Thứ Hai, 07/02/2011, 14:55 (GMT+7)
TTO - Sáng nay 7-2, binh lính Thái Lan và Campuchia lại tiếp tục xả súng về phía nhau trong ngày thứ 4 xung đột liên tiếp ở khu vực biên giới. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phải gửi thư lên Liên Hiệp quốc yêu cầu can thiệp do căng thẳng đang leo thang.
Binh sĩ Campuchia và Thái Lan đã giao tranh trong khu vực Tasem gần ngôi đền cổ Preah Vihear được xây dựng từ thế kỷ 11. Đây là cuộc đụng độ quân sự thứ năm giữa binh sĩ hai nước trong bốn ngày qua, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Cả hai bên đã sử dụng những vũ khí hạng nặng như súng máy, súng cối và pháo binh.
Nhiều người dân địa phương đã được sơ tán khỏi những khu vực trên. Hiện chưa có thông tin gì về thương vong trong vụ xung đột mới nhất.
Xe quân sự Campuchia chở dân thường đi lánh nạn ở tỉnh Preah Vihear, cách Phnom Penh 500 km ngày 7-2-2011 - Ảnh: AFP |
Phát biểu tại một trường đại học ở Phnom Penh vào sáng 7-2, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố nước ông sẽ không gỡ bỏ quốc kỳ cắm trên mái chùa Keo Sikha Kiri Svara theo yêu cầu của Thái Lan, vì chùa này nằm bên trong lãnh thổ Campuchia.
Quan hệ giữa Thái Lan và Campuchia đã trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây do liên quan đến tranh chấp lãnh thổ khi Campuchia từ chối gỡ bỏ quốc kỳ của nước này khỏi mặt tiền của chùa Wat Keo Sikha Kiri Svarak, tọa lạc trong khu vực tranh chấp rộng 4,6km2 xung quanh đền Preah Vihear.
Tình hình biên giới Thái Lan - Campuchia đã khiến Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, đến Campuchia trong chuyến thăm 2 ngày, bắt đầu từ hôm nay, với mục đích làm trung gian hòa giải.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho biết ông Marty Natalegawa sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Hor Nam Hong và có cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen để hiểu rõ hơn về tình hình hiện nay trên biên giới chung giữa Campuchia và Thái Lan.
Tuy nhiên, sự can thiệp của ASEAN không được phía Thái Lan hoan nghênh. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan tuyên bố Chính phủ Thái Lan muốn đàm phán song phương để giải quyết vấn đề căng thẳng trên biên giới hai nước hơn là có sự trung gian hòa giải của ASEAN hoặc của cộng đồng thế giới.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cũng nói ông tin tưởng cuộc xung đột với Campuchia có thể giải quyết được thông qua thương lượng song phương, nhưng khẳng định Thái Lan sẽ không rút quân ra khỏi các khu vực gần biên giới theo yêu cầu của phía Campuchia.
Binh lính Campuchia bảo vệ đền Preah Vhear ở tỉnh Preah Vihear,cách Phnom Penh 500km ngày 6-2-2011, một ngày sau khi hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn song thỏa thuận này đã bị phá vỡ ngay sau đó - Ảnh: AFP |
Tòa án thế giới đã ra phán quyết năm 1962, đền Preah Vihear thuộc về Campuchia, dù lối vào chính nằm bên Thái Lan, và khu vực 4,6km2 quanh đền đang là điểm tranh chấp của cả hai bên. Truyền thông hai nước đều cho rằng số người thiệt mạng có thể cao hơn nhiều. Báo chí Thái Lan cho rằng ít nhất 64 lính Campuchia đã bị chết. Báo chí Campuchia lại thông ít nhất 30 lính Thái Lan đã thiệt mạng. |
Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon ra tuyên bố tỏ ý "quan ngại sâu sắc" trước những thông tin về các cuộc xung đột vũ trang giữa Campuchia và Thái Lan ở khu vực biên giới giữa hai nước, đồng thời kêu gọi cả hai phía "dàn xếp có hiệu quả" để chấm dứt những hành động thù địch và "kiềm chế tối đa".
Trong bức thư gửi lên Liên hiệp quốc, Thủ tướng Campuchia thông tin: "Bất chấp cuộc đàm phán ngày 6-2 của các tư lệnh chiến trường thuộc cả hai phía về một lệnh ngừng bắn, vào lúc 18g20 ngày 6-2, lực lượng vũ trang Thái Lan đã tiến hành một cuộc xâm lược tổng lực đối với Campuchia, sử dụng các vũ khí tinh vi hạng nặng gồm nhiều đạn pháo 105, 120, 130, 155 bắn vào ngôi đền Preah Vihear, một Di sản Thế giới, khu vực Tasem, Veal Intry và đồi Phnom Trap cùng những nơi khác".
Ông tuyên bố: "Tất cả những khu vực này đều nằm bên trong lãnh thổ Campuchia. Đạn pháo của Thái Lan đã rơi vào sâu bên trong lãnh thổ Campuchia khoảng 20km... Xét đến hành động đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trong khu vực của Thái Lan nói trên, tôi khẩn thiết đề nghị triệu tập một phiên họp khẩn cấp của HĐBA để ngăn chặn sự xâm lược của Thái Lan".
Ông Hun Sen cũng đề nghị Chủ tịch Hội đồng bảo an "phân phát bức thư này tới tất cả thành viên của Hội đồng bảo an như một văn bản chính thức".
Bức thư trên được Thủ tướng Campuchia gửi đi hôm 6-2, sau ba cuộc đụng độ giữa binh sĩ Campuchia và Thái Lan trong ba ngày qua liên quan đến các khu vực tranh chấp trên biên giới gần đền Preah Vihear.
Các cuộc đụng độ đã khiến hàng chục binh sĩ và người dân sở tại của cả hai phía thương vong và 10.000 dân làng của cả hai nước ở gần những khu vực biên giới tranh chấp phải dời bỏ nhà cửa tìm nơi lánh nạn.
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn đã bác bỏ thông tin mà chính phủ Campuchia đưa ra, cho rằng: “Thái Lan có chính sách rõ ràng là không xâm lược quốc gia khác”.
KHỔNG LOAN (Theo AFP, Bangkok Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét