Thế nhì nhằng trên chiến trường Libya

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 23/03/2011, 07:54 (GMT+7)

TT - Liên quân Mỹ - châu Âu tiếp tục giội bom và tên lửa xuống Tripoli, nhưng tương lai của cuộc chiến Libya vẫn đang rất mù mờ do những mâu thuẫn, rạn nứt, bối rối trong nội bộ lực lượng liên quân.

Xác chiếc máy bay chiến đấu Mỹ F-15E rơi gần thành phố Benghazi do trục trặc kỹ thuật - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Ả Rập Al Jazeera, những tiếng nổ lớn tiếp tục vang lên ở thành phố Tripoli. Ánh lửa từ đạn pháo phòng không chiếu sáng bầu trời thủ đô Libya suốt đêm. Phóng viên Al Jazeera có mặt tại hiện trường cho biết hai căn cứ hải quân nằm cách Tripoli 10km về phía đông đã bị phá hủy, các trạm rađa ở hai căn cứ quân sự khác của chính quyền Libya và thị trấn miền nam Sebha cũng trúng tên lửa.

Người phát ngôn chính quyền Libya Moussa Ibrahim tuyên bố các cuộc không kích của liên quân Mỹ - châu Âu làm “rất nhiều người chết”, đặc biệt là tại các hải cảng và “sân bay dân sự” ở thành phố Sirte. Quân đội Mỹ và Anh xác nhận đã bắn tổng cộng 159 tên lửa Tomahawk vào Libya kể từ khi chiến dịch “Rạng đông của một cuộc hành trình” bắt đầu. Tuy nhiên, liên quân phủ nhận thông tin thường dân thiệt mạng do không kích.

Hôm qua một máy bay chiến đấu F-15E của Mỹ rơi tại Libya do trục trặc kỹ thuật. Phi công đã kịp nhảy dù ra khỏi máy bay.

Đạn pháo phòng không chiếu sáng bầu trời Tripoli Ảnh: Reuters

Giao tranh dưới đất vẫn dữ dội

CNN dẫn lời tướng Carter Ham, tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ, tuyên bố liên quân “đã đạt nhiều bước tiến” trong việc thực hiện mục tiêu “bảo vệ thường dân” trước nguy cơ bị quân đội của ông Gaddafi tấn công. “Chúng tôi đã giảm thiểu khả năng kiểm soát lực lượng quân sự của ông Gaddafi”, tướng Ham khẳng định. Tuy nhiên, nguồn tin Al Jazeera cho biết bất chấp cuộc không kích, giao tranh giữa quân đội Libya và phe nổi dậy vẫn diễn ra ác liệt.

Tiền lệ nguy hiểm

Hiến chương của Liên Hiệp Quốc quy định các thành viên không can thiệp công việc nội bộ nước khác. Đây là lần đầu tiên nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng vũ lực can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền, tạo tiền lệ nguy hiểm cho quan hệ quốc tế. Sự kiện này cũng chứng tỏ vai trò của các nước lớn: khi họ bắt tay nhau thì sẽ có khả năng ảnh hưởng đến vận mệnh của một nước nhỏ. Hiện tình hình đang diễn biến rất nhanh và phức tạp. Cách đây ít hôm, không ai có thể ngờ một nghị quyết như vậy sẽ được thông qua. Những điều tưởng như không thể xảy ra hôm qua thì hôm nay có thể xảy ra. Một hệ lụy dễ thấy là nếu các chính quyền sở tại không chú ý đến nguyện vọng của nhân dân và duy trì sự ổn định trong nước thì sẽ tạo cớ cho các nước bên ngoài can thiệp, gây mất ổn định.

Hoàng Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao VN)
H.Giang ghi

Người phát ngôn chính quyền Libya khẳng định quân đội đã “giải phóng” thành phố Misurata, cách Tripoli 211km và đang “săn đuổi các phần tử khủng bố”. AFP xác nhận quân chính phủ đang tấn công dữ dội thành phố Misurata. Các cuộc đọ súng ác liệt cũng diễn ra ở thành phố miền đông Ajdabiya và quân chính phủ đang chiếm ưu thế. Reuters dẫn lời một thủ lĩnh quân nổi dậy ở thị trấn miền tây Zintan cho biết quân Libya điều động ít nhất 40 xe tăng để tấn công thị trấn. Tuy nhiên, ở Benghazi, đại bản doanh của quân nổi dậy, quân Libya đã thoái lui ít nhất 100km.

Theo Reuters, chính quyền Mỹ mới đây tuyên bố sẽ sớm chuyển giao quyền lãnh đạo chiến dịch can thiệp quân sự cho châu Âu do lo ngại bị cuốn vào cuộc chiến thứ ba sau Afghanistan và Iraq. Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ chuyển giao quyền kiểm soát chiến sự “trong vòng vài ngày tới chứ không phải là vài tuần tới”. Nguồn tin New York Times cho biết một tàu ngầm Mỹ đã rời khu vực Địa Trung Hải. Tướng Ham cũng dự báo số lượng vụ không kích sẽ giảm trong vài ngày tới.

Nước nào lãnh đạo?

Mỹ không tuyên bố rõ sẽ trao quyền kiểm soát cuộc chiến cho quốc gia nào. Nhưng Anh và Pháp là hai quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ việc thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết có thể Anh - Pháp hoặc NATO sẽ điều hành hoạt động không kích. Tuy nhiên, theo báo Guardian, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối dữ dội việc NATO thay thế vai trò của Mỹ.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ e ngại việc NATO cầm đầu cuộc chiến có thể ảnh hưởng tới vị thế cầu nối của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới Hồi giáo. Pháp cũng phản đối việc NATO thay Mỹ vì lo ngại thế giới Ả Rập cũng như Nga, Trung Quốc và các nước đang phát triển sẽ càng phản ứng tiêu cực. “Liên đoàn Ả Rập không muốn chiến dịch này nằm dưới sự chỉ đạo của NATO, bởi NATO không phải là khối phát động chiến dịch - Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe - Liên minh nhiều nước từ Ả Rập, Bắc Mỹ đến châu Âu lãnh đạo chiến dịch này, do đó sự kiểm soát chính trị phải do liên minh thực hiện”.

Ngược lại, Ý đe dọa sẽ rút lui nếu NATO không kiểm soát chiến dịch can thiệp quân sự. Reuters dẫn nguồn tin từ chính quyền Ý tiết lộ lý do là bởi Ý lo ngại họ sẽ bị mất mặt nếu các máy bay tham chiến của họ nằm dưới quyền chỉ huy của Anh - Pháp. Trong thập niên 1990 Ý là nền tảng cho chiến dịch NATO ở Bosnia và Kosovo, nhưng từ đó đến nay tiếng nói của Ý đã mất đi nhiều trọng lượng trên các bàn đàm phán.

Giới quan sát phương Tây nhận định những chia rẽ, xung đột này có thể tạo ra một tình huống tréo ngoe: quân đội Libya và lực lượng nổi dậy rơi vào thế giằng co, dẫn tới bế tắc kéo dài. Khi đó liên quân có thể can thiệp dữ dội hơn, thậm chí đưa bộ binh vào Libya. Và nguy cơ sa lầy tại chiến trường Libya sẽ càng trở nên rõ ràng hơn.

HIẾU TRUNG

_________________

Bảo vệ thường dân hay vì dầu và hình ảnh cá nhân?

Báo chí Mỹ và châu Âu ngày 22-3 cho rằng mục đích hàng đầu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya chỉ đúng khi “bảo vệ thường dân”, và nghi ngờ cuộc can thiệp này còn mang những lợi ích khác: dầu hỏa và cả hình ảnh của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Báo Anh Guardian, Hãng tin Pháp AFP và báo Romania Libera cùng bình luận Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cần cuộc chiến Libya để đánh bóng hình ảnh trước kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2012. Các khảo sát vài tuần qua cho thấy uy tín của ông Sarkozy đang sụt giảm mạnh trong nước do nền kinh tế đang chững lại, tỉ lệ thất nghiệp lên tới 9,6% và công nợ cũng rất lớn. Nhiều khả năng ông Sarkozy sẽ đứng sau cả đối thủ Đảng Xã hội và bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia.

“Sarkozy cần cuộc chiến này cũng như ông ta cần cuộc chiến Gruzia năm 2008 để đánh bóng hình ảnh của mình trước bầu cử tổng thống sắp tới”, báo Romania Libera nhận định.

Báo mạng Mỹ Salon.com và nhật báo Bỉ De Morgen chỉ rõ cuộc chiến Libya là vì dầu khí. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC, hạ nghị sĩ Edward Markey thuộc Ủy ban Tài nguyên tự nhiên Hạ viện Mỹ thẳng thừng khẳng định: “Chúng ta tới Libya vì dầu”. Libya sản xuất 1,6 triệu thùng dầu/ngày, đáp ứng 2% nhu cầu dầu thế giới. Kể từ khi bạo loạn nổ ra ở Libya, hoạt động sản xuất dầu đã giảm 75%. Salon.com nhận định giá dầu thế giới tăng cao là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ, do đó Mỹ quyết định can thiệp vào Libya.

Báo Bỉ De Morgen bình luận một khi chính quyền mới ở Libya đảm bảo khôi phục nguồn cung dầu cho Pháp và khí đốt cho Ý thì “mục tiêu của chiến tranh đã hoàn thành”. Thời gian qua, khi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi “làm lành” với phương Tây, ông ta vẫn ghẻ lạnh với các công ty dầu khí Pháp.

SƠN HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét