Nga - Nhật đàm phán về đảo tranh chấp

VnExpress:
Thứ sáu, 11/2/2011, 16:56 GMT+7

Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara nhìn nhóm đảo Kuril qua cửa sổ máy bay. Ảnh: Kyodo News
Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara nhìn nhóm đảo Kuril qua cửa sổ máy bay trong chuyến thị sát hôm 4/12. Ảnh: Kyodo News.
Ngoại trưởng Nhật và Nga hôm nay gặp nhau để bàn về tranh chấp xung quanh nhóm đảo đang thổi bùng căng thẳng giữa hai nước.
> Nga khẳng định chủ quyền đảo tranh chấp với Nhật

Cuộc gặp kín giữa Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov đã được công bố từ cuối năm ngoái.

Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gọi nhóm đảo Kuril là "vùng lãnh thổ chiến lược" của Nga và sẽ sớm trở thành nơi đặt vũ khí hiện đại nhất của nước này.

Ngoại trưởng Nhật Maehara cho rằng tuyên bố đó là không thích hợp. "Cho dù bao nhiêu quan chức cấp cao của Nga đến đó đi nữa và họ tăng hay giảm sự hiện diện về quân sự ở đó thì giá trị pháp lý của tuyên bố đó cũng không đổi", ông nói.

Tranh cãi về chủ quyền nhóm đảo được gọi là Kuril trong tiếng Nga và Vùng lãnh thổ phía bắc trong tiếng Nhật vẫn là vấn đề gây chia rẽ giữa hai nước và khiến họ không thể ký hiệp ước hòa bình từ Thế chiến II.

Căng thẳng lên cao sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm đảo Kuril tháng trước, sau chuyến thăm tương tự của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Người đứng đầu điện Kremlin thề sẽ củng cố sự hiện diện tại quần đảo ở Thái Bình Dương này.

Quân đội Liên Xô chiếm giữ các đảo này năm 1945 từ tay người Nhật và hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga.

Ngọc Sơn


Tuổi Trẻ Online: Thứ Sáu, 11/02/2011, 07:23 (GMT+7)

Nga tăng cường quân sự trên quần đảo Kuril

TT - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 9-2 tuyên bố Nga sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự để bảo vệ chủ quyền của mình trên quần đảo Kuril, trong đó có một số đảo tranh chấp với Nhật Bản - theo AFP.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đến thăm hòn đảo Kunashir đầu tháng 11-2010 - Ảnh: AFP

“Tất cả đều phải hiểu rằng quần đảo Kuril là lãnh thổ của Liên bang Nga. Nga có chủ quyền tuyệt đối tại đây” - ông Medvedev khẳng định trong cuộc gặp với các lãnh đạo Bộ Quốc phòng và phát triển vùng tại Gorky, trước chuyến thăm Matxcơva của Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara.

“Chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để củng cố sự hiện diện chiến lược của chúng ta tại quần đảo Kuril... Tất cả vũ khí hiện diện tại đó phải đầy đủ và hiện đại để bảo vệ các hòn đảo, một bộ phận không thể tách rời của nước Nga” - ông Medvedev tuyên bố.

“Đây là một vùng chiến lược với chúng ta, nước Nga sẵn sàng phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng nếu họ hiểu nguyên tắc này của chúng ta” - ông nói tiếp.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov, vừa trở về sau chuyến thị sát các vị trí chiến lược trên đảo Iturup và Kunashir (Etorofu và Kunashiri trong tiếng Nhật) thuộc quần đảo Kuril, hứa sẽ công bố chính thức các phương tiện quân sự cần thiết là gì “trước cuối tháng này”.

RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai tàu chiến Mistral đầu tiên đặt mua của Pháp sẽ được chuyển giao cho hạm đội Thái Bình Dương, lực lượng có phạm vi hoạt động bao trùm cả bốn hòn đảo đang tranh chấp với Nhật. Một quan chức hải quân Nga giải thích quyết định bổ sung loại khí tài này cho hạm đội Thái Bình Dương có thể cho thấy tầm quan trọng của vùng Viễn Đông Nga và sự cần thiết phải bảo vệ đường liên lạc dài giữa bán đảo Kamchatka và quần đảo Kuril.

Quan chức Bộ Quốc phòng Nga Igor Korotchenko tiết lộ trong kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự này, Nga sẽ bố trí tại Kuril sư đoàn số 18, đồng thời triển khai hai tiểu đoàn tên lửa phòng không C-400 “Triumph”. Hỗ trợ cho hệ thống này sẽ có các tổ hợp tên lửa đại bác Pantsir-C1, tổ hợp tên lửa bờ biển chống tàu Yakhont và một số hệ thống rađa hiện đại để bảo đảm phủ sóng liên tục khắp không phận.

Thêm vào đó, sau khi nâng cấp các công trình phụ trợ và sân bay có sẵn trên các đảo thuộc Kuril, có thể sẽ triển khai một căn cứ không quân với lực lượng nòng cốt là máy bay chiến đấu SU-35 và máy bay chống tàu ngầm. “Mỗi đơn vị hải quân phải bao gồm 4-6 tàu mang tên lửa lớp Lightning và 2-3 tàu hộ tống lớp Guardian” - quan chức này cho biết thêm.

Tuyên bố của Matxcơva được đưa ra trong bối cảnh có những chỉ trích gay gắt từ phía Tokyo về chuyến thăm của ông Medvedev đến đảo Kunashiri (Kunashir trong tiếng Nga) tháng 11-2010, hai ngày sau ngày “Lãnh thổ phía bắc” hằng năm của Nhật Bản (7-2) và trước chuyến công du đến Matxcơva của Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10-2, vài giờ trước khi lên đường đi Matxcơva, Ngoại trưởng Maehara tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Kuril là hoàn toàn kiên định và hành động xâm chiếm của Nga là phạm luật quốc tế. Tokyo cũng cho biết sẽ “theo dõi chặt chẽ” hành động tăng cường quân sự của Matxcơva, theo Reuters.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn RIA Novosti, Phó chủ tịch Hội đồng Duma (hạ viện) về quốc phòng Igor Barinov nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Dmitry Medvedev mang mục tiêu chính trị là chủ yếu. “Đó trước hết là một biện pháp mang tính chính trị nhằm thông báo cho phía Nhật hiểu rằng sẽ không có chuyện xét lại kết quả của Thế chiến thứ 2, và rằng những cái đầu nóng của Tokyo cần phải nguội lại bớt” - ông Igor Barinov nói.

Ông Nicolai Tulaev, thành viên của Hội đồng liên bang về quốc phòng và an ninh, cũng cho rằng việc triển khai quân đội chỉ mang tính kế hoạch, “đây là một quá trình tổ chức cần thiết, nó không phản ánh ý định quá khích từ phía Nga”. Ông cũng lưu ý sự hiện diện quân sự của Nga tại khu vực này “ít hơn hàng chục lần” so với thời Liên Xô.

Kyodo dẫn lời một quan chức Chính phủ Nhật giấu tên nhận định bước đi của ông Medvedev cho thấy một thông điệp rõ ràng từ Matxcơva trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ là Nga “sẽ không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào đòi trả lại lãnh thổ phía bắc”.

Bốn đảo Habomai, Shikotan, Etorofu và Kunashiri đã được sáp nhập vào Liên Xô ngày 18-8-1945, ba ngày sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng. Trên các đảo này hiện có khoảng 19.000 dân sống trên một diện tích khoảng 5.000km2.

MINH TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét