Đằng sau xung đột Thái Lan - Campuchia

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 09/02/2011, 06:01 (GMT+7)

Đằng sau xung đột Thái Lan - Campuchia

TT - Nhìn bề ngoài, vụ đọ súng dữ dội giữa Thái Lan - Campuchia xuất phát từ một xung đột về lãnh thổ giữa hai nước. Trên thực tế, đó lại là kết quả của một cuộc chiến giành quyền lực trên chính trường Thái Lan, cụ thể là giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD), tức “áo vàng”.

Lính Thái Lan tuần tra trong khu vực tỉnh Si Sa Ket, gần đền Preah Vihear - Ảnh: AFP

Viết trên báo mạng Today, Pavin Chachavalpongpun cho rằng không thể chối cãi là đang có một sự chia rẽ giữa PAD và Đảng Dân chủ cầm quyền. PAD đang sử dụng vấn đề tranh chấp biên giới vào một mục tiêu rõ ràng là làm suy yếu chính quyền của Thủ tướng Abhisit.

Diễn biến các sự kiện đang cho thấy điều này. Trước đây không lâu, PAD và Đảng Dân chủ Thái Lan còn như hai anh em sinh đôi, cùng sát cánh bên nhau trong một chiến tuyến để lật đổ chính quyền của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra (năm 2006), rồi những chính phủ thân Thaksin khác (2008).

Khi PAD chính trị hóa vấn đề đền Preah Vihear (nằm trên biên giới giữa hai nước, nhưng chủ quyền đã được thế giới công nhận là thuộc Campuchia), Đảng Dân chủ, vốn cho đến lúc đó là phe đối lập, đã ngả theo PAD. Hai lực lượng này đã nhen nhóm lại ngọn lửa chủ nghĩa quốc gia và lên án chính quyền của ông Samak Sundaravej, được ông Thaksin hậu thuẫn, là “đem bán chủ quyền quốc gia Thái Lan” cho Campuchia để đổi lấy những lợi ích cho gia đình Shinawatra.

Ban hành luật an ninh nội địa tại Bangkok

Từ ngày 9 đến 23-2, Thái Lan áp dụng luật an ninh nội địa (ISA) tại bảy quận trọng điểm ở trung tâm thủ đô Bangkok. Luật này cho phép triển khai quân đội hỗ trợ cảnh sát thực thi pháp luật và các lực lượng an ninh được quyền tạm giam những đối tượng khả nghi trong vòng bảy ngày để thẩm vấn. Luật ISA được áp dụng nhằm giúp chính quyền kiểm soát tình hình, đảm bảo an ninh tại các khu vực mà Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) cảnh báo sẽ tăng cường biểu tình.

Ngày 8-2, quân đội Campuchia và Thái Lan đã ngừng giao tranh. Tuy nhiên, AFP dẫn lời một sĩ quan quân đội Campuchia mô tả tình hình tại biên giới vẫn rất căng thẳng. Theo Reuters, các cuộc giao tranh đã làm tổng cộng mười người thiệt mạng, 85 người bị thương. Hàng ngàn người dân dọc biên giới hai nước đã phải di tản.

Khi thành lập được chính quyền vào cuối năm 2008, sau một thỏa thuận được dàn xếp trong hậu trường với quân đội, Đảng Dân chủ từng bước tách khỏi đồng minh cũ của mình nhằm xây dựng hình ảnh một chính quyền trung lập về chính trị.

Những người “áo vàng” cảm thấy họ đã giúp Đảng Dân chủ lên nắm quyền, nhưng lại không được chính quyền của Thủ tướng Abhisit trả công, ngoại trừ một số thành viên PAD được đưa vào nội các, mà nổi bật là Ngoại trưởng Kasit Piromya, người có tiếng là chống Campuchia dữ dội, nhưng theo nhận định của giáo sư chính trị ĐH Chulalongkorn Thitinan Pongsudhirak, ông Kasit ngày càng đồng thuận với ông Abhisit và Đảng Dân chủ.

PAD cảm thấy họ nhanh chóng bị đẩy vào vị trí phía sau, thậm chí hàng loạt lãnh đạo “áo vàng” bị truy tố vì vi phạm pháp luật khi biểu tình. Đảng chính trị mới do “áo vàng” tạo lập thất bại thảm hại trong các cuộc bầu cử ở Bangkok. Giáo sư Thitinan nhận định ngay cả các thế lực hoàng gia từng chống lưng cho “áo vàng” cũng ngả sang phía ông Abhisit. Từ một thế lực hùng hậu trên chính trường, PAD rơi vào cảnh trắng tay.

Trong viễn ảnh của cuộc bầu cử sớm, có thể trong năm 2011, PAD hi vọng có thể “kiếm chác” được từ những xung đột hiện nay để trở lại vị trí hàng đầu trên sân khấu chính trị và củng cố được cơ sở hậu thuẫn tại Bangkok. Các bước đi của PAD nhằm thu hút sự chú ý của dư luận xem ra đang có kết quả.

Căng thẳng bùng phát tại khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia từ cuối tháng 12-2010 khi chính quyền Phnom Penh bắt giữ bảy người Thái Lan xâm nhập lãnh thổ Campuchia. Dù sau đó năm người được trả tự do, chính quyền Phnom Penh vẫn giam giữ hai người còn lại, trong đó có Veera Somkwamkid - thủ lĩnh Mạng lưới những người Thái yêu nước (TPN), một nhánh cực đoan của lực lượng “áo vàng”.

Lập tức, PAD tổ chức các cuộc biểu tình ở Bangkok và khu vực biên giới để gây sức ép buộc chính quyền Thủ tướng Abhisit Vejjajiva giải cứu hai tù nhân. “Áo vàng” cáo buộc ông Abhisit “yếu hèn” khi đối phó với Campuchia và đòi ông từ chức. Và các cuộc đọ súng nổ ra ở biên giới Thái Lan - Campuchia đúng vào thời điểm “áo vàng” gây náo động ở Bangkok.

Nếu sóng vẫn yên, biển vẫn lặng, đảng chính trị mới của PAD sẽ lại thảm bại như trước đây. Khi hỗn loạn xảy ra, vai trò của PAD trở nên có trọng lượng hơn nhiều. Và “lá bài Campuchia” đang được PAD sử dụng.

Dư luận thế giới và khu vực đang theo dõi cuộc xung đột trên biên giới Thái Lan - Campuchia, nhất là tình hình chính trường Thái Lan với sự lo ngại. Nếu sự chia rẽ giữa PAD và Đảng Dân chủ cầm quyền tiếp tục gia tăng hẳn sẽ không đem lại hậu quả nào khác hơn là làm suy yếu chính quyền hiện hành và tạo điều kiện cho các đối thủ chính trị khác (trong quốc hội và phe “áo đỏ”) và đẩy Thái Lan vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Nếu như tình hình trở nên không thể kiểm soát nổi thì rất có khả năng quân đội sẽ lại nhảy vào chính trường để đưa Thái Lan ra khỏi bế tắc. Nếu như thế, người dân Thái Lan lại phải chuẩn bị hứng chịu những cuộc đấu đá chính trị mới mà hậu quả là tình trạng bạo lực mới.

HIẾU TRUNG

thanhnien.com.vn:

10/02/2011 23:33
Xe tăng Thái Lan tăng cường tại biên giới với Campuchia - Ảnh: AFP
Tình hình tại khu vực biên giới Campuchia - Thái Lan vẫn rất khó lường sau mấy ngày giao tranh với những diễn biến trái ngược nhau.

Người dân Thái Lan tại tỉnh Si Sa Ket hôm qua bắt đầu trở về nhà sau mấy ngày sơ tán vì giao tranh giữa quân đội Thái và Campuchia, vốn đã làm 11 người của cả hai bên thiệt mạng. Quân đội tham gia sửa chữa nhà cho dân và hỗ trợ họ ổn định lại cuộc sống. Đây có thể được xem là dấu hiệu căng thẳng đang giảm dần khi đụng độ đã lắng xuống trong 2 ngày qua.

Tuy nhiên, theo Reuters, quân đội Thái đã điều động thêm 20 xe tăng loại hiện đại tới khu vực từng xảy ra nổ súng ở huyện Kantaralak, nhưng khẳng định động thái này không nhằm chuẩn bị cho cuộc giao tranh tiếp theo. Cùng lúc, Campuchia cho dựng công sự bằng bao cát quanh ngôi đền cổ gây tranh chấp Preah Vihear và điều nhiều binh sĩ đến đây, theo AP. Phnom Penh tuyên bố huy động binh lính đến bảo vệ đền chứ không phải dùng nơi này làm căn cứ như cáo buộc của Bangkok. Ngoài ra, tờ The Nation của Thái hôm qua dẫn lời phát ngôn viên quân đội Sansern Kaewkamnerd nói chính phía Campuchia sử dụng bom chùm trong cuộc chạm trán từ ngày 4-7.2 chứ không phải ngược lại như cáo buộc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Dù chưa có thêm động thái quân sự nào, cả Bangkok và Phnom Penh vẫn tỏ ra cứng rắn và liên tục phản bác nhau. Thủ tướng Hun Sen nói cuộc đụng độ là “chiến tranh” và rằng “chiến tranh với Thái Lan sẽ kéo dài”. Ông khẳng định không thể giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương và kêu gọi HĐBA LHQ nhanh chóng can thiệp. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva quả quyết người đồng cấp Campuchia đã “phóng đại” sự việc, theo tờ Bangkok Post. Thái Lan vẫn duy trì quan điểm rằng tranh chấp biên giới có thể giải quyết mà không cần sự tham gia của bên thứ ba.

Thái Lan cũng từ chối đề nghị tham gia hòa giải của Pháp. Trước đó, Pháp tuyên bố nếu được yêu cầu nước này sẽ đưa ra các bản đồ Đông Nam Á vẽ hồi thế kỷ 19 để làm bằng chứng phân xử tranh chấp biên giới Campuchia - Thái Lan. Giới quan sát nhận định Thái từ chối là vì chính một bản đồ khác của Pháp vẽ năm 1907 đã dẫn tới phán quyết của Tòa án quốc tế năm 1962 rằng đền Preah Vihear gần 900 tuổi thuộc quyền sở hữu của Campuchia. Từ đó đến nay, hai nước vẫn tiếp tục căng thẳng về vùng đất xung quanh đền. Đại diện hai bên sẽ tiếp tục trình bày tại trụ sở HĐBA LHQ vào hôm 14.2 trước sự chứng kiến của 15 thành viên HĐBA và đại diện của ASEAN.

Minh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét