Bí ẩn kho vàng 4.000 tấn

Thanh Nien Online
Bí ẩn kho vàng 4.000 tấn
08/02/2011 0:47
Ông Trần Văn Tiệp (phải) và ông Tám Hiền tại núi Tàu năm 1999 - Ảnh: CTV
Hơn nửa thế kỷ qua, câu chuyện về “kho vàng 4.000 tấn do quân đội Nhật chôn giấu ở núi Tàu” (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) được thêu dệt như một huyền thoại. Chính vì thế, cuộc tìm kiếm kéo dài gần 20 năm nay vẫn chưa vào hồi kết.
Cả đời người theo đuổi “kho vàng”
Chỉ với vài thông tin mỏng manh, một người đàn ông đã bỏ gần cả đời người theo đuổi cái gọi là “kho vàng núi Tàu”. Đến nay, dù gần đất xa trời, nhưng ông vẫn chưa từ bỏ ý định tìm kiếm.
Niềm tin kho vàng 4.000 tấn

Theo những người dân ở xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), sở dĩ gọi là núi Tàu là vì ngọn núi này gần với vùng biển ngày xưa có tàu chiến của quân đội Nhật chìm. Cũng có người gọi là núi Mây Tào và cho rằng từ này xuất phát từ tiếng của người Chăm xưa.

“Ngay từ năm 1957, tôi đã có những thông tin về kho vàng này. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh, tôi phải âm thầm giữ bí mật nguồn thông tin. Sau ngày giải phóng, tôi vẫn chưa chính thức tìm kiếm vì thiếu "đồng minh cùng chí hướng", cho đến ngày gặp được ông Tám Hiền (Lê Văn Hiền, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải, đã mất năm 2010 - PV) thì kế hoạch đi tìm kho vàng của tôi mới trở thành hiện thực”, trong căn nhà khá khang trang trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (TP.HCM), ông Trần Văn Tiệp mở đầu câu chuyện đi tìm kho vàng ở núi Tàu như thế.
Ông Tiệp nói rằng, trong tay ông có rất nhiều hồ sơ cho biết vào cuối thế chiến thứ II, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, vị tướng Yamashita đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) trú ẩn. Tuy nhiên, sau đó lực lượng không quân của quân đồng minh đã đánh chìm 66 tàu của quân đội Nhật xuống khu vực này. Còn lại 18 tàu khác kịp thời chạy thoát và sau đó chính quân đội Nhật đã đưa số vàng khoảng 4.000 tấn vàng xuống một hòn núi sát với vùng biển này. Sau này mới biết đây là núi Tàu. Sau thế chiến thứ II, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại.
"Sở dĩ quân đội Nhật chôn kho vàng này gần biển là do thuận tiện giao thông đường biển, đường bộ và đường sắt. Hơn nữa, họ chôn gần một kho vàng khác của vua Chăm ngày xưa để lại nơi này", ông Tiệp nói chắc nịch.
Niềm tin càng tăng thêm khi ông Tiệp tìm kiếm được một thanh gươm cùng với vỏ bao gươm của Nhật đã cũ; đồng tiền 10.000 yen; một ống điếu bằng kim loại đã vỡ một phần; hai phù hiệu Hắc Long bằng kim loại... Những "báu vật" này, theo ông Tiệp được tìm thấy ở núi Tàu là vật chứng thể hiện kho vàng vẫn quanh quẩn đâu đây.
Đến năm 1992, ông Tiệp như "bắt được vàng" khi xuất hiện một người tên Trần Xuân Hà, người ở huyện Tuy Phong xung phong... chỉ điểm “vị trí” của kho vàng ở núi Tàu. Từ đây, ông quyết định phải khai quật kho vàng này.
Những "báu vật" của ông Tiệp thu từ núi Tàu - Ảnh: CTV
Nhờ nhà "ngoại cảm" tìm vàng
Ngày 16.10.1993, ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khi đó chính thức cấp giấy phép cho ông Trần Văn Tiệp được “tìm kiếm kim loại” tại núi Tàu. Có được “bảo bối” này trong tay, ông Tiệp thuê kỹ sư địa chất tên là Hoàng Vân Trường kiêm nhà “ngoại cảm” ở Phú Thọ vào núi Tàu để tìm kho vàng.
Công việc tìm kiếm tiến hành từ đầu năm 1994. Thời kỳ này, ông Tiệp chủ yếu thuê nhân công đào bới, tìm kiếm bằng tay. Sau đó, thấy không hiệu quả, ông Tiệp đã thuê cả xe ủi, xe múc lên sườn phía đông núi Tàu xới bung cả một vệt núi đá.
Sau 3 tháng sử dụng xe cơ giới tìm kiếm, ông Tiệp mừng rỡ khi những người cộng sự báo cáo tiếp cận được cửa hầm nằm dưới một lớp đá sâu 3m với nội dung "Cửa hầm kho vàng có chiều rộng chừng 24 mét, chiều dài chừng 80 mét. Cửa được xếp bằng một lớp đá thạch như hình chiếc ê-ke. Nhiều phiến đá được dán dính vào nhau bằng một lớp vôi rất tinh xảo". Báo cáo này càng làm cho ông Tiệp thêm nung nấu ý chí tìm kiếm vì nó trùng khớp với thông tin mà ông thu thập được vào năm 1969 từ một người Mỹ đã đến đây tìm kiếm (về kích thước kho vàng này giống y như kết quả mà các cộng sự của ông tìm thấy). Tại cửa hầm vàng, ông Tiệp cho rằng đã tìm thấy vết tích của bàn tay con người còn in lại trên nhiều phiến đá được ghép lại với nhau bằng một lớp vôi hoặc lanh ke dẻo. "Ở giai đoạn những năm 1944-1945, chỉ người Nhật mới có được kỹ thuật tinh xảo như thế này", ông Tiệp khẳng định. Cũng theo ông Tiệp, sau khi tìm được cửa hầm thì vị trí kho vàng có thể nằm sâu 40 mét dưới lớp đá phía đông núi Tàu.

Kho báu 100 tỉ USD!
Ông Trần Văn Tiệp sinh năm 1915, quê gốc ở Hải Phòng, di tản vào Sài Gòn khi mới 10 tuổi. Thời chống Pháp, ông từng tham gia cách mạng. Suốt từ năm 1957 đến nay, ông chỉ chăm chú một việc mà theo ông cho đó là công trình của đời mình: khai thác kho vàng núi Tàu. Theo ông Tiệp, kho vàng núi Tàu có không ít hơn 4.000 tấn, đó là chưa kể kho vàng của người Chăm xưa chôn ở gần đó chừng 1.000 tấn. Cộng với châu báu khác nữa thì kho vàng núi Tàu trị giá không dưới... 100 tỉ USD!

Thời điểm này, công việc khai thác kho vàng ngày càng trở nên khẩn trương và cấp thiết. Để nhanh chóng “tiếp cận” kho vàng, ông đã bỏ ra hàng trăm cây vàng thuê nhân công, xe xúc, xe ủi rầm rộ kéo lên núi Tàu. Ròng rã 10 năm liền (từ 1993 đến 2003), đích thân ông Tiệp cùng với ông Tám Hiền lên tận núi Tàu chỉ huy đào bới hàng nghìn mét khối đất đá, nhưng kho vàng 4.000 tấn vẫn không thấy đâu...
Về những dấu vết của cửa hầm, trao đổi với Thanh Niên, ông Hàn Đắc Thuận, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong nhận định: "Việc ông Tiệp cho rằng có dấu vết lắp ghép các phiến đá bằng một lớp vôi ở “cửa hầm vàng” là có bàn tay của con người, tôi cho đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Vì ở Tuy Phong, có khối các sườn núi có loại đá như thế".
(Còn tiếp)
Quế Hà


Thanh Nien Online
08/02/2011 23:55
Chỗ này ông Tiệp cho rằng là “cửa kho vàng” ở núi Tàu
Ông Trần Văn Tiệp đưa ra nhiều bằng chứng và khẳng định, nhiều người nước ngoài từng vài lần đến núi Tàu để khảo sát kho vàng...
Động lực giúp cho ông Tiệp
Như đã đề cập ở bài trước, sau khi phát hiện ra "cửa" kho vàng, vào ngày 5.11.1994, ông Trần Văn Tiệp gửi báo cáo tình hình cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Bốn ngày sau (9.11.1994), ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh ký công văn không cho ông Tiệp khai thác, tìm kiếm kho vàng tại núi Tàu. Đồng thời yêu cầu phải san lấp lại những chỗ đã đào bới như hiện trạng ban đầu. Sự kiện này làm cho ông Tiệp nghi ngờ việc ngăn cản khai thác kho vàng. Sau đó, qua sự can thiệp của ông Tám Hiền, ông Hải gia hạn cho ông Tiệp khai thác kho vàng, nhưng với điều kiện phải thực hiện bằng thủ công.
Ngày 24.10.1998, ông Trần Khán, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục gia hạn cho ông Tiệp đào bới để tìm kho vàng tại núi Tàu. Đến ngày 26.11.2002, do sức khỏe đã yếu, ông Tiệp ký giấy ủy quyền, giao việc chỉ huy khai thác cho ông Tám Hiền. Thời điểm này, một vạt phía đông núi Tàu đã được bới tung. Trong quá trình khai thác, người dân không được đến gần, thậm chí không được chăn thả gia súc ở đây nhằm giữ an ninh trật tự và bảo vệ tuyệt đối cho việc tìm kiếm.
Trong một báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về tiến độ tìm kiếm, ông Tám Hiền nêu rõ: Theo sự chỉ dẫn của kỹ sư địa chất Hoàng Vân Trường kiêm nhà "ngoại cảm" đến từ Phú Thọ, từ ngày 20.12.2002 đến ngày 4.1.2003 việc tìm vào kho báu đã đụng đến vách cửa hang. Nhưng đến ngày 6.1.2003, nhà "ngoại cảm" này lại cho đào bới chuyển sang hướng khác. Tới ngày 10.1.2003, nhà "ngoại cảm" lại bất ngờ chuyển sang hướng đào bới thứ ba. Và 5 ngày sau thì đào đến được “hầm thông hơi”. Nhưng để mở được cửa hầm cần phải có xe, máy móc hiện đại.

“Khi còn sống, ông nội tôi có kể lại, đã chứng kiến trên núi Tàu nhiều ánh sáng đèn điện. Qua theo dõi, ông tôi thấy một tàu thủy rất lớn neo đậu ngay chân núi. Cứ hằng đêm ánh sáng đèn pha kéo dài từ chiếc tàu lên tận sườn núi. Có rất nhiều lính Nhật canh gác từ rất xa. Không biết họ làm gì trên núi Tàu hồi ấy”, ông Trần Văn Ánh (SN 1956, ở khu phố 1, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong) kể.

Cũng nội dung văn bản này, khi ông Tám Hiền đưa tiền cho một người tên Ý đi thuê máy định vị theo yêu cầu của một nhà "ngoại cảm" khác ở Hà Nội (do Trường giới thiệu), thì người này cầm tiền… một đi không trở lại.
Dù phát hiện có nhiều dấu hiệu lừa đảo trong phi vụ khai thác "kho vàng", kể cả việc báo cáo phát hiện "cửa vàng" không đúng sự thật, nhưng ông Tám Hiền vẫn tin việc kho vàng núi Tàu là có thật và kiến nghị "Nhà nước nên khai thác vì có đủ phương tiện hiện đại”.
"Điều ly kỳ trong chuyện kho vàng núi Tàu chính là sự có mặt ngay từ đầu của một cán bộ lão thành cách mạng như ông Tám Hiền. Nó như động lực giúp cho ông Tiệp quyết tâm tìm kiếm kho vàng", một cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận nhận xét.
“Một số người Nhật đã có ý định quay lại núi Tàu”
Không chỉ tìm cách độc quyền khai thác, ông Tiệp "để ý" luôn cả những người nước ngoài xuất hiện ở khu vực này. Theo tài liệu của ông Tiệp báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 31.12.1999 có 2 tàu biển của Malaysia xâm phạm vùng biển xã Phước Thể (huyện Tuy Phong) đã bị Bộ đội biên phòng Bình Thuận lập biên bản và sau đó 2 tàu này bị xử phạt hành chính 70 triệu đồng. Nhưng lý do 2 tàu biển này có mặt sát với núi Tàu thì không ai được biết.

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Trần Văn Tiệp bày tỏ tâm nguyện, mục đích của mình suốt mấy chục năm qua: “Từ trước đến nay, tôi luôn xác định kho vàng núi Tàu là thuộc về tài sản quốc gia. Tôi khai thác bằng tiền túi của mình chứ không xin một đồng của nhà nước”.

Trước đó, ngày 15.1.1995, một người Nhật tên là Hakamura đã đến Cù Lao Câu (một hòn đảo nhỏ ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, cách núi Tàu chừng 10 km) để khảo sát, nhưng thực chất là thăm dò về kho vàng núi Tàu (?). Từ đó người này không quay trở lại nữa. Ngày 20.6.1995, ông Ngô Văn Phán, một người bạn của ông Tiệp đã thông qua ông Vũ Ngọc Dung (đều ở TP.HCM) gửi một bản fax sang Tokyo cho ông Hakamura (không rõ nội dung gì). Ngay ngày hôm sau, một bản fax từ Tokyo chuyển về TP.HCM với nội dung đại ý “Tôi rất lấy làm chú ý những thông tin mà ông gửi cho tôi”. Theo ông Tiệp, điều này cho thấy, người nước ngoài cũng rất quan tâm đến "kho vàng"
Vào năm 1999, trên Báo Bình Thuận có đăng một thông tin thành lập doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép đầu tư ngày 23.7.1999, thông tin đăng ký gồm 4 người đều mang quốc tịch Nhật, nhưng doanh nghiệp thành lập lại có vốn đầu tư 800 ngàn USD của Singapore, hoạt động trong lĩnh vực nuôi tôm và chế biến thức ăn gia súc tại huyện Tuy Phong.
Một tài liệu khác cho biết, cũng năm này, một phụ nữ Nhật từng có cuộc gặp gỡ với ông Hoàng Vân Trường tại một khách sạn ở Hà Nội và đặt vấn đề muốn “Ký hợp đồng làm ăn với giá trị 200 triệu USD”. Chính ông Trường đã lén ghi hình người phụ nữ Nhật muốn "đi đêm" với mình, đem về TP.HCM báo cáo ông Tiệp. Sau đó ông Tiệp đã báo cáo toàn bộ sự việc với cơ quan công an.
Những chi tiết trên làm cho ông Tiệp nghi ngờ “Một số người Nhật đã có ý định quay lại núi Tàu” để tìm lại của cải mà họ chôn giấu năm nào. Vì thế, quyết tâm tìm kiếm của ông càng trở nên quyết liệt hơn. (Còn tiếp)
Quế Hà


Thanh Nien Online
10/02/2011 0:16
PV Báo Thanh Niên tiếp xúc tại nhà ông Trần Văn Tiệp ở TP.HCM cuối tháng 12.2010 - ảnh: Hoàng Linh

Sau khi UBND tỉnh Bình Thuận quyết định dừng việc tìm kiếm "kho vàng", ông Trần Văn Tiệp đã phản ứng khá gay gắt. Đặc biệt, sau khi có một doanh nghiệp đến khai thác vật liệu xây dựng tại núi Tàu.
Phải nộp 10 tỉ đồng
Suốt từ năm 1993 đến nay, công cuộc tìm kiếm kho vàng núi Tàu của ông Trần Văn Tiệp vẫn không đem lại kết quả. Từ thực tế này, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các ngành liên quan kiến nghị chấm dứt việc khai thác tìm kiếm của ông Tiệp ở núi Tàu. Tuy nhiên, như đã nói ở các bài trước, do niềm tin vào "kho vàng" không bao giờ tắt nên ông Tiệp liên tục gửi nhiều văn bản đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp kiến nghị can thiệp cho tiếp tục tìm kiếm kho vàng.
Ngày 1.2.2010, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn đồng ý cho ông Tiệp tiếp tục được tìm kiếm kho vàng, nhưng với điều kiện phải ký quỹ vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận 10 tỉ đồng. Nếu việc khai thác tìm kiếm có hiệu quả thì ông Tiệp được hưởng phần trăm theo quy định. Ngược lại, không có kết quả thì không được nhận lại số tiền này vì phải dùng để khắc phục môi trường. Tuy nhiên, đến nay, ông Tiệp không nộp một đồng ký quỹ nào như yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận.
Đầu năm 2010, UBND tỉnh cho phép Công ty vật liệu và khoáng sản Bình Thuận đến khai thác đá xây dựng tại núi Tàu. Điều này càng làm cho ông Tiệp tiếp tục khiếu nại vì cho rằng đây là "công trường" ông đang khai thác "kho vàng" chưa hoàn tất. Mọi hoạt động ở khu vực này đều mang ý định chiếm đoạt kho vàng mà ông là người đã phát hiện đầu tiên.
Lại phát hiện "kim loại dị thường"
Dù không chấp nhận ký quỹ, nhưng vào ngày 24.9.2010, ông Tiệp ký hợp đồng với Công ty CP thiết bị địa vật lý Hà Nội (địa chỉ tại Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội) để nhờ DN này mang máy thiết bị điện từ (máy đo MP-21T) vào Bình Thuận để đo “khối lượng vàng” ở sườn phía đông núi Tàu. Kết quả mà DN này kết luận (do ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc ký) sau khi đo độc lập từ và điện: “Theo hướng bắc - nam có một dị thường hẹp (bề ngang chừng 10m). Độ dài của dãy dị thường 200m; độ sâu khoảng
50m. Dị thường này là các khối quặng kim loại tự nhiên hoặc nhân tạo với khối lượng lớn và tương đối tập trung cộng với hang KAST dạng hầm liên tiếp. Muốn đánh giá trữ lượng cần khoan thăm dò từ 3-5 mũi với độ sâu 100m” (nguyên văn). Kết luận này càng như "tiếp lửa" cho ông Tiệp tiếp tục tìm kiếm.
Ngày 21.12.2010, ông Tiệp lại trình lãnh đạo tỉnh Bình Thuận kế hoạch khai thác kho vàng núi Tàu. Ông cho rằng hiện nay những người khai thác vật liệu xây dựng đã “vào được cửa hầm số 1”. Trong thư gửi lãnh đạo Bộ Công an, ông Tiệp còn cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành (nay đã nghỉ hưu - PV) có ý định “chiếm đoạt” kho vàng của mình khi cấp phép cho khai thác đá xây dựng ở núi Tàu. Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã mời giải quyết, nhưng ông Tiệp không đến. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Thanh tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ núi Tàu sang Công an Bình Thuận để điều tra những vấn đề mà ông Tiệp tố cáo.
Mệt mỏi vì "kho vàng"
Những ngày cuối năm 2010, PV Thanh Niên đã tìm về núi Tàu, nơi có “huyền thoại” bí ẩn kho vàng. Nhiều người dân khi nghe chúng tôi hỏi thăm thông tin về "kho vàng" ở núi Tàu, hầu hết đều lắc đầu: "Kho vàng ư? Đó chỉ là hão huyền". Ông Tư Hưng, đã gần 70 tuổi, ở ngã ba xã Phước Thể cho hay: “Dòng họ tôi bao đời sống ở đây. Tôi chưa từng nghe ai nói ở núi Tàu có kho châu báu vàng bạc gì bao giờ cả. Đó chỉ là tin vịt mà thôi”.
Một cán bộ làm việc ở xã Phước Thể nói: “Không hiểu sao tỉnh lại cho bác Tiệp đến núi Tàu tìm kiếm kho vàng suốt hàng chục năm trời như vậy. Dẫu biết rằng là tiền của bác ấy bỏ ra, nhưng khi thấy không có dấu hiệu của kho vàng thì phải ngưng chứ. Làm gì có chuyện người ta chôn hàng nghìn tấn vàng ở đây mà suốt mấy chục năm qua không ai biết". Nhưng cũng có người đồng cảm với ông Tiệp.
Anh Lê Vinh, một người chạy xe ôm nhiều năm ở ngã ba xã Phước Thể chở chúng tôi đi thực địa nói: "Trên thế giới cũng từng có những vụ đào kiếm kho vàng và tìm thấy đó thôi. Tôi nghĩ mình không mất gì cả. Bác Tiệp có tâm huyết gần cả đời người, giờ bác ấy đã già rồi để cho bác ấy mãn nguyện với mơ ước của mình. Có tìm thấy kho vàng thì bác ấy cũng phải nộp cho Nhà nước chứ có lấy được đâu mà sợ. Tất nhiên những điều bác ấy làm có thể gây khó chịu cho chính quyền, nhưng tôi nghĩ đó không phải là chuyện lớn”.
Về phía chính quyền, ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể tỏ ra mệt mỏi: “Tỉnh giao đất cho công ty của Nhật nuôi tôm. Ông Tiệp vịn vào đó để nói “Nhật tiếp cận” mỏ vàng vì Nhật thiếu gì tiền mà đi nuôi tôm. Dân chúng tôi chăn nuôi nhờ sườn núi này, trong khi ông Tiệp ngăn cản, gây khó khăn cho bà con chăn nuôi. Chẳng những người dân chúng tôi không tin kho vàng, ngược lại còn phản ứng chính quyền cho đào bới gây hủy hoại môi trường, mất an ninh trật tự”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (nguyên Chánh thanh tra Nhà nước tỉnh) cho biết: “Thường trực UBND tỉnh có chủ trương trên tinh thần là mời ông Tiệp ra Bình Thuận để nghe ông báo lại toàn bộ sự việc và phương án tìm kiếm của ông ấy như thế nào. Nếu thấy phù hợp thì UBND tỉnh sẽ chấp thuận cho tiếp tục tìm kiếm, nhưng với điều kiện là phải ký quỹ với một khoản tiền nhất định; đồng thời phải chấp hành tuyệt đối các quy định của Nhà nước.

Còn chuyện ông ấy cho rằng tỉnh cho khai thác vật liệu xây dựng là không đúng. Vì địa điểm mà Công ty vật liệu và khoáng sản Bình Thuận lấy đá xây dựng không trùng với địa điểm mà ông Tiệp từng tìm vàng".
Quế Hà

 
15/02/2011 0:18 
(Thanhnien.com.vn)
 
Hôm qua dưới sự chủ trì của Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận, nhiều ban ngành liên quan đã nghe ông Trần Văn Tiệp (SN 1915, ngụ tại TP.HCM) và người đại diện báo cáo phương án tìm kiếm kho vàng 4.000 tấn ở núi Tàu (huyện Tuy Phong).
Ông Tiệp cho rằng đã tìm được đến cửa hang của “kho vàng”, nhưng nhất định không chịu chuyển giao thông tin vì theo ông phải “giữ bí mật”. Ngoài ra, ông Tiệp cũng không đồng ý yêu cầu ký quỹ 10 tỉ đồng để được tiếp tục tìm kiếm “kho vàng” tại núi Tàu...
Sau khi lắng nghe, các cơ quan chức năng thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận không cho ông Tiệp tiếp tục tìm kiếm vàng ở núi Tàu với lý do chưa có thêm gì mới, ngoài tài liệu mà ông có trong suốt 18 năm qua.
Quế Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét