Trao bằng TS danh dự cho GS Ngô Bảo Châu

VietNamNet

- Sáng 8/3, ĐHQG Hà Nội trao bằng tiến sĩ danh dự cho GS Annick Suzor-Weiner, nguyên Phó Giám đốc ĐH Paris - Sud XI và GS.Ngô Bảo Châu, ĐH Chicago.


GS Mai Trọng Nhuận trao bằng tiến sĩ danh dự cho GS Ngô Bảo Châu và GS Annick Suzor-Weiner. Ảnh: Bùi Tuấn

Danh hiệu này ghi nhận những thành tựu trong hoạt động khoa học và đóng góp của các cá nhân cho sự phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế của ĐHQG Hà Nội.

GS. Annick Suzor-Weiner đã nhận bằng tiến sĩ Vật lý tại Ecole Normale Supérieure năm 1979, bổ nhiệm GS tại ĐH Paris-Sud 11 năm 1988. Năm 2003, bà được bổ nhiệm chức vụ giáo sư cấp cao nhất của Pháp.

Trước khi làm cố vấn khoa học công nghệ của Đại sứ quán Pháp tại Hoa Kỳ bà đã kinh qua chức vụ Phó Giám đốc phụ trách quan hệ hợp tác quốc tế.

GS. Annick Suzor-Weiner có nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi, kể cả việc vận động các tổ chức doanh nghiệp của Pháp hỗ trợ học bổng cho học viên, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ và thành công giữa ĐH Paris-Sud với Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm ĐH Pháp tại Hà Nội.



GS Robert Zimmer
GS. Ngô Bảo Châu là cựu học sinh của ĐHQG Hà Nội, hiện đang công tác tại ĐH Chicago. Lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của ông là Hình học đại số, lý thuyết theo nhóm, trình bày dạng cá thể.
Trước khi làm việc tại ĐH Chicago, GS.Ngô Bảo Châu đã làm GS toán học của ĐH Paris-Sud, làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (Institute for Advanced Study), và làm việc tại Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp.

GS.Ngô Bảo Châu đã xuất bản 14 công trình bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về chuyên môn liên quan như: Bổ đề cơ bản của Jacquet và Ye, dưới dạng cân bằng, dưới dạng dương tính; Chùm tính chất, hình thái của sự thay đổi căn bản và bổ đề cơ bản của Jacquet và Ye.

Cũng trong sáng nay, ban giám đốc ĐHQG Hà Nội đã có buổi làm việc với GS Robert Zimmer, Hiệu trưởng Trường ĐH Chicago về việc hợp tác đào tạo.

ĐH hàng đầu của Mỹ này thành lập năm 1890, với các hướng nghiên cứu mạnh tập trung chủ yếu vào khoa học cơ bản, công nghệ, kinh tế, luật và các ngành khoa học khác.

ĐH Chicago có 85 nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel từng là sinh viên, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, trong đó 8 người vẫn đang công tác.

Hàng năm, Đại học Chicago dành khoảng 500 triệu USD cho các giải thưởng nghiên cứu khoa học và công nghệ.

  • Hạ Anh
Dantri.vn:
Thứ Ba, 08/03/2011 - 07:09

(Dân trí)- “Thời kỳ toàn tâm toàn ý dành hết thời gian cống hiến cho khoa học của tôi đã qua. Chặng tiếp theo của tôi sẽ là thời gian cống hiến nhiều hơn cho xã hội, đặc biệt là cho giáo dục để góp phần đào tạo thế hệ trẻ…”.


GS Ngô Bảo Châu trong buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH FPT.
GS Ngô Bảo Châu đã tâm sự như vậy trong buổi giao lưu với hơn 300 sinh viên Trường ĐH FPT hôm 5/3 vừa qua.

Đưa ra lời khuyên chân thành cho sinh viên Trường ĐH FPT, đúc rút từ kinh nghiệm thực tế của chặng đường làm toán của mình, GS Châu chia sẻ: “Quan trọng nhất với con người là không bao giờ dối mình, mà hãy làm những việc mình thật sự thích. Cảm giác thường trực khi nghiên cứu toán học của tôi là sự bế tắc. 100 ngày thì có đến 99 ngày bế tắc, chỉ có 1 ngày là le lói những ý tưởng mới. Nhưng quan trọng là ý tưởng đó, sự đam mê theo đuổi ý tưởng đó đủ đem đến cho mình niềm tin cho 100 ngày còn lại”.

Tâm sự về giải thưởng Fields, GS Châu cho biết: “Năm 2003, tôi bắt đầu theo đuổi Bổ đề cơ bản. Đến năm 2007, tôi cảm giác không tìm ra hướng đi để tiếp tục theo đuổi đề tài này. Sau đó, trong một lần trò chuyện cùng một người đồng nghiệp cùng giới khoa học, tôi đã tìm được gợi ý về cách giải quyết cho vấn đề mình đang bế tắc, và nhờ đó tôi chứng minh được bổ đề cơ bản, đồng thời dành giải thưởng Fields cao quý".

"Với người làm khoa học rất cần môi trường với nhiều người cùng làm khoa học khác xung quanh mình. Họ sẽ là người để cùng chia sẻ, và nhiều khi là người khơi gợi cảm hứng hoặc vô tình mang lại lời giải cho một bài toán khó tưởng như không thể chứng minh được. Đó là một trong những lí do mà tôi chọn ở nước ngoài để theo đuổi toán học. Để có thành công trong bất kì lĩnh vực nào, bạn cần đam mê, và quan trọng là nuôi được đam mê đó lâu dài" - GS Châu cho hay.

GS Châu khẳng định: "Thời gian toàn tâm toàn ý dành hết thời gian cống hiến cho khoa học của tôi đã qua. Chặng thời gian tiếp theo của tôi sẽ là thời gian cống hiến nhiều hơn cho xã hội, đặc biệt là cho giáo dục để góp phần đào tạo thế hệ trẻ".


GS Ngô Bảo Châu và thầy giáo thời cấp 2 của mình - GS Hồ Ngọc Đại.

Một bất ngờ trong buổi giao lưu dành cho GS Ngô Bảo Châu, đó là Trường ĐH FPT "bí mật" mời GS Hồ Ngọc Đại - thầy giáo của GS Ngô Bảo Châu cùng tham gia trò chuyện.

Trong buổi giao lưu, GS Hồ Ngọc Đại đã "bật mí" nhiều chi tiết về cậu học trò nhỏ Ngô Bảo Châu mà giáo sư nhận xét là “từ nhỏ đã rất thật”, đồng thời với tâm huyết của một nhà giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại cũng chia sẻ quan điểm về giáo dục hiện đại cũng như trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên.

Hồng Hạnh




VnExpress: Thứ ba, 8/3/2011, 18:38 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu: 'Mỗi ngày cần học thêm một điều gì đó'

"Mỗi ngày tôi tự nhủ mình cần học thêm một điều gì đó. Đương nhiên không phải lúc nào cũng đi bộ mà cũng có lúc phải chạy", GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội sáng 8/3.

Sau lễ nhận bằng tiến sĩ danh dự của ĐH Quốc gia Hà Nội sáng 8/3, thay bằng bài phát biểu, giáo sư Ngô Bảo Châu đề nghị được giao lưu cùng hàng trăm học sinh, sinh viên của trường. Trong hơn 30 phút trò chuyện, giáo sư đã nhiệt tình trả lời những băn khoăn, thắc mắc của các bạn trẻ.

- Để có được thành công như hôm nay, giáo sư đã phải nỗ lực rất nhiều. Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân ?

- Mỗi ngày tôi phải tự nhủ rằng mình cần học thêm một điều gì đó. Đương nhiên không phải lúc nào cũng "đi bộ" mà cũng có lúc phải "chạy".

Một lần đi leo núi cùng bạn học người Pháp, tôi luôn luôn đi chậm hơn anh ta dù đã cố gắng hết sức. Về phòng tôi hỏi bạn có bí quyết nào để đi bộ nhanh không. Bạn tôi cười nói có một bí quyết, đó là "trước hết chân trái phải đi trước chân phải, sau đó chân phải đi trước chân trái".

GS Ngô Bảo Châu chú ý lắng nghe câu hỏi của học sinh. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Lời khuyên của giáo sư dành cho học sinh, sinh viên để đạt được kết quả cao nhất trong học tập và công việc sau này?

- Đó chính là sự tự tin. Hồi tôi học ở Pháp, tôi thường xuyên cảm thấy kiến thức của mình không bằng các bạn. Ngay cả sau này tôi vẫn còn cảm giác đó. Tuy nhiên, tôi không bao giờ mất tự tin. Tôi luôn tự nhủ rằng những thứ mình chưa biết chẳng qua là mình chưa được học, nếu được học rồi chắc chắn mình sẽ biết. Vì vậy sự tự tin vô cùng quan trọng.

- Theo giáo sư nếu phát hiện năng khiếu đặc biệt của học sinh thì làm cách nào để tài năng đó phát triển?

- Người thầy phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của học sinh thì điều đầu tiên là không để em ấy biết vì sẽ nguy hiểm cho sự phát triển tâm sinh lý của em đó. Có nhiều người biết khả năng của mình sớm đã sinh ra ảo tưởng, không làm được việc gì.

Còn đào tạo nhân tài là vấn đề dài hạn. Tôi nghĩ cái căn bản nhất là làm sao để người trò giỏi có thể gặp được người thầy giỏi.

- Hiện nay nhiều học sinh chọn ngành có công việc tương lai sáng lạn hơn là chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản. Giáo sư đánh giá thế nào về xu hướng này?

- Những người hướng theo khoa học cơ bản phải thực sự có đam mê và đối với họ tình yêu với khoa học cơ bản đặt trên các phạm trù khác. Số tiền kiếm được từ nghiên cứu khoa học cơ bản không nhiều. Tôi nghĩ không nên ép buộc hay định hướng quá mức để một người đi vào khoa học cơ bản trái với ý thích, sở nguyện của họ.

Toán chuyên có cái hay riêng, thú vị riêng của nó, nó có cái đèm đẹp khó nhận biết. Tuy nhiên, không nên quá tập trung vào toán sơ cấp dù nó là yếu tố rất cần thiết, là tố chất, nỗ lực của nhà toán học. Người học phải dần dần làm thêm những mảng về toán cao cấp. Tôi cho rằng sự khác nhau lớn nhất của Toán sơ cấp và Toán cao cấp là khả năng cảm thụ cái đẹp của Toán học.

GS Ngô Bảo Châu nhận bằng Tiến sỹ danh dự của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Những kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh của giáo sư ở trường chuyên khoa học tự nhiên?

- Kỷ niệm sâu sắc mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ là ngày đầu tiên đến trường nhập học. Ngày ấy trường đặt ở Mễ Trì. Lớp chuyên toán gồm các bạn đến từ khắp mọi nơi trên cả nước. Tôi ấn tượng mạnh với những người bạn học của mình bởi ai cũng gầy guộc, quần áo lôi thôi, dép đi loẹt quẹt, nói thì ngọng. Thế nhưng chỉ sau vài trận bóng đá chúng tôi đã trở nên thân thiết.

Thời gian 3 năm ở khối chuyên Toán, chúng tôi hiểu hết cuộc sống, hoàn cảnh của nhau, gắn bó với nhau rất khăng khít. Đó có lẽ là thời gian mà tôi không bao giờ quên được.

- Dự định trong tương lai của giáo sư?

- Tôi dự định làm càng nhiều càng tốt, việc nào chưa làm được tôi sẽ cố gắng để làm. Sắp tới nhà nước sẽ hỗ trợ thành lập Viện cao cấp về Toán. Tôi tin rằng việc ra đời của Viện sẽ có vai trò và khả năng lôi cuốn các nhà khoa học đang nghiên cứu ở nước ngoài về làm và hợp tác. Tôi sẽ cố hết sức để Toán học ngày càng phát triển hơn, đồng thời mở rộng cửa cho các ngành khoa học lý thuyết như sinh học, khoa học máy tính... phát triển.

Hoàng Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét