Chernobyl tiếp tục làm Ukraine ‘đau đầu’ sau 25 năm

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :11:45 AM, 25/03/2011
Việc xây vỏ bọc mới cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong năm 2011 sẽ tốn tới 125 triệu USD nhưng đến nay Chính phủ mới duyệt chi một nửa trong số đó do thiếu ngâ sách, một quan chức Chính phủ Ukraine cho hay.

Trong khi Nhật Bản đang phải “oằn mình” ứng phó với nguy cơ nóng chảy các thanh nhiên liệu trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 thì giới chức Ukraine cũng đang “đau đầu” với dự án xây dựng vỏ bọc mới quanh nhà máy Chernobyl.

Dù các tổ chức quốc tế đều ủng hộ dự án này nhưng ngân sách cho quá trình xây dựng vẫn chưa đủ.

“Nguồn tài chính hạn hẹp đang cản trở nỗ lực của Ukraine cũng như cộng đồng quốc tế”, Volodymyr Holosha, quan chức Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine, người chịu trách nhiệm chính đối với dự án này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Holosha khẳng định, dù kế hoạch xây vỏ bọc có được triển khai hay không thì dự án “làm sạch Chernobyl” với chi phí 255 triệu euro cũng vẫn được thực hiện.

Theo quan chức này, Ukraine ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng lá chắn bảo vệ cho Chernobyl với mong muốn trả lại sự trong sạch cho môi trường tại khu vực này.

Ukraine gặp khó khăn trong việc xây dựng vỏ bọc mới cho Chernobyl.

Trong khi đó, các nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ và Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, những hậu quả lâu dài của thảm họa Chernobyl lớn hơn rất nhiều so với dự báo trước đây và nó không chỉ tác động đến cuộc sống con người trong vài thập kỷ tới mà kéo dài trong nhiều thế kỷ sau.

Số người tử vong do các nguyên nhân liên quan tới vụ nổ Chernobyl tiếp tục tăng lên bởi số người mắc bệnh ung thư, các bệnh về máu, biến đổi gen trong khu vực xung quanh nhà máy tăng cao, đặc biệt là tỷ lệ trẻ em sinh ra bị khuyết tật hoặc bị rối loạn gen ngày càng tăng ở nhiều khu vực của Ukraine và Belarus.

Nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế còn cho thấy, số lượng các loài động vật tiếp tục giảm và tác động của phóng xạ vẫn rất cao ở "khu vực chết" xung quanh nhà máy.

Trà My (theo Ria Novosti)


baodatviet.vn
Cập nhật lúc :9:53 AM, 19/03/2011
Hành động dùng trực thăng đổ nước làm mát lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã làm nhiều người liên tưởng đến những nỗ lực trong tuyệt vọng của Liên Xô từng làm với lò phản ứng Chernobyl năm 1986.

Sáng ngày 17/3, hai trực thăng không quân phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành đổ nước vào tòa nhà lò phản ứng số 3 (nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichi). Cách đây 25 năm, không quân Liên Xô cũng làm hành động tương tự với lò phản ứng Chernobyl nhưng không ngăn được thảm họa hạt nhân khủng khiếp.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì tình hình ở Fukushima không tồi tệ như thảm họa Chernobyl 1986.

Không xảy ra khuếch tán phóng xạ trên diện rộng

Nguyên nhân khiến bức xạ từ Chernobyl khuếch tán rộng và gây ra tác động hủy diệt là do lửa carbon. Khi vụ nổ xảy ra, 1200 tấn carbon trong lò phản ứng đã tạo ra một ngọn lửa khủng khiếp, kéo các chất phóng xạ lên và khuếch tán trên bầu trời châu Âu.

Tuy nhiên, không có carbon trong lò phản ứng ở Fukushima. Điều này có nghĩa là kể cả khi đã có phóng xạ rò rỉ từ nhà máy thì nó chỉ gây ảnh hưởng ở khu vực địa phương chứ không thể khuếch tán trên diện rộng.

Trực thăng Mi-26 của Liên Xô tham gia "cứu chữa" Chernobyl 1986.

Giới chức Nhật Bản đã nhanh chóng sơ tán người dân sống trong phạm vi bán kính 20 km xung quanh nhà máy và khuyến cáo người dân trong phạm vi bán kính 30 km phải luôn ở trong nhà. Hiện nay, nồng độ phóng xạ đo được ở Fukushima vẫn thấp hơn khoảng 100.000 lần so với Chernobyl.

Khác biệt giữa lò phản ứng ở Chernobyl và Fukushima

Alexander Sich, kĩ sư hạt nhân từng làm việc tại Chernobyl, đã đưa ra một vài quan điểm về sự khác nhau trong thiết kế lò phản ứng giữa Chernobyl và Fukushima:

“Những gì đã xảy ra với Chernobyl sẽ không thể xảy ra ở nhà máy hạt nhân của Nhật Bản. Trước hết, các lò phản ứng của Chernobyl không có hệ thống vỏ bọc thích hợp, còn các lò phản ứng của Nhật Bản thì có những vành đai an toàn, đó là sự khác biệt rất lớn.

Liên Xô đã không dứt khoát trong công tác bảo đảm an toàn hệ thống, họ tin rằng mình có thể kiểm soát các lò phản ứng và tránh được những tai nạn nghiêm trọng. Ngược lại, Nhật Bản đã đề phòng mọi tình huống xấu nhất và trong nhà máy của họ được thiết kế bình ngăn chặn thảm họa từ bên trong được đúc bằng bê tông có chức năng giảm thiểu tác động xấu nếu xảy ra nổ.

Mặt cắt kết cấu lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daichi.

Sự khác biệt thứ hai là các lò phản ứng ở Nhật Bản, cũng như những lò phản ứng nước nhẹ ở phương Tây hiện nay, chứa các nguyên liệu chính trong những bình thép chịu áp dày từ 15-20cm.

Ngược lại, kiểu thiết kế lò phản ứng Chernobyl, trong đó có ít nhất 11 lò vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay, thì không có những bình thép như vậy. Thay vào đó, chỉ có một lớp thép dày khoảng 2 cm bọc xung quanh 1.700 ống làm mát cao áp có chứa nhiên liệu hạt nhân.

Điểm khác biệt thứ ba là kích thước và độ bền khi làm việc của lò phản ứng. Lò phản ứng ở Chernobyl có kích thước rất lớn (11,8 m x 7 m), còn lò phản ứng của Nhật thì nhỏ hơn rất nhiều (2,5 m x 3,7 m). Với những lò phản ứng có kích thước lớn, các kĩ sư vận hành cần phải liên tục chú ý đến quá trình vận hành của lò.”

Phản ứng phân hạch dây chuyền đã được kìm hãm

Giáo sư Aidan Byrne, giám đốc trường ĐH Khoa học Toán Lí, trực thuộc Đại học Quốc gia Úc nhận định tình hình ở Fukushima không giống như ở Chernobyl cách đây 25 năm:

“Khi xảy ra thảm họa Chernobyl, quá trình phân hạch đã không được kiểm soát và nhà máy lúc đó không có được kế hoạch ngăn chặn thảm họa nhiều lớp như Fukushima bây giờ. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức đóng cửa lò phản ứng của Fukushima và các thanh kiểm soát đã được đưa vào để kìm hãm các phản ứng phân hạch dây chuyền.

Điều đáng ngại nhất là nếu lò phản ứng không được làm mát thì đồng vị phóng xạ trong các thanh nhiên liệu và nhiệt bức xạ sẽ đốt nóng các bình chứa. Tuy nhiên, theo giới chức Nhật Bản thì họ đã sử dụng nước biển cùng với boric acid để giảm nhiệt lò phản ứng nhằm tránh nguy cơ tái khởi động quá trình phân hạch.”

Nhật Bản đã hành động dứt khoát hơn Liên Xô

Nhà nghiên cứu Laurie Garrett, thành viên của Hội đồng Liên hệ Ngoại giao CFR, đã đưa ra những đánh giá tích cực dành cho chính phủ Nhật Bản trong cuốn “Những bài học Chernobyl cho Nhật Bản”:

“Không như chính quyền Liên Xô năm 1986, chính phủ của Naoto Kan đã phản ứng rất nhanh để đối phó với từng giai đoạn của thảm họa Fukushima.

Họ đã nhanh chóng sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm và công bố những thông tin liên quan đến nguy cơ phóng xạ. Chính phủ Nhật cố gắng truyền đạt chính xác những thông tin quan trọng cho người dân, giúp họ thoát khỏi nỗi “ám ảnh hạt nhân” nhưng cũng luôn biết ở trong tư thế sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu.

Đây là một chiến công to lớn của chính phủ Nhật khi họ phải đối phó với thảm họa Fukushima ngay sau động đất và sóng thần.”

Hoàng Nguyên (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét