Bác ý kiến có 3 cá thể rùa khổng lồ giống rùa Hồ Gươm?

VTC News:
22/03/2011 16:33
(VTC News) – Đã từng có cá thể rùa ở tỉnh Hòa Bình có hình thái giống Rùa Hồ Gươm. Còn rùa Đồng Mô và rùa Trung Quốc không phải là Rùa Hồ Gươm – PGS Hà Đình Đức cho biết.

Rùa Hồ Gươm, chụp ngày 10/2/2009. Ảnh: Hà Đình Đức

Trước thông tin có đến 3 cá thể giống cụ rùa ở Hồ Gươm, PGS Hà Đình Đức - người đã dành hàng chục năm để nghiên cứu về cụ rùa đã gửi tới VTC News bài viết bác bỏ những ý kiến trên.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ bài viết và ảnh của PGS Hà Đình Đức.


Rùa Hồ Gươm là cá thể duy nhất hiện đang sống ở Hồ Gươm

Trước đây, khi cải tạo đầm Quỳnh Lâm, ngay sát thành phố Hoà Bình, ngày 23/4/1993 bố con ông Sơn đã bắt được con rùa mai mềm nặng 121 kg. Sau đó được đưa về bể xi măng hình bầu dục Khách sạn Nhà sàn, bán vé 2 hào để cho dân vào xem.

Đến ngày 30/4/1993 thì con rùa này chết và đã nhờ ông Lê Bá Thái trường TNLĐ XH CN Hoà Bình ở Tu Lý (cạnh sông Đà) nhồi làm tiêu bản. Tiêu bản rùa này được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Hoà Bình.

Tôi và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đã lên nhà ông Thái, khi đó mai và da rùa còn đang ngâm hóa chất. Sau đó tôi đã đưa TS. Peter Pritchard, GĐ viện nghiên cứu Rùa, Florida (Mỹ) đến tận nhà ông Sơn để điều tra.

Cá thể rùa này về hình thái rất giống với cá thể rùa hiện đang sống ở Hồ Gươm. Năm 2000, TS. Peter Pritchard và anh Lê Thiện Đức đi tìm rùa ở Ao Châu, tỉnh Phú Thọ và sưu tầm một bộ xương rùa.

Ngày 29/10/2003 Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á có văn bản gửi GS Nguyễn Văn Mậu, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, đề nghị mời tôi là đại diện cho trường trong các hoạt động của Dự án và chịu trách nhiệm điều phối sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu cụ thể.

Nhiều lần ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội làm công văn gửi các địa phương: Thanh Hóa, Hoà Bình, Phú Thọ, Yên Bái. Tôi là trưởng Đoàn trong đó có ông Douglas B. Hendrie và ông Tim Mc Cormack đi khảo sát giống rùa Rafetus.

Kết quả các chuyến đi ấy chủ yếu là điều tra về sự tồn tại của giống rùa Rafetus và thu được các xương sọ và xương của giống rùa này, như: một bộ xương ở Ao Châu Phú Thọ, năm xương sọ ở Quảng Phú, Thọ Xuân Thanh Hóa và bộ xương ở nhà ông Hoàng Xuân Bốn gần đầm Minh Quân ở Trấn Yên, Yên Bái, chưa quan sát được cá thể sống mà chỉ nghe qua các người dân địa phương.

Đến tháng 6/2007, anh Nguyễn Xuân Thuận lần đầu tiên chụp được ba kiểu ảnh cá thể rùa Đồng Mô, Hà Tây. Ngày 04/11/2008, sau trận mưa to, con rùa này bò ra sông Tích. Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á đến can thiệp và đã thả lại hồ Đồng Mô.

Rùa Đồng Mô. Ảnh: Hà Đình Đức

Về hình thái rùa Đồng Mô hoàn toàn sai khác loài rùa Hồ Gươm. Cũng thời gian này Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á công bố là rùa Đồng Mô cùng loài rùa Hồ Gươm, ngoài ra còn hai cá thể rùa ở Trung Quốc cùng loài rùa Hồ Gươm. Như vậy theo họ, trên thế giới có 3 cá thể rùa Hồ Gươm.

Nhưng xem trên ảnh chúng hoàn toàn khác về hình thái. Về loài rùa Hồ Gươm, tôi đã mô tả là loài rùa mới cho khoa học thế giới đặt tên khoa học là Rafetus leloii, vì loài rùa này gắn liền với truyền thuyết vua Lê trả gươm trên hồ Lục Thủy vào thế kỷ 15, hồ đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4/2000.

Rùa Trung Quốc. Ảnh: Hà Đình Đức

Trong Hội thảo Quốc tế "Phát triển bền vững - Thủ đô Hà Nội - thành phố Văn hiến, Anh hùng, Vì hoà bình" trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một lần nữa tôi lại công bố về Rùa Hồ Gươm, loài rùa mới cho khoa học.

Có thể khẳng định Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á chưa bao giờ nghiên cứu Rùa Hồ Gươm ở Hồ Gươm mà chỉ nghiên cứu điều tra về giống rùa Rafetus. Rùa Đồng Mô và rùa Trung Quốc không phải là Rùa Hồ Gươm.

PGS Hà Đình Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét