Cuộc chiến tại Libya đi về đâu?

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 12:55 PM, 22/03/2011

Tên lửa được phóng lên từ tàu chiến Mỹ

(VOV) - Câu hỏi này được đặt ra khi mục tiêu, cũng như lợi ích của các nước tham gia trong lực lượng liên quân là khác nhau

Sáng 19/3 (giờ GMT), máy bay chiến đấu của Pháp đã khai hỏa ở Libya, mở đầu cho chiến dịch quân sự mang tên Odyssey Dawn. Vì sao phương Tây chỉ dùng biện pháp quân sự đối với Libya, trong khi lãnh đạo một vài nước trong khu vực cũng sử dụng vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình? Và cuộc chiến tại Libya sẽ đi đến đâu?

Cuộc tấn công của Pháp rồi đến Mỹ và Anh vào Libya được thực hiện hai giờ sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao khẩn cấp của 22 nhà lãnh đạo Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab tại Paris (Pháp) để quyết định phương thức hành động quân sự, thực thi Nghị quyết của HĐBA LHQ về áp đặt vùng cấm bay tại Libya.

Hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk đã được bắn đi từ các tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ, Anh nhằm vào các hệ thống phòng không và các mục tiêu của chính phủ Libya. Trong khi đó, hàng chục máy bay chiến đấu của Pháp cũng đã tổ chức các đợt không kích nhằm vào mục tiêu là các xe tăng, xe thiết giáp của quân đội chính phủ Libya tại miền đông nước này. Như vậy, trong số các quốc gia châu Phi và Trung Đông sử dụng bạo lực để đè bẹp các cuộc biểu tình Libya đã trở thành đối tượng duy nhất nằm trong tầm ngắm quân sự của phương Tây.

Dinh thự của Nhà lãnh đạo Gaddafi bị nã tên lửa đêm 20/3/2011

Việc phương Tây thực hiện chiến dịch tấn công trên không nhằm “thực hiện nghị quyết của LHQ về thiết lập vùng cấm bay ở Libya”, là có những căn nguyên của nó. Chính quyền Gaddafi từ lâu đã là cái gai trong con mắt các nước phương Tây. Trên thế giới, đã có rất nhiều hành động quân sự khởi nguồn từ dầu lửa và lần này Libya cũng không ngoại lệ khi mà đất nước này nằm trong khu vực dầu lửa quan trọng của thế giới.

Một chính phủ Libya thân phương Tây, phù hợp với lợi ích của phương Tây sẽ là ưu tiên lựa chọn. Chính bởi vậy mà cuộc tấn công của phương Tây lúc trước còn đang được cân nhắc thận trọng, đã trở nên cấp bách nhằm trợ giúp quân nổi dậy khi mà quân chính phủ của ông Gaddafi dần đẩy lùi lực lượng này và đã giành quyền kiểm soát thành phố Ajdabiya, nơi được coi là lá chắn cuối cùng bảo vệ đại bản doanh của lực lượng nổi dậy ở Bengazi, đồng thời là cửa ngõ đến thành phố cảng dầu mỏ Tobruk. Mỹ, Anh, Pháp và một số nước đã thành công trong việc đạt được sự uỷ thác của HĐBA LHQ để thiết lập một khu vực cấm bay tại Libya.

Giai đoạn đầu của chiến dịch tấn công Libya được đánh giá là thành công. Theo như lời của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, ngày 20/3, thì các cuộc không kích ban đầu của phương Tây nhằm vào Libya đã đạt được những kết quả đáng kể như “tiêu diệt” được hệ thống phòng không của Muammar Gaddafi. Thế nhưng, còn một mặt trái của nó là chỉ trong một đêm, cuộc tấn công vào Libya đã giết chết 48 dân thường và làm hơn 100 người bị thương - những người mà phương Tây tuyên bố bảo vệ khi tiến hành chiến dịch quân sự này. Nếu chiến dịch này kéo dài, con số dân thường bị thương vong chắc sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, ông Muammar Gaddafi, ở trong thế tiếp tục chiến đấu để tồn tại, chắc chắn sẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Một ngày sau khi liên quân bắt đầu cuộc tấn công nhiều giai đoạn nhằm vào Libya, ngày 20/3, nhà lãnh đạo Gaddafi thông báo sẽ trang bị vũ khí cho một triệu người dân Libya để bảo vệ đất nước.

Chiến dịch quân sự đã nổ ra, song vấn đề đặt ra cho liên quân phương Tây là bước đi nào cho cuộc chiến tranh tại đây. Các thành viên trong liên minh sẵn sàng đẩy cuộc chiến đi xa tới đâu khi mục tiêu, cũng như lợi ích của các nước khác nhau? Trong khi đó, làn sóng phản đối sự can thiệp quân sự vào Libya của phương Tây đang diễn ra ngay từ trong lòng các nước tham chiến. Bởi chiến tranh dù được biện minh thế nào đi chăng nữa thì những người phải hứng chịu hậu quả đầu tiên chính là những người dân thường./.

Đoàn Thị Trung (Báo TNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét