Đôla chợ đen nhiều tỉnh thành rút vào hoạt động bí mật

VnExpress:
Thứ năm, 10/3/2011, 12:02 GMT+7Hàng loạt tiệm vàng và cửa hàng thu đổi không phép tại miền Trung, Tây Nguyên tuyên bố ngừng mua bán đôla nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của khách quen.
Các tiệm vàng ở Nghệ An đều thông báo ngừng mua bán đôla. Ảnh: Nguyên Khoa
Các tiệm vàng ở Nghệ An đều thông báo ngừng mua bán đôla. Ảnh: Nguyên Khoa

Lâu nay, người dân Nghệ An mỗi khi có nhu cầu mua, bán đôla thường tìm đến các tiệm vàng lớn ở khu vực Chợ Vinh như Phú Nguyên, Kim Thành Huy, Kim Dung Thông. Nhưng trước thông tin Hà Nội và TP HCM ngừng giao dịch để đề phòng hoạt động kiểm tra xử phạt, từ hôm qua, các điểm này cũng thông báo ngừng mua bán.

Có nhu cầu mua vài chục nghìn đôla đưa người nhà đi chữa bệnh ở nước ngoài nhưng ngại chờ thủ tục ở ngân hàng, chiều 9/3 vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam – chị Nguyễn Thị Lan ở phường Hưng Phúc, thành phố Vinh cùng nhau tìm đến các đại lý thu đổi. Sau một hồi lòng vòng ở các hiệu vàng kiêm các điểm thu đổi ngoại tệ khác quanh khu vực Chợ Vinh và đường Lê Lợi nhưng vợ chồng anh Nam – chị Thủy đều nhận được những cái lắc đầu của chủ tiệm và lời hẹn “dăm ngày nữa mới bán đôla”.

Đường Cao Thắng vốn được xem là “phố vàng và ngoại tệ” ở Nghệ An với hàng chục cửa hàng vàng bạc lớn nhỏ kiêm luôn dịch vụ mua bán ngoại tệ, mấy ngày nay cũng khá yên ắng. Khách đến chủ yếu để mua vàng bởi các điểm này đã ngừng giao dịch đôla.

Hiệu vàng Kim Thành Huy là một trong những thương hiệu lớn, đồng thời là điểm thu đổi ngoại tệ lớn nhất tỉnh Nghệ An ngày thường vốn tấp nập người ra vào giao dịch đủ các loại ngoại tệ nhưng hai ngày qua điểm này chỉ thực hiện nhiệm vụ thu gom ngoại tệ cho các ngân hàng và tuyệt đối không bán ra cho khách.

Giao dịch mua - bán USD trên thị trường tự do tại thành phố Thanh Hoá vẫn hoạt động dù có phần dè dặt hơn trước. Theo ghi nhận của phóng viên, cuối giờ giao dịch sáng nay, tại các cửa hàng thu mua ngoại tệ lớn trên phố Lê Hoàn, Trần Phú, Đào Duy Từ..., khách hàng vẫn có thể mua hoặc bán USD nếu có nhu cầu. Hầu hết các cửa hàng đều từ chối mua hàng công khai vì sợ lực lượng công an và quản lý thị trường xử lý. Tuy nhiên, nếu khách hàng tha thiết thì chủ tiệm vẫn chiếu cố.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ một doanh nghiệp lớn tại Thanh Hoá cho biết, chị không gặp khó khăn gì nếu cần mua, bán USD ở thời điểm hiện tại vì chị là khách hàng ruột của một cửa hàng lớn. Chị Liên cho biết, trưa hôm nay, chị gọi điện đến cửa hàng trên phố Trần Phú hỏi bán đôla, thì chủ của hàng không hề ngần ngại thông báo giá mua vào ở mức hơn 20.130 đồng.

Khi các tiệm vàng ngừng mua bán đôla, bên ngoài đã có một số cò xuất hiện.
Khi các tiệm vàng ngừng mua bán đôla, bên ngoài đã có một số cò xuất hiện. Ảnh: Văn Nguyễn

Trong hai ngày qua, các tiệm vàng ở thành phố Quảng Ngãi cũng trở nên e dè hơn khi giao dịch mua bán vàng bằng đồng đôla. Chủ một tiệm vàng ở đường Ngô Quyền tâm sự: “Nghe thông tin đài, báo nói Hà Nội các cửa hàng ngưng giao dịch đồng đôla, dù chưa hiểu rõ nguyên nhân nhưng mấy ngày qua tui cẩn thận hơn khi khách hàng đến tiệm mua vàng bằng đôla. Khách quen biết lắm thì mình mới bán vàng lấy đôla chứ không như lúc trước”.

Tại Đà Nẵng, nhiều cửa hàng vàng vẫn lén lút giao dịch song rất thận trọng. Khi có khách đặt vấn đề mua vàng bằng đôla qua điện thoại tại một tiệm vàng ở Quận Hải Châu, lúc đầu chủ cửa hàng này hồ hởi đồng ý bán. Nhưng sau đó khi hỏi về giá mua vào bao nhiêu thì chủ tiệm từ chối cung cấp thông tin.

Trên tuyến phố Hùng Vương, Trần Phú (Chợ Hàn), Thái Phiên, Ông Ích Khiêm (Chợ Cồn)… đa số các chủ kinh doanh đều lắc đầu khi được hỏi giá. Một chủ tiệm trên phố Ông Ích Khiêm cho biết mấy ngày nay cửa hàng đã ngưng giao dịch đồng đôla. Các cửa hàng lý giải sợ quản lý thị trường phạt vì bán đôla trái phép nên phải ngừng hoạt động.

Khảo sát của VnExpress.net tại các tiệm vàng ở Quận Hải Châu và Liên Chiểu, giá mua bán dao động từ 21.500 đồng đến 22.000 đồng (cao hơn 700 đồng đến hơn 1.000 đồng so với quy định nhà nước). Còn tại một số tiệm buôn bán máy ảnh, quay phim trên đường Phan Châu Trinh và Nguyễn Văn Linh, giá đôla áp dụng cho việc mua bán các thiết bị là 21.600-21.700 đồng tùy nơi. Các nhân viên bán máy ảnh cho biết chỉ “áng chừng” giá đôla của những ngày trước đó để tính ra Việt Nam đồng bán cho khách.

Đến sáng nay, hầu hết các tiệm vàng ở Thừa Thiên Huế đều công bố không nhận thu đổi ngoại tệ. Nhưng khi có khách quen, họ vẫn tìm cách đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, trước cửa một vài tiệm vàng, xuất hiện nhóm thanh niên gạ hỏi khách và chào giá thu đổi cao.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Đà Lạt. Mặc dù thông báo ngừng giao dịch, nhưng khách quen vẫn có thể mua với số lượng nhiều. Tại một tiệm ở trung tâm thành phố ngày 8/3, chủ tiệm và khách quen vừa hoàn tất giao dịch. Bà chủ nói giá 21.600, khách vội vàng cất xấp đôla mới cứng vào ví, vừa sợ sệt nhìn xung quanh rồi lao ra lấy vội chiếc xe tay ga phóng thẳng.

Khó cho người có nhu cầu thật

Trước tình hình căng thẳng ngoại tệ, nhiều người đi du học ngước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng, thiết bị từ nước ngoài lại càng khó khăn hơn khi mua ở ngân hàng. Chị Trần Thị Hai ở Quảng Ngãi chuẩn bị đi du học nước ngoài nhưng trong những ngày qua đến các ngân hàng rất vất vả vì phải lo đầy đủ thủ tục, giấy tờ. “Đến nhiều tiệm vàng nhưng không được, đến mua ngoại tệ ở ngân hàng thì phải chạy đi chạy lại lo đầy đủ giấy tờ vã mồ hôi mới xong”. Chị Hai thổ lộ.

Chị Vinh buôn bán tạp phẩm khá lớn có chồng chạy xe tải Bắc- Nam và thường xuyên qua sát biên giới Việt Trung than tình trạng ngưng giao dịch đôla ở thị trường tự do đang làm khó cho hoạt động kinh doanh của họ. "Thực sự là rất bất tiện cho tụi này, chi phí xăng dầu đường dài lên tới mấy chục triệu nên mua đôla cầm đi là gọn nhất. Khi lấy tiền cước xe chồng tôi cũng thường mua đôla cho gọn", chị nói. Vợ chồng chị cũng có tài khoản ngân hàng để chuyển khoản khi cần, nhưng do tính chất của nghề, chị vẫn thích cầm tiền tươi.

Trong khi đó, chị Hạnh quê Nam Định đang lo không biết nên bán đôla ở đâu. Có chút tiền, hai vợ chồng tích cóp bằng ngoại tệ, chờ tháng 6 bán đi để xây nhà. "Nhưng giờ các cửa hàng tự do không mua, còn vào ngân hàng lại sợ giá thấp. Chả biết làm sao bây giờ", chị than.

Sau khi bán hơn 10.000 đôla cho đại lí, vợ chồng anh Hải – chị Thủy ở đường Nguyễn Văn Cừ (Nghệ An) vừa mừng vừa lo, mừng vì vẫn còn một điểm thu đổi ngoại tệ duy nhất mua đôla và bán được cao hơn giá ngân hàng, lo vì sợ bán không được giá. “Nghe tin cấm vàng miếng rồi chợ đôla tạm ngừng giao dịch, vợ chồng tui quyết định đi bán đôla để gửi tiết kiệm vì lãi suất tiền gửi thời điểm này cũng cao. Mấy người hàng xóm của chúng tôi đang đoán già đoán non là sẽ cấm luôn đôla chợ đen nên cũng đang thấp thỏm chờ đợi”, chị Thủy cho biết.

Nhận được thông tin hầu hết thị trường đôla chợ đen ở Hà Nội và TP HCM đang ngừng giao dịch nên nhiều người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh bắt đầu muốn bán đôla. Chiều 9/3, đại lí Kim Thành Huy mua đôla với giá 21.450 đồng/USD, mặc dù giá thấp hơn so với những ngày trước nhưng người dân vẫn tấp nập đến bán. Một số người bán với số lượng lớn vẫn ngã giá và được chủ đại lí đồng ý mua với giá 21.500 đồng.

Ảnh: Trí Tín
Giao dịch ngoại tệ tại Vietcombank Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn Quảng Ngãi cũng gặp không ít khó khăn. Bà Lê thị Minh Thoa, Trưởng phòng Kế toán Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi cho biết: “ Để xử lý tình huống, ngày nào có ngoại tệ chúng tôi căn cứ chứng từ hóa đơn hợp lệ bán ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngày đó. Riêng nhà máy lọc dầu Dung Quất trung bình mỗi tháng nhu cầu ngoại tệ hơn 60 triệu USD để nhập dầu thô nên đơn vị này phải vay đôla ở các ngân hàng trên toàn quốc mới đáp ứng đủ”.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Ngô Văn Vinh, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh hiện việc thu đổi ngoại tệ vẫn diễn ra ở tất cả các chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương trên địa bàn. Phía ngân hàng cũng cho phép những khách sạn ở cách xa ngân hàng được phép thu đổi ngoại tệ như khách sạn Century, Hương Giang…

Riêng việc thu đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng, cửa hàng không có phép, phía Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng nghiêm cấm thu đổi ngoại tệ.

Theo quy định hiện hành, chỉ các ngân hàng có giấy phép hoạt động ngoại hối và các đại lý do ngân hàng chỉ định mới được mua bán và cung ứng dịch vụ liên quan đến ngoại tệ. Riêng các đại lý chỉ được phép thu ngoại tệ về bán cho ngân hàng, chứ không được phép bán ra. Người dân có tiền mặt ngoại tệ phải bán cho các đơn vị hoạt động có phép này, nếu không muốn gửi tiết kiệm hoặc cất trữ tại nhà. Các hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ bên ngoài ngân hàng đều bị cấm.

Nhóm phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét