Cập nhật lúc : 11:37 AM, 27/01/2011
(VOV) - Từ các triều đại phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, tuyển chọn, bồi dưỡng hiền tài luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển
Năm cũ Canh Dần 2010 vừa qua, cùng với khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) chính thức gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; Lễ hội Thánh Gióng tại Đền Phù Đổng và Đền Sóc được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội cũng đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Đây là ghi nhận của toàn nhân loại đối với truyền thống tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, các triều đại phong kiến từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn, cũng như nước Việt Nam hiện nay đều coi việc trọng hiền tài là “quốc sách” hàng đầu trong kế sách trị nước của mình. Từ các triều đại phong kiến đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hiện nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều quan tâm đến việc thu nạp, bồi dưỡng hiền tài để vun đắp cho thế nước mãi mãi hưng thịnh.
Từ các triều đại phong kiến…
Triều đại đầu tiên khai sáng kinh đô Thăng Long là nhà Lý. Sau khi vua Thái tổ Lý Công Uẩn có quyết định lịch sử là dời đô về Thăng Long để làm nơi “định đô cho đế vương muôn đời”, các vua Lý đời sau đã nhận thấy việc cần thiết phải chọn người hiền tài để giúp nước. Sau đó, dưới triều vua Lý Nhân Tông đã xây dựng Văn Miếu (1070) đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và tứ phối (Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử là bốn học trò của Khổng Tử), vẽ tượng thất thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử) để bốn mùa cúng tế. Tiếp sau đó là xây dựng Quốc Tử giám (1076).
Nhà Lý cũng quan tâm tới việc tổ chức thi cử để lựa chọn nhân tài mà các triều đại trước đó chưa thực hiện. Khoa thi đầu tiên được tổ chức vào tháng 2/ 1075, niên hiệu Thái Ninh thời vua Lý Nhân Tông, gọi là thi Minh kinh bác học. Lê Văn Thịnh người làng Báo Tháp xã Đông Cứu (nay thuộc huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh) đỗ đầu cùng hơn 10 người trúng tuyển. Ông trở thành thủ khoa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và được chọn làm thầy dạy cho Thái tử.
Các minh quân nhà Lý rất quan tâm đến thu nạp bồi dưỡng hiền tài. Vì vậy, trong thời kỳ này đã xuất hiện những bậc lương đống như: Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt), Đào Cam Mộc, Tô Hiến Thành… giúp các Vua Nhà Lý gây dựng cơ nghiệp kéo dài đến 216 năm trở thành triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử dân tộc.
Tiếp nối nhà Lý, đời nhà Trần, ngoài Quốc Tử Giám có tại kinh đô từ đời nhà Lý, nhà Trần cho lập thêm Quốc Học viện để giảng Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tại các lộ cũng cho mở trường học để dạy cho dân chúng. Trước kia dưới triều nhà Lý, có mở những khoa thi tam trường để lấy cử nhân, nhưng các khoa thi chỉ được mở ra khi nào triều đình cần người tài giỏi ra giúp nước chứ chưa có mở định kỳ. Năm 1232, vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi thái học sinh để lấy tiến sĩ theo định kỳ cứ 7 năm thì có một kỳ thi. Năm 1247, nhà vua lại cho đặt ra khảo thi tam khôi để lấy trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Nhà sử học Lê Văn Hưu là người đầu tiên đậu bảng nhãn.
Trong thời kỳ trị vì, nhà Trần đã tổ chức 14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa phụ), lấy 283 người đỗ. Có 2 khoa thi năm 1256 và năm 1266 lấy 2 trạng nguyên là Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên nên tổng số có 12 người đỗ đầu trong các kỳ thi.
Ở thời Trần do quan tâm đến việc cầu hiền tài nên đã xuất hiện những nhân tài kiệt xuất không thuộc dòng dõi hoàng tộc ra giúp nước như: Nguyễn Hiền, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng, và đặc biệt là bậc Thầy của muôn đời Chu Văn An với tờ “Thất trảm sớ” nổi tiếng - người đã được thờ ở Văn Miếu cùng với Chu Công và Khổng tử. Chính nhờ quy tụ được nhiều hiền tài, nhà Trần đã làm nên nhiều chiến công hiển hách, trong đó có 3 lần đại thắng giặc Nguyên Mông, xây dựng vương triều kéo dài đến 175 năm.
Ngay sau khi đánh thắng giặc Minh lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã cho dựng lại Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long, giao cho Quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi soạn chiếu cầu hiền, mở trường học các lộ mở khoa thi và cho phép người nào có học đều được dự thi. Thời Lê sơ (1428-1527) tổ chức được 26 khoa thi tiến sĩ lấy đỗ 989 tiến sĩ 20 trạng nguyên. Riêng thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) tổ chức được 12 khoa thi tiến sĩ lấy đỗ 501 tiến sĩ 9 trạng nguyên. Chính Vua Lê Thánh Tông cũng đã khởi xướng và cho lập bia tiến sĩ lần đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1484, với những câu mở đầu được khắc trên văn bia của Thân Nhân Trung nổi tiếng đến ngày nay: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và hèn…”. Các đời vua sau này tiếp tục bổ sung thêm các tấm bia vinh danh mới.
Cùng với việc xây dựng thiết chế mới, vua Lê Thánh Tông đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn, vua Lê Thánh Tông còn cho xây kho bí thư chứa sách, đặc biệt đã sáng lập Hội Tao Đàn bao gồm những nhà văn hóa có tiếng đương thời mà vua Lê Thánh Tông là Tao Đàn chủ soái. Việc thi cử và học tập thường xuyên và rất nhiều tiến sĩ và trạng nguyên đỗ đạt và thành danh đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ này.
Đến nhà Tây Sơn, mặc dù chỉ tồn tại rất ngắn ngủi, nhưng ngay sau khi dẹp tan 29 vạn quân Thanh, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã cho ban chiếu lập học cũng như mời La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp trông coi việc gáo dục và đào tạo nhân tài, vì hơn ai hết với một bậc minh quân áo vải như Quang Trung - Nguyễn Huệ thì ông hiểu rất rõ việc cần phải chọn người hiền tài để giúp mình xây dựng đất nước. Chính vì thế, ông đã tranh thủ được sự phò giúp của rất nhiều sĩ phu nổi tiếng của Bắc Hà thời đó như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích…
… đến thời đại Hồ Chí Minh
Ngay từ những ngày đầu mới ở nước ngoài trở về nước (năm 1941 tại Trùng Khánh - Cao Bằng), với tư duy thiên tài, Bác Hồ đã nhận thức một cách sâu sắc đến việc phải chọn người hiền tài ra để giúp nước. Bằng uy tín cũng như sự chân thành của mình, Bác đã mời được rất nhiều nhân sỹ, trí thức nổi tiếng thời bấy giờ như: Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Tố, Trần Huy Liệu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum,… ra giúp nước. Người cũng rất quan tâm đến việc phải đào tạo rèn luyện nhân tài để sau này xây dựng đất nước.
Trong bức thư đầu tiên gửi các thầy, cô giáo và các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã viết: “Non sông vẻ vang có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu được hay không? Đó một phần lớn dựa vào công học tập của các em”. Tiếp sau đó, trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Đảng ta cũng đã tuyển chọn những người con ưu tú của mình cho đi học tập tại các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em để làm nguồn cho việc kiến thiết đât nước sau chiến tranh. Những người con ưu tú này hiện hầu hết giữ những vị trí quan trọng, đóng góp rất lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện di chúc của Bác về đào tạo và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm tới việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài với việc coi giáo dục và đào tạo nhân tài là quốc sách hàng đầu. Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, khuyến khích các nguồn đầu tư khác. Ngân sách dành cho giáo dục - đào tạo chỉ xếp sau ngân sách dành cho quốc phòng an ninh. Nền giáo dục của chúng ta cũng giành được rất nhiều thành tựu, luôn đứng trong top đầu trong các kỳ thi quốc tế được bạn bè thế giới rất khâm phục. Trong năm Canh Dần vừa qua, có một mốc son chói lọi là việc Giáo sư Ngô Bảo Châu - một cựu học sinh chuyên toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã giành được Huy chương Fields - một giải thưởng được xem như giải Nobel của Toán học là minh chứng hùng hồn nhất cho sự nghiệp giáo dục và tuyển chọn nhân tài của nước ta.
Xuân mới Tân Mão đang về, đây là mùa Xuân có Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Hy vọng sẽ thêm người tài, đức được lựa chọn vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới để làm hạt nhân quy tụ hiền tài trong cả nước, chung vai xây dựng cơ đồ để cho thế nước Việt Nam mãi thịnh vì luôn có nguồn nguyên khí dồi dào./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét