Nhật khủng hoảng, Trung Quốc ‘bồi thêm đòn đau’

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :11:54 AM, 25/03/2011
Trung Quốc vừa thông báo tăng thuế xuất khẩu đất hiếm ít nhất 10 lần. Hiện, thuế chỉ dừng ở mức ba nhân dân tệ một tấn nhưng sẽ bị áp thành 30-60 nhân dân tệ trên một tấn từ ngày 1/4.

Cắn răng chịu đựng

Theo Japan Today, việc tăng thuế với đất hiếm ảnh hưởng tới các nhà sản xuất Nhật Bản bởi Bắc Kinh là nguồn cung 90% nhu cầu đất hiếm của Tokyo.

Đất hiếm rất quan trọng trong sản xuất công nghệ cao như ổ đĩa máy tính, điện thoại di động, radar quân sự hay điều khiển tên lửa...

Nhật từ lâu nhận thức được sự nguy hiểm khi lệ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, nhất là sau khi quan hệ Trung - Nhật diễn biến thất thường và Bắc Kinh ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Tokyo sau tranh cãi về lãnh thổ hồi năm ngoái.

Do đó, tới đầu năm nay, Nhật ký hiệp định với Ấn Độ, qua đó Tokyo tăng thêm đầu tư vào ngành khai thác đất hiếm của New Delhi. Đồng thời, theo hai công ty Nhật là Toyota Tsusho và Sojitz, họ cũng muốn hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, những giải pháp của Nhật cần có thêm thời gian mới có thể phát huy tác dụng. Nguyên nhân là dù có muốn thì một số nước cũng phải mất từ 10-15 năm để phát triển công nghiệp đất hiếm từ đầu.

Nhật Bản là nơi cung cấp hơn 10% linh kiện điện tử được dùng trong các màn hình tinh thể lỏng (LCD). Nước này cũng cung cấp hơn 40% bộ nhớ NAND Flash, 15% DRAM được dùng trong điện thoại, máy tính, camera, máy tính bảng và khoảng 1% thị phần sản xuất chip bán dẫn trên toàn thế giới.

Còn hiện tại, có lẽ Nhật chỉ biết “khóc thầm” mà nhập khẩu đất hiếm với giá cao. Còn người tiêu dùng hàng điện tử trên toàn thế giới cũng phải chịu tác động gián tiếp bởi chi phí sản xuất ở Nhật tăng đồng nghĩa với việc hàng điện tử của Nhật tăng giá.



Thủ tướng Nhật Naoto Kan (phải) muốn khai thác đất hiếm ở Ấn Độ. Ảnh minh họa.

Bảo vệ môi trường

Trung Quốc thường tự hào rằng, Trung Đông có dầu mỏ thì họ có đất hiếm. Trong khi các nước phương Tây đình chỉ sản xuất đất hiếm từ những năm 80 do các phí tổn khai thác quá cao, lại lo sợ trước các tác hại đối với môi trường thì Trung Quốc, dù chỉ với 1/3 trữ lượng đất hiếm được khảo sát của thế giới, lại không ngừng đẩy mạnh hoạt động khai thác. Thống kê năm 2009 cho thấy, Trung Quốc sản xuất tới 97% sản lượng đất hiếm tiêu thụ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, vị trí nhà xuất khẩu đất hiếm hàng đầu khiến Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề. Chính phủ nước này sợ rằng, nếu việc khai thác thô sơ như hiện nay tiếp diễn và hệ thống luật pháp còn thiếu sót, thì sớm hay muộn, họ cũng thành nước nghèo hay thậm chí không còn đất hiếm.

Ngoài ra, một vấn đề nổi cộm khác là nạn buôn lậu, khai thác trái phép, ô nhiễm môi trường do khai thác thô sơ và thách thức ngày càng tăng trong việc đảm bảo nhu cầu đất hiếm nội địa.

Theo báo China Business News, nhu cầu đất hiếm ngày càng tăng khiến những người có nhu cầu phải mua hàng lậu từ Trung Quốc. Năm 2008, gần 20.000 tấn đất hiếm bị xuất lậu, trong khi 39.500 tấn được xuất khẩu qua hải quan, nghĩa là số lượng xuất lậu chiếm tới 1/3 tổng số đất hiếm bị mang ra khỏi Trung Quốc.

Buôn lậu cũng chỉ ra sự thiếu kiểm soát của Chính phủ đối với ngành này và có thể dẫn đến nhiều hậu quả lớn hơn như phá hoại môi trường, một phần do luật pháp quy định thiếu chặt chẽ.

Theo báo cáo của Hội đất hiếm Trung Quốc, chế biến mỗi tấn đất hiếm sinh ra 8,5 kg flo và 13 kg bụi; sử dụng công nghệ nung nhiệt độ cao dùng axit sulfuric đậm đặc để tạo ra một tấn quảng đất hiếm nung sẽ sinh ta 9.600-12.000 m3 khí chứa nồng độ bụi đậm đặc, axit flohydric, sulfur dioxit, axit sulfuric, khoảng 75 m3 nước thải chứa axit, khoảng một tấn phụ phẩm có tính phóng xạ...

Số liệu từ cuộc khảo sát ở thành phố Bao Đầu cho thấy, tất cả các doanh nghiệp khai thác đất hiếm ở Bao Đầu thải ra khoảng 10 triệu tấn nước thải đủ loại mỗi năm, làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường và đất canh tác ở khu vực gần sông Hoàng Hà, nơi có 150 triệu người đang sinh sống.

Đất hiếm được gọi là kho báu của ngành vật liệu mới, là “vitamin của công nghiệp hiện đại”...nhưng tinh chế ra nó gây ô nhiễm môi trường.

Do tác động xấu như trên, Trung Quốc từng bước áp dụng tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với ngành khai thác đất hiếm nhằm “hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường” dù điều này làm tăng chi phí khai thác và chế biến đất hiếm....

Từ năm 2006, Trung Quốc bắt đầu siết chặt hơn trong bối cảnh các nước lệ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. Hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm giảm từ 5 đến 10% mỗi năm với lý do nguồn dự trữ đất hiếm có thể cạn kiệt.

Và lần tăng thuế này, theo phía Trung Quốc, mục đích vẫn là ngăn chặn nạn khai thác, sản xuất và xuất khẩu lậu, thiếu tổ chức, gây tổn hại tới môi trường. Chỉ có điều, hành động của Trung Quốc khiến cả thế giới bị ảnh hưởng.

Đất hiếm, là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học, là nguyên liệu tối cần thiết cho các ngành công nghệ mũi nhọn tại các quốc gia phát triển. Các nhà phân tích nói rằng không có những kim loại này, nhiều nền kinh tế hiện đại sẽ không vận hành được.

Các nhà sản xuất linh kiện điện tử cho hay: thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản ảnh hưởng đến cả giá của các loại linh kiện điện tử trên toàn thế giới.

Toshiba, nhà sản xuất bộ nhớ NAND Flash cho iPhone, iPad và nhiều loại máy tính bảng khác phải tạm ngưng cung cấp linh kiện này ra thị trường.

Cũng tương tự như vậy, hãng điện tử nổi tiếng trên thế giới là Sony cũng buộc phải đóng cửa 6 nhà máy của mình, khiến cho những sản phẩm đang được ưa chuộng như đầu đĩa Blu-ray, máy chơi game PlayStation càng “hot” hơn trên thị trường.

Theo các nhà phân tích, tình trạng linh kiện điện tử sẽ bị khan hiếm và tăng giá kéo dài tới đầu quý III năm 2011.


Nam Việt (tổng hợp)

baodatviet.vn
Cập nhật lúc :5:59 AM, 25/03/2011
Nhật Bản luôn được cho là có nguồn nhu yếu phẩm dồi dào nhưng không hiểu sao quốc gia này lại chậm trễ trong việc chuyển lương thực và đồ dùng thiết yếu đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, tờ China Post đặt câu hỏi.

Theo tờ báo này, hàng trăm nghìn người tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản vẫn phải trải qua những đêm dài lạnh giá mà không có thiết bị sưởi ấm.

“Nhiều người dân đang phải di tản, phàn nàn rằng họ không có đủ lương thực, nước uống cũng như các nhu yếu phẩm khác. Họ cho rằng, nguồn lực của Chính phủ đang đổ dồn vào việc xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 mà quên đi những nhu cầu khác của người dân”, China Post cho hay.

China Post cho rằng, nhiều nhu yếu phẩm cứu trợ vẫn chưa đến được với người dân vùng thiên tai.

China Post cũng dẫn một số lời chỉ trích ngay trong dư luận Nhật Bản đối với Chính phủ nước này. Toshiyuki Shikata, giáo sư luật tại ĐH Teikyo cho rằng: “Nỗ lực tập trung xử lý nhà máy điện hạt nhân của Chính phủ là chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ nội các của ông Kan rất yếu kém trong việc phối hợp với các ban ngành khác để đảm bảo cho cuộc sống của người dân di tản”.

Theo giáo sư này, Thủ tướng Nhật lập ra quá nhiều bộ ban ngành mà lại thiếu khả năng chỉ huy. “Trong bối cảnh khủng hoảng, điều các cơ quan ban ngành cần nhất là ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, Thủ tướng lại quên đi vai trò chỉ đạo của mình và phụ thuộc quá nhiều vào người khác”, ông Shikata nhấn mạnh.

Giáo sư Shikata cho biết thêm, thảm họa mới nhất này của Nhật Bản phức tạp hơn nhiều so với trận động đất năm 1995 ở Kobe. Khi đó, thảm họa xảy ra tại khu vực trung tâm hơn hiện nay và cũng không có sóng thần kèm theo đó.

Còn hiện giờ, động đất xảy ra tại khu vực Đông Bắc xa xôi với rất nhiều ngôi làng, thị trấn nhỏ nằm ở trên đồi cao.

Bên cạnh đó, Mao Sato, phát ngôn viên của tổ chức Peace Winds Japan cũng cho rằng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc thiếu hụt nhiên liệu, dẫn đến khả năng di chuyển đến các vùng xa xôi bị hạn chế.

“Ngay cả khi một chiếc xe tải chở đầy lương thực đến gần được khu dân cư nhưng các phương tiện nhỏ hơn cũng không có nhiên liệu để đưa nhu yếu phẩm vào sâu trong các ngõ ngách”, ông Sato nhấn mạnh.

Trà My (theo China Post)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét