Chính danh để nhập cuộc với thế giới

VietNamNet

- Đại hội Đảng XI bật đèn xanh cho "hội nhập toàn diện", thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu. Cơ hội mở ra là rất lớn, thách thức phải hóa giải cũng không nhỏ. "Hội nhập toàn diện" từ nay trở thành yêu cầu tự thân để giải quyết những bất cập bên trong chứ không chỉ do các áp lực từ bên ngoài.

Hội nhập đã 15 năm rồi nhưng vào khoảnh khắc tiễn Canh Dần đón Tân Mão này mới thực sự đạt chính danh khi Việt Nam khẳng định "hội nhập toàn diện" vào khu vực và thế giới, thay vì chỉ nhấn mạnh "hội nhập kinh tế" như thời kỳ đầu. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thì đó là một bước ngoặt thay đổi về chất trong chính sách đối ngoại của chúng ta.

Giờ đây, quan chức ngoại giao và Quốc hội đều lên vô tuyến nói công khai: hội nhập đã đi vào mâm cơm của người dân trong nước rồi! Nhưng e rằng nó còn "xâm thực" sâu hơn nữa, không chỉ vào mâm cơm, mà cả buồng ngủ, thậm chí vào mọi ngóc ngách của đời sống vật chất và tinh thần, văn hóa và tâm linh của xã hội.

Tuy nhiên không vì thế mà tuyệt đối hóa bất cứ điều gì. Thời đại đang sống được nhận diện bằng đủ loại tiêu chí: "khoảnh khắc đơn cực" và "thế giới phẳng", "sự tập hợp các nan hoa xung quanh trục" và "thế giới hậu Mỹ"… Trong bối cảnh đó, "hội nhập toàn diện" giờ đây là một trong những nguyên tắc tiếp cận thể hiện tầm nhìn cho giai đoạn phát triển mới từ thập niên thứ hai này của thế kỷ 21.

Không phải lựa chọn mà là cơ hội

Khẳng định "hội nhập toàn diện" là sự thừa nhận về mặt nhà nước rằng, từ nay, quá trình xây dựng năng lực hội nhập trở thành nhu cầu có chất lượng xã hội. Xã hội và thị trường mong đợi được hành xử đúng với danh nghĩa, hành động đúng với cương vị mỗi thành phần trong quá trình nhập cuộc với bên ngoài.

Những nguyên tắc khác, đương nhiên cũng quan trọng. Cùng với lý thuyết hội nhập, nhân tố địa lý, tiếp cận thể chế đều được các chuyên gia nghiên cứu coi là những căn nguyên nền tảng cho công cuộc phát triển.

Hội nhập toàn diện chỉ có thể thành công khi từ người dân đến các nhà doanh nghiệp nhận thức đó như là nhu cầu tự thân. Ảnh minh họa: Hiền Anh
Nhưng đối với các quốc gia có hoàn cảnh như Việt Nam, khi "vòng kim cô" của các nước lớn là một thực tế, thì chủ động "hội nhập toàn diện", tự nó sẽ khai dụng và phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của tất cả các cách tiếp cận khác.

Hội nhập, vì vậy, có thể là con đường hiệu quả nhất để tương lai - gần hay xa tùy vào nỗ lực chủ quan của bản thân - có thể rút ngắn được sự cách biệt và những khác biệt giữa ta với thế giới bên ngoài.

Hội nhập toàn diện chỉ có thể thành công khi từ người dân đến các nhà doanh nghiệp phải nhận thức được đó như là một nhu cầu tự thân, như là sự giải phóng tư tưởng từ bên trong, chứ không chỉ dưới áp lực của hoàn cảnh khách quan; đó còn là vấn đề xây dựng năng lực, thể chế để hội nhập chứ không chỉ đơn thuần khẳng định ý chí chủ quan.

Bởi vì hội nhập toàn diện thực chất là sự chủ động tham gia của nước ta vào quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa. Đây là cuộc đấu tranh phức tạp góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia thông qua quá trình thiết lập các mối quan hệ đan xen, nhiều chiều, ở các tầng nấc và mức độ khác nhau với các quốc gia trên thế giới.

Sau khi ký BTA năm 2000 (Hiệp định song phương với Mỹ), tham gia WTO năm 2006, chúng ta ký tiếp TIFA (Hiệp định khung về thương mại/đầu tư với Mỹ, năm 2007) và đang tích cực đàm phán TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) để mở rộng hơn nữa sự hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới.

Sự tham gia của Việt Nam vào các định chế này không phải là sự lựa chọn, đó là một cơ hội. Con đường tự hoàn thiện thể chế để nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục các nhân tố địa lý - lịch sử để chủ động hội nhập là một lộ trình gian nan. Nhưng liệu chúng ta có đến được với tương lai, nếu không gia nhập vào các định chế toàn cầu này?

Tương tự, nếu không nâng cấp các quan hệ đối tác của Việt Nam với 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ lên tầm chiến lược, không kết nối các mạng quan hệ quốc tế: song phương, khu vực và toàn cầu, không theo đuổi chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, liệu chúng ta có hy vọng tìm được cách giải quyết vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề sát sườn khác liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước?

Bản chất số một của hội nhập

Sau phần tư thế kỷ đổi mới, chúng ta mới hiểu sự gian truân của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền như là bản chất số một của hội nhập. Thiếu nó không thể thai nghén/nuôi dưỡng nền kinh tế thị trường đích thực và xã hội dân sự lành mạnh. Thiếu nó không thể dân chủ hóa các sinh hoạt quốc nội và quốc tế.

Thiếu nó càng không thể thực hiện được quá trình chuyển dịch bên trong: thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Trên thực tế, đây là những điều kiện thiết yếu để chủ động thúc đẩy hội nhập quốc tế, với tư cách vừa là một quá trình, vừa là một điểm đến của tương lai.

Một khi ba chân kiềng nói trên không vững (nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân) thì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vẫn còn là cái đích trước mắt.

Hơn nữa, đối nội và đối ngoại từ nay đan quyện vào nhau như các sợi dọc và sợi ngang để có thể dệt nên một tấm vải toàn bích của phát triển bền vững.

Ký BTA, TIFA, tham gia WTO, đàm phán TPP là đối nội hay đối ngoại khi mà chúng ta đã, đang nỗ lực cải cách hành chính, điều chỉnh, thay đổi hệ thống luật pháp trong nước để thích nghi với cái chợ toàn cầu?

Hội nhập toàn diện là đi đôi với "tùy thuộc lẫn nhau" về kinh tế, về chính sách và về xã hội/văn hóa. Tuy nhiên, tiến độ hội nhập và mức độ tùy thuộc lẫn nhau trong các lĩnh vực này không phải lúc nào cũng đồng đều và cân đối, nhưng nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ. Việt Nam nhấn mạnh khâu "chủ động" là vì thế!

Không rõ do ngẫu nhiên hay tất yếu mà cứ vào khoảnh khắc ngặt nghèo của dân tộc thì ngoại giao lại được đẩy lên tuyến đầu. Giờ đây chúng ta cũng đang lặp lại thời điểm nhận thức ra cái tất yếu hay ngẫu nhiên ấy.

Trong kháng chiến chúng ta từng hiểu rằng, không thể giành được trên bàn đàm phán những gì chưa giành được trên chiến trường; tuy nhiên, ngoại giao có vai trò chủ động của nó. Ngày nay, có nhà tư vấn đang đề xuất một quy trình công nghệ nhằm xây dựng nền chính trị đối ngoại dành cho chính phủ trong mọi tình huống.

Một nền chính trị đối ngoại hợp thời có thể tạo nên sức mạnh tổng trì đúc kết từ các tương tác giữa ngoại giao và chính trị, an ninh và quốc phòng, kinh tế và thương mại, văn hóa và xã hội để Việt Nam tránh được cái bẫy "phát triển trung bình".

Giới hạn chung sống giữa các tiêu chí chính trị bảo thủ với nhu cầu hiện đại hóa đất nước đã hết! Sẽ không có nguy cơ "ngủ đông" song chúng ta đứng trước nguy cơ chậm lụt, nguy cơ dập dềnh ở tầng thấp dưới trình độ phát triển của khu vực, chứ chưa nói tới cấp độ toàn cầu.

Mọi lý thuyết chưa hẳn đã là xám xịt. Nhưng phải có chính danh mới nhập cuộc được với thế giới. Tiễn Canh Dần, đón Tân Mão, hãy khơi mạch những luồng tư duy tươi xanh từ mùa Xuân này của nhân loại!

Đinh Hoàng Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét