Cụ Vũ Đình Hòe và thế hệ "trí thức vàng"

Tuần Việt Nam:

Trong một buổi gặp riêng mấy người chủ chốt của nhóm Thanh Nghị, anh Hiền gợi ý chúng tôi xem có nên lập một đảng của trí thức để khi cần thiết và có lợi cho mình thì đảng ấy sẽ phối hợp với Việt Minh cho đủ danh nghĩa và có trọng lượng.

LTS: GS Vũ Đình Hoè cùng nhóm bạn trí thức cấp tiến Thanh Nghị gồm Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Lê Huy Vân, Hoàng Thúc Tấn là những nhà hoạt động xã hội, nhà trí thức lớn, có uy tín và là chứng nhân có trách nhiệm và đáng tin cậy trong một thời kỳ sóng gió và vinh quang của lịch sử nước nhà. Báo Thanh Nghị (xuất bản từ năm 1941 đến đầu tháng 8/1945) do cụ là chủ nhiệm của tờ báo từ số đầu đến số cuối được nhìn nhận có giá trị phong phú về nhiều mặt lịch sử, văn hóa và xã hội.

Để giúp độc giả hiểu thêm về lớp trí thức - thế hệ vàng đã đi vào lịch sử của dân tộc, Tuần Việt Nam xin trích đăng Hồi ký Thanh Nghị.

Muốn góp phần là "cường liệt sinh tồn lực của giống nòi", người trí thức hàng ngày, cụ thể, phải làm gì? Có thể làm gì?

Trước hết, phải nuôi chí lớn cho bản thân và cho giới mình. Phải đấu tranh chống sự hoài nghi, chán nản, uể oải hoặc mị mộng viển vông, trong đầu óc mình đã. Rồi tích cực góp sức giải tỏa sự bế tắc tinh thần, thái độ tiêu cực của một số người thiếu nghị lực, bồi dưỡng đức tin và sự tự tin, nâng cao ý thức trách nhiệm.

Nay nói đến hoạt động hàng ngày của nhóm chúng tôi, công việc làm báo. Tự xác định mục đích trước mắt (và có lẽ còn phải kéo dài lâu nữa), như thế, để tránh sự "lông bông", không thiết thực. Trong khi đó vẫn gắng nuôi chí lớn, cho cả giới mình.

Hoàn cảnh chúng tôi là những người trí thức ra trường Đại học khoảng mười năm rồi, một số đã đứng tuổi, có nghề nghiệp ổn định. Tuy không có sự bàn bạc tập thể gì, nhưng mọi người đều nghĩ là, trước mắt mình chỉ có khả năng đóng góp vào cuộc đầu tranh dân tộc bằng hoạt động nghề nghiệp của mình trên vốn liếng sự học chuyên môn của mình và mình sẽ cố gắng hết sức phát huy cho cao tác dụng thiết thực đối với sự tiến bộ chung của xã hội Việt Nam, và tiềm lực cho dân tộc.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tặng hoa GS Vũ Đình Hoè trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (tháng 9/2010). Ảnh: Minh Quyên- VietnamNet.

Nhiệm vụ của mình, và của những người cùng hoàn cảnh như mình, tất nhiên có cái khác với thanh niên nói chung, với thanh niên trí thức trẻ hơn, đặc biệt có khác với các thanh niên, sinh viên, nói riêng.

Nhóm Thanh Nghị chúng tôi luôn luôn duy trì và từng lúc tăng cường mối liên hệ với Tổng hội sinh viên, nhất là với nhóm sinh viên yêu nước Dương Đức Hiền.

Có những hoạt động của sinh viên chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ, nhưng không trực tiếp tham gia được, các trại hè chẳng hạn. Hoặc đối với các buổi nói chuyện lịch sử xem với các bài hát mới sáng tác của nhóm sinh viên-nhạc sĩ Huỳnh Mai Lưu, quê ở Nam Bộ, báo Thanh Nghị, cũng chỉ viết được mấy thông tin, chẳng hạn: "Sáng chủ nhật 21 Mars 1943, Tổng hội sinh viên trường Đại học đã tổ chức một buổi họp văn chương và âm nhạc tại đại giảng đường rất cho ta chú ý. Có thể tiếng súng xung quanh đã giác ngộ thanh niên đất này, gọi họ trở lại con đường phải theo... Mấy bản đàn mới mẻ xen giữa hai bài nói chuyện của Đặng Ngọc Tốt tán dương khúc "Bình Ngô đại cáo" và bài "Ngoảnh lại giang san" của bạn Vũ Đình Liên nhắc lại lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, đã gây nên trong số đông thính giả bầu không khí tràn lan một mối tình thiết tha về đất nước.

Kín đáo hơn, bộ phận chủ trì báo và nhóm Thanh Nghị thường có sự gặp gỡ, cả mấy người hoặc từng người, với anh Dương Đức Hiền hai lần ở ấp Sơn Cẩm của anh Nghiêm Xuân Yêm, đôi khi với anh Nguyễn Dương Hồng, anh Vũ Công Thuyết trong nhóm sinh viên yêu nước....

Nhờ những buổi gặp gỡ ấy mà chúng tôi được biết tin ông Hoàng Cường Để cử một sinh viên từ Nhật về nước cùng với thư mời Dương Đức Hiền và nhóm sinh viên yêu nước thuộc Tổng hội sinh viên Đông Dương gia nhập Đảng: "Việt Nam phục quốc hội" của ông ta. Anh Hiền hẹn một thời gian suy nghĩ, nhưng sau đó đã từ chối, trong khi đó thì đồng chí Kiến, cán bộ của Thành ủy Việt Minh cũng bắt liên lạc với anh Hiền và Tổng hội sinh viên.

Trong một buổi gặp riêng mấy người chủ chốt của nhóm Thanh Nghị, anh Hiền gợi ý chúng tôi xem có nên lập một đảng của trí thức để, theo anh, khi cần thiết và có lợi cho mình thì đảng ấy sẽ phối hợp với Việt Minh cho đủ danh nghĩa và có trọng lượng. Chúng tôi qua buổi gặp trên tỏ ra chưa sốt sắng lắm, vì có ý chờ thêm thông tin. Trong nhóm chúng tôi, xem ra anh Dục rất chú ý lời phát biểu của anh Hiền. Dễ hiểu, anh Dục có nhiều bạn học cùng khóa với nhóm sinh viên yêu nước và thường gặp họ, tâm tình.

Chúng tôi qua buổi gặp trên, biết thêm được tin ở Sở mật thám đang theo dõi riết nhóm sinh viên yêu nước, mà chúng gọi là "nhóm Jacquin" số nòng cốt sống popote ở đấy, bây giờ thuộc phố Ngô Thời Nhiệm, quen thói theo lời chúng "làm mít tinh trên sân khấu". Bởi vậy, nhóm Thanh Nghị bảo nhau nên thận trọng, tránh sự nghi kỵ của "tụi" mật thám, trong lúc còn cần phải tránh.

Một lần nữa, chúng tôi xác định với nhau, trong lúc chưa dứt khoát dấn thân vào hành động trực tiếp chiến đấu, thì hoạt động chủ yếu vẫn là làm báo, để hết tâm trí vào công việc thiết thực đó, với ý thức đầy đủ "hướng vào cuộc đấu tranh dân tộc", mà viết báo, trong thế công khai hợp pháp.

Có điều là:

Để đáp ứng yêu cầu mới của tình hình đã trở nên khẩn trương thì cường độ hoạt động làm báo phải mạnh hơn. Ban Biên tập phải đông hơn nữa, chất lượng bài vở phải cao hơn và tập trung vào yêu cầu mới. Các vấn đề nghiên cứu gắn nhiều hơn nữa với tình hình, nội dung nghiên cứu gắn với thực tế cuộc sống hơn nữa, có cân nhắc về lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của toàn xã hội.

Tất cả biên tập viên, đều có gắng cao trong bài viết của mình, cảm thông tinh thần lời kêu gọi của Xã luận số báo xuân 1943 và nhiều số báo tiếp theo. Tất cả chú trọng góp sức vào việc chấn chỉnh tình hình khá "lộn xộn" trong tư tưởng và tâm lý của các lớp thanh niên trí thức đang sống trong những hoàn cảnh xã hội vô cùng phức tạp. Tất cả đều được thôi thúc bởi nhiệt tình yêu nước của dân ta, mà số đông đói rét và làm ăn chật vật vô cùng, nhất là dân quê.

  • Theo Hồi ký Thanh Nghị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét