Thứ Ba, 22/03/2011, 12:33 (GMT+7)
TTO - Ngày 22-3, chính quyền Libya cho biết đã có thêm dân thường thiệt mạng trong đêm không kích thứ ba liên tiếp của liên quân vào quốc gia Bắc Phi này. BBC cho biết những vụ nổ và tiếng súng phòng không đã vang lên gần dinh thự của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tại thủ đô Tripoli vào đêm 21 rạng sáng 22-3.
Cuộc tấn công của liên quân vào Lybia đêm 21-3 - Ảnh: Telegraph |
Giao tranh giữa lực lượng ủng hộ chính quyền và quân nổi dậy cũng tiếp diễn ở miền đông. Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ sẽ sớm chuyển giao vai trò lãnh đạo của họ trong chiến dịch Libya vài ngày tới và nói Hoa Kỳ muốn ông Gaddafi từ bỏ quyền lực, nhưng cũng cho rằng chiến dịch hiện thời tập trung vào việc bảo vệ thường dân.
Phóng viên BBC tại Tripoli nói bầu trời thủ đô đôi khi sáng rực bởi pháo và súng trường phòng không vào khuya 21-3, trong khi AFP cho biết một vụ nổ đã xảy ra gần dinh thự của ông Gaddafi ở Bab al-Aziziya.
Người phát ngôn chính quyền Libya Moussa Ibrahim nói trong một cuộc họp báo rằng thị trấn miền nam Sebha đã bị không kích ngày 21-3 và liên quân cũng đã bắn phá “một cảng cá nhỏ” gần Tripoli.
Một nhân chứng khác kể với AFP rằng căn cứ hải quân của Libya tại Bussetta, cách Tripoli 10km về phía đông, đã bị đánh bom. Còn kênh truyền hình al-Jazeera nói hai trạm rađa ở các căn cứ không quân phía đông Benghazi đã trúng bom. Ông Ibrahim cũng nói các đợt không kích và bắn tên lửa đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Một xe tăng của nhà cầm quyền Lybia bị bốc cháy - Ảnh: Telegraph |
Tư lệnh chiến dịch của quân đội Mỹ - tướng Carter Ham, trước đó đã cho biết liên quân sẽ nỗ lực mở rộng vùng cấm bay về phía nam và tây Libya bằng các đợt không kích và ném bom, để cuối cùng vươn tới thủ đô Tripoli. Một phi đội máy bay chiến đấu đầu tiên của Canada gồm sáu chiếc CF-18 Hornet cũng đã lần đầu tiên tham gia hợp đồng tác chiến duy trì vùng cấm bay. Washington cho biết sẽ có thêm Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch và Qatar tham gia chiến dịch này.
Chiến dịch tấn công Libya đã gây ra sự căng thẳng trong cộng đồng quốc tế. Ngày 21-3, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lặp lại một lần nữa rằng Nga sẽ không tham gia bất cứ hoạt động quân sự nào liên quan đến vùng cấm bay cũng như các chiến dịch trên bộ, nếu có, ở Libya. Thủ tướng Nga Vladimir Putin gọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép tiến hành các hoạt động quân sự ở Libya là “sai lầm và thiếu sót”.
Trong nội bộ NATO cũng có chia rẽ khi Na Uy nói sẽ không tham gia chiến dịch chừng nào họ còn chưa biết rõ ai là chỉ huy.
Lực lượng liên quân tính tới thời điểm này • Mỹ: các máy bay đánh bom B-2; các máy bay tiêm kích EA-18G Growler và AV-8B; khu trục hạm USS Barry và USS Stout bắn tên lửa Tomahawk từ biển; thiết giáp hạm USS Kearsage; tàu chỉ huy USS Mount Whitney; các tàu ngầm.
• Pháp: máy bay tiêm kích Rafale và Mirage; các máy bay chở nhiên liệu và thám báo; tàu sân bay Charles de Gaulle và các tàu hộ tống. • Anh: các máy bay tiêm kích Typhoon và Tornado; các máy bay chở nhiên liệu và thám báo; tàu ngầm lớp Trafalgar bắn tên lửa Tomahawk từ biển; các tàu chiến HMS Westminster và HMS Cumberland. • Ý: máy bay chiến đấu Tornado; cung cấp căn cứ quân sự ở đảo Sicilia. • Canada: máy bay tiêm kích CF-18; tàu chiến HMCS Charlottetown. • Tây Ban Nha: máy bay tiêm kích F-18; máy bay chở nhiên liệu và thám báo; tàu chiến và tàu ngầm, căn cứ quân sự. • Đan Mạch: máy bay tiêm kích. • Bỉ: máy bay tiêm kích F-16. • Libya: lực lượng quân nổi dậy. |
HẢI MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét