3:13, 22/03/2011 | |||||
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 1/4/2001 - 1/4/2011. Ngày 1/4 năm nay là vừa tròn 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ đa năng. Ngoài sáng tác nhạc với những ca từ "đẹp như thơ", ông còn vẽ tranh chân dung và ở lĩnh vực này, ông cũng đã có những tác phẩm được nhiều họa sĩ nể trọng. Bài viết này xin được điểm qua mảng tranh nói trên của Trịnh Công Sơn (tập trung vào một số bức ông vẽ các bạn văn), coi như một nén tâm nhang tưởng nhớ người nghệ sĩ tài ba. Nhân đây, cũng thông tin thêm: Trong những hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng một triển lãm các tác phẩm hội họa của ông... Trước đây, bạn bè thân hữu với Trịnh Công Sơn thường cho rằng, ông "viết nhạc bằng tay phải, vẽ tranh bằng tay trái". Nếu nói về giá trị nghệ thuật cũng như mức độ ảnh hưởng thì điều đó đúng. Song, nhìn ở góc độ lòng say mê và thời gian đầu tư thì lại… chưa hẳn đúng. Bởi theo như một người thân trong gia đình nhạc sĩ cho biết, Trịnh Công Sơn rất thích vẽ tranh chân dung. Và đến nay, mặc dù chưa có con số chính thức song theo ước đoán của giới chuyên môn thì số tranh đó khá nhiều, bởi hầu như với bạn bè, người thân, Trịnh Công Sơn có thói quen thường trực là muốn lưu giữ và thể hiện tình cảm với họ bằng những bức tranh. Họa sĩ Đinh Cường quả là có lý khi nhận xét rằng: "Hội họa là giấc mộng không bờ bến của Trịnh Công Sơn". Sinh thời, Trịnh Công Sơn từng có dịp trưng bày các bức vẽ của mình cùng tranh của nhiều họa sĩ chuyên nghiệp như Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Bửu Chỉ… Một trong những bức chân dung do Trịnh Công Sơn thực hiện được dư luận đánh giá cao là bức ông ký họa chân dung "trung niên thi sĩ" Bùi Giáng. Thậm chí, cách đây ít năm, Báo Thanh niên đăng tin "Ai vẽ Bùi Giáng đẹp nhất?", đã có ý kiến cho rằng người đó chính là Trịnh Công Sơn. Mặc dù Bùi Giáng hơn Trịnh Công Sơn tới 13 tuổi, song trong giao tiếp, bao giờ Bùi Giáng cũng thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với Trịnh Công Sơn. Có lần Trịnh đến chơi nhà, thi sĩ họ Bùi đã cầu kỳ làm động tác… xông hương để đón khách, khiến Trịnh rất cảm động. Bức tranh Trịnh Công Sơn vẽ Bùi Giáng được thực hiện vào một buổi chiều năm 1988, tại quán Ba Miền. Hôm ấy, sau khi vừa uống vodka vừa đàm đạo đủ chuyện trên trời dưới đất, hai người quay sang vẽ chân dung nhau. Dĩ nhiên, về khoản vẽ, Bùi Giáng khó có thể địch nổi Trịnh Công Sơn, song ông lại có tài ứng tác thơ rất nhanh. Và thế là, để trả ơn tri ngộ của nhạc sĩ họ Trịnh khi ông đã "nhìn ra" người bạn già qua bức chân dung rất có thần, Bùi Giáng đã "cảm đề" dưới bức tranh của Trịnh mấy câu:
Cần giải thích ngay với bạn đọc ở đây là, chữ Sờn không phải do người viết bài này đánh máy sai mà chính của thi sĩ họ Bùi. Ông vẫn thường có cách viết như vậy. Như khi viết về Marilyn Mônrô (Marilyn Monroe), ngôi sao điện ảnh Mỹ, để cho thuận vần, ông đã viết là Má Ri Lyn ("Trời xanh úp mặt nghe tên/ Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi" - bài "Trời khóc Marilyn"). Còn câu cuối cùng bị bỏ lửng không phải ông viết tục tĩu gì nên chúng tôi cắt bỏ, không trích tiếp ở đây, mà đơn giản chỉ vì tới đó thì ông… nghẽn mạch thơ(?), không viết thêm được nữa. Đây là chuyện hiếm gặp ở Bùi Giáng. Có lẽ lúc ấy - như một tác giả đã nhận xét - phần vì ông say rượu, phần vì say tình (tình người) đó chăng? Trong âm nhạc, các nhà nghiên cứu thường so sánh Trịnh Công Sơn với Văn Cao. Bản thân Trịnh Công Sơn đặc biệt kính trọng, luôn xem Văn Cao là bậc đàn anh trong nghề. Ông từng nhận xét về nhạc Văn Cao: "Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...". Ở ngoài đời, Trịnh Công Sơn và Văn Cao đã từng có dịp gặp gỡ, đàm đạo với nhau. Và trong một lần như thế, Trịnh đã chớp lấy cơ hội vẽ chân dung tác giả Quốc ca Việt Nam. Tác giả Nguyệt Cầm, trong bài "Có một kho tàng tranh Trịnh Công Sơn" đã đưa ra nhận xét: "Những họa sĩ chuyên nghiệp đôi lúc cũng ngợ tay, khó bóp méo hình thể và sắp xếp không gian được như vậy. Sơn rất giỏi về nắm bắt những nét đặc trưng khi vẽ chân dung, nhất là chân dung những người bạn thân thiết. Sơn vẽ nhiều chân dung Văn Cao rất đẹp. Lột tả được nét tinh tế trên từng khuôn mặt". Ham vẽ nhưng luôn loay hoay, trăn trở sao cho bức vẽ đạt được hiệu quả cao nhất, cũng có lúc Trịnh Công Sơn đã đối xử "nghiệt ngã" với các bức vẽ của mình. Nhà thơ Ngô Văn Tao, người sưu tầm được khá nhiều tranh chân dung của Trịnh Công Sơn từng kể: "Có nhiều bức khi Trịnh vẽ xong, vì một lý do nào đó ông muốn xé hoặc bỏ đi, tôi phải nhanh tay giữ lấy hoặc xin anh mới có để giữ lại đến hôm nay…". Cũng theo ông Ngô Văn Tao, bức Trịnh Công Sơn vẽ chân dung nhà văn Nguyễn Tuân ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đây không phải là bức vẽ do nhạc sĩ họ Trịnh thực hiện trực tiếp mà ông vẽ khi Nguyễn Tuân đã mất. Và không phải ở Việt Nam mà tại… Pháp. "Hồi qua Pháp, ngồi ăn trong một nhà hàng có tên là LIPP, thấy trên thực đơn có vẽ một ly rượu và trong ly rượu có hình một người phục vụ, anh nghĩ ngay đến người bạn rượu vong niên của mình là nhà văn Nguyễn Tuân. Và chỉ vài nét chấm phá trên tấm thực đơn của nhà hàng, anh đã vẽ ra chân dung của Nguyễn Tuân với mái tóc bồng bềnh, cái mũi khá lớn trên hàng ria mép một cách tài tình". Ngoài bức chân dung này, trước đó Trịnh Công Sơn còn có bức ký họa Nguyễn Tuân với cái tên khá ngộ "Anh Nguyễn Tuân nhức xương ở Bến Nghé - tháng 4/1983". Ông già loèo khoèo người Nam bộ, cha đẻ của "Hương rừng Cà Mau" - nhà văn Sơn Nam sinh thời cũng được nhạc sĩ họ Trịnh vẽ chân dung. Sau này, ông đã tặng lại bức họa cho Nhà Lưu niệm Trịnh Công Sơn ở khu Du lịch Văn Thánh. Có người bình luận, nếu đem bán bức tranh này, hẳn ông nhà văn có gia cảnh nghèo khó cũng thu về cả ngàn đôla. Sơn Nam nghe vậy bình thản nói: "Đó là kỷ niệm giữa Trịnh Công Sơn với tui, để đó hay hơn". Với nhà thơ Nguyễn Duy, tác giả bài thơ "Hơi ấm ổ rơm" từng được giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ hồi chiến tranh, Trịnh Công Sơn cũng có ký họa chân dung. Nếu tôi không nhầm thì ông đặt tên bức vẽ là "Mái tóc ổ rơm" (với bức vẽ này, thiết nghĩ khó có cái tên nào hợp hơn). Không dừng ở đấy, Trịnh còn bình luận về hình thức bên ngoài và giá trị nghệ thuật của thơ Nguyễn Duy: "Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang ấy". Hiện tại, được biết, gia đình Trịnh Công Sơn đang cùng một số bạn hữu của ông, trong đó có nhà thơ Nguyễn Duy xúc tiến một số hoạt động cho chương trình kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, và họ đã tính đến việc giới thiệu với đông đảo công chúng mảng hội họa - một mảng nghệ thuật không kém phần đặc sắc của Trịnh Công Sơn. Ngoài các chân dung văn nhân, thi sĩ nói trên, Trịnh Công Sơn còn ký họa những người bạn thân một thời tuổi trẻ của mình như nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường… Mỗi bức chân dung đều được ông gảy ra một nét tính cách, một điểm nhấn số phận nào đó của nhân vật. Tuy nhiên, đông đảo nhất vẫn là chân dung các thiếu nữ, những người phụ nữ mà ông cảm mến. Những bức tranh ấy hiện tản mát ở nhiều tư gia, bởi Trịnh vẽ với mục đích để tặng chứ không cốt để giữ riêng cho mình. Những bức tranh ấy với ông có ý nghĩa như những món quà. Chính bởi vậy mà tranh của Trịnh Công Sơn nếu tập trung chỉ tập trung ở mấy địa chỉ chính, ngoài nhà sưu tập là ông Ngô Văn Tao như đã nói thì nó nằm ở nhà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái ông và ở nhà họa sĩ Đinh Cường, hiện ở Burke, bang Virgina (Mỹ). Được biết, trước đây, có bức tranh của Trịnh Công Sơn đã được bán đấu giá tới nhiều ngàn đôla để làm từ thiện. Một số nhà sưu tập tranh nước ngoài cũng đã để ý tới tranh của ông. Bởi vậy, nhu cầu muốn giới thiệu tranh của Trịnh Công Sơn tới đông đảo công chúng nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông là một nhu cầu cần thiết | |||||
Huỳnh Anh Phương |
Nhạc sĩ họ Trịnh vẽ chân dung bạn văn
CAND.COM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét