Ông Medvedev đã tới nhóm đảo đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước hồi tháng 11 năm ngoái. Khu vực gồm bốn hòn đảo này người Nga gọi là Kurils, còn người Nhật gọi là Lãnh thổ phía bắc. Trah chấp này là trở ngại chính khiến hai nước chưa thể ký hiệp ước hòa bình dù chiến tranh thế giới thứ hai đã qua hơn 60 năm.
Tổng thống Nga Medvedev tự quy phim chụp ảnh khi đặt chân lên quần đảo Kurils năm ngoái. Ảnh: AFP |
Ngoài Medvedev là tổng thống Nga đầu tiên đến quần đảo, nhiều thủ tướng Nga cũng có hành động tương tự. Điều này khiến Tokyo nhiều lần có các hành động phản đối ngoại giao mạnh mẽ. Mới thứ sáu tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cũng đến thanh sát các phương tiện quân sự của Nga tại quần đảo.
Thủ tướng Kan của Nhật hôm nay khẳng định: "Tôi sẽ kiên trì thương thảo với quyết tâm mạnh mẽ nhằm giải quyết tranh chấp bốn hòn đảo và đi đến ký kết hiệp ước hòa bình".
"Vấn đề vùng Lãnh thổ phía bắc có tầm quan trọng đặc biệt đối chính sách ngoại giao của Nhật Bản", ông Kan phát biểu trong Hội nghị quốc gia thường niên đòi lại Lãnh thổ phía bắc, AFP trích dẫn báo chí Nhật cho hay.
Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara, người sắp có chuyến công du tới Matxcơva thứ năm tuần này, tuyên bố ông sẽ hành động để đòi lại các đảo, "cho dù điều đó làm tiêu tan toàn bộ sự nghiệp chính trị của tôi".
Ngoại trưởng Nhật cam kết sẽ có "nỗ lực tổng lực nhằm truyền đạt quan điểm của Nhật" tới Nga, và hy vọng sẽ tổ chức được một cuộc gặp cấp thượng đỉnh Medvedev-Kan và tìm ra một giải pháp cho sự tranh chấp.
Căng thẳng về chủ quyền giữa Nga và Nhật lên cao cuối năm ngoái, vào thời điểm nhạy cảm với Tokyo bởi cùng lúc đó Nhật đang bị cuốn vào tranh cãi chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Bốn hòn đảo thuộc Kurils/Lãnh thổ phía bắc thuộc quyền điều hành của Liên Xô sau khi quân đội nước này chiếm được vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Người Nhật sinh sống trên các đảo khi đó bị trục xuất, thay thế bằng người Nga.
Hiện trên bốn đảo tranh chấp có khoảng 19.000 người ở. Các đảo này được cho là giàu tài nguyên vàng, bạc, và nằm giữa một vùng biển trù phú. Tuy nhiên điều kiện hạ tầng trên các đảo còn yếu.
Năm ngoái, Medvedev tuyên bố Nhật cần nhận thức được rằng Nga sẽ không bao giờ lùi bước trong vấn đề chủ quyền các đảo. Nga đề nghị xem xét thành lập một khu vực kinh tế tự do chung ở đó.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm Kurils cách đây vài ngày, ông này được đảm bảo rằng toàn bộ đơn vị pháo trên đảo trong tình trạng sẵn sàng và được trang bị vũ khí mới nhất.
Ngay lập tức Bộ Ngoại giao Nhật triệu đại sứ Nga đến để kịch liệt phản đối.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố họ thất vọng với phản ứng giận dữ của Nhật, và ám chỉ rằng Matxcơva đã chán nghe những lời phản đối thường xuyên từ Tokyo.
Tổng thống Nga cố gắng xoa dịu phản ứng của Nhật, ông tuyên bố rằng chuyến thă của Bộ trưởng Quốc phòng không phải nhằm phô trương sức mạnh. Tuy nhiên Medvedev nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng các hòn đảo đó "là lãnh thổ của Nga".
Mai Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét