Hé lộ kịch bản chiến tranh Iran: Mỹ đánh bại Iran trong 5 tuần

BAODATVIET
Cập nhật lúc :2:44 PM, 10/02/2011

Iran bắt đầu phát triển các tên lửa có tốc độ cao hơn ba lần tốc độ âm thanh. Các chuyên gia tin rằng, chương trình tên lửa Iran có thể trở thành nguyên nhân chính cho cuộc chiến tranh tương lai trong khu vực và đưa ra ba kịch bản diễn biến tình hình.

Kịch bản Mỹ: Tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình phóng từ biển và trên không từ Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Sẽ không có chiến dịch trên bộ có sử dụng lục quân.

Kịch bản Israel: Không kích bằng các máy bay tiêm kích F-15. Tấn công bằng tên lửa đường đạn Jericho triển khai trên mặt đất và tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ ba tàu ngầm lớp Dolphin. Tuy nhiên, các tàu ngầm Israel phải triển khai ở Ấn Độ Dương mới có thể tấn công Iran. Để đến đó, các tàu ngầm này sẽ phải đi qua kênh đào Suez, mà muốn vậy phải được phép của Ai Cập.

Kịch bản Iran: Chỉ có thể xảy ra sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq. Trước khi tấn công Israel, Iran sẽ cố gắng tạo ra các cuộc nổi dậy của người Shiite ở Saudi Arabia, Saudi Arabia, Iraq, các nước Vùng Vịnh Persique nhằm biến các nước này thành đồng minh của mình và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của Mỹ ở đó. Họ sẽ chỉ có thể tấn công bằng tên lửa, chứ không sử dụng đến lục quân.

Thông tin về sự ra đời loại tên lửa mới của Iran xuất hiện theo nguồn từ Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo, Chuẩn tướng Mohammad Ali Jafari. Theo viên tướng này, ngoài các tên lửa, giới quân sự Iran còn đã nhận được loại radar mạng pha thụ động tối tân có tầm hoạt động 1.100 km. Việc sản xuất các vũ khí trang bị mới sẽ bắt đầu vào năm 2012.

Các chuyên gia cho rằng, thông tin này chỉ làm tăng ngờ vực của Mỹ và Israel về việc Iran đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong khu vực và sẽ buộc họ phải áp dụng các bước đi đáp trả. Vấn đề chỉ còn là những bước đi đó là gì.

“Nếu như người Mỹ có được các bằng chứng là trên các tên lửa mới (và kể cả trên các tên lửa cũ) sẽ lắp đặt đầu đạn hạt nhân thì cuộc tấn công vào Iran từ phía Mỹ và/hoặc Isarael sẽ là không tránh khỏi Mỹ Israel”, Phó giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự Aleksandr Khramchikhin nhận định.

Ông cũng cho rằng, bản thân Iran cũng sẽ không khoanh tay ngồi nhìn mà có thể khai chiến trước. “Cả đống những vấn đề ở Trung Cận Đông có liên quan với những các tham vọng hạt nhân của ban lãnh đạo Iran, bởi vì không có bom nguyên tử thì nước này chẳng đe dọa được ai”, ông Khramchikhin nói.

Về vấn đề ai sẽ là người bấm cò súng đầu tiên, các chuyên gia không có ý kiến thống nhất. Đa số họ cho rằng, có ba kịch bản nhiều khả năng nhất cho cuộc chiến.

Mỹ ra tay trước

Đây là phương án diễn biến mà thoạt nhìn là logic nhất. Nhưng đồng thời, các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, Mỹ sẽ chỉ tấn công Iran trong trường hợp họ tin rằng, Israel sẽ độc lập chuẩn bị một cuộc tấn công phủ đầu mà không chờ có sự chấp thuận của Mỹ.

“Ở Washington, người ta có thể quyết định rằng, một khi không thể ngăn được quá trình thì tốt nhất là dẫn dắt quá trình đó”, - Khramchikhin nhận định. Khi đó, Mỹ sẽ không chỉ có Israel là đồng minh mà cả đa số các nước Arập (trước hết là Saudi Arabia và các nước quân chủ khác ở Vùng Vịnh, Ai Cập và Jordanie), những nước có những ân oán lịch sử lâu đời với Iran.

Các chuyên gia đưa ra ba kịch bản chiến tranh ở Iran.

Kịch bản chiến tranh thuận tiện nhất cho người Mỹ là kịch bản đã được kiểm nghiệm thành công ở Nam Tư, Afghanistan và Iraq. Đó là cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, cũng như các cuộc không kích của máy bay ném bom chiến lược. Mục tiêu tấn công sẽ là các cơ sở hạt nhân chủ yếu, các nhà máy tên lửa và các cơ sở khác của công nghiệp quốc phòng Iran. Thời gian cho toàn bộ chiến dịch sẽ cần 4-5 tuần.

Tổn thất của Mỹ trong trường hợp xấu nhất cũng sẽ không quá mấy chiếc máy bay. Sự việc sẽ không đi đến các trận chiến trên bộ, bởi vì không quân Mỹ sẽ đánh tan các binh khí kỹ thuật Iran từ trước khi chúng vào trực tiếp tiếp xúc với các đơn vị Mỹ.

Chiến dịch sẽ tiêu tốn vài chục tỷ USD ngân sách Mỹ (chủ yếu là tiền đạn dược và nhiên liệu), nhưng người Mỹ lại không quen như thế. Hiệu ứng kinh tế khó chịu hơn nhiều sẽ là giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể chịu được bởi lẽ cuối cùng thì Iran sẽ bị tiêu diệt.

Israel khai chiến

Theo Giám đốc Học viện Các vấn đề địa-chính trị, Thượng tướng Leonid Ivashov, chính Israel, quốc gia đầu tiên trong khu vực có bom nguyên tử, đã buộc Iran phát triển chương trình hạt nhân của mình. Nhưng ông Ivashov cũng tin rằng, Israel sẽ thích xử lý Tehran bằng tay người Mỹ. “Và chỉ khi nào họ cảm thấy không thể làm được việc đó thì tự họ sẽ tiến hành cuộc tấn công phủ đầu. Nhưng thành công của nó là hoàn toàn không chắc chắn”, Tướng Ivashov nhận định.

Quân đội Israel không có các tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược, tàu tuần dương và tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình. Sức mạnh đột kích chủ yếu của họ trong tấn công sẽ chỉ là gần 400 máy bay tiêm kích F-15, song quả thực là với trình độ huấn luyện cực cao của các phi công.

Khó khăn chủ yếu đối với Israel sẽ là khoảng cách đến các mục tiêu là rất xa. Đa số các mục tiêu nằm ở giới hạn bán kính chiến đấu của F-15 (1.100-1.850 km). Họ còn có các tên lửa đường đạn Jericho mà độ chính xác của chúng thì chưa rõ, và 3 tàu ngầm diesel trang bị tên lửa hành trình Tomahawk.

Các chuyên gia tin rằng, Israel đơn độc không thể đối phó nổi Iran và quân đội Mỹ tất yếu sẽ ra tay hỗ trợ. Và lúc đó sẽ lặp lại kịch bản thứ nhất, điều làm Israel rất hài lòng.

Iran xông trận

Phương án này được các chuyên gia coi là ít hiện thực nhất. Iran không thể với tới Mỹ, còn nếu họ tấn công Israel trước tiên thì sẽ nhận lại đòn giáng trả hủy diệt của Mỹ-Israel.

Ông Aleksandr Khramchikhin cho rằng, nếu như Tehran một khi vẫn quyết khai chiến thì ngay từ đầu sẽ ra tay với các láng giềng Hồi giáo gần nhất - họ kích động các cuộc nổi dậy của cộng đồng người Shiite ở Saudi Arabia, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Vùng Vịnh Persique. Nghĩa là họ sẽ phát động cuộc cách mạng Hồi giáo ở các nước khác để đưa các thế lực chống Mỹ quyết liệt lên nắm quyền. Và sau đó với sự trợ giúp của họ sẽ tiến hành bắn phá Israel bằng tên lửa. Thực ra, giành quyền lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo đối với Iran thậm chí còn quan trọng hơn là chiến thắng Israel.

Nhân Vũ (theo Trud)

BAODATVIET
Cập nhật lúc :6:46 AM, 19/01/2011

Các lệnh cấm vận, trừng phạt và chống phá ngầm của phương Tây làm chậm chương trình hạt nhân của Tehran; đồng nghĩa với việc Mỹ, Israel không còn sốt sắng tấn công nước này như trước…

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thẳng thừng tuyên bố: “Những phân tích gần đây chỉ ra, lệnh trừng phạt đã có kết quả, tạo ra cho Iran nhiều khó khăn hơn trong việc theo đuổi tham vọng hạt nhân của mình. Ngoài ra, các vấn đề kỹ thuật cũng làm chậm tiến trình này".

Bản thân Cơ quan năng lượng hạt nhân Iran từng phải thừa nhận các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc có tác động tiêu cực, làm chậm tiến độ công việc.

Chương trình hạt nhân của Iran bị chậm tiến độ. Ảnh minh họa.

Nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu an ninh quốc tế của Đức là Oliver Thraenert khẳng định: “Chắc chắn là hiện mọi người cảm thấy thư giãn hơn về chương trình hạt nhân của Iran. Các rào cản kỹ thuật mà Iran gặp phải nghiêm trọng hơn họ nghĩ”. Chương trình hạt nhân của Iran chậm lại đồng nghĩa với việc các nhà ngoại giao có thêm thời gian để thuyết phục Iran dừng chương trình này.

Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định: “Có cảm giác là các lệnh trừng phạt và các hoạt động bí mật của phương Tây đang cho các nhà ngoại giao nhiều thời gian như chúng tôi tưởng”.

Về phía nước muốn tấn công Iran nhất là Israel, Giám đốc cơ quan tình báo Mossad Meir Dagan hôm 7/1 cũng lạc quan nhận định, Iran sẽ không đủ khả năng sản xuất bom nguyên tử trước năm 2015. Mỹ và đồng minh sẽ sử dụng hiệu quả các lệnh cấm vận, trừng phạt để chấm dứt hoặc chí ít là làm chậm tiến độ chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Dagan khẳng định: “Israel không nên vội vàng tấn công Iran. Chúng ta chỉ làm vậy khi lưỡi gươm Iran kề cổ”. Ngược lại, những cuộc tấn công như vậy có thể thúc đẩy Iran rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, rồi sau đó đẩy mạnh chương trình nguyên tử nhanh hơn nữa.

Một quan chức Israel giấu tên, người từng kêu gọi tấn công Iran trong năm 2011, vừa nhận định là khả năng Tel Aviv không kích Iran trong năm 2011 giảm xuống dưới mức 20%.

Chương trình hạt nhân Iran chậm tiến độ, nguy cơ Mỹ, Israel tấn công Iran giảm xuống không có nghĩa nó chấm dứt hoàn toàn. Do đó, những bước đi tiếp theo của các bên liên quan tới vấn đề trong thời gian tới rất đáng quan tâm, nhất là Mỹ.

Hiện Washington tiếp tục đuổi chính sách cứng rắn với Iran trên ba lĩnh vực là kinh tế, đối ngoại và quân sự.

Về kinh tế, họ tiếp tục trừng phạt và kêu gọi tăng cường cấm vận Iran, nhằm gây áp lực, tạo khó khăn cho Chính phủ của ông Mahmoud Ahmadinejad. Mỹ hy vọng các lệnh cấm vận sẽ buộc giới cầm quyền Iran đưa ra các cách giải quyết khó khăn kinh thế theo những cách riêng biệt; mà hậu quả là các phe phái tranh cãi, bất đồng với nhau.

Cuối cùng, do không thể thống nhất ý kiến, các phe cánh ở Iran đều phải đi tới thống nhất là thay đổi chính sách hạt nhân cứng rắn, thậm chí là dừng chương trình làm giàu uranium...nhằm thoát khỏi lệnh trừng phạt.

Về đối ngoại, Mỹ tiếp tục gây áp lực, lôi kéo cộng đồng quốc tế, buộc các nước hạn chế quan hê với Iran. Còn về quân sự, họ tiếp tục đe dọa tấn công quân sự nếu Iran tiếp cận gần vũ khí hạt nhân.

Mỹ lôi kéo được Nga thông qua lệnh trừng phạt Iran.

Chính sách của Mỹ hiện đạt được một số bước tiến nhưng nó sẽ không chấm dứt hoàn toàn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran (nếu có). Ngược lại, ông Ahmadinejad có thể dễ dàng đổ lỗi những khó khăn kinh tế trong nước cho các lệnh trừng phạt của Mỹ chứ không phải do chính quyền điều hành yếu kém.

Trong vấn đề hạt nhân, người dân Iran rất đoàn kết. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc Iran có nên phát triển vũ khí nguyên tử hay không nhưng tất cả họ đều khẳng định, Iran có quyền làm giàu uranium.

Đồng thời, Iran có thể kích động lòng tự hào dân tộc để đoàn kết tất cả các phe phái dưới lá cờ chống Mỹ, từ đó đẩy mạnh chương trình hạt nhân và rút khỏi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân. Còn về khả năng Mỹ tấn công cũng không có tính khả thi bởi quân đội Iran rất mạnh và các cơ sở hạt nhân thì nằm rải rác khắp nơi, khó bị đánh phá.
Iran có thể kích động chủ nghĩa dân tộc.

Do đó, việc Mỹ và Iran cùng theo đuổi đường lối cứng rắn, đối đầu sẽ không mang lại kết quả tích cực. Ngược lại, hai bên cần phải ngồi vào bàn đàm phán, nhượng bộ lẫn nhau để qua đó giải quyết bất đồng.

Mà để ngồi vào bàn đàm phán, điều mấu chốt là Mỹ phải xây dựng được lòng tin với Iran bằng nhiều biện pháp như ngừng đe dọa tăng cường trừng phạt, tấn công quân sự hay hủy bỏ các cuộc chống phá ngầm nhằm vào Iran.

Đồng thời, Mỹ phải thừa nhận Iran có quyền làm giàu uranium trên lãnh thổ của họ. Đổi lại, Mỹ có quyền kiểm tra, thanh sát…Iran, đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Tehran thuần túy vì mục đích dân sự.

Chỉ có như vậy, hai bên mới có thể đối thoại và đạt bước tiến trong vấn đề hạt nhân.

Nam Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét