Tổng thống Libya tuyên bố sẽ đánh bại phương Tây

VnMedia: - Quốc tế -> Tin tức:
Cập nhật lúc 21h20" , ngày 20/03/2011
Trong các cuộc tấn công của phương Tây, nhiều người trung thành với Tổng thống Libya đã làm thành một lá chắn sống xung quanh trụ sở của ông này để bảo vệ ông.

(VnMedia) - Tổng thống Muammar Gaddafi hôm nay (20/3) đã có bài phát biểu đầy giận dữ nhằm vào các nước phương Tây sau khi Anh, Pháp, Mỹ đồng loạt thực hiện các cuộc tấn công vào Libya. Ông Gaddafi tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc “chiến tranh lâu dài” và sẽ đánh bại phương Tây.

"Chúng tôi sẽ không để phương Tây hưởng dầu mỏ của Libya," Tổng thống Libya cho biết.

Ông Gaddafi đã thề rằng liên minh tấn công các lực lượng của ông cuối cùng sẽ phải chịu thất bại. "Chúng tôi sẽ theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài, toàn diện và không có giới hạn” nhằm chống lại phương Tây.

Theo Tổng thống Gaddafi, các lực lượng phương Tây không có quyền tấn công Libya bởi nước ông không làm điều gì ảnh hưởng đến các nước này. “Chúng tôi sẽ chiến đấu với họ trên từng cm ở lãnh thổ Libya”, ông Gaddafi nhấn mạnh.

Nói về các nước tấn công Libya, ông Gaddafi đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề. "Các bạn đã chứng tỏ với thế giới rằng các bạn không phải là những nước văn minh, các bạn là những kẻ khủng bố, những con vật tấn công một quốc gia an toàn không chống lại các bạn," Nhà lãnh đạo Libya cho biết trong một bài phát biểu được phát đi trên truyền hình sáng ngày hôm nay.

Ông Gaddafi còn ví các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ giống như “Hitler và Mussolini".

Tổng thống Gaddafi không xuất hiện trên màn hình tivi trong suốt bài phát biểu. Điều này khiến người ta dự đoán, ông Gaddafi không muốn để cho các nước phương Tây biết chỗ ở của ông hiện nay. Tuy nhiên, trong suốt bài phát biểu này luôn xuất hiện hình ảnh một nắm đấm vàng đang nghiền nát một mô hình máy bay có chữ "USA". Hình ảnh này ám chỉ đến vụ đánh bom của Mỹ xuống Libya năm 1986 và một máy bay của Mỹ đã bị bắn hạ.

Trước đó, Tổng thống Gaddafi đã tuyên bố mở tất cả các kho vũ khí để cung cấp cho người dân Libya bảo vệ đất nước.

Chiến dịch quân sự chống Libya thành công?

Từ chiều ngày hôm qua (19/3) theo giờ địa phương (tức đêm qua theo giờ Hà Nội), Pháp, Mỹ, Anh đã đồng loạt tấn công Libya từ trên không và từ đường biển. Tàu chiến Mỹ và tàu ngầm Anh đã bắn hơn 120 quả tên lửa tuần hành về phía Libya. Trong khi đó, khoảng 20 máy bay chiến đấu Pháp quần đảo trên bầu trời Libya.

Đô đốc Mỹ William Gortney cho các phóng viên ở Lầu Năm Góc biết, các tên lửa tuần hành của Mỹ và Anh “đã đánh trúng hơn 20 hệ thống phòng không” của Libya, khiến hàng rào phòng không của nước Bắc Phi này gần như tê liệt.

Trong rạng sáng nay, 19 chiến đấu cơ Mỹ, trong đó có 3 chiếc máy bay ném bom tàng hình B2, đã tham gia vào các cuộc oanh tạc Libya cùng với Anh và Pháp, Bộ Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Châu Phi đóng tại Đức cho hay.

Theo các quan chức Mỹ, những chiếc máy bay B-2 của Mỹ đã thả 40 quả bom xuống một sân bay chính của Libya trong một nỗ lực nhằm tiêu diệt sức mạnh của Không quân Libya. Trong khi đó, các chiến đấu cơ F15 và F16 của Mỹ thực hiện các cuộc không kích vào hệ thống phòng không của Libya.

Các phóng viên AFP có mặt tại hiện trường cho biết, hàng chục phương tiện quân sự và xe tăng của chính phủ Libya đã bị phá hủy trong các cuộc không kích của liên quân sáng nay. Người ta có thể thấy thi thể của nhiều chiến binh Châu Phi nằm bên cạnh những chiếc xe tăng và những khẩu pháo bị phá hủy tan nát.

Chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ - ông Michael Mullen tuyên bố, giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự chống Libya “đã thành công” và rằng, bước tiến của lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi tới Benghazi đã bị chặn đứng.

Theo nguồn tin từ chính phủ Libya, ít nhất 64 người đã thiệt mạng và 150 người bị thương trong các cuộc không kích của phương Tây. Anh cho biết, họ đã “rất cẩn trọng” để tránh gây thương vong cho dân thường”.

Trong khi nhiều nước bày tỏ sự phản đối với việc phương Tây can thiệp quân sự vào Libya thì Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng, ông Gaddafi đang cảm nhận được “ý chí thống nhất” của cộng đồng quốc tế qua chiến dịch quân sự hiện nay.

"Ông ta đã giết hại người dân của mình. Ông ta đã tuyên bố sẽ lùng sục từng nhà và giết hại tất cả mọi người. Điều đó là không thể chấp nhận được," Tổng thư ký Ban Ki-moon nói.

Kiệt Linh - (tổng hợp)


Chính phủ Libya đã bắt đầu phân phát vũ khí cho hơn một triệu dân và sẽ hoàn tất việc này trong vài giờ, thông tấn xã Jana của Libya hôm 20/3 cho biết.

Jana dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Libya cho hay, họ hy vọng việc vũ trang cho hơn một triệu người cả nam và nữ, sẽ hoàn thành trong vài giờ tới.

Phát biểu trên đài phát thanh hôm nay, lãnh đạo Libya - Đại tá Gaddafi tuyên bố: "Các kho vũ khí đã mở và chúng tôi bắt đầu phát vũ khí cho mọi người". Nhà lãnh đạo này tuyên bố, chiến dịch quân sự do Mỹ và các đồng minh phát động chống Libya là "một cuộc chiến chưa từng có" nhưng người dân Libya sẽ không đầu hàng.

Gaddafi cũng khẳng định, nhà chức trách Libya sẽ tiêu diệt bất cứ ai hợp tác với những kẻ gây hấn ngoại quốc, vốn triển khai các hoạt động quân sự chống Libya.

Người đứng đầu Libya tuyên bố, nước này đã chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ chống những kẻ ngoại xâm.

Chiến dịch quân sự chống Gaddafi, người đã nắm quyền lãnh đạo Libya với bàn tay sắt hơn 40 năm qua, bắt đầu vào đêm 19/3, với sự góp phần của Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Canada và một số nước khác.

Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ về Libya được thông qua hôm 17/3 đề cập tới một vùng cấm bay và sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại lực lượng trung thành với Gaddafi.

  • Hoài Linh (Theo Reuters, Rian)

Trong lúc tình hình Libya rối như “canh hẹ”, dư luận nước này lại ầm xèo chuyện đệ nhất phu nhân Safia Gaddafi đã tích trữ được hơn 20 tấn vàng để phòng thân.

Câu chuyện của đệ nhất phu nhân Tunisia, chạy trốn khỏi đất nước với 1,5 tấn vàng khi Tổng thống Ben Ali bị bãi nhiệm lại được nhắc lại ở Libya vào thời điểm này. Nhiều người nói rằng, chưa thể biết số phận của ông Gaddafi sẽ thế nào, nhưng đệ nhất phu nhân Libya Safia Farkash Gaddafi chắc chắn đã tính toán cho mình đường đi nếu một mai ông Gaddafi “ngã ngựa”.

Ảnh: Allvoices
Tờ Allvoices dẫn nguồn tin cho hay, bà Safia có thể đã tích trữ được hơn 20 tấn vàng, hoặc nhiều hơn thế nhiều.
Bà Safia có một công ty hàng không tư nhân mang tên Air Buraq, đối thủ cạnh tranh của hãng hàng không quốc gia Libya là Libyan Arab Airlines. Trong thống kê của giới truyền thông, khối tài sản của gia đình ông Gaddafi ước tính lên đến 80 tỷ USD, trong đó chỉ riêng bà Safia là 30 tỷ USD.

Bà Safia là người vợ thứ hai của ông Gaddafi, cũng là người được biết đến đã gây tiếng sét ái tình với ông Gaddafi trong một lần bà được thuê để hành thích ông năm 1971. Bà Safia đã sinh cho ông Gaddafi 1 người con gái và 7 người con trai.

(Theo Dân Việt/Allvoices)


VNMEDIA - QUỐC TẾ -> NHẬN ĐỊNH

Vì sao Anh, Pháp hăng hái trong cuộc chiến Libya?

Cập nhật lúc 17h22" , ngày 20/03/2011


(VnMedia) - Khi chiến dịch quân sự chống Libya được bật đèn xanh từ Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được bắt đầu, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao, chính phủ Anh và Pháp lại là những lực lượng dẫn đầu thay vì thường là Mỹ như trước đây? Tại sao các lực lượng vũ trang của Anh, Pháp lại tham gia vào chiến dịch quân sự và tại sao các nhà ngoại giao của hai nước này lại là những người tích cực nhất trong việc thúc đẩy Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1973?

Đó không phải là những câu hỏi dễ trả lời. Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, chiến dịch quân sự chống lại Tổng thống Libya Muammar Gaddafi là “cần thiết, hợp pháp và đúng đắn”. Những lý lẽ mà ông Cameron đưa ra để chứng minh cho tính hợp pháp và đúng đắn của chiến dịch mà nước ông đang theo đuổi là: “Tôi không tin chúng ta có thể đứng nhìn trong khi nhà độc tài đó giết hại người dân của ông ta”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Sarkozy thì nói: “Nếu chúng ta can thiệp vào một nhà nước Ả-rập thì đó là bởi vì lẽ phải không cho phép dung thứ những tội ác như thế”.

Có vẻ như những phát biểu trên của cả hai nhà lãnh đạo Anh, Pháp đều không thực sự là câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao Anh, Pháp lại can thiệp vào Libya.

Liệu có phải Libya có liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Anh và Pháp? Chắc chắn, Libya nằm ở bên kia Biển Địa Trung Hải, đối diện với Châu Âu và Libya có quan hệ thương mại trực tiếp với Anh và Pháp. Nhưng Libya chỉ là một quốc gia nhỏ bé với 6,5 triệu dân. Nếu làm một vài phép so sánh thì Libya chỉ lớn hơn El Salvador hoặc Honduras có một chút ít. Thế nhưng, trong Chiến tranh Lạnh, các nhà lập pháp Mỹ đã phải tranh cãi rất gay gắt và rất lâu trước khi quyết định can thiệp quân sự vào các nước Trung Mỹ.

Liệu có phải là vì dầu mỏ của Libya. Đúng, Libya có dầu mỏ nhưng chiếm chưa đầy 2% số lượng dầu mỏ của thế giới.

Rõ ràng lợi ích thương mại chưa phải là lý do đủ lớn để Anh, Pháp phải vội vàng tấn công Libya như vậy.

Ảnh minh họa

Hai nhà lãnh đạo Anh, Pháp là những người đi đầu trong nỗ lực thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cho phép các nước can thiệp quân sự vào Libya. Sau đó, hai nước này cũng là những nước đầu tiên phát động các cuộc tấn công vào Libya.


Vậy vấn đề nhập cư? Đúng là, nếu có sự bất ổn ở khu vực thì dòng người nhập cư sẽ đổ về phía bắc (Châu Âu). Và trong trường hợp của Libya thì nếu có xảy ra tình trạng người dân chạy trốn khỏi đất nước thì họ sẽ đến nơi đầu tiên là Italia và sau đó đến các nước khác ở Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, thật khó mà có thể tưởng tượng rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng di cư kiểu đó ở đất nước Bắc Phi nếu Tổng thống Muammar Gaddafi tiếp tục nắm quyền ở Libya. Lý do là Biển Địa Trung Hải quá rộng lớn và nó không phải chỉ là một đường biên giới mà ai cũng chỉ cần chạy qua một cái là xong.

Vì lịch sử chăng? Nước Anh dù dười thời Thủ tướng Tony Blair đã lập lại mối quan hệ hữu nghị với Gaddafi nhưng nước này cũng ít có lý do để yêu hoặc tin tưởng Nhà lãnh đạo Libya. Các điệp viên Libya bị cho là phải chịu trách nhiệm vì vụ tai nạn của một chiếc máy bay của hãng hàng không PanAm, Anh trên bầu trời Scotland, và một nữ cảnh sát Anh có tên là Yvonne Fletcher đã bị bắn chết từ Đại sứ quán Libya năm 1984. Tuy nhiên, những sự kiện khủng khiếp này cũng không thể là lý do để Anh quyết định gây chiến tranh với Libya.

Liệu có phải vì lý do muốn lấy lại hình ảnh tốt đẹp trong mắt dân chúng? Tổng thống Pháp Sarkozy dường như đã ở bên “phe xấu” trong cuộc nổi dậy mùa xuân ở thế giới Ả-rập. Chính phủ Pháp có mối quan hệ thân thiết chặt chẽ với chính phủ Tunisia khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nước này nổ ra trên khắp các đường phố. Có nguồn tin nói rằng, Tổng thống Pháp muốn đi đầu trong cuộc chiến chống Libya nhằm khôi phục danh tiếng và hình ảnh của nước Pháp trong thế giới Ả-rập. Nếu điều này có thật thì đây có vẻ là một cách mạo hiểm. Hành động can thiệp quân sự vào Libya không đảm bảo một thành công và nó cũng không phải được tất cả những người Ả-rập ủng hộ kể cả những người đang biểu tình đấu tranh cho nền dân chủ trên khắp khu vực.

Vậy có phải là do ảo tưởng về sự vĩ đại? Sẽ có những người đưa ra lập luận rằng, Anh và Pháp đang hành xử như thế chỉ đơn giản bởi vì họ nghĩ lịch sử trao quyền cho họ làm như vậy, bởi vì họ muốn chứng tỏ họ vẫn là hai cường quốc lớn của thế giới. Nhưng nếu xét trên việc hai nhà lãnh đạo Cameron và Sarkozy đều là những người có suy nghĩ thấu đáo, hợp lý thì đây không phải là lý do. Cả Anh và Pháp đều là những nền dân chủ. Chẳng ở nước nào mà cử tri ủng hộ những cuộc phiêu lưu quân sự kiểu thế này.

Chỉ còn lại hai lý do để giải thích cho việc Anh, Pháp hăng hái đi đầu trong cuộc chiến chống Libya. Thứ nhất là cả Anh và Pháp đều tin rằng, trong khi Mỹ vẫn là nước giữ thế ổn định cân bằng không thể thiếu của thế giới thì nước này không thể gánh vác tất cả mọi chuyện và không nên yêu cầu Mỹ phải luôn như thế. Theo Anh, Pháp, thế giới sẽ an toàn hơn nếu các nền dân chủ khác giúp Mỹ thực hiện các nhiệm vụ quân sự và ngoại giao nặng nề nhằm đảm bảo sự ổn định trên toàn cầu.

Lý do thứ hai là cả hai chính phủ Anh và Pháp đang làm theo phát biểu của cựu Thủ tướng Tony Blair từng đưa ra trong một bài báo được đăng trên Thời báo London và Nhật báo Phố Wall, trong đó nói: "Không hành động cũng là một quyết định, một chính sách kèm theo những hậu quả". Anh, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác có thể không nói gì khi Tổng thống Gaddafi bắt đầu hành động chống lại những cuộc biểu tình cách đây 3 tuần. Tuy nhiên, họ đã không làm thế, họ đã lên tiếng chỉ trích gay gắt. Nếu họ tiếp tục không làm gì khi ông Gaddafi dường như sắp giành chiến thắng thì điều đó sẽ phơi bày ra sự yếu kém của những nước từng kêu gọi ông này ra đi.

Nhìn vào hai lý do trên, quyết định tiến hành chiến dịch quân sự chống Libya dù khôn ngoan hay không khôn ngoan thì ít nhất cũng khiến người ta hiểu được.


Vân Linh - (theo Time)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét