01/03/2011 21:57
Hôm 28.2, bà Michèle Alliot-Marie chính thức nộp đơn từ chức lên Tổng thống Nicolas Sarkozy, đúng như dự đoán của giới truyền thông. Vị trí ngoại trưởng nay được đảm nhiệm bởi Bộ trưởng Quốc phòng Alain Juppé.
Có thể nói làn sóng biểu tình ở Tunisia không chỉ lật đổ Tổng thống Zine El-Abidine Ben Ali mà còn cuốn văng luôn “bộ trưởng Pháp giữ quyền liên tục lâu nhất trong nền đệ ngũ cộng hòa”. Bà Alliot-Marie, 64 tuổi, thật sự là một “tượng đài” của cánh hữu Pháp, nhưng vị trí tưởng chừng bất khả xâm phạm của bà đã sụp đổ chỉ sau hơn một tháng chao đảo cùng làn sóng bất ổn trong thế giới Ả Rập.
Tượng đài sa cơ
Theo Le Monde, ngày 11.1, trả lời chất vấn của phe đối lập về sự “thận trọng quá mức” của Pháp đối với tình hình Tunisia, bà Alliot-Marie trả lời: “Ưu tiên hiện nay là làm dịu tình trạng bạo lực. Chúng ta có thể đề nghị tham gia hỗ trợ ổn định tình hình an ninh”. Câu trả lời này ngay lập tức vấp phải phản đối dữ dội vì cho rằng ngoại trưởng tỏ ý ủng hộ chính quyền Ben Ali. Dù sau đó bà nhiều lần khẳng định chỉ có ý “làm dịu tình trạng bạo lực để tránh thương vong” chứ không hề có ý đàn áp người biểu tình nhưng vẫn không thuyết phục được dư luận.
“Lửa” chưa nguội thì tuần báo Le Canard Enchaîné lại “châm thêm dầu” vào cuối tháng 1 khi tiết lộ bà Alliot-Marie cùng gia đình đã sử dụng máy bay cá nhân của “đại gia” ngành khách sạn Tunisia Aziz Miled, một nhân vật thân cận với gia đình cựu Tổng thống Ben Ali trong kỳ nghỉ cuối năm 2010. Le Canard Enchaîné còn cho biết bố mẹ bà Alliot-Marie đã mua cổ phiếu một công ty của ông Miled. Giữa lúc cả thế giới xôn xao về quyền lực và sự giàu có của gia đình Ben Ali thì đây là một đòn “chí tử” đối với bà Ngoại trưởng Pháp.
Bà Alliot-Marie ra sức phân bua rằng gia đình bà và ông Aziz Miled chỉ đơn thuần là bạn bè và ông này cũng là “nạn nhân” của gia đình Ben Ali. Tuy nhiên, hàng loạt bài viết trên báo chí Pháp đã phản bác hoàn toàn lập luận của bà.
Theo Le Monde, tài sản của ông Miled đã bị Thụy Sĩ phong tỏa cùng lúc với gia đình cựu Tổng thống Tunisia. Ông cũng là thành viên đảng RCD của ông Ben Ali và từng 2 lần tham gia kêu gọi cựu tổng thống tiếp tục tranh cử vào năm 2014. Các hoạt động kinh doanh của Aziz Miled cũng gắn bó chặt chẽ với gia đình Ben Ali. Tháng 10.2010, Công ty hàng không Air Liberté của ông đã sáp nhập với Công ty hàng không Karthago của Belhassen Trabelsi, anh vợ ông Ben Ali. Ông Miled cũng là đối tác quan trọng trong một số thương vụ bất động sản của Slim Chiboub, con rể nhà Ben Ali. Mới đây, ông Chiboub có chân trong hội đồng quản trị của khu phức hợp du lịch do Miled xây dựng tại Gammarth, đông bắc Tunisia.
Không chỉ có bà Alliot-Marie
Thật ra, việc các quan chức cao cấp của Pháp “thâm giao” và được giới doanh nhân, lãnh đạo các nước Ả Rập mời du lịch vào các kỳ nghỉ là chuyện thường, đặc biệt là tại Bắc Phi. Tờ Le Monde từng nói vui, các “quan lớn” của Pháp đến nghỉ dịp Giáng sinh, năm mới tại Ma-rốc, Tunisia, Ai Cập hằng năm đông đến độ nếu cần có thể tổ chức họp Hội đồng Bộ trưởng tại chỗ.
Giáng sinh vừa qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin đã ở cùng khách sạn với Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux tại Ma-rốc. Đến nay, dù đã về hưu nhưng vợ chồng cựu Tổng thống Jaques Chirac vẫn luôn được các vua Ma-rốc, từ Hassan II đến Mohamed VI mời sang du lịch miễn phí. Vợ chồng Tổng thống Pháp Sarkozy - Bruni lần đầu tiên cho phép các phóng viên chụp ảnh trong một kỳ nghỉ vào cuối năm 2007 tại Ai Cập theo lời mời của Tổng thống khi đó Hosni Mubarak.
|
Đầu tháng 2 vừa qua, ngoài bà Alliot-Marie, Thủ tướng Pháp Francois Fillon cũng bị chỉ trích dữ dội khi gia đình ông đã được cựu Tổng thống Mubarak mời đến nghỉ tại Ai Cập trong dịp cuối năm ngoái. Toàn bộ chi phí ăn ở tại các khu nghỉ riêng biệt của khách sạn 5 sao đều do Chính phủ Ai Cập chi trả.
Kỳ nghỉ lẽ ra rất “bình thường” của cựu Ngoại trưởng Pháp lại trở thành “thảm họa” vì nhiều yếu tố. Những phát biểu vụng về của bà cùng hình ảnh mờ nhạt, thiếu quyết đoán của Pháp trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” tại Tunisia khiến Tổng thống Sarkozy phải tìm cách “cải thiện hình ảnh ngoại giao”. Mặt khác, kỳ bầu cử tổng thống 2012 đang đến rất gần, giữ lại bà Alliot-Marie đang bị dư luận “nói ra nói vào” sẽ là một khởi đầu không mấy tốt đẹp cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy.
Người phụ nữ quyền lực Bắt đầu tham gia chính trường năm 1970, từ vị trí cố vấn ở nhiều bộ, bà Michèle Alliot-Marie dần khẳng định vị trí khi trở thành nghị sĩ, Thứ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên. Sự nghiệp chính trị của bà Alliot-Marie thật sự thăng hoa khi giữ vị trí Chủ tịch đảng RPR (tiền thân của đảng cầm quyền UMP) từ năm 1999 đến 2002. Dưới thời các tổng thống Jaques Chirac và Nicolas Sarkozy, bà liên tục đứng đầu các bộ trọng yếu: Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp và Ngoại giao. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét