TP - Hiện tượng cụ rùa nổi nhiều lần thời gian gần đây gây không ít nghi ngại. Nhưng, thật ngạc nhiên, một số chuyên gia am hiểu về rùa có vẻ không nghĩ thế. Thay vào đó, họ cho đấy là bình thường, phù hợp quy luật tự nhiên của loài này.
Vết thương trên lưng cụ rùa có thể do ống nước gây nên (ảnh trái)
Người bốn phương xem cụ rùa nổi ở Hồ Gươm (ảnh phải).
Ảnh: Hà Hồng.
Cụ rùa nổi là bình thường
Ông Vũ Ngọc Thành, nhà động vật học chuyên về lưỡng cư - bò sát, nói với PV Tiền Phong: “Cụ rùa nổi những ngày nắng ấm mùa đông là thường tình. Đấy là tập tính của một số loài bò sát để làm ấm cơ thể. Ví dụ, cá sấu cũng có tập tính này. Nếu cụ nổi nhiều vào mùa hè mới đáng lo”. Ông Douglas Hendrie, cố vấn cao cấp, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), bổ sung, việc rùa nổi lên trong những ngày ấm là bình thường, nhất là sau một đợt gió mùa đông bắc.
“Tháng 11 và 12 là khoảng thời gian có thể thấy rùa nổi lên nhiều nhất. Rùa, cũng như các loài bò sát khác, là động vật máu lạnh. Chúng cần làm ấm thân thể của mình để thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Bởi vậy, nổi lên trong những ngày ấm là một phần sinh thái bình thường của chúng”, Douglas Hendrie cho hay.
Tim McCormack, điều phối viên Chương trình Rùa châu Á (ATP) thuộc Vườn thú Cleveland Metroparks, cũng cho rằng việc cụ rùa nổi liên quan đến sự ốm yếu của cụ mặc dù một số bức ảnh cho thấy các vết thù trên mai cụ không thể xem thường. “Nếu cụ rùa leo lên đảo Tháp Rùa và ở trên đó lâu trong thời tiết lạnh, đấy mới là điều đáng lo ngại hơn”, Tim nói.
Vết thù trên lưng là do ống nước?
Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về nguyên nhân gây nên vết thương trên mai cụ rùa. Các ý kiến khác nhau về vết thương cứ xoay như chong chóng.
Trả lời câu hỏi “Liệu rùa tai đỏ có phải là thủ phạm gây ra vết thương trên lưng Rùa Hồ Gươm và là mối đe dọa lớn nhất đến tính mạng của cụ hiện nay không?”, ông Vũ Ngọc Thành khẳng định là có. “Chắc chắn rùa tai đỏ là thủ phạm gây ra vết thương trên lưng Rùa Hồ Gươm và là mối đe dọa lớn nhất đến tính mạng của cụ”.
Nhưng vấn đề là vết thương trên lưng cụ rùa có vẻ mới xuất hiện, tức là vào những tháng mùa đông chứ không phải mùa hè, thời gian được cho là rùa tai đỏ hoạt động mạnh nhất.
Thậm chí, kể cả không phải mùa đông, Douglas Hendrie vẫn cho là thiếu thuyết phục nếu bảo rùa tai đỏ gây ra bất kỳ vấn đề đặc biệt nào với cụ rùa: “Rùa tai đỏ tồn tại trong hồ Hoàn Kiếm nhiều năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới có”.
Giải thích gây chú ý nhất lại đến từ một nhà báo công tác ở Báo Nhân Dân có trụ sở ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Theo nhà báo Hà Hồng, nguyên nhân gây nên những vết thương trên lưng cụ rùa là do... đường ống nước. Nhà báo Hà Hồng cho biết, từ 8 giờ đến 10 giờ sáng 2-1-2011, anh và nhiều người có dịp quan sát cụ rùa nổi quanh hai đường ống thoát nước nối từ đền Ngọc Sơn vào bờ, chỗ đường đôi phố Đinh Tiên Hoàng.
“Cách đây khoảng hai tháng, ống thoát nước chỉ nổi một đường và cách bờ chừng hai mét. Nay cả hai đường ống đều nổi. Đứng trên bờ có thể thấy rõ hai đường ống nổi dài hơn 20 m” – Nhà báo Hà Hồng cho biết.
Từ những bức ảnh chụp được sáng 2-1, có thể nhìn thấy mai cụ rùa bị trầy xước gần ống thoát nước. Trước đây, khi ống nước được ghim sát đáy hồ, cụ rùa bơi qua bơi lại, không bị vướng. Khi đường ống nổi lên trên mặt nước, cụ phải “chui qua, chui lại”.
Mai cụ rùa bị trầy xước do rùa tai đỏ gặm hay do ống nước hoặc một lý do nào khác gây ra, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần sớm nghiên cứu, tìm hiểu để đề ra các biện pháp hữu hiệu bảo vệ cụ.
Quốc Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét