Thứ Tư, 02/03/2011, 07:53 (GMT+7)
TT - Có một sự thật tuy phũ phàng và đau xót nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận: con người ngày càng tàn ác, không chỉ tàn ác với nhau mà còn cả với thiên nhiên vô tội.
Rừng thông ở Lạc Dương (Lâm Đồng) chết khô vì thuốc độc và bị chặt hạ không thương tiếc - Ảnh: Hồ Khải Nhiên |
Thật xót xa khi nhìn hình ảnh những rừng thông bị đầu độc, bị bức tử phải “chết đứng” (xem “Bức tử rừng thông bằng thuốc độc”, Tuổi Trẻ 27-2). Kẻ thủ ác đành đoạn đổ thuốc độc vào những gốc thông 20 tuổi để sau đó đốt rụi cả rừng thông bạt ngàn.
Nguyên nhân thì đã rõ, không cần bàn cãi. Thủ phạm đã cất công giết cây, phá rừng đương nhiên không thể nào giấu mặt. Vấn đề là những vụ việc như thế này sẽ được nhìn nhận và xử lý như thế nào.
Phóng viên của một tờ báo đã không mấy khó khăn để nắm được “công nghệ” biến rừng thành rẫy cà phê trong vai một người đi mua đất. Nhưng chính quyền sở tại lại chối rằng “không có tình trạng trên”. Chỉ sau khi xem bằng chứng do phóng viên đưa ra mới chịu xác nhận là có và do “những hộ dân lén lút phá rừng” nên chính quyền xã “chưa nắm được” và “chưa nghe thấy”.
Điệp khúc “chưa nắm được”, “chưa nghe thấy”, “sẽ làm rõ”, “sẽ xử lý”... gần như lặp đi lặp lại trong bất cứ phát biểu nào của những người có trách nhiệm trong những vụ việc tương tự.
Chính vì sự “không nghe - không biết - không thấy” đó mà chỉ tính trong năm 2010, cả nước ta đã có 1.747,15ha rừng bị tàn phá, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên (rừng phòng hộ 334,49ha và rừng sản xuất 860,87ha). Mục đích chính của việc phá rừng là làm rẫy (1.394,9ha).
Cà phê lên giá. Ban đầu phá rừng để trồng cà phê chỉ là “sáng kiến” của một vài người. Về sau, thấy người ta bán rẫy kiếm tiền được nhiều quá mà cũng chẳng thấy ai xử phạt gì thế là nhiều người tham gia hơn, mạnh ai nấy phá. Chính sự xử lý thiếu kịp thời của chính quyền và sự thiếu nghiêm khắc của luật pháp đã đẩy những cánh rừng thông vào tình cảnh bi thảm như hiện nay.
LÊ THÚY HẰNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét