Trung Quốc đang "xâm chiếm" châu Âu? | Báo điện tử Tầm Nhìn

Báo điện tử Tầm Nhìn:
Thứ ba, 08/2/2011 8:25 GMT+7

(Tamnhin.net) - Trung Quốc đã xâm chiếm châu Âu như thế nào ? Đó là tựa lớn trên trang nhất báo L’Express tuần này.


Ở các trang trong, tuần báo L’Express đã điểm qua của tấn công của Bắc Kinh vào nền kinh tế các nước châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trung Quốc đã cứu viện các nước yếu kém trong Liên minh tiền tệ châu Âu (Eurozone), nhưng đổi lại là những lợi ích về kinh tế và chính trị. Như vậy là sau châu Phi, Bắc Kinh đã “tiến quân” vào châu Âu, đôi khi gây ra các phản ứng thù địch như tại cảng Pirée của Hy Lạp được xem là cửa khẩu để người Trung Quốc đặt chân vào châu Âu.

Người ta ước lượng hiện Trung Quốc đang nắm giữ đến 630 tỷ euro trái phiếu châu Âu. L’Express gọi đây là “chiến lược màng nhện”, khi chỉ trong vòng vài tháng, Bắc Kinh đã nhân rộng việc mua lại nợ quốc gia và đầu tư vào các cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược như cầu cảng, xa lộ, nhà máy lọc dầu… Có thể kể sơ qua tại Ailen, Trung Quốc đang làm chủ dự án xây dựng một tổ hợp công nghiệp. Tại Pháp, đó là một khu kinh tế Pháp-Trung đặt tại một căn cứ không quân cũ của NATO. Tập đoàn PetroChina cũng mua lại phần hùn trong ngành lọc dầu của Pháp, và tham gia vào nhà máy lọc dầu Grangemouth của Anh.

Trên lãnh vực giao thông, một tập đoàn Trung Quốc sẽ tham gia dự án thực hiện gần 50 cây số xa lộ nối liền thủ đô Berlin của Đức với thủ đô Vacxava của Ba Lan, từ nay đến năm 2012. Tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc được nhượng quyền khai thác hai cảng hàng hóa ở Pirée, Hy Lạp trong vòng 35 năm, và quản lý cảng biển lớn nhất của thành phố Naples, Italia. Cũng tại Italia, một tập đoàn Trung Quốc khác muốn mua lại một sân bay có thể tiếp nhận các máy bay vận tải.

Các ông chủ Trung Quốc còn có mặt trên hầu hết các lãnh vực kinh doanh khác như thời trang, xe hơi, điện tử, viễn thông, dược phẩm, ngân hàng… mà tờ báo ví von là “ngọn gió phương Đông”. Trong vòng sáu năm qua, lượng đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc vào châu Âu đã nhân lên gấp ba lần, nhắm vào các thương hiệu nổi tiếng và cuộc chinh phục châu Âu của Trung Quốc hiện thời mới chỉ là “khúc nhạc dạo đầu” mà thôi.

Trả lời phỏng vấn của L’Express, Quốc vụ khanh đặc trách ngoại thương của Pháp Pierre Lellouche đã nhìn nhận là có một nguy cơ chính trị tiềm ẩn. Do nhập siêu từ Trung Quốc, các nước châu Âu sẽ phải ngần ngại khi muốn áp dụng các biện pháp trả đũa đối với ông chủ nợ Bắc Kinh. Hiện nay, Trung Quốc dành mọi ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước trong khi châu Âu tôn trọng nguyên tắc tự do cạnh tranh. Xa lộ ở Ba Lan đã nói ở trên sử dụng nguồn tài chính của Liên minh châu Âu lại được giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện.

L’Express trích đăng một đoạn trong cuốn sách mới nhất của nhà báo Erik Izraelewicz mang tên “Sự ngạo mạn Trung Quốc”. Tác giả nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới đã làm cho Bắc Kinh mất đi sự khiêm tốn cần thiết, mặc dù kiêu căng nhiều khi không có lợi. Bài viết cảnh báo: “Trong lịch sử, các cường quốc đô hộ mới hiếm khi áp đặt quyền thống trị của mình bằng phương thức hòa bình”.

Tác giả nhắc lại nếu mới đây phương Tây còn coi Trung Quốc chỉ là “công xưởng của thế giới”, thì nay, với cuộc khủng hoảng tài chính, Bắc Kinh đã trở thành ngân hàng và phòng thí nghiệm của các nước phát triển, và mai đây sẽ là nơi sáng tạo. Trung Quốc sẽ lại trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Càng tiến tới, Bắc Kinh lại càng mau quên sự khiêm khiêm tốn lắng nghe, học hỏi từ những người đi trước. Cho dù hiện nay tốc độ tăng trưởng có chậm lại đôi chút, nhưng ít nhất trong vòng 10 năm tới vẫn tăng tốc mạnh mẽ và đội ngũ lãnh đạo mới - tân tiến hơn và tự tin hơn - sẽ quyết tâm đưa Trung Quốc qua mặt Mỹ. Viễn tượng này được nhiều chuyên gia phương Tây dự báo vào khoảng năm 2019 đến 2030, tức là khoảng hai chục năm nữa.

Minh Châu (theo RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét