Theo ông Praveen Swami, các cường quốc trên thế giới đang “lao mình” vào chiến sự tại Libya bởi trữ lượng dầu mỏ không nhỏ của quốc gia Bắc Phi này. Chuyên gia này nhấn mạnh, Trung Quốc cũng không nằm ngoài vòng xoáy.
“Trung Quốc từng phản ứng không quá mạnh mẽ với các làn sóng chống người Trung ở Tonga, Lesotho, Papua New Ghine và Algeria hay các đợt tấn công và bắt cóc công nhân Trung Quốc ở Ethiopia và Nigeria năm 2007. Tuy nhiên, chiến dịch sơ tán công dân Trung Quốc ở Libya và Ai Cập được thực hiện với quy mô chưa từng có. Chỉ riêng chiến dịch ở Libya có sự tham gia của 20 máy bay dân sự, bốn máy bay vận tải quân sự và một tàu khu trục mang tên lửa Xuzhou. Việc Trung Quốc triển khai các lực lượng quân sự để sơ tán lao động của mình là một dấu hiệu bất thường”, ông Praveen Swami cho hay.
Ji Mingkui, một chuyên gia tại ĐH Quốc phòng Trung Quốc dự đoán, trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ triển khai thêm nhiều lực lượng tại Libya nhằm “bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài”. Hồi năm 2008, một tờ báo của Chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh nhu cầu gia sức mạnh quân sự để không chỉ hoạt động trong khu vực mà còn có thể “phản ứng nhanh ở nhiều khu vực khác nhau”.
Trung Quốc cả tàu khu trục mang tên lửa sang Libya di tản dân. Ảnh minh họa. |
Ông Praveen Swami cho hay, chỉ riêng trong năm tới, Trung Quốc sẽ rót hơn 56 tỷ bảng để trang bị tàu sân bay, tàu chiến và các hệ thống tên lửa có khả năng bắn hạ tàu sân bay Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Mục đích quan trọng nhất của chương trình hiện đại hóa quân sự này chính là nhằm bảo vệ nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển phục vụ công tác vận chuyển dầu về nước.
Theo chuyên gia phân tích của Telegraph, Trung Quốc “sục sôi” tìm nguồn dầu mỏ không phải vì thế giới đang khan hiếm dầu.
Thực tế, Arab Saudi tuyên bố có thể bù lấp những khoản thiếu hụt nguồn dầu do tình hình chiến sự tại Libya gây ra bởi trữ lượng của Arab Saudi lên tới 3,5 triệu thùng mỗi ngày, nhiều gấp đôi so với sản lượng của Libya trước khi xảy ra chiến sự. Động thái của Arab cũng nhanh chóng “hạ nhiệt” thị trường dầu từ 120 USD một thùng xuống 105 USD.
Hơn nữa, Nobuo Tanaka, giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) còn khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo nguồn cung hai triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng hai năm tới. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng”.
Ông Praveen Swami nhấn mạnh, giám đốc IEA hoàn toàn đúng khi cho rằng, cộng đồng quốc tế không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, chuyên gia này quả quyết, về dài hạn, không quốc gia hay cá nhân nào có thể đảm bảo có được nguồn cung dầu ổn định. “Trung Quốc nhìn thấy được mối lo ngại trong tương lai đó”, ông Swami cho hay.
Theo chuyên gia này, 5 quốc gia đang nắm giữ một nửa nguồn dự trữ dầu trên thế giới là Arab Saudi, Iran, Iraq, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Tốc độ suy giảm sản lượng của các nhà sản xuất bên ngoài Trung Đông cao hơn nhiều so với 5 quốc gia này. Theo dự báo của Viện phân tích an ninh toàn cầu, Nga, quốc gia có sản lượng cao gần bằng Arab Saudi, sẽ cạn dầu vào năm 2020. Trong khi đó, trữ lượng của những nhà sản xuất châu Phi như Nigeria cũng sẽ bằng 0 vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là Trung Đông, trong tương lai không xa, sẽ trở thành nguồn cung chính về dầu mỏ.
Trung Quốc lo ngại về tương lai nguồn cung dầu bị gián đoạn. |
Tuy nhiên, Trung Đông lại có nền chính trị bất ổn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai lực lượng quân sự sẽ giúp đảm bảo cho nguồn cung dầu tại Trung Đông. Tuy nhiên, câu chuyện về các giếng dầu ở Iraq là bài học đáng lưu tâm. Một thập kỷ sau khi chế độ của Saddam Hussein sụp đổ, ngành công nghiệp dầu mỏ tại Iraq vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Các mỏ dầu ngày ngày vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy bởi làn sóng bạo lực.
Vì vậy, việc Trung Quốc lo ngại và “lăn xả” đi kiếm các nguồn cung dầu khác nhau là hoàn toàn có cơ sở. Với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm, dầu mỏ là nguyên liệu không thể không có.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Không chỉ vậy, IEA ước tính, tiêu thụ của Bắc Kinh sẽ tăng lên 13,1 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2030, tăng 3,5 triệu thùng so với năm 2006.
Dù Trung Quốc không ngừng đầu tư cho hoạt động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nhưng thực tế cho thấy, ngay cả khi 25 nhà máy hạt nhân của nước này đi vào hoạt động, nó cũng chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia khác, từ Angola, Sudan đến Kazakhstan. Tuy nhiên, số liệu năm 2006 cho thấy, tổng sản lượng dầu sản xuất ở nước ngoài cũng chỉ được 1,675 triệu thùng mỗi ngày – ít hơn 19% so với mức nhập khẩu của Trung Quốc.
Nói cách khác, trong tương lai, Trung Quốc còn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét