Gaddafi đáp trả phương Tây bằng cách đánh phá trung tâm dầu mỏ?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :9:52 AM, 10/03/2011
Quân đội Chính phủ Libya hôm qua bắt đầu tấn công trung tâm dầu lửa quan trọng ở miền Đông là Ras Lanuf, nơi xuất khẩu dầu lớn sang phương Tây nhằm đáp trả dự định lập vùng cấm bay.

Theo thông tin từ phe nổi dậy, các chiến đấu cơ Libya đánh bom một kho chứa dầu tại cơ sở Sidr trong khi pháo bắn loạt của Chính phủ đánh trúng đường ống dẫn dầu cung cấp cho cơ sở này.

Quân đội trung thành với ông Gaddafi cũng pháo kích các vị trí của phiến quân ở phía Tây Ras Lanuf, buộc một số quân nổi dậy phải rút lui trong khi những người khác đánh trả.

Các nhân viên y tế ở Ras Lanuf nói rằng, có ít nhất một người thiệt mạng trong cuộc giao tranh này.

Phe nổi dậy chống đỡ vất vả máy bay của ông Gaddafi.

Tại miền Tây, đài truyền hình nhà nước Libya đưa tin, Chính phủ kiểm soát được Zawiya, nơi quân nổi dậy cố thủ trong nhiều ngày qua bằng cách phát đi những cảnh trong đó những người ủng hộ ông Gaddafi đang tuần hành và hát tại Zawiya hôm qua.

Một số người được chứng kiến nói với các hãng tin phương Tây rằng, có nhiều lính bắn tỉa từ nóc các cao ốc khiến cư dân hoảng sợ, không ai dám ra đường.

Chiến sự ở miền Đông Libya. Theo CNN.



Cùng lúc, trong những phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống Moammar Gaddafi kêu gọi nhân dân Đông Libya giải phóng vùng này khỏi tay các phiến quân mà ông nói là bị ảnh hưởng của al-Qaeda.

Đồng thời, phe ông Gaddafi thông báo sẽ thưởng 400.000 USD cho ai bắt được được người đứng đầu Hội đồng nhân dân của phiến quân có trụ sở ở thành phố miền Đông Benghazi là Mustafa Abdel Jalil.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thưởng 160.000 USD cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt được cựu Bộ trưởng tư pháp Abdel Jalil mà Chính phủ cáo buộc là gián điệp.

Ông Gaddafi treo giải thưởng lớn.

Trong khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở Libya, Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn phân vân có nên can thiệp quân sự vào Libya hay không. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, Ai Cập điều 100 lính đặc nhiệm đến hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở quốc gia Bắc Phi này dù chính quyền Cairo do quân đội cầm quyền từ chối bình luận về thông tin trên.

Theo những nguồn tin này, mục đích của Ai Cập là cung cấp vũ khí, huấn luyện phe đối lập, đồng thời chuẩn bị cho việc thiết lập một thể chế chính trị mới ở miền Đông Libya.

Thông tin rất có cơ sở bởi từ lâu, Mỹ là đồng minh quan trọng với quân đội Ai Cập và hiện Washington đang ủng hộ mạnh phe đối lập Libya nhưng chưa tiện can dự trực tiếp. Do đó, họ phải mượn tay Ai Cập cũng như nhiều đồng minh khác.

Ai Cập là nước có quân đội mạnh nhất thế giới Arab với khoảng 468.500 sỹ quan và binh lính.

Về phía Ai Cập, can thiệp quân sự vào Libya có thể là chiêu dương Đông kích Tây, giúp Chính phủ Ai Cập hướng sự chú ý của người dân ra khỏi các vấn đề trong nước, đồng thời nâng vai trò quân sự của Ai Cập trong khu vực bởi quan hệ Ai Cập - Libya chưa bao giờ “xuôi chèo mát mái” từ khi Tổng thống Gaddafi lên nắm chính quyền vào tháng 9/1969.
Vu Lan (theo CSM, CNN, VOA, UPI)

Quân Gaddafi tra tấn phóng viên BBC

Thứ Năm, 10/03/2011 11:22

(NLĐO)- Lực lượng an ninh trung thành Gaddafi đã giam giữ và tra tấn một nhóm phóng viên của BBC khi họ tìm cách tới thành phố Zawiya trong thời điểm giao tranh.
Ba người của BBC bị đánh bằng cùi tay, đầu gối, gậy gộc và súng tự động, đồng tời bị nhục mạ bởi quân lính và lực lượng cảnh sát mật Libya.
Ba người này bị giam vào ngày 7-3, kèo dài trong 21 giờ. Hiện nhóm phóng viên này đã thoát nạn và rời khỏi Libya.
Goktay Koraltan (trái) và Feras Killani (phải) cho biết những người bị bắt khác cũng bị đánh dã man
Zawiya là nơi diễn ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy hòng giành quyền kiểm soát khu vực miền Tây Libya.
Giống như nhiều phóng viên quốc tế, nhóm phóng viên BBC muốn tránh sự kiểm soát của chính phủ, đi đến tận vùng chiến sự, thành phố Zawiya đang bị bao vây. Khi bị bắt tại một trạm kiểm soát giao thông của quân đội hôm 7-3, đội phóng viên BBC đã trình đầy đủ giấy tờ tùy thân.
Sau đó ba người bị đưa đến một doanh trại quân đội quy mô lớn ở Tripoli. Họ bị bịt mắt, còng tay và bị đánh đập tới tấp. Chris Cobb-Smith, một thành viên của nhóm nói: "Chúng tôi bị bắt đứng úp mặt vào tường. Tôi thấy một người đàn ông tay cầm súng máy đánh vào cổ mọi người. Tôi hốt hoảng la lớn, y bước lại gần, đặt khẩu súng sát cổ của tôi, kéo cò hai lần rồi đạn bay qua tai tôi. Bọn canh gác gần đó rộ lên cười."
Thành viên thứ hai của nhóm, Feras Killani, phóng viên gốc Palestine, kể lại rằng ông bị đánh túi bụi. Nhóm người Libya nói họ không thích các bài viết của ông về phong trào nổi dậy tại Libya và cáo buộc ông làm gián điệp.
Thành viên thứ ba, phóng viên ảnh Goktay Koraltan, cho hay cả ba người tin rằng chỉ có cái chết đang chờ đợi mình.
Trong thời gian bị giam, nhóm phóng viên BBC đã tận mắt chứng kiến nhiều người bị bắt bị tra tấn, trong đó nhiều nạn nhân đến từ Zawiya, có người bị bắt chỉ vì tội nói chuyện với phóng viên nước ngoài.
Được biết sau đó một một quan chức cao cấp của chính phủ Libya đã xin lỗi nhóm phóng viên BBC. Tuy nhiên, trong một tuyên cáo, đài BBC cho hay họ "cực lực lên án cách đối xử tàn tệ trên".
Giám đốc bộ phận phát thanh tiếng nước ngoài của BBC, Liliane Landor, tuyên bố: “Bất chấp các vụ hành hung vừa xảy ra, BBC sẽ tiếp tục đưa tin về tình hình giao tranh tại Libya, cho độc giả cả bên trong lẫn bên ngoài Libya...".
Thu Hằng (Theo BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét