Dạy con kiểu gì tốt hơn?

BBC Vietnamese - Văn hóa
Cập nhật: 14:56 GMT - thứ năm, 27 tháng 1, 2011

Kết quả học tập tốt là mục tiêu hàng đầu trẻ em Trung Quốc phải đạt được.

Một cuốn sách ra bằng tiếng Anh nói các bậc phụ huynh người Hoa nuôi dạy con cái thành công hơn người Phương Tây đã gây bão táp ở Mỹ và châu Âu nhưng lại chẳng làm ai ở Trung Quốc mảy may ngạc nhiên.

Giáo sư luật Đại học Yale, bà Amy Chua - con gái của một gia đình người Hoa nhập cư vào Mỹ - cho biết giới trẻ Trung Quốc thường giỏi giang hơn chính nhờ các bậc phụ huynh nghiêm khắc hơn.

Nghiêm khắc với con cái trong chuyện chúng được phép hay không được phép làm gì ngoài giờ học, theo bà là điều đương nhiên, không phải bàn cãi gì ở Trung Quốc.

Nhiều bậc phụ huynh tin rằng nếu không làm vậy thì con cái không thể vào được các trường đại học tốt, điều được coi là tối quan trọng để sau này kiếm được công ăn việc làm tử tế.

Tiêu chuẩn cao

Không phải ai cũng cho rằng nghiêm khắc mới là cách tốt nhất để nuôi dạy con. Một số bậc cha mẹ ở Trung Quốc đang bắt đầu có quan điểm khác.

Tuy nhiên, việc chống chọi lại một hệ thống đức tin vào sự thành công trong chuyện học hành, vốn đã bắt rễ từ lâu tại nước này, lại không phải là chuyện dễ dàng.

"Chúng ta phải thích nghi với hệ thống chứ không thể đòi hỏi hệ thống phải thích nghi với từng cá nhân," bà mẹ Mạnh Tương Nghi có cậu con trai bảy tuổi nói.

Trường tiểu học Trung Quan Thôn số 2 được coi là một trong các trường học lý tưởng ở Bắc Kinh.

Xét về nhiều mặt thì cô Mạnh khá giống như nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc được mô tả trong cuốn sách của Amy Chua, cuốn "Chiến đấu ca cho Mẹ Hổ" (Battle Hymn of Tiger Mother).

Cô đã từ bỏ công việc của mình để lo chuyện chăm sóc giáo dục con trai. Cô coi việc đưa bé Nê Thiên Hào, có tên tiếng Anh là Tom, vào được một trong các trường tiểu học hàng đầu ở Bắc Kinh, là sứ mạng hàng đầu của mình.

Cô đã thành công sau nỗ lực phi thường.

Cô Mạnh đã phải chuyển nhà vào khu "đúng tuyến" của trường học và ráo riết quan hệ với các giáo viên của trường để nhờ giúp cho đứa con trai được nhập học.

Cô cũng đã phải trả khoảng thêm 100.000 nhân dân tệ (tương đương 15.000 đô la Mỹ) các khoản phụ phí.

Thiên Hào vào được trường tiểu học Trung Quan Thôn số 2, nằm ngay gần một số đại học hàng đầu của Trung Quốc và, quan trọng hơn nữa, gần một số trường "đào tạo gà nòi" có thể giúp cậu vào được các trường đại học tốt.

Cậu đã tham gia các lớp học thêm tiếng Anh và đang được một huấn luyện viên nổi tiếng dạy bơi.

Cô Mạnh cho biết cô đã không khắt khe như một số bà mẹ.

"Tôi không đòi thằng bé phải đạt 100%. Nếu nó được 90% trở lên là tôi hài lòng rồi," cô nói. Tỷ lệ như thế mà cô cho là không đòi hỏi cao!!!

Hạnh phúc tuổi thơ?

Vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc là các bậc phụ huynh đang ngày càng không muốn để con cái mình được làm trẻ thơ. Chúng không có một tuổi thơ hạnh phúc mà chỉ toàn phải lo học hành, thi cử và rồi cả chuyện đi học thêm nữa.

Giáo sư Yang Dongping, Viện Công nghệ Bắc Kinh

Giáo sư Dương Đông Bình từ Viện Công nghệ Bắc Kinh đã từng bỏ ra nhiều năm nghiên cứu phương pháp nuôi dạy con ở Trung Quốc.

Ông không so sánh các bà mẹ Trung Quốc với hổ như tác giả Amy Chua. Thay vào đó, ông gọi họ là những bà mẹ điên.

"Vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc là các bậc phụ huynh đang ngày càng không muốn để con cái mình được làm trẻ thơ", Giáo sư Dương nói.

"Chúng không có một tuổi thơ hạnh phúc mà chỉ toàn phải lo học hành, thi cử và rồi cả chuyện đi học thêm nữa."

Ông nói một phần hướng nuôi dạy con ở Trung Quốc như vậy là do truyền thống chú trọng vào việc học hành ở nước này.

Chính sách một con không chắc giúp được gì trong chuyện này. Không những vậy, nó có gây áp lực ghê gớm lên các em, đòi hỏi bọn trẻ phải thành công.

Còn cả những vấn đề khác nữa.

Giáo sư Dương nói rằng việc chú trọng quá nhiều vào thành tích học tập khiến các em cố gắng đạt được điểm cao, nhưng lại trở nên thiếu sáng tạo và thiếu trí tưởng tượng.

Tại Trung Quốc, người ta cũng ít nhiều băn khoăn về việc người lớn đòi hỏi quá nhiều ở trẻ em.

Karen Zhou, lấy chồng người Úc. Ban đầu cô cho cậu con trai tám tuổi của mình Oliver vào học ở một trường Trung Quốc.

Nhưng sau cô cho con chuyển sang một phương Tây khi nhận thấy cậu con trai thường chán nản và không vui khi tới trường.

Giáo sư Dương Đông Bình nói các "bà mẹ điên" ở Trung Quốc thường thúc ép con cái quá mức.

"Cháu nó bây giờ vui vẻ hơn nhiều. Về mặt kiến thức sách vở thì có tụt lại một chút, nhưng kỹ năng giao tiếp xã hội và cách suy nghĩ của cháu thì khác hẳn so với một năm trước đây," cô nói.

Karen Zhou có lẽ là một ngoại lệ.

Chẳng khó khăn gì nếu quý vị muốn tìm kiếm một thanh niên Trung Quốc, người coi tuổi thơ của mình như một quãng đời chỉ toàn chuyện học hành, hầu như không có thời gian để chơi bời hay tham gia hoạt động thể thao, điều vốn bị coi là làm phí hoài thời gian quý báu.

Một số người đã thành lập các nhóm hỗ trợ trên Internet, thu hút hàng ngàn thành viên, nhằm kể chi tiết cuộc sống khó khăn của họ thời còn bé.

Có một nhóm lấy tên "Tất cả các phụ huynh đều là thảm họa".

Lý Hạnh, phụ trách chuyên mục trên báo Trung Quốc Nhật Báo, đã lên tiếng cho nhiều người khi bà chỉ trích hệ thống.

Bà viết: "Trong cuộc sống có nhiều điều đáng quý hơn là điểm số qua các kỳ thi."

"Truyền thông và hệ thống giáo dục phải chú trọng hơn tới việc nền giáo dục toàn diện nhằm tạo ra những công dân tương lai có khả năng làm việc theo nhóm, có tính sáng tạo, cá tính và khả năng làm việc độc lập."

Quả là những từ ngữ cao đẹp, nhưng khi người ta ý thức rõ ràng rằng cuộc cạnh tranh tìm việc làm ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn ở Trung Quốc, thì một người cha hay người mẹ phải rất dũng cảm mới dám chiến đấu chống lại cả hệ thống hiện hành.

BBC: Cập nhật: 09:25 GMT - thứ ba, 1 tháng 2, 2011

Bà Michelle Rhee, gốc Hàn, nổi tiếng ở Mỹ với cách giáo dục không bỏ rơi bất cứ học sinh nào trong lớp

Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội hôm thứ Ba vừa qua về hiện tình liên bang, ngoài chủ đề chính là làm thế nào để cải tiến kinh tế Mỹ, Tổng thống Barack Obama nhắc đến hiện trạng nền giáo dục Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, năng lực học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 đã xuống thấp và thua kém nhiều nước trên thế giới.

Trong cuộc khảo sát trình độ toán và ngôn ngữ mới đây, học sinh Mỹ đứng thứ 17, thua Nam Hàn, Singapore, Nhật, Canada, Úc. Học sinh Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải đạt điểm cao nhất.

Tổng thống Mỹ nhắc đến Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Hàn với những cải cách, đầu tư giáo dục đã có những thành quả tốt. Nhờ đầu tư vào nghiên cứu trong vài thập niên qua, nay Trung Quốc có trung tâm năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới do tư nhân điều hành, có máy điện toán chạy nhanh nhất.

Bài học châu Á

Xã hội Nam Hàn trọng nghề dạy học, giáo viên được coi là những người “xây dựng quốc gia” nên nước này có một đội ngũ giáo chức giỏi đã nâng năng lực toán và khoa học của học sinh Nam Hàn lên cao trong những năm qua, vượt cả Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Hoa Kỳ nhiều người đang nhìn về châu Á để học hỏi và canh chừng nền giáo dục Trung Quốc

Bùi Văn Phú

Lãnh đạo Hoa Kỳ đưa ra kết quả tốt từ hai quốc gia châu Á để đề nghị những chính sách nhằm cải tổ hệ thống giáo dục, đưa trình độ học sinh lên cao hơn. Để giúp học sinh Mỹ, Tổng thống Obama nhắc đến trách nhiệm phụ huynh trong gia đình là phải chú ý đến con em, không để cho các em coi ti-vi nhiều mà dành giờ làm bài tập, ôn bài thi.

Để việc học hành của các em có kết quả, lãnh đạo Mỹ bàn đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên có khả năng, chứng minh được bằng điểm thi cuối năm của học sinh. Những giáo viên kém sẽ được cho nghỉ việc, ai giỏi có lương cao hơn.

Không phải bây giờ mới có một tổng thống Mỹ muốn liên kết khả năng giảng dạy của giáo viên với điểm thi của học sinh. Tổng thống George W. Bush (2001-2009) đã có chính sách “No Child Left Behind” – Không bỏ rơi một em nào - nhắm vào việc tuyển chọn giáo viên có đủ khả năng trong môn dạy và sàng lọc giáo viên căn cứ vào điểm thi học sinh.

Một phụ nữ Á đông nổi tiếng trong việc áp dụng chính sách “No Child Left Behind” là Michelle Rhee, gốc Hàn Quốc. Bốn năm trước bà được chọn làm tổng giám đốc sở học chánh Thủ đô Washington, nơi có nhiều trường công kém tiêu chuẩn với điểm thi của học sinh thấp.

Bà đã được sự ủng hộ hết lòng của Thị trưởng Washington D.C. và những đề xướng cải tổ học đường, cho thôi việc những giáo viên kém đã đem lại một số kết quả. Một số trường quá tệ nâng được tiến bộ của học sinh lên và nghiệp đoàn giáo chức đồng ý sa thải một số giáo viên thiếu khả năng.

Làn sóng kiểm tra và sàng lọc giáo chức đang lan ra tại nhiều học khu và việc chi thêm ngân sách giáo dục cho từng tiểu bang cũng được gắn liền với tiêu chí mới. Nhưng chính sách chỉ dùng điểm thi của học sinh để đánh giá năng lực giáo viên vẫn đang bị các nghiệp đoàn giáo chức nhiều tiểu bang phản đối.

Cuốn sách ' Mẹ Hổ dạy con' của giáo sư Amy Chua, người Mỹ gốc Hoa đã gây tiếng vang cả ở Hoa Kỳ và châu Âu

Trong những thập niên gần đây việc cải cách hệ thống giáo dục Mỹ là đề tài thường được bàn đến nhưng chưa có kết quả tốt. Từ thời Tổng thống Bill Clinton (1993-2001), Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton đã quan tâm đến học sinh Mỹ.

Bà viết quyển sách “It Takes a Village” xuất bản năm 1996 luận về giáo dục tại Hoa Kỳ. Theo cách nhìn của bà, để giúp các em thành công tại học đường cần có sự góp tay của nhiều thành phần trong xã hội như câu ngạn ngữ châu Phi: “It takes a village to raise a child” - Cần cả làng để nuôi dạy một đứa bé - tức không chỉ phụ huynh, thày cô mà phải có cả giới chức tâm lí xã hội, y tế để dạy một đứa bé nên người.

Vì thế tại trường học Mỹ ngày nay ngoài ban giảng huấn còn có nhân viên tư vấn xã hội, y tá làm việc tại chỗ.

Sang thời Tổng thống George W. Bush là chính sách “No Child Left Behind” và đến thời Tổng thống Barack Obama là “Raise to the Top” – Nâng lên đến đỉnh. Nhiều chính sách đã đưa ra nhưng kết quả việc học của học sinh Mỹ vẫn còn thấp khi so sánh trình độ với các nước khác.

Mấy tuần trước bà Bấm Amy ChuBấm a, giáo sư luật Đại học Yale có chồng gốc Do Thái là giáo sư cùng trường, viết một bài trên nhật báo Wall Street Journal tựa “Why Chinese Moms Are Superior” - Tại sao những bà mẹ người Hoa giỏi thế – (WSJ 08.01.2011) gây sôi nổi dư luận.

Bài viết tóm tắt một số điểm chính trong quyển sách của bà vừa được xuất bản “Battle Hymm of the Tiger Mother” – Chiến trường ca của bà mẹ Hổ - về cách giáo dục con theo tinh thần gia đình gốc Hoa mà bố mẹ đã dạy bà trong một khuôn khổ kiểm soát khắt khe, nay bà cũng theo cách đó dạy con.

Bà không cho con tham dự những “lumber party” là sinh hoạt mà học sinh cấp 2 ở Mỹ thường có khi một nhóm bạn thân ngủ lại đêm tại nhà của nhau. Bà bắt hai cô con gái tập đàn dương cầm, vĩ cầm cho nhuần nhuyễn trong nhiều giờ đồng hồ mà không cho nghỉ.

Hai cô con gái đang ở tuổi vị thành niên đi học phải đạt điểm A như ý bà muốn. Làm gì chưa hoàn hảo, bà bắt làm đi làm lại. Bà bắt các con làm bài tập rất nhiều, có khi cả nghìn bài toán. Bài viết của giáo sư Amy Chua đã có hơn một triệu lượt đọc, gần vạn ý kiến đóng góp tán đồng cũng như phản đối và tạo nên một cuộc tranh luận về cách dạy con từ Hoa Kỳ sang đến Trung Quốc.

Có ý kiến cho đó là ép buộc con quá mức làm mất đi sự phát triển năng khiếu giao tiếp của con trẻ. Ngược lại có người cho rằng nếu trẻ em chỉ được giáo dục như ở trường học Mỹ, con em không học được nhiều và sẽ không đủ kiến thức để thành công khi vào đời.

Thách thức cho toàn dân

Giáo sư Amy Chua giảng ở Đại học Yale

Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội, Tổng thống Obama nhắc lại mục đích ông đưa ra hai năm trước là đến cuối thập niên này Hoa Kỳ sẽ trở lại vị trí hàng đầu với tỉ lệ dân số có bằng đại học cao nhất thế giới.

Nhưng làm sao để đạt được điều đó là một thử thách cho toàn nước Mỹ khi mà tinh thần hiếu học của học sinh nói chung không cao so với học sinh các nước châu Á và học sinh gốc Á tại Hoa Kỳ. Số liệu trên tuần báo TIME ngày 31.01.2011 với chủ đề về cách phụ huynh gốc Hoa dạy con cho biết 50% người Mỹ gốc Á từ 25 tuổi trở lên có bằng đại học, so với 28% của toàn dân Mỹ.

Riêng bang California, cư dân châu Á chiếm 12% trong số 38 triệu dân nhưng thống kê của Đại học Berkeley cho thấy sinh viên gốc Á được nhận vào năm đầu là hơn 40% trong suốt 5 năm qua. Trong khi người da trắng chiếm 65% dân số và số sinh viên được nhận chỉ một phần ba.

Những con số trên cho thấy có khác biệt về kết quả học vấn cấp phổ thông trong gia đình châu Á để các em được nhận vào một đại học danh tiếng với tỉ lệ cao hơn các sắc dân khác.

Nếu nhìn vào trình độ toán và Anh ngữ của học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông và được vào các trường California State University, một giới chức Đại học Cal State East Bay (tên cũ là Cal State Hayward) ở vùng Vịnh San Francisco cho biết trình độ toán và đọc viết Anh ngữ của sinh viên Mỹ nhiều em còn kém.

Trong hệ thống 23 trường Cal State University có đến 60% sinh viên năm thứ nhất cần học lại Đại số 2 hay đọc viết Anh ngữ căn bản, hay cả hai, là những lớp thuộc trình độ lớp 10 và 11 phổ thông.

Nước Mỹ đang trải qua thời kì khủng hoảng giáo dục. Lãnh đạo Hoa Kỳ nhiều người đang nhìn về châu Á để học hỏi và canh chừng nền giáo dục Trung Quốc sẽ đưa đất nước này qua mặt Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn.

Chuyện hai phụ nữ gốc châu Á lên tiếng về giáo dục hiện được giới làm chính sách ở Mỹ chú ý. Một người quyết tâm đem cải cách giáo dục đến học đường Mỹ và một người đưa ra cách phụ huynh châu Á dạy con đã được hai tuần báo lớn chọn làm chủ đề: bà Michelle Rhee trên Newsweek 13.12.2010 và bà Amy Chua trên TIME 31.01.2011.

Điều này cho thấy giáo dục phổ thông Hoa Kỳ trong vài thập niên qua không thành công và nền giáo dục châu Á có thể đem đến cho người Mỹ những bài học.

Nhưng trồng người không phải là việc vài năm. Học sinh Mỹ có sẽ khá hơn không khi nhiều em về nhà chỉ biết đến ti-vi, trò chơi điện tử, iPod, dành nhiều giờ trò chuyện trên mạng hay qua iPhone, iPad hơn là làm bài, ôn bài và vào lớp không chú tâm, thiếu tinh thần hiếu học khiến thày cô muốn dạy cho các em nên người cũng nản chí.

Ông Bùi Văn Phú dạy toán tại College of Alameda, gần San Francisco, California và là một cây viết độc lập. Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét