Thứ Hai, 07/03/2011, 18:53
(ANTĐ) - Trong trường hợp phải dùng đến lưới mềm thì 2 thợ lặn Hải Phòng sẽ được huy động để hỗ trợ đưa cụ Rùa lên cạn.
Thợ lặn sẽ hỗ trợ trong trường hợp phải dùng đến lưới mềm đưa cụ Rùa lên cạn (Ảnh minh họa) |
Chiều 7-3, ông Lê Xuân Rao (Giám đốc Sở KHCN Hà Nội) cho hay, sở này đã mời 2 thợ lặn từ Hải Phòng lên để “dự phòng” hỗ trợ trong trường hợp phải dùng lưới mềm đưa cụ Rùa lên cạn.
Tuy nhiên phương án tối ưu nhất vẫn là để cụ Rùa tự bò lên chân tháp và giữ lại, bởi với trọng lượng ước tính trên 2 tạ, cụ Rùa sẽ gây ra nhiều khó khăn nếu bị sa lưới. Để phòng ngừa chủ động với chuyện này, thậm chí đội hình chịu trách nhiệm bắt và dẫn rùa về chân tháp đã phải tập luyện trước các thao tác cho thật nhuần nhuyễn.
Do khả năng cụ tự bò lên “phòng mạch” là không cao, nên thậm chí một chiếc máy dò siêu âm cũng đã được chuẩn bị. Trong trường hợp cụ Rùa lặn sâu xuống đáy hồ thì chiếc máy sẽ làm việc, xác định vị trí chuẩn (dù rằng mực nước hồ hiện nay nơi sâu nhất chỉ đạt chưa đầy 1m).
Thời gian để đưa cụ Rùa lên chân tháp Rùa có thể sẽ diễn ra vào cuối tuần này, khi thời tiết ấm trở lại.
Một phác đồ điều trị cho cụ Rùa cũng đã được vạch ra với nhiều bước. Đầu tiên sẽ là việc tẩy trùng phần ngoài mai, và ngoài da cổ, chân cho cụ; sau đó mẫu bệnh phẩm từ cụ Rùa sẽ được mang đi để phân tích tác nhân gây bệnh, xây dựng phác đồ điều trị. Mẫu bệnh phẩm này cũng giúp cho việc xác định giới tính, tuổi thọ của cụ Rùa thông qua phương pháp phân tích AND.
Trong trường hợp vết thương ăn sâu vào mai, vào xương của cụ thì việc chữa trị thậm chí còn phải đem thử nghiệm trước trên ba ba, đề phòng mọi rủi ro có thể xảy ra.
An Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét