Tokyo khuyến cáo nước máy nhiễm xạ

Thanh Niên Online:

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật khuyến cáo mức phóng xạ trong nước máy có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Hôm qua, chính quyền Nhật Bản thông báo độ phóng xạ đo được trong nước máy ở Tokyo hiện lên đến 210 becquerel/kg, vượt ngưỡng an toàn cho trẻ em của nước này là 100 becquerel/kg. Reuters dẫn lời Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara khẳng định mức phóng xạ này không gây nguy hiểm tức thời cho sức khỏe đối với người lớn. “Tuy nhiên, tôi khuyên mọi người không dùng nước máy để pha sữa cho trẻ dưới 1 tuổi”, ông Ishihara nói. Thật ra, các chuyên gia đã phát hiện phóng xạ tăng cao trong nước máy ở Tokyo và một số vùng khác từ mấy ngày qua nhưng đều dưới mức giới hạn cho phép và nước vẫn sử dụng được.


Phóng xạ trong nước máy tại Tokyo vẫn ở mức an toàn nhưng bị khuyến cáo đối với trẻ sơ sinh - Ảnh: AFP

Về thực phẩm, Bộ Y tế Nhật Bản hôm qua cho biết mức phóng xạ vượt giới hạn cho phép đã được phát hiện trong sữa tươi chưa qua xử lý và 11 loại rau củ, trong đó có bông cải xanh và cải bắp tại các khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Trước đó, Thủ tướng Naoto Kan đã ra lệnh ngưng bán nhiều nông sản từ các tỉnh Fukushima và Ibaraki, theo Đài truyền hình NHK.

Cũng trong hôm qua, Mỹ ra lệnh cấm một số thực phẩm nhập khẩu từ các khu vực gần nhà máy nói trên, theo AFP. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết tất cả các loại sữa, sản phẩm làm từ sữa và rau quả tươi từ 4 tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma sẽ không được phép vào nước Mỹ. Ngoài ra, FDA sẽ tiếp tục kiểm tra nguồn gốc đối với mọi sản phẩm từ Nhật. Pháp cũng thúc giục Ủy ban châu Âu áp dụng “kiểm soát có hệ thống đối với các sản phẩm tươi sống nhập từ Nhật vào EU”. Bản thân nước này cũng đưa ra các biện pháp kiểm tra chặt chẽ.


Việt Nam kiểm tra thực phẩm nhập từ Nhật

Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân Ngô Đặng Nhân thông báo sẽ có các dụng cụ để kiểm tra những thực phẩm nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam và nếu phát hiện dấu hiệu phóng xạ nguy hiểm, cục sẽ phát đi cảnh báo tới người tiêu dùng. Cục An toàn bức xạ hạt nhân cũng đã công bố trên trang web www.varans.vn tài liệu ứng phó sự cố hạt nhân do NISA xuất bản nhằm hướng dẫn người dân cách đối phó khi sự cố hạt nhân xảy ra.

Thu Hằng


Tại châu Á, nhiều chính phủ đã kiểm tra thực phẩm từ Nhật ngay sau khi phóng xạ bắt đầu rò rỉ. Ở Hàn Quốc, hai trong số những chuỗi siêu thị lớn nhất tại nước này là Lotte Mart và Homeplus tuần này đã ngưng bán cá của Nhật.

Dư chấn gần Fukushima

Hôm qua, 2 trận dư chấn 5,8 và 6 độ Richter làm rung chuyển phía bắc Nhật Bản với tâm chấn nằm không xa khu vực Nhà máy Fukushima số 1. Tuy nhiên, đài NHK đưa tin nhà máy này không bị hư hỏng gì thêm.

Trong khi đó, các nhân viên Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn đang nỗ lực bơm nước và khôi phục hệ thống làm lạnh tại các lò phản ứng của nhà máy trên. Tín hiệu lạc quan đã xuất hiện khi các kỹ sư hoàn thành kết nối điện đến cả 6 lò. Tuy nhiên, công việc thường xuyên bị gián đoạn vì khói bốc lên từ các lò và nồng độ phóng xạ thỉnh thoảng lại tăng cao đột ngột.

Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA) hôm qua thông báo nhiệt độ đã tăng cao tại lò phản ứng số 1, nhưng không quá nguy hiểm. Cùng ngày, các nhân viên TEPCO đang làm công tác sửa chữa tại lò phản ứng số 2 phải sơ tán vì mức phóng xạ tăng cao, theo thông báo của NISA.

Khoảng 16 giờ hôm qua (giờ địa phương), nhiều cụm khói đen bốc lên từ lò phản ứng số 3 làm toàn bộ nhân viên phải sơ tán. Đài NHK dẫn nguồn tin từ TEPCO cho biết: “Khói bốc ra từ hệ thống bảo vệ bao quanh thùng lò”. Lò phản ứng số 3 là một trong những cơ sở bị thiệt hại nặng nhất tại Nhà máy Fukushima số 1. Ngoài ra, lò phản ứng này gây nhiều lo ngại vì sử dụng thanh nhiên liệu hạt nhân MOX, kết hợp giữa ô-xít uranium và plutonium, rất độc và có độ phóng xạ cao.

Thiệt hại lớn nhất lịch sử

Chính phủ Nhật Bản hôm qua cho biết ước tính thiệt hại từ động đất, sóng thần hôm 11.3 vào khoảng 185 tỉ - 309 tỉ USD. Đây là mức thiệt hại do thảm họa tự nhiên lớn nhất lịch sử. Theo AFP, con số trên vẫn chưa bao gồm tổn thất liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1.

Cũng tính đến hôm qua, ít nhất 9.408 người thiệt mạng, 14.716 người mất tích và 2.746 người bị thương trong thảm họa, theo số liệu chính thức của Cảnh sát quốc gia Nhật Bản.

Ngân hàng Đông Á giúp nhân dân Nhật Bản 200 triệu đồng


Ông Nguyễn Thanh Hùng (thứ 2, từ trái sang) trao biểu trưng số tiền cho Ban Biên tập Báo Thanh Niên - Ảnh: Khả Hòa

Chiều 23.3, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó bí thư thường trực Đảng ủy Ngân hàng (NH) Thương mại CP Đông Á đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên trao số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân bị động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Ông Hùng cho biết, số tiền trên do CB-CNV NH Đông Á tình nguyện đóng góp 1/2 ngày lương (đợt 1), hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn NH Đông Á và nay gửi đến Báo Thanh Niên nhờ chuyển đến người dân Nhật Bản. Ông Nguyễn Quang Thông - Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã tiếp nhận số tiền, cảm ơn nghĩa cử của CB-CNV NH Đông Á và hứa sẽ chuyển số tiền trong thời gian sớm nhất để góp phần chia sẻ với người dân Nhật Bản.

Quỳnh Như

Lê Loan - Lan Chi

Thứ Bẩy, 19/03/2011 - 09:12
(Dân trí) - Trong những bộ phim về thảm họa của Nhật, họ được ví như những người hùng, hi sinh mọi thứ vì một tương lai tốt đẹp hơn, kỷ luật, quyết đoán, từ chối lùi bước trước nghịch cảnh hay thậm chí là cái chết.



Đây là những đức tính đất nước mặt trời mọc vinh danh.

Và giờ, trong thảm họa, báo chí Nhật lại đang hết lời vinh danh một nhóm anh hùng mới: những người công nhân, những nhân viên cứu hộ khẩn cấp, những nhà khoa học đang chiến đấu để cứu nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đồng bào của họ và cả chính họ nữa.

Thông tin về họ rất ít, ngoại trừ một số người được người thân của họ kể cho báo chí.

Một phụ nữ cho biêt cha cô, làm việc cho một công ty điện 40 năm, đã tình nguyện tham gia nhóm “cảm tử”. Ông chuẩn bị về hưu vào tháng 9 tới.

“Số phận của nhà máy điện hạt nhân phụ thuộc vào việc chúng ta ứng cứu cuộc khủng hoảng này như thế nào”, ông đã nói như vậy với cô con gái mình. “Cha thấy đây là nhiệm vụ của cha”.

Nhóm nhỏ công nhân quyết lưu lại nhà máy khi lượng phóng xạ tăng cao đã được mệnh danh là “Fukushima 50”, mặc dù giờ đây số lượng người đang nỗ lực làm việc tại đó có thể đã tăng lên gấp đôi.

Rick Hallard, người làm việc trong ngành hạt nhân ở Anh suốt hơn 30 năm, cho hay áp lực đối với họ là rất lớn, nhưng họ có thể không cảm nhận thấy khi cuộc khủng hoảng này qua đi.

“Cuộc sống nơi chiến tuyến”

Vào hôm thứ tư vừa qua, chính phủ Nhật đã tăng giới hạn phóng xạ họ có thể tiếp xúc lên từ 100 đến 250 millisieverts. Lượng này gấp hơn 12 lần bình thường so với lượng giới hạn cho công nhân làm việc trong môi trường phóng xạ theo luật của Anh.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với lượng gấp đôi con số trên con người mới có thể có những “ảnh hưởng sớm”, với những triệu chứng ốm phóng xạ như bạch cầu giảm. Ngoài ra, phải ở trong vùng có mức phóng xạ 1.000 millisieverts bạn mới có cảm giác buồn nôn hay mệt mỏi.

“Ảnh hưởng sau” của việc phơi nhiễm phóng xạ có thể không biểu hiện trong nhiều năm. Song điều này lại gia tăng khả năng bị ung thư. Nhưng đây cũng là nhiều khả năng, chứ không phải điều chắc chắn.

Những người công nhân trên có thể là những anh hùng vô danh lúc này, nhưng sự dũng cảm của họ đã giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người Nhật.

“Họ đang hi sinh chính họ cho người Nhật”, Fukuda Kensuke, một công chức tại Tokyo cho hay. “Tôi rất biết ơn những người đang tiếp tục làm việc ở đó”.

“Họ đang đặt cuộc sống của họ trên chiến tuyến”, Maeda Akihiro nhận xét. “Nếu nơi đó phát nổ, đó là dấu chấm hết cho tất cả chúng tôi. Vì vậy tất cả những gì tôi có thể làm là gửi họ lời động viên”.

Các phi công thuộc thuộc quân đội Nhật, những người đã lái trực thăng chở những “quả bom nước” thả xuống nhà máy hôm thứ năm vừa qua để giúp giảm nhiệt các thanh nhiên liệu, đã bị giới hạn về thời gian. Sứ mệnh của họ chỉ được kéo dài chưa đây 40 phút, nhằm giảm sự phơi nhiễm với phóng xạ.

Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã ca ngợi tất cả những người đã tham gia vào nỗ lực ứng cứu nhà máy, nhận xét, họ đã “nỗ lực hết mình thậm chí không mảy may một giây nghĩ đến nguy hiểm”. Nhiều người chiến đấu để giảm nhiệt các thanh nhiên liệu đã bị thương.

Gia đình họ chắc chắn là những người phải chịu đựng nhiều nhất, đứng ngồi không yên ở nhà, không biết người thân yêu của mình đang phải đối mặt với hiểm nguy gì, có thể bị tổn thương gì trước mắt cũng như lâu dài.

“Tôi không muốn anh ấy đi”, vợ của một người trong nhóm “Fukushima 50” cho hay. “Nhưng anh ấy đã làm việc trong ngành hạt nhân từ năm 18 tuổi và anh ấy tự tin là an toàn”.

Khi cuộc khủng hoảng này qua đi, câu chuyện về những cá nhân anh hùng chắc chắn sẽ được ca tụng.

Phan Anh

Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét