Tốc độ tái thiết kinh ngạc của Nhật: Sửa đường trong 6 ngày - Thế giới - Dân trí

Thế giới - Dân trí:
Thứ Năm, 24/03/2011 - 07:08

(Dân trí) - Bức ảnh con đường cao tốc nứt toác cho thấy cường độ khủng khiếp của thảm hoạ 11/3. Con đường này lại là bằng chứng cho thấy tốc độ tái thiết đáng kinh ngạc và khả năng tự phục hồi của quốc gia còn giữa bộn bề lo toan này, chỉ sau 6 ngày.
Công tác thi công bắt đầu ngày 17/3 và chỉ 6 ngày sau đó, đoạn đường bị hư hại nghiêm trọng trên đường cao tốc Great Kanto ở Naka đã lại như chưa có gì xảy ra. Con đường sẵn sàng cho các hoạt động giao thông từ tối qua.


Great Kanto ngay sau thảm hoạ 11/3 và như chưa có gì xảy ra chỉ sau 6 ngày sửa chữa

Nhiều công nhân đã trở lại làm việc chỉ một ngày sau động đất và sóng thần, và nhiều trung tâm thương mại, công ty kinh doanh ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của động đất cũng đã hoạt động trở lại.

Tốc độ phục hồi của Nhật Bản sau thảm hoạ đã khuyến khích các nhà đầu tư, trong đó có ông trùm Warren Buffett của Mỹ, một trong những người giàu nhất thế giới. Ông này đã tuyên bố thảm hoạ đã làm 23.000 người chết và mất tích ở Nhật Bản rồi sẽ là “cơ hội được trả giá” trong các thị trường tiền tệ.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản hôm qua tuyên bố sẽ phải mất tới 25 nghìn tỷ yen (309 tỷ USD) để tái thiết đất nước. Ước tính thiệt hại do Ngân hàng Thế giới đưa ra một ngày trước đó là 235 tỉ USD.

Theo Văn phòng Nội các, những khu vực thiệt hại nặng nhất và cần nhiều chi phí tái thiết nhất là các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima, Hokkaido, Aomori, Ibaraki và Chiba. Cơ quan này cũng cảnh báo thảm hoạ có thể làm chậm đà phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này.

Số người thiệt mạng vì động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã lên tới 9.408, và hơn 14.700 người hiện vẫn đang mất tích. Khoảng nửa triệu người bị mất nhà cửa, và 300.000 người vẫn đang ở trong các trung tâm sơ tán hay nhà tạm.

Tình hình Fukushima I vẫn nghiêm trọng

Trong khi đó, tình hình ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vẫn căng thẳng. “Có những diễn tiến tích cực liên quan đến khả năng nối lại hệ thống điện… dù tình hình tổng thể vẫn còn là mối quan ngại nghiêm trọng”, ông Graham Andrew, quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA hôm qua nói với báo giới.

Hôm qua, công nhân cũng tạm thời được sơ tán khỏi khu vực nhà máy sau khi người ta thấy khói đen bốc lên từ lò phản ứng số 3. Các kỹ sư đã tìm cách làm nguội các lò phản ứng và hồ chứa nhiên liệu đã qua sử dụng nhằm tránh phát tán lớn phóng xạ, sau khi nguồn điện cung cấp cho hệ thống làm nguội bị động đất và sóng thần phá hủy.
Khói đen bốc lên từ lò phản ứng số 3

Sáng hôm qua, các giới chức loan báo rằng điện đã được khôi phục tại phòng kiểm soát ở Đơn vị 3, nơi được xem là nguy hiểm nhất trong 6 lò phản ứng bởi vì đó là nơi duy nhất sử dụng các thanh nhiên liệu chứa cả urani và pluton.

Các quan chức Nhật Bản hôm qua xác nhận nước máy tại Tokyo hiện là không đủ tốt cho trẻ em uống, sau khi nguồn phóng xạ từ một trong các nhà máy hạt nhân bị thiệt hại vì động đất tác động đến nguồn nước của thành phố. Nhưng Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara kêu gọi người dân thủ đô Nhật Bản giữ bình tĩnh.

Xuất hiện trên đài truyền hình, ông Ishihara kêu gọi cư dân “giữ bình tĩnh” và “cố gắng sử dụng nước một cách thận trọng.” Vài giờ sau đó, chính phủ đã mở rộng thông báo hạn chế việc bán các loại sữa và rau lá xuất phát từ các khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại.

Mức độ iodine phóng xạ tại một số khu vực là cao gấp đôi so với mức an toàn được khuyến nghị. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh rằng trẻ em phải uống một lượng nước rất lớn thì mới bị ảnh hưởng. Hiện chưa có rủi ro y tế trực tiếp nào tới người dân.

Chính phủ đã lệnh cho những cho người dân sống ở quận Fukushima không được ăn 11 loại lá rau trồng ở địa phương đã bị nhiễm phóng xạ. Các nhà sản xuất địa phương được lệnh không được đưa đồ ra chợ, và tại quận Ibaraki láng giềng, người dân được lệnh ngừng ngay lập tức việc vận chuyển sữa và ngò tây.

Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ hôm qua tuyên bố mọi loại sữa và sản phẩm từ sữa cũng như rau quả tươi từ bốn quận của Nhật - là Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma - sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Các nước và khu vực khác như Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc cũng thực hiện các đợt kiểm tra nghiêm ngặt đối với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.

Hà Khoa
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét