Cập nhật lúc : 9:28 PM, 10/03/2011
Lấy mẫu nước tại suối Lũng Pô (Ảnh do TCMT cung cấp)
(VOV) - Kết quả quan trắc ban đầu của Tổng cục Môi trường cho thấy, nước sông Hồng chưa bị ô nhiễm
Sau thông tin dòng nước sông Hồng chảy qua thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) có hiện tượng lạ, ngày 24/2, Tổng cục Môi trường thành lập đoàn công tác điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng và tiến hành quan trắc một số điểm trên sông Hồng tại tỉnh Lào Cai.
Đoàn đã thực hiện lấy mẫu nước tại 5 vị trí: Suối Lũng Pô, Lũng Pô, Ngòi Phát, Trạm kiểm soát cửa khẩu Bản Vược và Trạm thủy văn Lào Cai và 1 mẫu trầm tích đáy tại Trạm thủy văn Lào Cai.
Theo kết quả quan trắc ban đầu cho thấy chất lượng nước sông Hồng chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên, theo các cán bộ của Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai, gần đây thấy nước sông Hồng có màu khác hơn (ví dụ tại điểm Lũng Pô nước sông Hồng đục, có màu hơi vàng, khác màu hồng phù sa). Ngoài ra, tại Trạm thủy văn Lào Cai, không khí xung quanh có mùi giống mùi xú uế, nước không có mùi.
Đoàn công tác cũng đã tiến hành lấy mẫu trầm tích tại đây để mang về phòng thí nghiệm phân tích. Theo kết quả ban đầu cho thấy, chất lượng nước tại suối Lũng Pô và suối Ngòi đạt QCVN 08:2008 loại A1 (sử dụng tốt cho mục đích sinh hoạt).
Đối với nước sông Hồng (tại 3 điểm quan trắc) chất lượng nước bị ô nhiễm bởi thông số COD, tổng Fe, Pb và tổng dầu, mỡ./.
nongnghiep.vn Sông Hồng bị nhiễm chì và Cadimi nặng | ||
Thái Sinh (11/03/2011 08:15) | ||
NNVN số 41 ra ngày 28/2 đăng bài: Ai đầu độc dòng sông Mẹ? Ngỡ tưởng nơi đầu nguồn sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai dòng sông mới bị ô nhiễm, khi chảy qua tỉnh Yên Bái dòng sông tiếp nhận thêm nguồn nước của ngòi Thia và hàng trăm dòng suối lớn nhỏ thì ô nhiễm sẽ giảm. Nhưng thật bất ngờ, vừa qua Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Yên Bái đã lấy mẫu nước phân tích, kết quả cho thấy nước sông Hồng bị nhiễm độc chì và cadimi rất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Môi trường Yên Bái, ngày 28/2/2011, PC49 đã tiến hành lấy nước mẫu nước mặt sông Hồng tại địa phận Đội I- xã Giới Phiên-TP. Yên Bái để tiến hành phân tích kiểm định một số chất trong nước. Sau khi phân tích, kết quả kiểm định đã xác định được 8 thông số môi trường, trong đó có 2 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt. Đó là chì (Pb) đo được là 0,74 mg/l, giới hạn cho phép tối đa là 0,1 mg/l, vượt 7,4 lần. Cadimi (Cd) đo được 0,103 mg/l, giới hạn cho phép tối đa là 0,02 mg/l, vượt 5,15 lần. Như vậy, hai loại kim loại vô cùng độc hại là chì và cadimi đang đầu độc dòng sông Hồng mà mắt thường không thể nhìn thấy. Ngày 10/3, PV NNVN đi dọc sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái để tìm hiểu mức độ dòng sông bị ô nhiễm ra sao. Anh Nguyễn Văn Khương làm nghề chở đò xã Báo Đáp (Trấn Yên) cho hay: Từ Tết đến nay, nước sông Hồng có màu đục xám, không như mọi năm nước đục màu đất, trên mặt sông bọt trắng từng mảng. Về đêm nước có mùi ung ủng, không giống mùi bùn phù sa…Anh Bùi Duy Đông bến đò Hoàng Thắng (Văn Yên) thì bảo: Mỗi tháng tôi ngủ trên sông 15 ngày, năm nay nước sông trong sớm hơn mọi năm, màu nước xanh xám... Nói rồi anh Đông chỉ lớp đất phù sa gần sát mép nước có màu bạc xen lẫn màu đen bảo tôi: Chưa năm nào tôi thấy phù sa như thế này, lấy gậy khều lớp đất phù sa kia ra thì thối kinh khủng. Chịu, chả hiểu tại sao như vậy… Ông Nguyễn Văn Hải thôn 3 xã Báo Đáp thở dài: Nhà tôi trồng khoảng một sào rau trên bãi bồi ven sông Hồng này, mọi năm rau xanh ngằn ngặt, ăn chả hết. Chả biết do rét hay do tưới nước sông mà rau cứ vàng khè, thối hết nõn. Vợ tôi nản quá chả chăm sóc nữa. Tỉnh Yên Bái hiện có 4 trạm bơm điện, bơm dầu hút nước từ sông Hồng tưới ruộng cho các xã: Việt Thành, Báo Đáp và Nga Quán, với tổng diện tích gần 100 ha và hàng trăm ha hoa màu sử dụng nguồn nước sông Hồng. Bà Thiều Thị Thanh- cán bộ kỹ thuật Cty TNHH Tân Phú dẫn tôi lên trạm bơm Việt Thành do đơn vị quản lý, ông Trần Mạnh Hồng, công nhân vận hành máy bơm ở đây cho biết: Màu nước so với mọi năm xám hơn, nhất là có nhiều bọt trắng. Người dân được Cty cung cấp nước hiện chưa có ý kiến gì, vì ruộng mới cấy… Ông Trần Đức Thăng- Cán bộ địa chính xã Báo Đáp thì hoảng hốt: Xã Báo Đáp có 50 ha lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, còn vài chục ha nữa thì lấy nước từ trong hồ, nhưng mùa cạn vẫn phải bơm nước sông Hồng bổ sung vào hồ, sau đó dẫn ra các cánh đồng. Người dân có nghe loáng thoáng nước sông Hồng bị nhiễm chì, xã tôi còn nhiều hộ ăn nước giếng, nếu nước sông dẫn vào ruộng mà ngấm vào giếng nước ăn thì thật tai họa… Vì sao sông Hồng bị ô nhiễm, nhất là hai loại kim loại cực độc là chì và cadimi, đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân đang sinh sống dọc bờ sông, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để tìm ra thủ phạm, có biện pháp chấm dứt sự ô nhiễm dòng sông. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét