Đây là bản kế hoạch quân sự đầu tiên của Mỹ kể từ năm 2004. Bản kế hoạch này được coi là cơ hội để Mỹ rà soát lại biện pháp và cách thức quân đội sẽ áp dụng nhằm thúc đẩy các lợi ích quốc gia. Dựa trên nền Kế hoạch an ninh quốc gia 2010 và các mục tiêu trong bản "Đánh giá quốc phòng 4 năm" mới nhất, Kế hoạch quân sự quốc gia 2011 của Mỹ được xây dựng nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực, răn đe và đánh bại sự xâm lược, tăng cường an ninh khu vực và quốc tế cũng như định hình lực lượng tương lai.
Đô đốc Mike Mullen nói: "Trong khi đang cố gắng định hình lại cuộc chiến chống khủng bố và bạo lực thì chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh vai trò, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của nó tới các yếu tố khác tạo nên quyền lực". Vai trò của các quân chủng bộ binh, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến trong việc bảo vệ nước Mỹ trong những năm tới càng được nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen công bố Kế hoạch quân sự quốc gia Mỹ 2011. Ảnh: Reuters. |
Đặt trọng tâm vào việc tăng cường an ninh quốc tế và khu vực, Đô đốc Mike Mullen nhấn mạnh rằng, Mỹ cần chuẩn bị cho tương lai ngày càng biến động và không chắc chắn bằng cách củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh sâu sắc thêm với các nước đồng minh cũng như những đối tác mới. Vì thế, trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước đồng minh và liên minh như NATO, đồng thời mở rộng hợp tác với Liên minh châu Phi, ASEAN và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự.
Đặc biệt, Kế hoạch quân sự quốc gia mà quân đội Mỹ công bố còn kêu gọi tập trung phát triển lực lượng ở châu Á, nơi đang tăng trưởng nhanh cả về kinh tế và quân sự. Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ triển khai thêm quân tại Nhật Bản hay Hàn Quốc mà kế hoạch này có thể là thay đổi loại hình nhân lực và tăng cường các cuộc tập trận trong khu vực.
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, với Kế hoạch quân sự quốc gia 2011, Mỹ đang khẳng định sự trở lại châu Á của mình nhưng cũng không quên tạo sự tin cậy trong việc cạnh tranh lành mạnh về mức độ ảnh hưởng ở khu vực với những nước lớn như Ấn Độ và Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét