TT - Khoảng 20 tấn hàng lậu trị giá ước tính hơn 12 tỉ đồng đã bị lực lượng Công an Hà Nội thu giữ trong cuộc vây ráp đoàn tàu chở khách ĐĐ4 từ Lạng Sơn về Hà Nội trong đêm 6 rạng sáng 7-1.
Hàng lậu được bốc dỡ xuống tàu tại ga Hà Nội dưới sự giám sát của cảnh sát cơ động - Ảnh: V.DŨNG |
Cuộc vây ráp đã bị chủ hàng và cửu vạn chống đối quyết liệt bằng gạch đá để cướp lại hàng.
Vây ráp tại ga Gia Lâm
Chiều tối 6-1, đội chống buôn lậu Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Hà Nội xác định đoàn tàu khách mang số hiệu ĐĐ4 từ ga Đồng Đăng về Hà Nội đang được chất đầy hàng hóa, sẽ xuống hàng tại ga Gia Lâm, Long Biên.Khoảng 19g50, hàng trăm cảnh sát được huy động chặn đoàn tàu tại ga Gia Lâm để thực hiện kiểm tra, khám xét tại chỗ.
Đúng hàng lậu, tịch thu toàn bộ Liên quan đến vụ bắt giữ bốn toa hàng lậu tại ga Gia Lâm trên chuyến tàu ĐĐ4, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết về quan điểm xử lý, nếu tất cả số hàng này không có hóa đơn, chứng từ, TP sẽ yêu cầu cho tịch thu toàn bộ. Với thông tin trong quá trình triển khai vây ráp và thu giữ số hàng lậu, các lực lượng chức năng đã bị các đối tượng buôn lậu ném đá và chống trả quyết liệt, ông Tưởng nói: “Hiện TP đã có ý kiến yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các chủ nguồn hàng, các trường hợp chống đối để xử lý nghiêm minh trước pháp luật”. X.L. |
Ngay khi lực lượng PC46 lên tàu kiểm tra, hàng trăm người được xác định là chủ hàng, cửu vạn và các thành phần bảo kê quanh khu vực nhà ga Gia Lâm đã ào vào sân ga, dùng gạch đá tấn công lực lượng công an để cướp lại hàng.
Trong số bảy toa xe có hàng, các đối tượng đã cướp trắng ba toa và tiếp tục cướp hàng tại bốn toa vận chuyển nhiều hàng hóa nhất. Phải đến khi lực lượng công an tăng cường có mặt, trật tự mới được vãn hồi. Cảnh sát cơ động phải cầm dùi cui điện, khiên cùng các công cụ hỗ trợ khác đứng vòng quanh đoàn tàu để bảo vệ số hàng hóa thu giữ được.
Dù vậy, các đối tượng buôn lậu vẫn ném gạch đá, điên cuồng lao vào cướp đi từng kiện hàng, buộc lực lượng công an phải dùng biện pháp trấn áp, bắt giữ hai nghi phạm.
Trước tình hình căng thẳng này, PC46 đã làm việc với ngành đường sắt, quyết định cắt bốn toa tàu còn hàng đưa về ga Hà Nội để phục vụ công tác kiểm đếm. Dù lực lượng công an kiểm soát chặt chẽ trên toàn bộ tuyến đường sắt từ ga Gia Lâm về ga Hà Nội nhưng một số đối tượng vẫn bám lên thành tàu, lọt vào ga Hà Nội.
Tại ga Hà Nội, cơ quan công an tiến hành kiểm đếm sơ bộ, bốc dỡ toàn bộ số hàng này lên 19 xe tải đưa về kho để xử lý.
Trong số bốn toa tàu được đưa về ga Hà Nội chỉ có một toa chuyên dụng để chở hàng, ba toa còn lại chở khách với ghế ngồi được xếp dọc theo thành toa tàu nhưng đều được sử dụng để chất hàng lậu. Hàng hóa cũng đa dạng, đủ chủng loại như quần áo, giày dép, dây lưng, ví da, máy sưởi, mỹ phẩm...
Có băng nhóm bảo kê buôn lậu đường sắt
Đánh giá về tình trạng buôn lậu trên tuyến đường sắt từ Đồng Đăng, Lạng Sơn về Hà Nội, thượng tá Lê Hồng Sơn, phó Phòng PC46 Công an Hà Nội, nhận định các đối tượng buôn lậu không còn nhỏ lẻ mà đã hình thành những đường dây hoạt động chuyên nghiệp.
Hàng lậu được chất lên tàu chủ yếu ở hai ga Đồng Đăng và Lạng Sơn, sau đó rải xuống các ga như Bắc Lệ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Từ Sơn và ga cuối cùng là Long Biên (Hà Nội).
Thông thường, chủ hàng lậu gom hàng tại khu vực biên giới, do các cửu vạn vận chuyển từ Trung Quốc về khu vực thị trấn Đồng Đăng hoặc TP Lạng Sơn. Từ đây, chủ hàng khoán cho các cửu vạn vận chuyển về xuôi để giao hàng. Cửu vạn khi đó đóng vai hành khách, mua vé lên tàu và chỉ ôm theo một lượng hàng nhất định, có nộp thuế bình thường.
Khi tàu chuẩn bị chuyển bánh, toàn bộ cửa sổ toa tàu được kéo lên và cửu vạn ùn ùn chuyển hàng chục, hàng trăm kiện hàng vào các toa tàu này, giao cho nhóm trên tàu áp tải. Tại từng điểm xuống hàng có cửu vạn và nhóm bảo kê chờ sẵn để nhận hàng. Theo ông Sơn, tại ga Gia Lâm có sự manh động vì đây là ga cuối, cửu vạn, chủ hàng và nhóm bảo kê nhiều.
Trong việc để xảy ra tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tàu, cơ quan chức năng cũng đánh giá cần xem xét trách nhiệm của nhiều đơn vị như các ga, lực lượng an ninh đường sắt và tổ lái. Cơ quan công an cũng không loại trừ có trường hợp cán bộ đường sắt hợp tác với dân buôn trong việc chất hàng lên tàu, thậm chí thông báo trước cho con buôn mỗi khi có các đoàn kiểm tra chuẩn bị kiểm tra đoàn tàu.
Trước đây, các lực lượng của Hà Nội, Bộ Công an đã thực hiện nhiều cuộc vây ráp bắt hàng nhập lậu nhưng số lượng hàng hóa bắt giữ không nhiều bởi gặp phải sự chống đối quyết liệt, nguy hiểm của các đối tượng.
Ngày 9-11-2006, hàng trăm chủ hàng cùng cửu vạn đã cướp lại gần 100 tấn hàng lậu trên bốn toa tàu ngay trước mắt lực lượng an ninh kinh tế Hà Nội và cảnh sát cơ động tại ga Từ Sơn. Ngày 4-10-2007, lực lượng liên ngành công an và quản lý thị trường đã kiểm tra chuyến tàu ĐĐ4 từ Đồng Đăng về Hà Nội. Chủ hàng và cửu vạn đã chống đối quyết liệt, giải tán gần hết hàng hóa trước khi tàu về đến ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) để kiểm đếm.
MINH QUANG
Nhà tàu không đủ sức chặn hàng lậu
Cảnh sát cơ động bảo vệ các toa tàu chở hàng lậu bị bắt giữ đưa về ga Hà Nội - Ảnh: V.DŨNG |
Sau sự việc tàu khách ĐĐ4 từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội bị lực lượng công an vây ráp, bắt giữ khối lượng hàng hóa lớn nghi là hàng lậu vào tối 6-1, ông Nguyễn Văn Bính - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội - cho biết:
- Vào những dịp cao điểm, nhạy cảm về mặt hàng hóa như tết lại nở rộ chuyện người buôn bán sử dụng tàu hỏa vận chuyển hàng, ngăn chặn không kịp. Chúng tôi đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là UBND huyện Cao Lộc và đã có quy chế phối hợp rất chặt chẽ giữa ga Đồng Đăng với các lực lượng thuế, biên phòng, công an và Xí nghiệp vận tải đường sắt Hà Lạng để ngăn chặn.
Tuy nhiên ở ga Đồng Đăng, người ta có thể trèo tường, vượt qua đường ghi để mang hàng vào trong ga. Nhân viên tổ tàu mỗi toa chỉ có một người, còn lực lượng bảo vệ của ga không chốt chặt được các cửa do dân tự mở.
* Nhưng với hàng lậu chở trên tàu thì trách nhiệm chính là của ngành đường sắt?
- Theo luật đường sắt mà cụ thể là quy định vận chuyển hành khách, hành lý bao gửi cũng như hàng hóa, việc kê khai hàng hóa có đúng với loại hàng hóa vận chuyển không thì người gửi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhiều trường hợp chúng tôi đã huy động lực lượng đưa những hàng hóa không kê khai xuống tàu hoặc giao cơ quan chức năng địa phương xử lý. Bản thân ngành đường sắt đã xử lý rất nhiều nhưng không thể hết được.
* Với sự việc xảy ra trên tàu ĐĐ4, công ty đã xử lý thế nào đối với tổ tàu và ga Đồng Đăng?
- Ngay đêm xảy ra sự việc, chúng tôi đã làm việc với trưởng ga, yêu cầu rà lại tất cả các khâu bán cước, thu thuế và các loại giấy tờ liên quan tới đoàn tàu ĐĐ4 xuất phát tại ga Đồng Đăng. Yêu cầu Xí nghiệp vận tải đường sắt Hà Lạng - đơn vị phụ trách trực tiếp tổ tàu - phải rà soát lại trách nhiệm của từng người và báo cáo về công ty.
Nếu phát hiện nhân viên tổ tàu bao khách với mức vé 300.000 đồng sẽ buộc thôi việc. Nếu phát hiện có sự tiếp tay cho buôn bán hàng lậu thì buộc thôi việc ngay tại chuyến tàu đó chứ không phải chờ về đến cơ quan.
TUẤN PHÙNG thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét