Cập nhật lúc 07/02/2011 10:39:12 AM (GMT+7)
- Suốt những ngày lênh đênh trên biển ấy, tôi không hề nghĩ đến những hiểm nguy đang chờ mình phía trước. Chỉ thấy gương mặt đầy lo âu, căng thẳng của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn khi tàu bắt đầu đến vùng biển Hoàng Sa và cuộc hành trình xuyên qua các đảo trong âu lo và nghẹt thở…
Khát vọng tìm đường ra Hoàng SaKhông biết nhậu không ra được… Hoàng Sa
Những giờ phút nghẹt thở
Có lẽ đến bây giờ tôi vẫn còn nguyên tâm trạng của những giờ phút nghẹt thở khi tận mắt nhìn thấy quầng sáng trên đảo Phú Lâm, Tri Tôn, Hai Trụ... Tôi nghẹt thở vì xúc động, vì được tận mắt nhìn từ xa vùng đất thiêng của Tổ quốc giữa khơi xa vào ban đêm.
|
Tượng đài Hùng Binh Hoàng Sa sừng sững tại đảo Lý Sơn thôi thúc tôi tìm ra Hoàng Sa |
Khi nhìn quầng sáng rất gần, cách tàu khoảng chừng 1.500m, tôi đã vác máy ra chụp ảnh. Khi ánh đèn flash lóe lên, tôi đã nghe lời thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn hét to qua tiếng sóng biển ầm ào: “Cất ngay máy, chụp ảnh là chết liền…”.
“Chỉ cần ánh đèn lóe lên là lập tức tàu tuần tra sẽ phát hiện ngay. Lúc đó chết là chắc… Tui lạy anh…” - thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn lôi tôi vào buồng lái và chắp tay nói như cầu khẩn.
Để đảm bảo an toàn, đề phòng bất trắc có thể bị bắt, kể từ giờ phút ấy, tôi chỉ được quan sát bằng mắt xuyên qua màn đêm để hình dung các đảo mà tàu chạy qua. Còn máy ảnh lập tức được bọc nilon đem xuống hầm tàu cất giấu.
Trong khoảng thời gian trên đường ra Hoàng Sa, thuyền trưởng Tuấn cũng đã kịp thời thiết kế cho tôi nơi cất giữ phương tiện bí mật dưới hầm tàu để đề phòng bất trắc.
Suốt đêm thứ hai (20/3) và rạng sáng ngày thứ 3, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn đã cắn răng, nín thở đưa con tàu nhỏ bé luồn lách qua các đảo Tri Tôn, Hai Trụ, Phạm Quang Ảnh…rồi xuôi về Bom Bay, nơi được xem là tạm thời an toàn vì cách xa các đảo Hoàng Sa khoảng 20 hải lý.
Trên buồng lái, ngoài thuyền trưởng Tuấn điều khiển con tàu, còn có 4 thuyền viên thay phiên nhau ngồi canh chừng 4 hướng. Khi đã vượt qua được vùng biển “tử thần”, anh Tuấn mới bảo với tôi rằng: Suốt đời đi biển, đây là chuyến đi anh liều mạng nhất.
Bởi, như lời anh nói là liều mạng vì tôi. Vì anh muốn tôi được tận mắt nhìn thấy một phần các đảo Hoàng Sa qua màn đêm dưới ánh điện sáng rực giữa biển.
|
Pv VietNamNet cùng ngư dân xuống biển lặn mò hải sâm |
Trong suốt cuộc hành trình qua vùng biển “tử thần” nơi đảo Hoàng Sa, tất cả bộ đàm, điện và các thiết bị…trên tàu đều tắt để tránh bị phát hiện. Con tàu nhỏ xé sóng chạy giữa đêm đen như một bóng ma vật vờ giữa những đợt sóng ầm ào như nuốt chửng con tàu vào lòng biển đen ngòm.
Cả đêm vượt qua vùng biển “tử thần” nơi đảo Hoàng Sa, tất cả 12 thuyền viên và một thuyền viên “không số” là tôi đều trắng đêm căng mắt để quan sát. Mãi khi đến được vùng biển tạm an toàn, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn và anh em thuyền viên trên tàu đều vuốt ngực sau một đêm gần như nín thở, đầy lo sợ bị tàu kiểm ngư phát hiện bắt giữ.
Thuyền phó Nguyễn Quang Á bảo với tôi rằng, đây là chuyến biển nhớ đời nhất mà anh đã trải qua trong hơn 20 năm bám nơi biển Hoàng Sa này!
Thoát nạn trở về
Suốt những ngày lênh đênh trên biển, ngày ngủ đêm thức cùng ngư dân lặn biển, tôi mới hiểu được cái giá phải trả cho miếng cơm manh áo của bao ngư dân ngày đêm bám biển Hoàng Sa.
Máu, mồ hôi và nước mắt của nhiều ngư dân đã đổ xuống vùng biển này suốt bao năm qua là minh chứng hùng hồn trong cuộc sinh tử bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Pv VietNamNet (thứ 2 từ trái sang) cùng các ngư dân giữa biển Hoàng Sa sau nhiều đêm thức trắng |
Chỉ hơn 30 phút sau, khi liên lạc bằng máy bộ đàm, mới hay tin tàu ông Là đã bị tàu kiểm ngư phát hiện và bắt giữ chỉ cách tàu tôi hơn 1 hải lý. Anh Tuấn bảo: Lúc đó chỉ cần anh gật đầu đồng ý cho tôi sang tàu ông Là nghĩa là số phận tôi đã được định đoạt bằng những tháng ngày cầm giữ trên đảo Hoàng Sa và lúc đó không biết tôi sẽ như thế nào.
Sáng ngày thứ 7 của cuộc hành trình nơi biển Hoàng Sa, tôi bị một trận say nhớ đời. Không phải say vì bia rượu mà say vì anh em thuyền viên trên tàu thương nên cho tôi ăn quá nhiều tôm hùm và cua biển vừa đánh bắt được tối hôm trước.
Thú thực, lần đầu tiên say tôm, cua mà mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên. Bởi cái say ấy có lúc tôi tưởng chừng không sống nổi, vì đau đầu, nôn ra mật xanh, mật vàng và nằm bẹp dưới sàn tàu không ăn uống suốt 2 ngày liền.
Đến giữa khuya ngày thứ 8, qua liên lạc với các tàu đánh bắt trong khu vực, anh Tuấn quyết định gửi tôi sang tàu của thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng đang trên đường chuẩn bị vào bờ tại khu vực đảo Bom Bay.
Khi gửi tôi sang tàu của anh Hồng, anh Tuấn chỉ giới thiệu tôi là đứa em theo tàu ra biển chơi, không chịu nổi sóng gió nên phải đưa vào bờ. Lúc đó anh Hồng mới nhận.
Đến sáng hôm sau anh Hồng mới biết anh đang chở một nhà báo. Lúc đó nhìn gương mặt anh lộ rõ nỗi lo lắng. Nhưng tôi cũng đã kịp động viên anh rằng, nếu trên đường về lỡ bị bắt, thì tôi là một ngư dân. Toàn bộ phương tiện tác nghiệp sẽ ném xuống biển. Lúc đó anh đỡ lo hơn.
Để đảm bảo an toàn, thuyền trưởng Hồng quyết định không cắt đường thẳng ngang qua vùng biển Hoàng Sa, mà quay tàu chạy về hướng Trung Sa, cách quần đảo Hoàng Sa hơn 60 hải lý. Sau đó mới cắt đường thẳng chạy về cảng Sa Kỳ. Thời gian trên đường vào bờ dài hơn 1 ngày so với dự định.
Và tôi đã trở về đất liền đúng vào chiều ngày 30/4, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước.
Vũ Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét