Tiết lộ vụ tình báo Trung Quốc 'chôm' công nghệ máy bay tàng hình

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :2:43 PM, 10/02/2011
Xác chiếc máy bay F-117A Nighthawk của Mỹ sau khi bị bắn rơi ngày 27/3/1999 trở thành "mồi ngon" đối với tùy viên quân sự Trung Quốc.

>> Nga đứng sau sự phát triển của J-20 để thu lợi?

Đại tá Sergei I. khi còn công tác ở Tổng cục Tình báo (GRU) Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga chuyên làm về Trung Quốc. Ông từng trải qua 7 cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang ở những địa điểm rất khác nhau trên thế giới, cũng như ở Chechnya.

Cuộc săn đuổi Chim đêm F-117A

Nhớ lại mùa xuân năm 1999, ở Belgrade thời chiến tranh, ông Sergei với tư cách chuyên gia về tiếng Hán, đang làm việc sát sạt với các đồng nghiệp Trung Quốc. Thời Tổng thống Slobodan Milosevic, lãnh đạo Nam Tư thường xuyên chia sẻ với các đồng minh Trung Quốc và Nga các vũ khí trang bị chiến lợi phẩm của các nước phương Tây. Nhiều khi việc chia chác chiến lợi phẩm dẫn đến các vụ scandal.

Đáng nhớ nhất là chuyện xảy ra vào cuối tháng 3. Lúc đó, khi Sergei vừa lên xe để tới hiện trường máy bay tiêm kích tàng hình Mỹ bị rơi thì tay tổ trưởng tình báo Trung Quốc cũng hộc tốc đuổi theo.

Ngày 27/3/1999, F-117A Nighthawk với số hiệu 82-806 bị một hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora bắn rơi. Đây là thành công hiếm có của người Serbia. Quả tên lửa không bắn trúng trực tiếp vào máy bay. Bởi vậy, phi công bị bắn rơi kịp nhảy dù và sống sót. Các mảnh xác máy bay khá to. Một số mảnh phải đưa lên máy kéo bằng cần cẩu mượn tạm của công nhân xây dựng địa phương chỉ bằng hai chai Vodka Nga.

Chiếc F-117 bị bắn hạ là miếng mồi cực kỳ hấp dẫn đối với cả Nga và Trung Quốc. Tùy viên quân sự Trung Quốc cùng các trợ lý lùng sục toàn bộ khu vực máy bay rơi và mua lại các mảnh vỡ từ các nông dân sống xung quanh.

Và họ quan tâm nhất đến các chi tiết của động cơ, đặc biệt là “những cái cánh loa phụt” gì đó. Nhưng họ cuối cùng cũng không tìm thấy chúng.

Đại tá tình báo GRU của Nga Sergei I. tiết lộ một số thông tin về việc tình báo Trung Quốc thu thập bí mật của máy bay tàng hình F-117A Nighthawk ở Nam Tư năm 1999.

Tình báo Trung Quốc hoạt động điên cuồng. Họ không tiếc tiền để mua lại các “vật lưu niệm” của Mỹ đó. Trong nháy mắt, khoang chứa hàng trên chiếc xe địa hình của tùy viên quân sự Trung Quốc đã chất đầy các mảnh vỡ của chiếc máy bay tàng hình xấu số.

Mỹ tấn công đại sứ quán để trả đũa

Người Mỹ phát khùng vì mất chiếc máy bay tàng hình siêu mật. Được các điệp viên Croatia ở Serbia báo rằng, tình báo Trung Quốc đã chiếm hữu được món chiến lợi phẩm quý giá, Washington liền làm một việc chưa từng có để trả đũa. Họ đã cho máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 tấn công đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, nơi được cho là chứa các mảnh vỡ, chi tiết của chiếc máy bay tàng hình bị bắn rơi. Sau đó, Mỹ thanh minh hành động kẻ cướp đó là do sai lầm về bản đồ.

Khi phóng viên chợt vô ý buột ra câu hỏi: “Nhưng trong lúc đó, tại đại sứ quán Nga ở Belgrade, đang chuẩn bị gửi đi những thùng hàng nào đó. Đúng không?”, ông Sergei cười mát đáp: “Lịch sử im lặng về vấn đề đó”.

Đã hơn 10 năm trôi qua. Máy bay tàng hình T-50 của Nga cất cánh, một năm sau đó đến lượt J-20 Hắc Long của Trung Quốc. Cả hai đều muốn được gọi là máy bay thế hệ 5. Trong các máy bay đó có cái gì từ máy bay tàng hình của Mỹ không? Nếu như thực sự là có thì ai lại đi thừa nhận điều đó… Người Nga im lặng, còn người Trung Quốc theo tập quán phương Đông thì chối bay chối biến.

Còn viên phi công thử nghiệm Trung Quốc Xu Yongling sau chuyến bay thì nói như đinh đóng cột: “J-20 là kiệt tác công nghệ mới của Trung Quốc” và cho biết, lợi ích từ các mảnh vỡ máy bay tàng hình Mỹ cũng chẳng có gì nhiều. Bởi F-117 đã lạc hậu ngay từ những năm 1990, còn công nghệ lớp phủ che giấu máy bay trước radar thì khó tái tạo từ các mảnh vỡ do “tính phức tạp của các hợp kim”.

Vị đại tá GRU nhún vai: “Khó, nhưng có thể. Các tình báo viên Nga cũng từng thu thập từng mẩu một các bí mật của bom nguyên tử Mỹ. Và nhà bác học vĩ đại Kurchatov rất biết ơn họ vì điều đó”.

Người Trung Quốc nói gì

Sau khi báo chí phương Tây ồn ào quy kết Trung Quốc sao chép công nghệ tàng hình của máy bay tiêm kích-bom tàng hình F-117A Nighthawk để chế tạo máy bay J-20 của họ, ngày 25/1/2011, các đại diện Bộ quốc phòng và các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã bác bỏ giả thiết này.

Một đại diện giấu tên của Bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng, “báo chí nước ngoài không phải lần đầu tiên vu nói oan cho các công nghệ của Trung Quốc, chẳng việc gì phải trả lời những dư luận như thế”.

J-20 bị nghi là "con rơi" của F-117A Nighthawk.

Còn theo phi công thử nghiệm Trung Quốc Xu Yongling, J-20 có những tính năng kỹ thuật như khả năng bay hành trình siêu âm và khả năng cơ động cao là nhờ một loạt những đột phá công nghệ. “Khác với các tiêm kích trước đó như J-7 (sao chép MiG-21F-13) và J-8 (chế tạo dựa trên Su-15) quả thực là chế tạo dựa trên các máy bay nước ngoài, J-20 là kiệt tác công nghệ mới của Trung Quốc”, Xu Yongling nói.

Viên phi công cũng nói rằng, sẽ là vô nghĩa đối với Trung Quốc nếu sử dụng các công nghệ của F-117 vốn lạc hậu ngay cả đối với các tiêm kích thế hệ 4 và lỗi thời ngay khi máy bay này bị bắn rơi ở Nam Tư trong chiến dịch của NATO năm 1999. Ngoài ra, Trung Quốc cũng rất khó tái tạo công nghệ sản xuất vật liệu sử dụng cho F-117 từ các mảnh vỡ của máy bay.

Tổng biên tập tạp chí Trung Quốc Aerospace Knowledge Wang Yanan thì khẳng định, F-117 khó có thể là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế J-20 do những khác biệt lớn về kết cấu của các máy bay thuộc hai thế hệ khác nhau. “Mặc dù F-117 có danh xưng là máy bay tiêm kích, nó được sử dụng như một máy bay ném bom do có tốc độ bay thấp và khả năng tác chiến hạn chế. J-20 thì giống F-22 hơn, được chế tạo để không chiến ở tốc độ bay cao”, Wang Yanan giải thích.

Nhưng ông Wang thừa nhận, với tư cách nước đi đầu về các dự án phát triển công nghệ, Mỹ là quốc gia định hướng cho việc phát triển máy bay mới của các nước khác, nhưng không bao giờ cung cấp chi tiết gì về các công nghệ của mình, khiến các nước khác phải tự phát triển các máy bay đó hoặc mua ở các nước khác.

Còn nhà phân tích quân sự Trung Quốc Li Daguang thì nói rằng, những cáo buộc đó là vô căn cứ và xuất phát từ sự ganh ghét và đề phòng với những thành tựu công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc. Trung Quốc có khả năng tự lực phát triển các công nghệ cao.

Giữa tháng 1/2011, đô đốc Croatia Domazet-Lošo, người từng tham gia chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Nam Tư trước đây, nguyên chỉ huy tình báo quân sự và phó tổng tham mưu trưởng quân đội Croatia đã phỏng đoán rằng, Trung Quốc có thể đã sử dụng công nghệ của F-117A để chế tạo J-20. Chiếc F-117A bị bắn rơi ở Nam Tư ngày 27/3/1999. Theo đô đốc Domazet-Lošo, các điệp viên Trung Quốc đã ráo riết mua lại từ các nông dân Serbia những mảnh xác F-117, sau đó có thể tái tạo từ đó các công nghệ sử dụng ở máy bay này.

Văn Phong

Đất Việt:
Nga đứng sau sự phát triển của J-20 để thu lợi?

Cập nhật lúc :11:43 AM, 14/01/2011

Mẫu nghiên cứu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 xuất hiện và có chuyến bay đầu tiên trước công chúng làm cả thế giới sửng sốt.

Trung Quốc đã cho thấy tốc độ phát triển vũ bão của công nghiệp quốc phòng trong nước đặc biệt là công nghệ hàng không quân sự. Điều đó đã tạo nên một làn sóng lo ngại cho nhiều nước đặc biệt là khu vực Châu Á, nhất là các nước có tranh chấp lãnh thỗ, lãnh hải với Trung Quốc.

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thần kỳ?

Nhìn lại thực trạng công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đặc biệt là công nghệ điện tử hàng không. Chính giới khoa học nước này công nhận, họ còn tụt hậu đến cả thập kỷ so với Nga, Mỹ và các nước phương Tây, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử hàng không, vật liệu composite, công nghệ động cơ phản lực. Những sản phẩm mà công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sản xuất được chỉ ở mức công nghệ của những năm 1980-1990.

Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã đạt được sự tiến bộ “siêu tốc”, hay phía sau sự xuất hiện của J-20 có sự trợ giúp của bàn tay công nghệ quân sự nước khác, dù Trung Quốc từng tuyên bố đây là một dự án phát triển của riêng họ.

Theo một số tài liệu mới hé lộ gần đây được, các chuyên gia quân sự của Viên Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS cho biết, Nga đã đứng sau trợ giúp cho sự phát triển của J-20.

Cụ thể, Nga đã bán bản vẽ hình dáng khí động học và phần mềm tính diện tích phản hồi radar của dự án MiG-1.44 cho phía Trung Quốc. Cũng không loại trừ cả khả năng Nga sẽ bán động cơ đẩy vector 3D AL-41F1N để Trung Quốc hoàn thiện J-20. Với "tài năng" thiên bẩm, có thể Trung Quốc đã nhào nặn để cho ra đời một J-20 “made China” thực thụ.

MiG-1.44 (trên) và J-20 (dưới).
Hình dáng khí động học của J-20 được cho là kết hợp giữa PAK F/A T-50 và F-22, tuy nhiên, nếu nhìn thẳng từ trên xuống. Hình dáng khí động học của J-20 chính là bản sao của MiG-1.44, với thân hình được kéo dài hơn và rộng hơn. Trong khi phần mũi và buồng lái là bản sao của F-22.

Giả thiết về sự hỗ trợ của Nga giúp lý giải: Tại sao Trung Quốc lại có được mẫu nghiên cứu chế tạo tiêm kích thế hệ 5 sớm đến vậy. Nếu không có bàn tay công nghệ của Nga, rất khó để Trung Quốc phát triển công nghiệp quốc phòng của mình. Vai trò của Nga giống như người thầy dẫn dắt nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc từng bước đi đến hiện đại hóa.

Trong suốt những năm sau khi Liên Xô sụp đổ các dự án hợp tác phát triển quân sự, mua sắm vũ khí từ Trung Quốc là nguồn nuôi sống công nghiệp quốc phòng Nga. Sự hợp tác phát triển quân sự giữa hai quốc gia này vẫn tiếp tục phát triển, song đã qua thời hoàng kim, Bắc Kinh đã bắt đầu giảm đáng kể lượng mua vũ khí từ Nga.

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây, tại sao Nga lại mạo hiểm chuyển giao công nghệ tiêm kích thế hệ 5 cho Trung Quốc?

Nước cờ mạo hiểm?

Trong lịch sử hợp tác quân sự với Trung Quốc, Nga đã rất nhiều lần dính đòn “hồi mã thương” của Trung Quốc. Điển hình như sự hợp tác sản xuất tiêm kích Su-27, công nghiệp quốc phòng Nga đã phải nhận “trái đắng” khi Trung Quốc ngưng mua giấy phép sản xuất Su-27 và sao chép thành J-11.

Phần lớn các mẫu vũ khí sản xuất tại Trung Quốc đều sao chép lại từ Nga, và điều đó gây ra những tổn thất to lớn cho công nghiệp quốc phòng Nga.

Bây giờ đến công nghệ tiêm kích thế hệ 5, Nga vẫn chưa hoàn thành mẫu phát triển của PAK F/A T-50 mà đã đi bán công nghệ được liệt và hàng tối mật này cho Trung Quốc? Phải chăng, Nga thiếu tiền đến mức phải mạo hiểm cả công nghệ tối mật có ý nghĩa vô cùng quan trọng với an ninh quốc gia?

Thế nhưng không hoàn toàn như vậy, trợ giúp Trung Quốc hoàn thành mẫu thử nghiệm tiêm kích thế hệ 5, sẽ đánh động Mỹ và toàn khu vực châu Á. Nga đang sử dụng chiêu bài “Cò ngao tranh chấp, ngư ông đắc lợi”. Theo đó:

- Để cũng cố vị thế của mình tại châu Á, Mỹ sẽ gia tăng ảnh hưởng, cũng cố sự hiển diện quân sự tại khu vực. Hai cường quốc này sẽ "chăm sóc" nhau rất kỹ và đó là điều kiện cho Nga rảnh tay phát triển kinh tế mà không phải lo lắng quá nhiều đến sự hiển diện của Trung Quốc tại vũng Viễn Đông.

- Các nước khác trong khu vực châu Á sẽ lao vào một cuộc chay đua vũ trang để tìm sự cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc. Đó là cơ hội để Nga hái ra tiền khi bán vũ khí cho khu vực này. (Châu Á đang chiếm vị trí cao nhất trong phân khúc thị trường vũ khí của Nga).

- Trung Quốc sẽ phải tiếp tục cầu cạnh đến Nga để hoàn thiện J-20, bởi từ mẫu nghiên cứu chế tạo đến đi vào sản xuất loạt có quá nhiều việc phải làm. Bên cạnh đó, công nghệ trong nước chưa đáp phát triển được mẫu động cơ phản lực đạt tiêu chuẩn, họ cần Nga cung cấp động cơ cho tiêm kích thế hệ 5 này. Nga tiếp tục thu lợi từ dự án phát triển tiêm kích thế hệ 5 này của Trung Quốc.

Nga đang áp dụng bài học "mèo dạy hổ" trong quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc?

Tuy nhiên, nếu không hoàn thành được sự phát triển của PAK F/A T-50 và chương trình hợp tác phát triển tiêm kích FGFA với Ấn Độ sớm hơn sự hoàn thành của J-20, Nga sẽ phải trả giá đắt cho nước cờ này. Nên nhớ Trung Quốc đã cho thấy họ có rất nhiều “chiêu” để phát triển các hệ thống vũ khí của riêng mình.

Có thể với sự trợ giúp có giới hạn của Nga, J-20 không tinh vi bằng các chiến đấu cơ cùng loại của Nga, Mỹ. Nhưng như thế với Trung Quốc là quá đủ, với thực lực kinh tế hiện tại, họ hoàn toàn có khả năng sản xuất một số lượng lớn tiêm kích thế hệ 5 J-20 và tạo ra một sự áp đảo về số lượng.

Lúc đó liệu Nga có yên tâm được hay không, khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự lấn sân sang vùng Viễn Đông đất rộng, người thưa, tài nguyên giàu có của Nga. Nga có thể đã phạm sai lầm khi giúp Trung Quốc phát triển vũ khí, nhất là tiêm kích thế hệ 5 này?

Sự trợ giúp cho Trung Quốc phát triển J-20 của Nga đã góp phần làm cho tình hình khu vực châu Á trở nên phức tạp hơn.
Quốc Việt (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét