văn trường (09/03/2011 09:37) |
Trao đổi với NNVN hôm qua (8/3), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (RIA 1-Bộ NN-PTNT) Nguyễn Hữu Ninh cho rằng việc cứu chữa cụ rùa hồ Gươm không phải là vấn đề quá khó, lĩnh vực thú y thủy sản có thể chữa khỏi; thành phần tham gia cồng kềnh sẽ xảy ra tình trạng “thầy bói xem voi”. Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, mới đây Sở KH-CN Hà Nội đã đề nghị RIA 1 phối hợp cứu cụ rùa bằng các thiết bị máy móc thú y thủy sản hiện đại của Viện. Còn việc tham gia chữa bệnh sẽ do Chi cục Thủy sản Hà Nội tiến hành. “Theo quan sát và kinh nghiệm của tôi thì vết thương của cụ rùa tương đối đơn giản, chỉ điều trị vài tuần là khỏi, không cần sự can thiệp của bên y tế. Cụ rùa chắc chắn bị nhiễm nấm trên mai, trên cổ và chân lở loét là do nhiễm kí sinh trùng. Các bệnh này đều phải sử dụng thuốc kháng sinh đặc trị” - ông Ninh chẩn đoán. Ông Ninh cho rằng nên đưa cụ rùa lên cạn, cụ thể là lên Tháp Rùa để chữa bằng cách lau hóa chất điều trị vết thương, bôi thuốc kháng sinh sau 2 tiếng mới đưa cụ xuống bể nhân tạo. Bể này phải dùng nước hồ Gươm qua xử lí sạch. Biện pháp đổ thuốc trực tiếp vào bể cứu rùa là không hiệu quả bởi kháng sinh nồng độ cao sẽ làm rùa bị ảnh hưởng. Xử lí kháng sinh trong khoảng 3 tuần vết thương cụ rùa sẽ lành, không cần chữa tận 2 năm như ông GĐ Sở KHCN Hà Nội nói. Khi được hỏi về xử lí bệnh bằng loại thuốc cụ thể nào, ông Ninh khẳng định chỉ có thuốc thú y thủy sản trong danh mục cấm mới có thể chữa lành vết thương. Loại thuốc này tuy độc hại nhưng người nuôi thủy sản vẫn dùng, bởi hiện chưa có thuốc nào thay thế. Cùng quan điểm chữa bệnh cho cụ rùa, TS Bùi Quang Tề (RIA 1) có phương pháp điều trị như sau: Sau khi đưa cụ rùa vào bể, dùng thuốc khử trùng ngoài da, nước ô-xi già, cồn hoặc thuốc tím để rửa vết thương. Ông cũng đề xuất bôi thuốc mỡ kháng sinh diệt vi khuẩn gây bệnh cho cụ. Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc trị nhiễm trùng bằng thảo dược như tỏi, sài đất, nhọ nồi… “Khi đã đưa được rùa lên cạn phải lấy mẫu bệnh phẩm để phân tích tác nhân gây bệnh để đưa ra phác đồ chữa bệnh chính xác. Cụ thể, cần xây bể xử lý thuốc với tiêu chuẩn an toàn, không gây xây xát khi nuôi nhốt, chữa bệnh” - ông Tề nói. TS Phan Thị Vân, Phó Viện trưởng RIA 1 cũng đưa ra phương pháp chữa trị khá bài bản. Bà cho rằng trang thiết bị cần thiết bao gồm phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh động vật thủy sản (bao gồm hóa chất và trang thiết bị lấy mẫu, chẩn đoán phù hợp), thường xuyên thay nước trong thời gian dùng thuốc. “Nếu cụ rùa bị tổn thương cơ học, do các lưỡi câu chùm móc vào hoặc do va đập với các vật chắn dưới hồ thì thông thường sẽ tự khỏi nếu môi trường không ô nhiễm. Song song với việc chữa trị, cần tiến hành xử lý nước hồ, bùn đáy hồ để cụ Rùa khi được thả xuống không bị tái nhiễm” - bà Vân đề xuất. |
tienphong.vn: 09:01 | 09/03/2011
TP - Việc bắt Rùa Hoàn Kiếm (Hà Nội) sáng 8 - 3, thất bại, khi 'cụ' Rùa chọc thủng lưới chuyên dụng, thoát ra ngoài. Kế hoạch lai dắt phải hoãn đến tuần sau.
Cụ rùa cào rách hai lớp lưới và thoát ra ngoài. Ảnh: M.H. |
Ngay sau khi bắt hụt Rùa Hoàn Kiếm, đại diện Ban Chỉ đạo Khẩn cấp bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm từ chối tiếp xúc báo chí. Theo thông tin từ một thành viên tổ lai dắt Rùa Hoàn Kiếm, ít nhất phải một tuần nữa mới có thể triển khai bắt lại.
Ông Nguyễn Ngọc Khôi cho biết, trong cuộc họp rút kinh nghiệm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã nhận lỗi là do thiếu kinh nghiệm (làm lần đầu), nên làm lưới không tốt để cụ rùa cào rách thoát ra ngoài. Do đó, Công ty KAT làm lại lưới trong vòng một tuần. Ngoài ra, có thể do quá đông người tới xem, đông người bắt dưới nước, gây xáo trộn nước hồ bùn, làm cụ Rùa sợ hãi…
Chưa thành công
Năm giờ sáng 8-3, người nhái và thiết bị dò siêu âm xác định được khu vực có Rùa Hoàn Kiếm, lưới được thả xuống. Năm thuyền nhỏ chở cán bộ khoa học neo quanh khu vực thả lưới. Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thương mại KAT, có kinh nghiệm nuôi rùa 14 năm, là người phụ trách tổ vây bắt gồm 25 công nhân của Cty.
Các chuyên gia thủy sản từng cảnh báo, việc bắt rùa cần hết sức thận trọng và phải được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm cao trong lĩnh vực này. “Nếu bắt hụt một lần sẽ rất khó bắt lại” - GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, khẳng định. |
Cuộc vây bắt rùa thu hút hàng trăm người hiếu kỳ tới xem. Mỗi lần nhìn thấy đầu rùa nhấp nhô trong khu vực bủa lưới, tiếng reo hò lại rộ lên.
Kéo lưới và quây lưới đến khoảng 11 giờ có thêm loại lưới khác được mang đến. Theo giải thích của một người trong tổ kéo lưới, lưới ở dưới nước là lưới chì định vị, rất nặng và đáy lưới nằm sâu dưới bùn, có tác dụng khoanh vùng khu vực có rùa khu trú. Sau đó sẽ quăng lưới mắt nhỏ hơn để kéo rùa lên bờ.
Hơn chục thanh niên là dân phòng của ba phường Tràng Tiền, Hàng Khay và Long Biên được huy động cùng kéo lưới. Nước mắm được mang tới để họ uống cho đỡ lạnh.
Khoảng 1 giờ chiều, lưới được kéo dần lên. Đây là những tấm lưới đặc chủng làm tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nơi nổi tiếng với nghề chài lưới. Bỗng nhiên hai lớp lưới bị xé toạc. Rùa Hoàn Kiếm bơi thong thả thoát ra ngoài.
Mỹ Hằng
tuoitre.vn: Thứ Tư, 09/03/2011, 07:20 (GMT+7)
TT - 8g ngày 8-3, đội vây bắt rùa hồ Gươm gồm gần 20 người thuộc Tập đoàn KAT bắt đầu vây lưới quanh khu vực rùa nằm sát đường Lê Thái Tổ. Việc bủa vây lưới ngay lần đầu thực hiện đã thuận lợi khi rùa hồ Gươm nổi đến 6-7 lần trong vòng lưới vây.
Vết lưới bị thủng do rùa cắn để chui ra - Ảnh: Hải Hồ |
Toàn bộ khu vực quanh hồ Gươm, đặc biệt là tuyến phố Lê Thái Tổ, bắt đầu trở nên kẹt cứng. “Số lượng người xem đông đến hàng vạn” - một thành viên ban chỉ đạo của TP Hà Nội nói. Suốt gần sáu giờ vây bắt rùa, lực lượng Công an TP, thanh tra giao thông phải huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thiết lập vành đai bảo vệ tới ba vòng nhưng cũng không ngăn được dòng người dồn về khu vực này.
Theo nhận định của một số chuyên gia thủy sản, cả hai khâu chuẩn bị về phương tiện vây bắt như lưới, xuồng và đội ngũ thực hiện các phương án vây bắt đều chưa đạt, dẫn đến kế hoạch không thành. Ghi nhận trong quá trình triển khai vây bắt rùa hồ Gươm từ 8g đến gần 13g cho thấy việc triển khai dùng lưới vây bắt, các đơn vị của Hà Nội đã không lường hết được khó khăn. Suốt năm giờ, vòng vây lưới chỉ nhúc nhích được vài centimet do mắc phải các chướng ngại vật dưới lòng hồ. Tiếp tục sử dụng lưới nhỏ vây bắt vòng trong nhưng phải mất gần hai giờ sau lưới mới được các cán bộ của Tập đoàn KAT mang tới. Đến khi có lưới nhỏ lại xảy ra tình trạng thiếu người xuống hồ kéo lưới. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi trực tiếp chỉ đạo cuộc vây bắt phải liên tục đốc thúc các đơn vị huy động lực lượng quân đội, dân phòng, tình nguyện viên của quận Hoàn Kiếm cùng các cán bộ công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nhưng chỉ có khoảng 40 người tình nguyện xuống hồ kéo lưới trong điều kiện thời tiết giá rét. Đánh giá việc tổ chức lực lượng vây bắt rùa, ông Khôi cho rằng việc tổ chức vây bắt còn hạn chế và cần phải rút kinh nghiệm.
Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao khẳng định tất cả mọi công đoạn từ khâu chuẩn bị phương tiện đến tổ chức vây bắt, kể cả chi tiết rùa cắn rách cả hai lần lưới bủa vây trở lại hồ đều đã được TP rút kinh nghiệm. Trước mắt, ông Rao cho biết TP tiếp tục duy trì phương án dùng lưới mềm để vây bắt rùa trong thời gian tới, kết hợp với phương án tự nhiên để rùa tự bò lên chân tháp qua bốn cửa đã mở sẵn. Riêng về thời điểm tổ chức vây bắt tới đây, ông Rao cho biết hiện tại TP vẫn chưa xác định thời điểm cụ thể.
XUÂN LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét