Ai Cập có kế hoạch chuyển giao quyền lực, biểu tình lớn tiếp diễn

Thế giới - Dân trí:
Thứ Tư, 09/02/2011 - 07:14

(Dân trí) - Người biểu tình ở Ai Cập hôm qua đã tiến hành một trong những cuộc phản đối lớn nhất để yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, bất chấp thông báo của phó Tổng thống về một kế hoạch chuyển giao quyền lực.
Áp lực với Tổng thống Mubarak không giảm.

Ngoài kế hoạch chuyển giao quyền lực

Phó Tổng thống Ai Cập, ông Omar Suleiman, người nhân danh Tổng thống Hosni Mubarak đàm phán với phe đối lập, vừa nói chính phủ có một kế hoạch chuyển giao quyền lực trong hoà bình.

Phát biểu trên truyền hình Ai Cập sau khi đã trình bày cho vị tổng thống 82 tuổi về nội dung cuộc đàm phán với phe đối lập, ông Suleiman tỏ ra lạc quan rằng: "Tổng thống hoan nghênh cuộc hòa giải dân tộc". Tổng thống nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đi từ các chỉ dẫn cho tới chỗ có một lộ trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình và trật tự, tôn trọng hiến pháp.

Trong khi đó, Tổng thống Mubarak tiếp tục ban hành các biện pháp xoa dịu tình hình. Ông đã thông báo tăng lương công chức và tiền hưu bổng lên 15% kể từ đầu tháng 4; thông báo thành lập ủy ban điều tra bạo lực trong vụ xung đột giữa phe thân chính quyền và phong trào phản kháng giữa tuần trước. Tổng thống Mubarak còn ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9.

Về việc sửa đổi hiến pháp, Tổng thống Mubarak ký sắc lệnh thành lập Ủy ban xem xét sửa đổi điều khoản liên quan đến số ứng cử viên và nhiệm kỳ. Vấn đề là Quốc hội Ai Cập nằm trong tay đảng cầm quyền. Nhiệm kỳ tổng thống hiện nay là 6 năm nhưng không có giới hạn số nhiệm kỳ, đã cho phép ông Mubarak tái ứng cử suốt đời.

Tuần qua, con trai ông Hosni Mubarak là Gamal Mubarak, 48 tuổi, đã từ chức Tổng bí thư đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền. Bộ Chính trị Đảng này cũng từ chức đồng loạt nhằm giảm sức ép lên ông Mubarak. Tuy nhiên, điều này chưa rõ có phải là chỉ dấu rằng ông Mubarak sẽ ra đi ngay như yêu cầu của hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ tại Cairo hay không.

Báo giới phương Tây cho rằng việc Phó Tổng thống Suleiman chính thức nói về một lộ trình chuyển giao quyền lực cho thấy sức ép lên ông Mubarak ngày càng tăng, và việc ông Mubarak ra đi hay chưa chỉ là vấn đề thời gian và cách ông rút lui ra sao.

Nhưng vì là nước đông dân nhất, có gần 84 triệu người, trong khối Ảrập, mọi chuyện xảy ra ở Ai Cập có tác động sâu rộng đến toàn khu vực và vì thế, Mỹ và châu Âu đều mong rằng cuộc chuyển đổi dân chủ tại đây diễn ra êm ả. Các đồng minh của Ai Cập như Mỹ và nước đóng vai trò quan trọng trong an ninh vùng là Israel cũng lo ngại hỗn loạn.

Phe đối lập chưa thoả mãn

Các thông báo này không xoa dịu được dân chúng Ai Cập. Quảng trường Tahrir tiếp tục bị chiếm giữ đến ngày thứ 15 và người biểu tình đòi ông Mubarak ra đi.

Trong khi đó phong trào đối lập Huynh đệ Hồi giáo cho là các biện pháp cải cách mà chính quyền đề nghị “không đầy đủ”. Họ đòi phải giải tán Quốc hội ngay tức khắc.

Hôm qua, có thêm người đến tham gia với hàng chục nghìn người đang tràn ngập quảng trường Tahrir, bất chấp quyết định của Tổng Thống Hosni Mubarak thành lập các ủy ban giám sát cải tổ dân chủ.

Nhiều người biểu tình cho rằng những sự nhượng bộ của chính phủ chỉ “mang tính chất giả tạo”, nhưng họ cũng lo ngại là điều này làm giảm bớt sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào của họ.

Các nhân vật lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi thực hiện một cuộc mít-tinh qui mô lớn trong ngày hôm qua để duy trì áp lực đòi ông Mubarak từ chức.

Hà Khoa
Tổng hợp

VOV News: Cập nhật lúc : 4:21 PM, 08/02/2011

Thấy gì từ sự kiện ở Ai Cập?

Người dân biểu tình phản đối Chính phủ Ai Cập tại quảng trường Tahrir thủ đô Cairo hôm 7/2 (ảnh: Reuters)

(VOV) - Nếu kịch bản sụp đổ ở Tunisia lặp lại tại Ai Cập sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với khu vực và thế giới.

Tình hình vẫn còn phức tạp

Cho đến nay cuộc biểu tình phản đối Chính phủ ở Ai Cập đã được gần nửa tháng. Ông Ahmed Sameh Farid, Bộ trưởng Y tế Ai Cập cho biết, trong 12 ngày qua đã có hơn 700 người bị bắt, hơn 5.000 người bị thương và hàng chục người bị chết trong các cuộc xô xát. Trả lời phỏng vấn Hãng truyền hình Al-Arabiya, Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq tuyên bố: "Tổng thống Mubarak là một sự bảo đảm cho an ninh đất nước" và sẽ tiếp tục tại vị vì những lý do pháp lý. Mặc dù có sức ép từ bên ngoài nhưng sẽ không có khả năng Tổng thống Mubarak chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Omar Suleiman.

Trong khi đó Chính phủ Ai Cập đang nỗ lực kêu gọi người dân hãy trở về nhà, ngừng biểu tình và cam kết không dùng vũ lực. Đài Phát thanh Europe 1 của Pháp dẫn lời ông Amr Mussa, Chủ tịch Liên đoàn Arab cho biết, ông Mubarak không dễ gì rời khỏi chính trường ngay lập tức: "Tôi nghĩ ông ấy sẽ không từ chức và ông ấy sẽ vẫn ở tại vị cho đến cuối tháng 8/2011".

Một dấu hiệu tích cực đã xuất hiện, hé mở khi hai đảng đối lập chính ở Ai Cập là El Wafd và El Tagammu đã quyết định ngồi vào bàn đối thoại với chính phủ mới do Phó Tổng thống Suleiman đứng đầu. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ đáp ứng đề nghị của hai đảng về việc bảo vệ người biểu tình tại quảng trường Tahrir và mở điều tra truy tìm thủ phạm tấn công người biểu tình.

Hãng thông tấn chính thức của Ai Cập Mena dẫn lời ông Samir Radwan, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập cho biết, chính phủ sẽ trợ cấp 854 triệu USD cho những người bị thiệt hại về tài sản trong các cuộc biểu tình những ngày vừa qua.

Cũng trong một động thái nhằm xoa dịu người biểu tình, ban lãnh đạo của Đảng Dân chủ Dân tộc (NDP) cầm quyền đã từ chức. Trong số thành viên ban lãnh đạo Đảng NDP từ chức có cả Gamal Mubarak, con trai của Tổng thống Mubarak.

Tổng thống Mubarak vẫn tiếp tục là Chủ tịch đảng. Với sự thay đổi này, Đảng NDP muốn chứng tỏ cải cách sẽ trở thành định hướng trong chính sách trong thời gian tới.

Đói nghèo và mất dân chủ

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab ngày 26/1 đã tuyên bố: “Công dân các nước Arab đang thịnh nộ và thất vọng hơn bao giờ hết”. Trong số 300 triệu dân của thế giới Arab, đã có 50 triệu người không có công ăn việc làm. Vấn đề xã hội này đã đẩy một thanh niên Tunisia vào tuyệt vọng và việc anh này tự thiêu đã là tia lửa điện làm bùng lên cuộc "cách mạng Hoa Nhài". Các nhóm biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi, đa phần là thanh thiếu niên, đã tỏ thái độ không còn chấp nhận sự lãnh đạo của chính phủ đương nhiệm.

Người Ai Cập cũng kêu ca về giá cả tăng cao, tình trạng thiếu việc làm. Giới trẻ ở Ai Cập ngày càng tỏ ra bất mãn và lớn tiếng đòi thay đổi chế độ. Trong số 80 triệu dân của nước này, 2/3 ở độ tuổi dưới 30, chiếm 90% số người thất nghiệp. Khoảng 40% sống với mức thu nhập chưa tới 2 USD/ngày và 1/3 dân số mù chữ.

Tại Yemen, quốc gia còn nghèo hơn Ai Cập, với thu nhập bình quân chỉ bằng một nửa và dân số 34 triệu người, Tổng thống Ali Abdullah Saleh cũng đang bị phản đối, đòi từ chức sau gần 32 năm tại vị. Còn Libya, nhờ có thu nhập trung bình cao (12.000 USD) cho một xã hội khá nhỏ (6,5 triệu người), Libya có thể chưa phải chịu sức ép từ biểu tình theo kiểu “cách mạng Hoa Nhài” ở Tunisia.

Vùng Trung Đông và Bắc Phi còn hai vương quốc cũng đang có phong trào đấu tranh chống tăng giá, chống thất nghiệp. Ở Morocco, nước có 32 triệu dân, thu nhập bình quân gần 3.000 USD, tầng lớp cầm quyền, gồm cả những người thân cận với hoàng gia bị người biểu tình tố cáo là tham nhũng.

“Vết dầu loang” từ các nước trong khu vực

Cuộc nổi dậy của người Ai Cập xảy ra sau sự kiện tương tự tại nước láng giềng Tunisia hai tuần trước đó, dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Abidine Ben Ali sau 23 năm cầm quyền. Biến cố Tunisia bắt đầu từ sự bất mãn của người dân vì giá lương thực leo thang, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng. Nhiều người Ai Cập cũng có mối bức xúc tương tự và họ xuống đường đòi Tổng thống Mubarak từ chức để bày tỏ thái độ

Ai Cập có vị thế và ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với Tunisia, nên nếu kịch bản sụp đổ lặp lại tại nước này sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với khu vực và thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tuy không kéo tụt Ai Cập, nhưng thất nghiệp, giá lương thực ngày càng gia tăng.

Marina Fedorova, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng: “Người dân không muốn sống theo luật cũ. Nếu họ thấy rằng, giới thượng lưu đang giàu lên bất hợp pháp, trong khi sự chênh lệch giàu nghèo tăng nhanh thì nhất định sẽ có phản ứng gay gắt. Đây là vấn đề của nhiều nước… không chỉ ở Ai Cập”.

Mỹ coi Ai Cập do Tổng thống Mubarak lãnh đạo là một đồng minh thân thiết ở thế giới Arab và từng tài trợ mỗi năm 1,5 tỉ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho đất nước này trong nhiều năm trở lại đây. Kể từ năm 2005 đến nay, Ngân hàng Thế giới đã 4 lần xếp Ai Cập vào nhóm 10 nước đi đầu về cải cách. Trong 3 năm đầu cải cách, thị trường chứng khoán Ai Cập tăng xấp xỉ 350%, kinh tế tăng trưởng trên 7%, vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chảy mạnh vào đất nước này.

Tuy nhiên, ở Ai Cập, người dân thiếu tiếng nói dân chủ, và mất đi nhiều cơ hội phát triển nên không đủ sức để tránh hiệu ứng “vết dầu loang” và điều đó đã xảy ra.

Sức ép từ bên ngoài

Khi tình hình đã trở nên nghiêm trọng, Tổng thống Mỹ Obama đã gợi ý rằng ông Mubarak nên từ chức và "nên lắng nghe những gì mà nhân dân Ai Cập đang lên tiếng", trong khi lãnh đạo các nước châu Âu thể hiện rõ quan điểm và vạch cả thời gian cho ông Mubarak: "quá trình chuyển giao ở Ai Cập phải bắt đầu từ bây giờ", đồng thời cảnh báo về khả năng ngừng viện trợ cho Ai Cập.

Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều hối thúc Tổng thống Ai Cập Mubarak tìm mọi cách tránh bạo lực và thực thi cải cách, trong bối cảnh biểu tình vẫn bùng nổ bất chấp lệnh giới nghiêm.

Tổng thống Mỹ Obama còn triệu tập cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia để thảo luận khẩn cấp về tình hình Ai Cập. Sau đó Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, họ tiếp tục tập trung "kêu gọi kiềm chế, ủng hộ các quyền cơ bản cũng như những bước đi cụ thể để thúc đẩy cải cách chính trị" tại Ai Cập.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mubarak ngày 3/2, Tổng thống Nga Medvedev bày tỏ hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ở Ai Cập có thể được giải quyết "trong khuôn khổ luật pháp". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nêu rõ: "Ai Cập là "đối tác chiến lược của Nga và là một quốc gia chủ chốt ở khu vực Trung Đông… Chúng tôi cho rằng sẽ không ích gì khi áp dụng những “công thức” từ bên ngoài để tạo ra những tối hậu thư. Chúng tôi muốn các vấn đề chính trị và kinh tế xã hội sẽ sớm được giải quyết một cách hòa bình".

Tuy nhiên, trong khi biến động vẫn tiếp diễn tại thủ đô Ai Cập, các nhà lập pháp phe cộng hoà và các thủ lĩnh định tranh cử Tổng thống của họ đã có sự phân hóa trong đánh giá sự ứng phó của Tổng thống Obama với sự kiện này, tuy vẫn cùng chung quan ngại về nguy cơ Hồi giáo cực đoan lên giành chính quyền: "Điều chúng ta cần là hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan không chiếm quyền kiểm soát tại một nước lớn trong vùng như Ai Cập”.

Liệu có thay đổi lớn?

Từ cuộc biểu tình của người dân Tunisia đang gây tác động đến nhiều nước Arab trong khu vực, tuy không tin vào hệ quả domino, nhưng các nhà phân tích quốc tế chắc chắn một điều là sẽ có những thay đổi lớn.

Người dân Tunisia vẫn chưa hài lòng với việc đánh đổ gia đình Ben Ali. Họ tiếp tục đòi một chính phủ hoàn toàn vắng bóng các nhân vật thuộc chính quyền cũ. Lệnh truy nã Ben Ali cùng với gần 200 nhân vật thân cận và phong tỏa tài sản đã được ban hành. Biểu tình vẫn tiếp diễn trên đường phố. Lo ngại tác động dây chuyền, một số chính quyền Arab đang nỗ lực tìm cách đối thoại với dân.

Chính quyền Ai Cập đã nhanh chóng cam kết sẽ bảo vệ người biểu tình và "người dân Ai Cập có quyền bày tỏ ý kiến"; Chính quyền Yemen cũng đã tìm cách xoa dịu tình hình bằng cách thả tự do cho 36 tù chính trị nhưng đồng thời cũng tăng cường lực lượng quân đội và công an nhằm đối phó với phe biểu tình.

Tại Algeria, Chính quyền của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tuần qua đã cho cải tổ nội các gấp rút nhằm đối phó trước tình trạng giá lương thực tăng cao và nạn lạm phát phi mã. Chính phủ cũng đã gấp rút ra lệnh hạ giá thực phẩm đang trong xu hướng tăng vọt trong những tháng trước do hệ thống phân phối độc quyền.

Giáo sư Chính trị Rabab el Mahdi tại Đại học Mỹ ở Thủ đô Cairo nhận định, cuộc nổi dậy của nhân dân Tunisia sẽ tác động lâu dài đến tư duy của người dân Arab. Tuy nhiên, những nước khác nhau, thì kịch bản thay đổi cũng không giống nhau: cựu Tổng thống Ben Ali bị “tố” là quá chuyên chế về chính trị, tham lam về kinh tế và tham nhũng. Nhưng Ai Cập và các nước khác trong vùng lại có thể có sự khác biệt.

Như vậy, sự thay đổi là tất yếu, nhưng liệu có hay không hiệu ứng domino của cuộc “cách mạng Hoa Nhài”, thì câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm

Bee.net.vn:

Tổng thống Ai Cập giàu nhất thế giới

09/02/2011 08:02:33

- Tờ The Guardian ngày 9/2 dẫn lời các chuyên gia Trung Đông cho biết tài sản của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak có thể lên tới 70 tỷ USD, đủ để đưa ông này trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới.

Theo các chuyên gia này, hầu hết gia tài của Tổng thống Ai Cập nằm tại các ngân hàng Thụy Sĩ hoặc có dính tới những bất động sản ở các thành phố thuộc vào dạng “hàng khủng” như Manhattan, New York, Los Angeles và London. Một số chuyên viên nói ông Mubarak cũng có một vài biệt thự tráng lệ tại Ai Cập.

Bà Susan, vợ Tổng thống Mubarack và hai con trai Gamal và Alaa cũng được biết đến như các tỷ phú của Ai Cập. Các chuyên gia Mỹ và Anh nói sự giàu có của gia đình Mubarak có từ khi ông Mubarak là một sĩ quan không quân và hưởng lợi từ những vụ hối lộ của các công ty muốn trúng thầu với quân đội. Sau đó, gia đình ông tích lũy thêm nhờ hợp tác với những nhà đầu tư và công ty nước ngoài.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak

Nếu tài sản của ông Mubarak lên tới 70 tỷ USD thì con số này sẽ vượt xa tài sản của tỷ phú giàu nhất thế giới người Mehico Carlos Slim Helu hiện được đánh giá vào khoảng 53,5 tỷ USD và á quân là nhà sáng lập hãng Microsoft Bill Gates với tổng giá trị tài sản chỉ vỏn vẹn…53 tỷ USD.

Ông Hosni Mubarak trở thành Phó Tổng thống Ai Cập từ năm 1975. Ngày 14/10/1981, ông Mubarak chính thức lên làm Tổng thống sau khi người tiền nhiệm Anwar El Sadat bị ám sát. Tính tới nay, ông Mubarak đã tại vị năm thứ 32 và là nhà lãnh đạo Ai Cập nắm quyền lâu nhất sau một nhân vật có tên là Muhammad Ali Pasha.

Bảo Minh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét