Động đất 8,9 richter gây sóng thần cực lớn tàn phá Nhật, 300 người chết

Thế giới - Dân trí:
Thứ Sáu, 11/03/2011 - 14:09

(Dân trí) - Một trận động đất mạnh tới 8,9 richter chiều nay đã làm rung chuyển bờ biển Thái Bình Dương của Nhật, gây ra sóng thần cao tới 10m ập vào thành phố cảng Sendai. Khoảng 300 người chết, hàng trăm người bị thương. Cảnh báo sóng thần được ban bố ở ít nhất 20 nước.
Sóng thần quét qua miền bắc Nhật
Trận động đất xảy ra vào 2h46 chiều (giờ địa phương), cách bờ biển Sendai, quận Miyagi, miền bắcNhật, 130km và cách đông bắc Tokyo 382km, ở độ sâu 24km. Mới đầu cơ quan động đất Nhật cho biết trận động đất có cường độ 7,9 richter, nhưng sau đó nâng lên tới 8,9 richter. Trận động đất đã làm rung lắc mạnh các tòa nhà ở Tokyo, khiến mọi người sợ hãi đổ nhào ra phố.
Đây là trận động mạnh nhất từng tấn công Nhật Bản trong vòng 140 năm qua, gây ra khoảng 80 đám cháy trên khắp nước Nhật.

Vị trí xảy ra động đất.
Nhiều người thương vong, thiệt hại rộng khắp
Cảnh sát ở thành phố Sendai, thành phố hứng chịu trận sóng thần cao tới 10m, có tới 300 thi thể được tìm thấy trên bờ biển.

Cơ quan cảnh sát quốc gia cho hay ít nhất 60 người thiệt mạng, 241 người bị thương và 56 người bị mất tích. Trong khi đó Đài truyền hình NHKđưa ra con số người thiệt mạng là hơn 90.

“Mức độ tàn phá lớn tới mức phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể thu thập được dữ liệu”, một quan chức của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật cho hay.

Cảnh sát ở quận (tương đương với tỉnh ở VN) Iwate, gần tâm chấn, xác nhận 17 người thiệt mạng tại đây.

Trong số những người thiệt mạng có 1 người già 67 tuổi, bị một bức tường đè lên người và một phụ nữ thiệt mạng do sập mái nhà. Cả hai đều ở khu vực Tokyo.

3 người đã bị đè chết khi nhà của họ bị sập ở quận Ibaraki, đông bắc Tokyo.

Khoảng 3.000 dân sống gần một nhà máy hạt nhân ở quận Fukushima, bắc Tokyo, được lệnh sơ tán, trong khi chính phủ cho hay hiện không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Chính phủ cho biết, sơ tán chỉ là để phòng trước, sau xảy ra sự cố làm mát lò phản ứng.

Các nhà máy điện hạt nhân khác và các cơ sở lọc dầu bị đóng cửa ngay sau trận động đất 8,9 richter. 1 nhà máy lọc dầu bị bốc cháy. Ngoài ra xảy ra một vụ nổ lớn ở tổ hợp hóa dầu ở quận Miyagi.
Sóng thần cao 10m ở Sendai
Theo thông tin ban đầu, trận động đất đã gây ra sóng thần cao tới 10m ở cảng Sendai, quận Miyagi, miền bắc Nhật.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy sóng thần cuốn theo đống đổ nát còn đang bốc cháy ầm ầm tiến vào một khu vực rộng lớn ở ven biển gần thành phố Sendai, nơi có 1 triệu dân.

Nước do sóng thần mang theo bủa vây sân bay Sendai, quận Miyagi, miền bắc Nhật.
Xe hơi bị cuốn trôi khắp các con phố trong sân bay Sendai, trong khi nhiều khu vực trồng trọt bị sóng thần nhấn chìm.

Các loại xe khác có thể được nhìn thấy nhấp nhô trong bức tường sóng thần.
Đường băng, bãi đỗ xe và những khu vực lân cận phủ đầy bùn và đống đổ nát do sóng thần đẩy tới sân bay Sendai.

Một con thuyền lớn đâm thẳng vào một đê chắn sóng ở thành phố Kesennuma; một nhà máy lọc dầu ở quận Chiba, gần Tokyo bốc cháy dữ dội; và sóng thần cuốn trôi nhà cửa ở quận Fukushima.

Hàng loạt xe hơi trôi nổi khắp vịnh ở quận Iwate, trong khi Tokyo bị đóng cửa, hệ thống tàu hỏa bị ngưng.

Hàng loạt dư chấn mạnh tiếp tục rung chuyển khu vực, không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ

Hàng chục dư chấn tiếp tục làm rung chuyển miền bắc Nhật sau trận động đất 8,9 richter.
Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã lên truyền hình trấn an dân chúng và khẳng định không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Dân văn phòng ở Tokyo nháo nhào chạy ra ngoài phố.
Trận động đất còn được cảm thấy ở tận thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, cách đó 2.500km.

Ngay sau khi xảy ra động đất, cơ quan khí tượng nước này cùng Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã ra cảnh báo sóng thần ở mức cao nhất trên toàn bộ các bờ biển Nhật, và ít nhất 18 nước, khu vực khác gồm Nga, Australia, New Zealand, Indonesia, quần đảo Mariana, Đài Loan, Brunei...
Khói bốc lên từ Tokyo sau trận động đất mạnh 8,9 richter rung chuyển miền bắc Nhật.

Tokyo bị tê liệt sau động đất

Sân bay Narita của Tokyo đã bị đóng cửa, hãng thông tấn Kyodo News cho hay. Haneda, cảng chính của thành phố cũng bị đóng cửa, NHK cho hay.

Hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, chuyên chở hơn 6 triệu khách mỗi ngày, cũng ngừng hoạt động trên toàn bộ 9 đường ray, trong khi các chuyến tàu Shinkansen cũng bị ngưng. Cảng Tokyo đóng toàn bộ 19 cổng, chuẩn bị trước khả năng sóng thần có thể xảy ra.

Theo NHK Nhật, hơn 4 triệu tòa nhà ở Tokyo và các khu vực lân cận bị mất điện ngay sau trận động đất.

Đồng Yên Nhật giảm mạnh so với đồng đô la sau trận động đất.

Chính phủ đã thành lập nhóm ứng phó với trận động đất và Thủ tướng Naoto Kan cho hay sẽ cố gắng hết sức có thể để giúp những người cần giúp đỡ. “Chúng ta sẽ giúp đỡ nhau để giảm thiểu thiệt hại”, ông cho hay. “Chúng tôi yêu cầu các bạn hành động theo cách này để có thể giảm thiểu được thiệt hại”.

Trong những ngày vừa qua, rất nhiều trận động đất đã tấn công cùng khu vực xảy ra trận động đất ngày hôm nay, trong đó có trận động đất mạnh 7,3 richter vào ngày thứ tư vừa qua.

Tiếp tục cập nhật

Phan Anh
Tổng hợp


baodatviet.vn
Cập nhật lúc :3:29 PM, 11/03/2011

Nga, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea, Australia, Fiji, Mexico, New Zealand, Guatemala, El Salvador, Costa Rica, Nicaragua, Panama, Honduras, Chile, Ecuador, Colombia, Peru và Mỹ đồng loạt đưa ra cảnh báo sóng thần sau khi trận động đất có cường độ 8,9 độ Richter xảy ra ngoài khơi Nhật Bản hôm nay.

Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý địa cầu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là Tiến sĩ Lê Huy Minh nhận định, động đất ở Nhật không ảnh hưởng tới Việt Nam.

Sóng thần lan xuống vùng biển giữa Đài Loan và Philippines sẽ suy yếu, năng lượng sóng vào đến biển Đông là rất nhỏ và “không có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển Việt Nam..

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, nhiều nhà máy điện hạt nhân và lọc dầu phải đóng cửa. Ngay cả hãng điện tử khổng lồ Sony cũng phải đóng cửa 6 nhà máy.

Không quân Nhật phải cử máy bay tới vùng Đông Bắc để đánh giá thiệt hại từ trên không.

Chánh văn phòng nội các Yukio Edano thông báo, Thủ tướng Naoto Kan vừa ban bố tình trạng khẩn cấp về điện hạt nhân để nếu xảy ra rò rỉ phóng xạ thì cơ quan chức năng hành động kịp thời. May mắn là hiện chưa phát hiện dấu hiệu rò rỉ phóng xạ.

Chính phủ cũng trấn an rằng người dân sinh sống gần các nhà máy điện hạt nhân không cần thực hiện bất kỳ hành động đặc biệt nào.

Trong khi đó, theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Nhật Bản đóng cửa an toàn cả bốn nhà máy điện hạt nhân gần nơi xảy ra trận động đất.

Ngân hàng Nhật Bản cũng phải ra tuyên bố trấn an và khẳng định sẽ làm hết sức để ổn định tài chính. Tuy nhiên, do thiệt hại quá lớn và tâm lý của nhiều nhà đầu tư hoảng loạn, nhiều thị trường chứng khoán chao đảo, hàng loạt chỉ số tụt giảm.

Ngay sau khi nhận được tin về thảm họa ở Nhật, rất nhiều lãnh đạo gọi điện hỏi thăm, chia buồn và bày tỏ mong muốn giúp Nhật Bản đối phó với thảm họa trên, trong đó có Việt Nam.

Theo những thông tin mới nhận được, do sóng thần suy yếu và các khu vực khác có sự chuẩn bị nên chưa có nơi nào bị thiệt hại nặng nề ngoài Nhật Bản, kể cả Kuril, Đài Loan, Philippines...

Video sóng thần tàn phá Nhật Bản.


Tâm chấn nằm gần Sendai nhưng Tokyo cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhật nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, hứng chịu 20% số vụ động đất mạnh
trên 6 độ Richter của thế giới
Sóng thần lan ra và sẽ tấn công các địa điểm như trên bản đồ trên.
Các khu vực có thể sẽ phải hứng chịu sóng thần.

Tại sao có động đất?

Bản thân trái đất không “đặc cứng” mà trong lõi của nó vốn là một khối chất lỏng nóng chảy gọi là mắc ma (magma). Lớp vỏ trái đất hay còn gọi là thạch quyển (lithosphere) bao gồm các lớp cứng xếp chồng lên nhau gọi là các mảng kiến tạo (plate tectonics) nằm trên những lớp tương đối dẻo và chuyển động không ngừng gọi là quyển mềm (athenosphere). Tại ranh giới giữa các mảng kiến tạo gần nhau sẽ xảy ra ba trường hợp như sau:

- Các mảng có thể di chuyển ra xa nhau. Lúc này mắc ma nóng chảy sẽ trào lên trên lớp thạch quyển tạo thành dung nham (chủ yếu dưới lòng đại dương). Khi dung nham nguội đi, nó đông cứng lại để tạo thành lớp thạch quyển mới, trám các lỗ hổng lại. Đây được gọi là ranh giới mảng phân kỳ (divergent plate boundary) gây ra hiện tượng dịch chuyển của các lục địa.

- Các mảng có thể đẩy nhau. Thông thường thì mảng này thường đẩy mảng kia từ phía dưới tạo thành các ngọn núi. Ranh giới giữa các mảng này được gọi là ranh giới mảng hội tụ (convergent plate boundary).

- Các mảng trượt qua nhau theo các hướng khác nhau. Ở trường hợp này, các mảng sẽ bị trượt rồi ép chặt vào nhau gây ra một lực ma sát rất lớn tại ranh giới giữa hai mảng mà ta gọi là ranh giới mảng chuyển dạng (transform boundary).

Giữa các mảng kiến tạo gần nhau trong lòng đất xảy ra đứt gãy va đập vào nhau và gây ra động đất
Tại các ranh giới này bao giờ cũng nảy sinh ra những vết đứt gãy hay còn gọi là các phay (fault) trong lớp vỏ của trái đất. Khi các dòng mắc ma chuyển động kéo theo các mảng địa tầng chuyển động sẽ khiến các vết đứt gãy va đập vào nhau theo nhiều cách như đứt gãy bình thường, đứt gãy đảo ngược, đứt gãy nghịch chờm, đứt gãy trượt ngang…

Có những vết đứt gãy xảy ra bên trong lòng đất mà chúng ta không cảm thấy, tuy nhiên ở những vùng bao có nhiều vết đứt đoạn (fault zone) với những lớp phay liên tiếp kết nối với nhau sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm tăng áp lực liên tục với cường độ ngày càng mạnh, từ đó sẽ dẫn đến những cơn động đất lớn hơn có thể đo đạc được. Đây cũng là lý do mà nhiều trận động đất khác nhau có thể xảy ra trong cùng một khu vực chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Vì sao động đất có sức tàn phá lớn?

Khi động đất xảy ra, nó chỉ diễn ra tại một vùng đứt gãy nhưng tại sao lại có sức tàn phá lớn thậm chí là ở những vùng cách đó rất xa? Hiện tượng này được gây ra bởi các sóng địa chấn (seismic wave)

Khi có những phá vỡ hay thay đổi bất ngờ xảy ra trong lớp vỏ của trái đất, năng lượng này sẽ tỏa ra sóng địa chấn. Trong mỗi trận động đất, có các loại các sóng địa chấn khác nhau gây ra những tác động khác nhau:

- Sóng thân (body wave): tức là loại sóng di chuyển xuyên qua lòng đất. Sóng thân lại chia ra làm hai loại chính:

- Sóng P hay sóng nén: di chuyển với tốc độ khoảng 1,6- 8 km/giây tùy thuộc vào loại vật chất chúng đi xuyên qua. Sóng này có tốc độ lớn nhất trong tất cả các loại sóng và có thể đi qua cả môi trường rắn, lỏng, khí trong lõi trái đất. Chúng còn được gọi là sóng dọc vì khi di chuyển, chúng đẩy các hạt đá ra trước và sau theo hướng sóng di chuyển.

- Sóng S hay sóng cắt: chậm hơn sóng P khoảng 1,7 lần. Chúng còn được gọi là sóng ngang vì khi di chuyển, chúng đẩy những hạt đá ra phía ngoài, vuông góc với đường đi của sóng. Do đó, sóng S không di chuyển xuyên qua hết lòng đất, chúng chỉ đi qua chất rắn và thường dừng lại ở các lớp chất lỏng trong lõi trái đất.

- Sóng bề mặt (surface wave) hay còn gọi là sóng dài, sóng L phát sinh từ sóng thân. Nó di chuyển phía trên bề mặt trái đất với tốc độ chậm. Đây là loại sóng chịu trách nhiệm chính cho hầu hết các thiệt hại vì chúng có biên độ lớn, thời gian dài nên gây ra những rung động mãnh liệt nhất. Chúng cũng được chia làm hai loại:

- Sóng Rayleigh là loại sóng được phát hiện bởi nhà vật lý người Anh Lord Rayleigh vào năm 1885. Chúng di chuyển tạo thành những đường gợn sóng và có tốc độ chỉ bằng 90% so với sóng S.

- Sóng Love: Loại sóng này được đặt tên theo tên một nhà toán học người Anh là A.E.H. Love đã tạo ra một mô hình toán học của nó vào năm 1911. Sóng Love thường đi hơi nhanh hơn sóng Rayleigh một chút và khi di chuyển có thể gây ra những vết cắt tròn trên bề mặt trái đất.

Chính vì vậy, khi xảy ra động đất, không những các công trình công cộng, nhà cửa của con người bị sụp đổ mà nó còn gây nên những tác động liên hoàn, dẫn đến những thảm họa tự nhiên khác như tạo thành sóng thần, lở tuyết, lở đất, khiến những núi lửa thậm chí đã tắt từ lâu hoạt động trở lại….

Phân biệt động đất thật và giả

Kỹ sư Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, việc phân biệt giữa rung động của động đất và rung động do con người gây ra rất đơn giản. Rung động nhân tạo thường có tấn số cao và dao động tắt dần rất nhanh. Rung động động đất thì ngược lại, tần số thấp và tắt dần lâu hơn. Các trận động đất chỉ xảy ra trong vài giây cho đến vài phút, rung động nhân tạo thì có thể không tuân theo quy luật nào về thời gian.

Khác với động đất, rung động nhân tạo có khả năng tác động trên một phạm vi rất hẹp. "Đóng một cái cọc bê tông tiết diện 40 x 40 cm ở độ sâu khoảng 30m thì bán kính chấn động của nó có thể là 40 - 50m", kỹ sư Dũng nói.

Vì sao sóng thần xuất hiện sau động đất?

Theo VnExpress, sóng thần có thể hình thành khi các mảng địa tầng dưới đáy biển va chạm vào nhau vào gây nên động đất.

Nếu chấn mạnh xảy ra dưới đáy đại dương, một hoặc nhiều mảng địa tầng có thể được nâng lên hoặc sụt xuống khiến nước ở phía trên trồi lên hoặc sụt xuống theo. Sóng lớn hình thành ngay sau đó trong cả hai trường hợp. Như vậy, khi một hoặc nhiều khu vực dưới đáy đại dương nâng lên hoặc hạ xuống mạnh, sóng thần có thể hình thành.

Vì nhiều lý do mà người ta không thể dự đoán được sự xuất hiện của sóng thần sau những trận động đất ngoài đại dương. Thông thường, nếu động đất xảy ra, các nhà khoa học không thể biết ngay tác động của nó đối với đáy đại dương, mà phải chờ vài giờ sau đó. Ngoài ra con người không thể phát hiện sóng thần nếu chúng ta ở giữa đại dương, bởi chúng chỉ thể hiện sức mạnh khi tới gần bờ.

Không phải mọi cơn địa chấn dưới đáy biển đều gây nên sóng thần. Giới chuyên gia nhận định sóng thần chỉ xảy ra sau động đất nhờ sự kết hợp của ba yếu tố sau: cường độ địa chấn, hướng dịch chuyển của mảng địa tầng và địa hình đáy biển. Khả năng hình thành của sóng thần sẽ rất thấp nếu sự va chạm giữa các mảng địa tầng xảy ra rất sâu so với đáy đại dương, mảng địa tầng chỉ dịch chuyển nhẹ theo phương thẳng đứng, mảng địa tầng dịch chuyển theo phương ngang.

Đáy biển chuyển động càng mạnh theo phương thẳng đứng thì độ cao của sóng thần càng tăng. Sức mạnh của sóng thần sẽ tăng tới mức khủng khiếp nếu tâm chấn của động đất nằm dưới đáy đại dương và mảng địa tầng dịch chuyển mạnh theo phương thẳng đứng. Trận sóng thần năm 2004 trên Ấn Độ Dương và năm 1964 trên Đại Tây Dương là những đợt sóng có khả năng vượt qua cả đại dương. Khi lan truyền trên mặt đại dương, sóng thần thường đạt vận tốc gần bằng máy bay phản lực, nghĩa là từ 800 tới 1.000 km/h. Nhưng khi tới gần đất liền tốc độ của sóng thần giảm dần.

Cục Địa chất Mỹ khẳng định, trừ những trận sóng thần lớn nhất, chẳng hạn như sóng thần trên Ấn Độ Dương vào năm 2004, phần lớn sóng thần không mang đến những đợt sóng khổng lồ. Thay vào đó chúng ập vào đất liền dưới dạng những đợt thủy triều cực mạnh và nhanh. Khi lan tỏa trên bề mặt đại dương, độ cao của chúng chỉ khoảng vài cm. Nhưng lúc tới gần bờ, lực dưới đáy biển có thể biến chúng thành những con sóng có độ cao vào m.

Đối phó với sóng thần thế nào?

Sóng thần không thể được dự đoán một cách hoàn toàn chính xác, nhưng có những dấu hiệu có thể báo trước một đợt sóng thần sắp xảy ra.

- Đề phòng sóng thần khi ở gần biển. Cần chú ý theo dõi tin tức về động đất, không chỉ ở khu vực mình đang ở mà cả ở những khu vực khác. Sóng thần có thể tạo nên bởi những trận động đất cách xa hàng ngàn dặm.

- Khi ở gần biển nên chú ý âm thanh lạ. Những người sống sót sau các trận động đất nói rằng họ nghe thấy âm thanh như tiếng tàu chở hàng.

- Khi thấy nước rút nhanh và bất ngờ trong thời gian không phải thủy triều xuống, cần chạy nhanh lên bờ. Nước rút nhanh là dấu hiệu của sóng thần. Nhiều người chết trong trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 là do họ đi ngắm bờ biển khi nước rút xuống nhanh.

Đợt sóng đầu tiên của trận sóng thần không phải đợt sóng nguy hiểm nhất. Vì vậy, nên tránh xa biển cho đến khi chính quyền thông báo tình hình ổn định. Đừng cho rằng sóng thần ở các địa điểm là như nhau. Sóng thần còn có thể vào tận các con sông và suối nối với biển.

- Nếu linh cảm thấy sóng thần sắp xảy ra thì nên tránh xa vùng biển, đừng đợi đến khi có thông báo chính thức của cơ quan chức năng, vì sóng thần thực sự xuất hiện chỉ khoảng 5 phút sau dấu hiệu đầu tiên.

Nguyên nhân phổ biến của sóng thần là do động đất dưới biển. Ngoài ra, sự dịch chuyển địa chất, núi lửa phun trào, va chạm thiên thạch cũng tạo ta sóng thần. Ở vùng nước rộng, các cơn sóng thần kéo dài từ nhiều phút tới nhiều giờ, và chiều dài sóng dài lên tới hàng trăm km.

Sóng thần xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng thường xuyên nhất ở Thái Bình Dương. Một số quốc gia thường phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên này đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiệt hại do sóng thần gây ra. Ở Nhật Bản, các bức tường chắn sóng thần với chiều cao lên tới 4,5 m được xây trước trước những vùng bờ biển có nhiều dân cư sinh sống. Các biện pháp như xây cửa cống và kênh để dẫn dòng nước từ những cơn sóng thần đi hướng khác cũng được thực hiện.

Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp này vẫn chưa rõ ràng vì sóng thần có khi cao tới 30m, gấp nhiều lần chiều cao của tường chắn. Tại một số nơi ở Nhật, tường chỉ có thể làm chậm và giảm độ cao sóng thần chứ không ngăn cản sóng thần hiệu quả.

Tác động của sóng thần có thể được giảm nhẹ bằng cách cây trồng dọc bờ biển. Một số nơi mà trận sóng thần ở Ấn Độ Dương 2004 đổ xuống hầu như không chịu thiệt hại gì nhờ một dải cây như dừa và đước cản. Các nhà hoạt động môi trường đã đề xuất việc trồng cây dọc theo những vùng bờ biển có nguy cơ sóng thần cao.

Theo VNN, Nhật Bản là nước thường xuyên hứng chịu động đất, chiếm tới 20% số vụ trên 6 độ Richter của thế giới. Mới đây nhất là trận động đất 8,9 độ Richter ở bờ biển đông bắc nước này, gây sóng thần cao cả chục m.

Kể từ trận động đất Kanto hủy diệt năm 1923 làm hơn 100.000 thiệt mạng tới nay, Nhật Bản đã trải qua hàng chục vụ động đất và sóng thần lớn.

Trận đại động đất ở Hanshin-Awaji, mạnh 7,2 độ Richter, xảy ra hồi tháng 1/1995 ở khu vực phía nam Hyogo. Nguyên nhân là do chuyển động của một vệt đứt gãy đang hoạt động bên dưới thành phố Kobe. Đây cũng là trận động đất tàn phá cực kỳ nghiêm trọng, với 6.500 người chết, hơn 40.000 người bị thương và hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập.

Hồi tháng 6/1948, hơn 3.700 người thiệt mạng trong một trận động đất 7,3 độ Richter ở thành phố Fukui. Khoảng 67.000 ngôi nhà bị phá hủy. Hơn 550 dư chấn xảy ra trong tháng tiếp theo đó. Một số nguồn tin cho rằng tổng số người chết lên tới 5.390.

Năm 1946, Nhật Bản cũng oằn mình chịu động đất mạnh 8,1 độ Richter ở thành phố Nankaido. Con số thương vong lên tới hơn 1.360 người chết, hơn 2.600 người bị thương và 100 người mất tích. Khoảng 36.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề ở nam Honshu và Shikoku. Một cơn sóng thần cao 6m sau đó đã cuốn phăng hàng nghìn ngôi nhà ra biển. Động đất còn gây ra nứt gãy, trồi lún, lở đất trên toàn khu vực.

Năm 1945, thành phố Mikawa đã chứng kiến cái chết của gần 2.000 người trong một trận động đất 7,1 độ Richter. Hơn 17.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại nặng, chủ yếu ở hai quận Aichi và Gifu.

Năm 1944, động đất 8,1 độ Richter xảy ra ở thành phố Tonankai làm gần 1.000 người chết và khoảng 73.000 ngôi nhà bị phá hủy. Sóng thần xảy ra tiếp sau đó cuốn trôi thêm 3.000 ngôi nhà.

Năm 1943, 1.190 người thiệt mạng trong một trận động đất 7,4 độ Richter ở thành phố Tottori. Khoảng 7.500 ngôi nhà ở khu vực này biến thành đống đổ nát.

Năm 1933, hơn 3.000 người ở thành phố Sanriku đã thiệt mạng sau trận động đất 8,4 độ Richter. Do động đất xảy ra ở ngoài khơi bờ biển Honshu nên thương vong và thiệt hại phần lớn do sóng thần gây ra. Khoảng 5.000 ngôi nhà bị phá hủy, trong đó gần 3.000 ngôi nhà bị sóng cuốn trôi.

Năm 1927, thành phố Tango chứng kiến cái chết của hơn 3.000 người sau trận động đất 7,6 độ Richter.

Tổng hợp

thanhnien.com.vn
dantri.com.vn
Thứ Sáu, 11/03/2011 - 16:41
(Dân trí) - Những cơn sóng thần đầu tiên đã lan tới quần đảo Kuril hôm nay sau khi một trận động đất cực mạnh xảy ra ở ngoài khơi Nhật Bản, khiến giới chức Nga phải sơ tán 11.000 dân.
Sóng thần gây ra do động đất tấn công bờ biển Nhật Bản.
Một đại diện của Trung tâm sóng thần đảo Sakhalin cho biết những cơn sóng thần nhỏ đã lan tới 2 trong số 4 hòn đảo ở cực nam của quần đảo Kuril. Sóng tại đảo Shikotan cao tới 1m và các con sóng trên đảo Kunashir cao 95cm.

“Các con sóng thứ 2 và 3 có thể lớn hơn”, quan chức trên cho biết qua điện thoại từ đảo Sakhalin, nơi đặt trung tâm.

Cùng với 2 đảo Iturup và Habomai, Kunashir và Shikotan là các hòn đảo ở cực nam của chuỗi đảo Kuril vốn là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản.

Trước đó, Nga đã đưa ra cảnh báo sóng thần cho toàn bộ quần đảo Kuril và yêu cầu sơ tán 11.000 dân.

Bộ tài nguyên thiên nhiên Nga cho biết trong một tuyên bố riêng rẽ rằng tất cả các hoạt động kinh tế trên quần đảo đã bị tạm ngừng.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ các vấn đề khẩn cấp Nga Yekaterina Potvorova đã hạ thấp mối đe dọa tiềm năng về sóng thần, nói rằng các con sóng được dự đoán chỉ cao khoảng 2m.

Cảnh báo sóng thần không bao gồm đảo Sakhalin nằm gần quần đảo Kuril, bà Potvorova nói.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật đối với 4 hòn đảo mà Nga gọi là Iturup, Shikotan, Habomai và Kunashir nằm ở bắc đảo Hokkaido của Nhật và được biết đến là Lãnh thổ miền bắc ở Nhật đã ngăn cản Tokyo và Mátxcơva ký hiệp ước hòa bình sau khi chấm dứt Thế chiến II.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm nay cho biết Nga sẵn sàng trợ giúp Nhật Bản để khắc phục hậu quả của thảm họa động đất. “Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp các nước láng giềng khắc phục hậu quả trận động đất rất mạnh này”, ông Medvedev nói trên truyền hình.

An Bình
Theo AFP

thanhnien.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét