổi), một “đệ tử” của T. (Trường THCS Lê Lai, Q.8, TP.HCM), cho biết.

Để được kết nạp vô băng nhóm, Linh phải trải qua ba vòng thử thách. Đầu tiên là chiêu “qua mặt giám thị”. Các nữ sinh dám quậy đều phải mặc váy ngắn trên đầu gối. Bước qua cổng trường, Linh chỉ cần tuột váy xuống gần nửa mông, choàng thêm cái áo khoác là xong. Thứ hai là phải biết “chơi”. Trong cặp các cô này lúc nào cũng giấu sẵn thuốc lá, khi nào thèm thì chui vào nhà vệ sinh nam rít vài hơi.

Điều kiện cuối cùng để chính thức gia nhập nhóm là “lập công”. Từ việc trấn lột đồ (tập vở, tiền ăn sáng) của các nữ sinh khác đến tham gia đánh nhau đều được ghi điểm cao. Linh cho biết để “lập công” cô đã quơ quào, cấu xé tơi tả một nhỏ lớp 6, khi nhỏ này dám ngồi... nhầm ghế đá “chị hai” T. hay ngồi. Có lần T. cầm đầu một nhóm “choảng” một nữ sinh đến ngất xỉu, không ngần ngại túm đầu một nữ sinh khác gí xuống bể nước vì can tội... láo.

Khi thầy cô nhắc nhở, T. đặt một viên gạch trước giỏ xe thầy kèm theo mẩu giấy: “Đừng can thiệp sâu”.

Còn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7, phần lớn nữ sinh muốn yên ổn đều phải biết “hiền”. Nếu không thì phải có bồ là đại ca hoặc phải gia nhập một băng “nữ quái” trong trường.

“Không nên nói nhiều nhưng cũng chớ nói ít, nếu không sẽ bị cho là khinh người. Không được học giỏi quá, và nếu điệu quá cũng sẽ khiến bọn nó thấy ngứa mắt mà kiếm cớ đánh” - Thu Anh, một nữ sinh mới chuyển đến trường này, cho biết. Trong lớp Thu Anh có học lực khá nên mỗi khi làm bài kiểm tra phải có bổn phận cho cả nhóm của “chị hai” Oanh chép bài. Nhiều nữ sinh trong lớp rất sợ Oanh nhưng chẳng ai dám mách thầy cô vì sợ bị đánh.

Ngoài lý do chịu chơi, lắm tiền, nữ sinh trong trường còn nể sợ Oanh vì có “bồ” là một tay đua khét tiếng. Ngay khi đặt chân vào trường mới, để chứng tỏ uy thế của mình với các nhóm khác, Oanh đã kêu cả nhóm đánh “dằn mặt” một đàn chị lớp trên vì tội “học giỏi mà chảnh”. Ngay hôm sau, “đàn chị” nọ kéo nguyên băng giang hồ tới “tẩn” Oanh một trận ngay trước cổng trường.

Không phải cứ là “cá biệt”

“Đánh nhau ngoài trường nhiều hơn trong trường, chỉ vì ganh ghét, chửi qua chửi lại, không chịu nhường nhau là đánh. Các nữ sinh hiền mà hay bon chen cũng sẽ bị lôi kéo vào nhóm, dần dần sẽ hùa theo. Sức mạnh số đông khiến tụi nó tự tin hơn và không biết sợ ai. Chị hai cầm đầu băng nhóm giữa các trường thường có mối liên hệ với nhau. Quỳnh cầm đầu khối 8 Trường Lữ Gia rất thân với Mi cầm đầu khối 7 Trường Nguyễn Huệ... vì học chung từ cấp I. Lúc hết tiền, thi không qua môn hay bị bạn bè ức hiếp, họ lại nhờ “chị em” giúp đỡ. Lúc đông nhất có thể huy động đến 50 người. Ai trong nhóm bị ăn hiếp, trưởng nhóm sẽ đi nói chuyện trước, nếu không giải quyết được thì kéo nguyên băng đến dọa, bên kia mà manh động hay khiêu khích thì xử liền” - một “nữ quái” Trường Lữ Gia cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải “chị hai” nào cũng là thành phần bất hảo. Có những “nữ quái” học rất giỏi và làm cán sự lớp nên được nhóm rất nể. Quỳnh (trưởng nhóm “nữ quái” Trường Lữ Gia) nhà rất khá giả nhưng bố mẹ ly dị, phải ở với cậu mợ. Bị cậu mợ hắt hủi nên Quỳnh rất hận gia đình. Quỳnh có khuôn mặt và tính cách rất “lạnh”, cứ thấy ai gây chuyện trước là đánh. Tuy nhiên, Quỳnh sẵn sàng bênh vực đàn em bị ức hiếp nên được nể trọng. Quỳnh học giỏi từ cấp I đến cấp II, lại là lớp trưởng nhiều năm liền nên được thầy cô thương. Bạn bè trong nhóm cũng nể Quỳnh vì biết chơi đẹp, học giỏi lại hay bênh vực bạn yếu.

Hay như Phúc, cầm đầu một băng trong Trường Phú Thọ, học lực giỏi, lại là lớp phó học tập. Trong lớp cô nàng rất quậy, có lần cầm đầu nguyên băng nữ xông vào đánh te tua một băng nam trong trường khiến ai cũng nể sợ. Phúc hay kèm cặp các bạn học yếu, có khó khăn gì là xắn tay giúp liền nên được mọi người mến. Vì thế các thành viên tham gia nhóm của Phúc hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc ai và tất cả đều tuân thủ những nguyên tắc do Phúc đưa ra.

HOÀNG HOA - KIM TUYẾN - NGỌC NGA


Ý kiến bạn đọc (3):

Đừng đổ lỗi là do nhà trường

Tại sao lại đổ lỗi trách nhiệm đầu tiên là ở nhà trường mà không phải là gia đình? Theo tôi HS bây giờ có lối sống thoáng và hư hỏng là do gia đình tạo nên, đừng đổ lỗi trách nhiệm cho nhà trường.
Chính tôi cũng từng là HS như bao người và cũng từng nghịch ngợm, từng bị phạt roi nhưng bố mẹ tôi không hề bênh con mà còn dặn thầy cô hãy mạnh tay với những đứa nghịch ngợm để đe cho chúng thành người tốt hơn, còn bây giờ thì sao?
Nếu nói do nhà trường thì không thể vì HS hư hỏng thì thầy cô răn đe bằng lời hay hình phạt, nếu quá thì phạt roi, nếu bị phạt roi thì phụ huynh có ngồi yên không? Chắc chắn là không rồi.
Người xưa có câu "Cháu hư tại bà, con hư tại mẹ", vì vậy xin đừng đổ lỗi việc hư hỏng của học sinh là do nhà trường.

Bùi Ngọc Quy


Mầm mống tội phạm

Đọc xong bài viết tôi thật sự sởn gai ốc. Bản thân tôi cũng là HS-SV nhưng tôi không nghĩ là có những nữ sinh như vậy. Tôi cho rằng cần nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp này. Và phải xử lý mầm họa mày từ sớm.
Trách nhiệm đầu tiên là ở nhà trường, nếu nhà trường quan tâm hơn đối với học sinh thì sẽ sớm phát giác những hành động xấu đó của học trò và kịp thời ngăn cản. Người có trách nhiệm thứ 2 là cha mẹ HS, sự quan tâm đúng mức và đúng cách là điều rất cần.
Tôi hy vọng sự việc này không còn xảy ra nữa vì nếu như thế thì trường học không còn là thiên đường cho giới trẻ nữa mà nó trở thành địa ngục, và sau này những HS như vậy có giúp được gia đình, đất nước không?

TĂNG VĂN THẠNH


Tiêu đề

"Không ai ép buộc mình phải theo băng nhóm ..."-Lời bộc bạch của em đã cho thấy đằng sau cái gai góc, sần sùi, là sự thiếu hụt, nỗi cô đơn không cùng mà các em đã không có được điểm tự từ ....người lớn. Như vậy lỗi cơ bản thuộc về chúng ta: Những bậc làm cha mẹ, quý thầy cô, các đoàn thể xã hội.
Thu Hương

Thứ Tư, 29/12/2010, 09:24 (GMT+7)


TT - Theo khảo sát của một số trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, 90% nữ sinh ở lứa tuổi 12-18 đều có nhu cầu tham vấn tâm lý, trong đó 1/3 số này có biểu hiện rối nhiễu, khủng hoảng, stress... dẫn đến bộc phát những hành động liều lĩnh, thậm chí có trường hợp muốn tự tử để thoát khỏi bế tắc.

Cô nữ sinh này luôn bị ám ảnh với chiếc áo loang máu từ những nhát dao chí mạng của một nữ sinh khác - Ảnh: Ngọc Nga

“Bộ luật tình bạn”

"Hiện nay lực lượng tham vấn viên trên địa bàn TP quá ít so với nhu cầu của các trường phổ thông hiện nay. Theo tôi, ngành giáo dục nên quan tâm đến việc tuyển dụng giáo viên tâm lý cho các trường cấp II vì đây là lứa tuổi có những vấn đề về tâm sinh lý cần được tham vấn kịp thời, nhất là nữ giới.


Cô Phạm Thị Huệ (Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM)


Chỉ vì thấy bạn “đau khổ” mà một nhóm nữ sinh lớp 7 (Một trường THCS ở Q.3, TP.HCM) đã lấy dao lam rạch tay. Điều đặc biệt cả năm nữ sinh này đều rất ngoan và có học lực khá giỏi. Khi thầy cô giáo phát hiện và điều tra nguyên nhân, các em đều có chung câu trả lời không hiểu tại sao lại làm như thế, chỉ thấy bạn buồn, bạn đau khổ, bạn rạch vào tay thì mình cũng phải làm theo”.

Tìm hiểu mới biết N. - thành viên “cầm đầu” nhóm nữ sinh này - thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau. Không ai quan tâm đến N. nên cô bé luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi. Từ tâm trạng bị “sốc”, lâu dần N. tỏ ra buồn chán. Em đã nổi loạn bằng cách tự làm đau mình để trả đũa sự thờ ơ của người lớn.

“Các nhóm nữ sinh trong trường thường thỏa thuận một quy định ngầm với nhau, được gọi là “bộ luật tình bạn”. Nếu một thành viên trong nhóm bị đau thì cả nhóm phải bênh vực, trưởng nhóm làm gì thì cả nhóm phải làm theo như thế. Hầu hết các em này đều có biểu hiện rối nhiễu tâm lý, không chia sẻ được với người lớn nên đã giải thoát bằng cách tự làm đau mình” - cô Minh Thị Lâm, giáo viên tâm lý Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM, cho biết.

Một nữ sinh lớp khác (lớp 8) lại luôn thu mình trước đám đông. Cô bé thường ngồi một mình và không chơi với ai. Chỉ đến khi nói chuyện với giáo viên tâm lý em mới thú nhận: “Em không dám chơi hết mình với bạn bởi mẹ em nói rằng trên đời này không ai tốt bằng cha mẹ, bạn bè rồi cũng bỏ mình đi hết, vì thế đừng quá tin tưởng vào ai”.

Em bị mất cha từ năm lên 4 tuổi, mẹ muốn đi bước nữa với một người đàn ông khác. Khi phát hiện người đàn ông kia đã có gia đình nhưng vẫn lén lút quan hệ với mẹ, cô bé đã mất niềm tin và rơi vào khủng hoảng.

“Nhiều lần tôi nhói tim khi nghe em nói trong nước mắt: Cô ơi, tại sao người lớn lại hay lừa dối nhau? Mẹ thường nói đi học không được đánh bạn nhưng tại sao mẹ lại đánh con? Trong lúc mắng con mẹ còn nói tao với mày. Con không thích mẹ xưng hô với con như thế! Tôi tự nhủ không biết người lớn đã vô tình hay cố ý khiến con mình bị tổn thương”, cô Lâm trăn trở.

Xa lạ chốn gia đình

Có trường hợp cha mẹ đều là giáo viên nhưng con cái rất quậy. Cụ thể như nữ sinh T. đã hai lần bỏ nhà đi cùng nhóm bạn vì sốc khi phát hiện mình là dân đồng tính. Lần thứ nhất, cha và anh trai T. phải lùng sục khắp TP mới tìm được em. Lần thứ hai, cha T. phải chạy xe máy xuyên đêm từ Sài Gòn xuống cầu Mỹ Thuận để rước T. về.

T. hiền lành, học lực giỏi, là lớp trưởng nhiều năm liền. T. thường tâm sự với cô giáo rằng em chỉ muốn bỏ đi thật xa để không phải buồn và xấu hổ về giới tính của mình. Em luôn sợ bị bạn bè bỏ rơi vì không thể chia sẻ với cha mẹ.

Đêm nọ, cô giáo Oanh Vũ nhận được điện thoại của H. (nữ sinh lớp 10) nói trong tuyệt vọng: “Em không thể nói với ai ngoài cô. Em buồn quá, ba em có bồ nhí, sắp ly dị mẹ. Em chỉ muốn chết thôi...”.

Bấy lâu nay H. luôn coi cha mình là thần tượng. Gia đình có nguy cơ tan vỡ, thần tượng sụp đổ, nhiều lần cô bé bỏ nhà đi trong tuyệt vọng. Mỗi lần bỏ đi H. đều bị cha đốt hết quần áo, sách vở. Hai lần H. đòi tự tử, đỉnh điểm nhất là gần đây cô bé phải vào viện cấp cứu vì uống một lúc 30 viên Aspirin quyên sinh.

“Em trở nên lầm lì, thích đánh nhau và nhậu nhẹt thuộc hàng “anh chị”. Có lần tôi chứng kiến một mình em uống hết một két bia, say xỉn rồi tham gia đua xe. Có lần H. cầm đầu nguyên băng nhóm toàn con trai chặn đường gây gổ, hỗn chiến với một nhóm khác. Em luôn tỏ ra bất cần để giấu đi sự tổn thương trong tâm hồn”, cô Vũ cho biết.

Khảo sát qua “hộp thư xanh” (ra đời từ năm 2004, là nơi gửi gắm tâm sự của học sinh Trường THPT An Nhơn Tây), có đến 70% nữ sinh trong trường muốn được gỡ rối về mặt tình cảm, trong đó 1/3 gặp các sự cố như bị bạn trai bỏ rơi, thất tình, mang thai ngoài ý muốn...

Theo số liệu thống kê của phòng tham vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), gần 26% học sinh không chia sẻ gì hoặc rất lâu mới chia sẻ với phụ huynh; gần 60% học sinh mong muốn gia đình mình hạnh phúc hơn; trên 40% các em mong muốn cha mẹ tôn trọng quyền tự do cá nhân của con, tin tưởng và chia sẻ với con nhiều hơn.

HOÀNG HOA - KIM TUYẾN - NGỌC NGA

------------------------------------
* Tin bài liên quan:
------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét