Hồi đầu tháng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nga và tới đầu tuần này, tới lượt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.
Sau chuyến thăm tới Nga của hai trong số 10 nhân vật quyền lực nhất của Mỹ, các nhà phân tích nhận định, hai nước chưa “bắt được sóng” của nhau và chuyến thăm vừa rồi của ông Biden và Gates chứng minh rõ điều đó; dù hai bên đều muốn khởi động lại quan hệ như mong muốn của hai Tổng thống.
Phó tổng thống Biden (phải) vừa thăm Nga. Hai bên đạt được đôi chút tiến bộ nhưng vẫn bất đồng trong rất nhiều vấn đề. |
Giống như ông Biden, ông Gates tới Nga với nhiệm vụ chính là chuẩn bị cho cuộc hội đàm giữa Tổng thống hai nước trong thời gian tới.
Hai chuyến đi chỉ khác nhau có một điểm: ông Biden tập trung vào kinh tế, còn ông Gates là quân sự và chính trị. Ông Zolotaryov nhấn mạnh: “Trong khi ông Joe Biden chủ yếu nói về hợp tác kinh tế với Nga thì mục tiêu của ông Gates là xóa tan những đám mây che khuất hợp tác quân sự, nhất là về hệ thống phòng thủ tên lửa, cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược”.
Tại Nga, ông Gates hội đàm với đồng nhiệm Anatoly Serdyukov và Tổng thống nước chủ nhà Dmitry Medvedev. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “nịnh” Nga khi khẳng định đang nỗ lực xây dựng quan hệ tốt đẹp như với Anh, Pháp và Canada.
Ông Gates cũng tái khẳng định là Mỹ sẵn sàng đảm bảo chính trị với Nga rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở châu Âu không nhằm vào Nga.
Ngoài ra, hai bên cũng bàn thảo và tìm được sự đồng thuận trong cách xử lý rối loạn ở Afghanistan. Ông Serdyukov thừa nhận: “Chúng tôi trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề ở Afghanistan. Nga có lợi ích khi khu vực này ổn định và liên quân chiến thắng”.
Tuy nhiên, ông Felgingauer cảnh báo là những gì mà lãnh đạo Lầu Năm Góc thống nhất với phía Nga cũng không có gì bền vững. Nguyên nhân là năm sau ông Gates sẽ nghỉ hưu nên chẳng ai có thể chắc Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ làm gì khi đó với Nga.
Ông Zolotaryov nhận định: “Những tuyên bố chính trị như gió thổi, có thể tới rồi đi. Đó là lý do vì sao Nga muốn những cam kết chắc chắn hơn, có tính ràng buộc hơn, có thể trước mắt sẽ là một trung tâm trao đổi thông tin tên lửa”.
Chuyến thăm của ông Gates diễn ra trong bối cảnh Bắc Phi, Trung Đông và nhất là Libya tiếp tục rối loạn. |
Tuy nhiên, những tiến bộ trên là rất nhỏ so với những gì còn tồn đọng và vừa xuất hiện trong quan hệ song phương. Do đó, sau chuyến thăm của ông Gates, ông Serdyukov chỉ tuyên bố là hợp tác quân sự Nga – Mỹ đang có “sự tiến bộ đáng tin cậy”.
Trong vấn đề phòng thủ tên lửa, hai bên tiếp tục giữ nguyên khoảng cách khi Nga vẫn phản đối kế hoạch của Mỹ bởi cho rằng, mục tiêu của lá chắn chính là Moscow.
Bản thân Phó tổng thống Biden trước đó thừa nhận Nhà Trắng không thể cam kết bằng văn bản với Nga rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở châu Âu không nhằm vào Nga bởi Quốc hội Mỹ sẽ không làm vậy.
Nga dọa sẽ rút khỏi hiệp ước START mới nếu Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn, “có khả năng làm giảm đáng kể hiệu quả của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga”. |
Cộng với việc hai nước vẫn chưa thống nhất về việc xử lý chương trình hạt nhân Iran, Mỹ ủng hộ Nhật Bản trong việc lên tiếng đòi chủ quyền đối với quần đảo Kurils; Nga gia nhập vào tổ chức thương mại Thế giới (WTO), quan hệ Nga-Mỹ vẫn còn khoảng cách.
Đó là còn chưa tính tới việc hồi đầu tuần, Thủ tướng Nga Vladimir Putin chỉ trích vai trò của Mỹ tại Libya, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov thúc giục Mỹ dừng tấn công Libya...
Nga kêu gọi ngừng bắn ở Libya. |
Như vậy, có thể thấy là quan hệ Nga - Mỹ thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều. Đây là tín hiệu buồn trong quan hệ song phương bởi đây là năm thứ 3 ông Barack Obama và năm thứ 4 ông Dmitry Medvedev làm Tổng thống.
Nếu năm sau, khi hai nước bầu được các nhà lãnh đạo mới nhưng lại không muốn khởi động lại quan hệ như ông Obama và Medvedev thì quan hệ song phương chắc chắn sẽ xấu hơn hiện tại.
Các bất đồng ở trên sẽ chưa thể giải quyết, nếu không muốn nói sẽ là rào cản, đẩy hai cường quốc thế giới ra xa hơn nữa.
baodatviet.vn
Răn đe
Trong bài phát biểu Thông điệp liên bang kéo dài hơn một giờ, Tổng thống Medvedev cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang mới có nguy cơ sẽ xảy ra trong vòng một thập kỷ tới nếu Nga và NATO không đạt được một thỏa thuận hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với một trong hai vấn đề sau: hoặc chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận về hệ thống phòng thủ tên lửa và thành lập một cơ chế hợp tác chung toàn diện, hoặc chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang mới”, ông Medvedev tuyên bố.
Lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh: “Trước tình hình đó, chúng ta sẽ phải quyết định triển khai hệ thống tấn công mới. Rõ ràng, viễn cảnh đó thật khó khăn”.
Tổng thống Nga cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang. |
Giới phân tích diễn giải thông điệp mà ông Medvedev muốn gửi đến phương Tây rằng: “Hãy coi chúng tôi là đối tác tin cậy, nếu không các anh sẽ phải đối đầu với một đối thủ đáng gớm”.
Hòa chung vào giọng điệu cứng rắn này, Thủ tướng Nga Putin tuyên bố: “Khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang là khó có thể tránh khỏi một khi Mỹ không thể thông qua START mới. Đó không phải lựa chọn của riêng chúng tôi. Tất cả chúng ta sẽ cảm thấy bất an và lao vào cuộc đua”.
Ông Putin tái khẳng định, Nga buộc phải tự trang bị để đối phó trước những “mối đe dọa mới” xuất phát từ kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tại châu Âu của Mỹ.
Triển khai hành động
Không đơn giản chỉ là những tuyên bố sáo rỗng, những động thái tăng tốc phát triển kho vũ khí hạt nhân mới đây của Nga rõ ràng cho thấy nước này đang rục rịch chuẩn bị cho kịch bản chạy đua vũ trang.
“Đình đám” nhất trong số những động thái “sốt sắng” này của Nga là hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm Bulava.
Sở dĩ Nga tiếp tục đeo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm này vì tên lửa Bulava được thiết kế với ba tầng nhiên liệu rắn, mang tới 10 đầu đạn hạt nhân đến 10 mục tiêu khác nhau, có tầm bắn khoảng 8.000 km. Điều quan trọng hơn cả là tên lửa này có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện tại và tương lai gần. |
Tới thời điểm hiện tại, trong 14 vụ phóng thử tên lửa Bulava được tiến hành, có 7 lần phóng được ghi nhận là thành công. Đáng nói là hai vụ thử nghiệm gần đây nhất đều thành công.
Giới chuyên gia đánh giá, sự thành công vượt bậc trong các vụ phóng thử Bulava trong năm 2010 là do Nga khắc phục được những yếu kém trong công nghệ lắp ráp tên lửa.
Dự kiến, nếu vụ thử nghiệm cuối cùng trong năm 2010, có thể diễn ra vào cuối tháng này, thành công thì tới giữa năm 2011, dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại này của Nga sẽ được chính thức đưa vào sử dụng.
Bên cạnh nỗ lực phát triển vũ khí hải quân chiến lược, quân đội Nga cũng dốc lực nâng cấp hệ thống tên lửa trên bộ.
Theo tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga (SMF) Karakayev, lực lượng này sẽ được vũ trang bằng loại tên lửa chiến lược mang nhiều đầu đạn mới có tên RS-24 Yars (SS-X-29 theo định danh NATO) thay cho các tên lửa RS-12M Topol-M (SS-27).
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ được trang bị tên lửa RS-24. |
Theo một số nguồn tin, tên lửa RS-24 có thể được vũ trang 6 đầu đạn độc lập, do đó nó có khả năng xuyên thủng hàng phòng ngự tên lửa tốt hơn loại một đầu đạn là Topol-M. |
“Hệ thống phóng tên lửa di động cùng tên lửa RS-24 là bản nâng cấp của Topol-M. Chúng tôi sản xuất nó bằng toàn bộ kinh nghiệm và công nghệ sản xuất các hệ thống tên lửa chiến lược thế hệ 5. Do đó, trong tương lai, lực lượng tên lửa chiến lược Nga SMF sẽ được vũ trang bằng tên lửa loại này và tên lửa Topol-M sẽ không được cung cấp nữa", ông Karakayev nhấn mạnh.
Không dừng lại ở đó, Đại diện Ủy ban quốc phòng của Hạ viện Nga Victor Zavarzin mới đây tiết lộ, chi phí mua, nâng cấp và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ ba hạt nhân của Nga trong ba năm tới sẽ tăng gần 50% so với thời điểm hiện tại.
“Mỗi người trong chúng ta đều hiểu rằng, chỉ có những loại vũ khí, trang bị và phương tiện kỹ thuật quân sự mới nhất, hiện đại nhất mới đủ khả năng bảo đảm phòng vệ hiệu quả. Do vậy, trong ba năm tới, Nga sẽ đầu tư mạnh cho việc trang bị, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự. Cụ thể, năm 2011 là 460 tỷ ruble tăng 20% so với năm 2010, năm 2012 là 595,5 tỷ ruble và năm 2013 là 980 tỷ ruble”, ông Zavarzin nhấn mạnh.
Tiếp tục loạt tuyên bố và hành động cứng rắn của mình, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay tuyên bố, trong năm 2011, quân đội nước này sẽ chú trọng công tác huấn luyện chiến đấu nhằm thực hiện nhiệm vụ do Tổng thống, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang liên bang Nga Dmitry Medvedev giao phó là bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia và quốc phòng.
Cụ thể, trong năm tới, quân đội Nga sẽ tiến hành khoảng 3.000 cuộc huấn luyện và tập trận, trong đó có 1.700 cuộc tập trận bắn đạn thật và phóng tên lửa.
Răn đe không hiệu quả?
Lý giải những luận điệu cứng rắn cùng sự sốt sắng bất thường trong việc nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Nga, nhà phân tích Jacob Heilbrunn của tờ The National Interest cho rằng, Moscow đang thực sự thất vọng với thế bế tắc của hiệp ước START tại Quốc hội Mỹ.
“Đưa mối quan hệ đang dần được cải thiện này trở về thời kỳ chiến tranh lạnh là điều Nga không hề mong muốn. Những tuyên bố mới đây đơn giản chỉ cho thấy, Moscow đang thực sự bất lực trước sự ngoan cố của đảng Cộng hòa Mỹ. Vì vậy, Nga hy vọng, thái độ cứng rắn của mình sẽ là lời cảnh báo với các nghị sĩ đảng Cộng hòa và hối thúc đảng này nhanh chóng mở đường cho START”, ông Jacob Heilbrunn nhấn mạnh.
Phần nào thừa nhận quan điểm của nhà phân tích tờ The National Interest, Trợ lý Tổng thống Nga Arkady Dvorkovich nhấn mạnh, Nga không muốn tiếp tục đối đầu với Mỹ trong vấn đề vũ khí hạt nhân.
“Các nghị sĩ dường như quá vội vàng khi vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình lời đe dọa chạy đua vũ trang của Tổng thống bởi viễn cảnh đó thật tồi tệ. Nó sẽ không tốt cho cả Nga và Mỹ. Điều chúng ta kỳ vọng lúc này là một hiệp ước START mới nhanh chóng có hiệu lực”, ông Arkady Dvorkovich cho hay.
Quan chức này phân tích, thực tế Moscow sẽ chẳng “lợi lộc” gì nếu lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới bởi lịch sử cho thấy, hậu quả của cuộc đua đó là một Liên Xô tan rã và kiệt quệ.
Tuy nhiên, lời cảnh báo đồng thanh của Tổng thống và Thủ tướng Nga dường như chưa đủ “sức nặng” để đè lên những “cái đầu thép” của đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain khẳng định, dù có chút lo ngại trước tuyên bố của Nga nhưng việc thông qua một hiệp ước có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia như START thì không phải chuyện đơn giản. Ông giải thích, hiệp ước này còn quá nhiều lỗ hổng đối với an ninh của Mỹ, đặc biệt là việc START sẽ hạn chế khả năng phòng thủ bằng tên lửa của Washington.
Những lo ngại này đặc biệt được Thượng nghị sĩ Jon Kyl, “người chỉ huy” của phe Cộng hòa trong vấn đề START tại Thượng viện, đặt lên hàng đầu trong các lý do cản trở tiến trình thông qua START của ông.
Ông Kyl khẳng định trong bức điện gửi đến văn phòng của các thượng nghị sĩ khi nhận được thông tin Nga di chuyển hàng loạt đầu đạn hạt nhân chiến thuật tới sát biên giới với các nước thành viên NATO rằng: “Những động thái mới đây của Nga đối với kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này là lời cảnh tỉnh rõ ràng đối với phe Dân chủ. Thực tế cho thấy, dù START được thông qua thì chúng ta cũng không thể kiểm soát được sức mạnh hạt nhân của Moscow”.
Sau đó, khi biết tin Tổng tham mưu Nga Nikolai Makarov phủ nhận thông tin này, ông Kyl vẫn tỏ ra rất ngờ vực. “Ông ta chỉ khẳng định không di chuyển số vũ khí đó đến khu vực Kaliningrad. Chúng ta không thể dám chắc là số vũ khí sẽ không được di chuyển đến các khu vực biên giới khác”.
Ông Kyl cũng nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của Quốc hội Mỹ là giảm thuế và giảm chi công, còn các vấn đề khác có thể xét đến khi thời gian thuận tiện.
Hơn nữa, tờ History News Network nhận định, bất kể đó là vấn đề gì, thái độ phản kháng của phe Cộng hòa đối với các chính sách của Dân chủ, và ngược lại, là truyền thống lâu nay. Đặc biệt, với bản chất hiếu chiến của đảng Cộng hòa, những thách thức của Nga sẽ chỉ làm cho sự phản kháng đó thêm quyết liệt.
Bên cạnh đó, tiến trình thông qua START thu hút quá nhiều sự chú ý của dư luận. Nếu thỏa hiệp với phe Dân chủ để START được “đầu xuôi đuôi lọt” thì quả là một sự “mất mặt” đối với các nghị sĩ Cộng hòa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc uy tín chính trị của ông Obama càng được nâng cao và nó cũng có thể là dấu chấm hết cho cơ hội của các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống năm 2012.
Trên cơ sở những phân tích trên, hầu hết các chuyên gia đều chia sẻ quan điểm rằng, giải pháp cuối cùng của Nga khi đe dọa về một cuộc chạy đua vũ trang cũng vô ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét